Hội thảo do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã kết hợp với Câu lạc bộ các nhà kinh tế (VEC) và Tập đoàn đầu tư tài chính Green + tổ chức.

PGS, TS. Trần Đình Thiên: Liệu Việt Nam có thể coi đại dịch Covid-19 là cơ hội để thay đổi nền kinh tế tốt nhất hay không?

“Chúng ta có Đà, Thế”

Đặt tên bài phát biểu của mình là: Kinh tế Việt Nam 2021: Điều gì đang chờ đợi?, PGS, TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam chia sẻ rằng, điều ông băn khoăn là liệu Việt Nam có thể coi đại dịch Covid-19 là cơ hội để thay đổi nền kinh tế tốt nhất, để bước sang một trạng thái mới, với một thể trạng mới hay không?

Vị chuyên gia này chỉ rõ, hiện nay chúng ta đang có 3 yếu tố: Đà, Thế và Lực.

“Đà” đó là việc trong 3 năm (2017-2019), Việt Nam đã làm rất tốt việc kiểm soát lạm phát; ổn định vĩ mô; khôi phục tăng trưởng vững chắc. Đây là những năm xoay chuyển tình thế khó khăn của đất nước; hội nhập quốc tế đẳng cấp và quan trọng là xây dựng được lòng tin xã hội.

Năm 2020 mặc dù tăng trưởng đi xuống, nhưng nước ta vẫn là “ngôi sao sáng trong bầu trời kinh tế thế giới tăm tối”.

“Thế” là miền đất lành “hậu Covid”, với các FTA thế hệ mới. “Việt Nam là “ngôi sao trên bầu trời kinh tế thế giới ảm đạm, bắt nhịp kinh tế số và nhảy vọt (“1 năm bằng 10 năm”)”, ông Thiên nói.

“Lực” theo ông Thiên là sự cải thiện toàn tuyến (các thứ bậc trong bảng xếp hạng toàn cầu tăng.

Nhưng, “Lực” Việt Nam có vấn đề

Tuy nhiên, PGS, TS. Trần Đình Thiên cũng nhận định: “Chúng ta đang có Đà và Thế tốt, nhưng “Lực” đang có vấn đề”.

Vị chuyên gia này cũng chỉ rõ: “chúng ta chưa thực sự thay đổi đẳng cấp (nước đang phát triển thu nhập trung bình thấp). Thực lực chưa mạnh, chưa thực sự vững chắc. Nội lực – sức cạnh tranh quốc gia và doanh nghiệp Việt còn yếu, đương đầu nhiều rủi ro, thách thức”.

Điều đáng quan ngại là cấu trúc lực lượng doanh nghiệp Việt Nam, với 96% doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; lực lượng chủ đạo không mạnh, thua lỗ nhiều, suy yếu; hệ thống thiếu trụ cột, ít chuỗi sản xuất Việt; khởi nghiệp sáng tạo mỏng, thiếu bệ đỡ, bị khu vực FDI lấn át.

Ông Thiên cũng chỉ rõ rằng, thắng lợi “kép” của năm 2020 là có giới hạn. “Chúng ta tốn phí chống dịch bao nhiêu? Việc làm và thu nhập dân cư bị ảnh hưởng ra sao? Sức lực doanh nghiệp Việt đang suy giảm.

Điều đáng lưu ý là trong bức tranh kinh tế nói chung ngoại lực đang tăng tốt hơn nội lực và điều này kéo dài suốt từ khi Việt Nam bắt đầu thu hút FDI đến bây giờ.

Dẫn số liệu thống kê quý I/2021, ông Thiên cho biết, xuất khẩu khu vực FDI tăng 28,5%, chiếm 76% kim ngạch xuất khẩu , trong đó: Điện thoại, điện tử, máy tính và linh kiện chiếm trên 98%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng trên 93%; giày dép 82%; dệt may 63%.

Như vậy, “FDI chiếm gần như TẤT CẢ chiếc bánh xuất khẩu của Việt Nam, trong khi chỉ chiếm 25% tổng đầu tư xã hội, 55% giá trị công nghiệp, 18% thu ngân sách và 20% GDP”, ông Thiên tổng kết.

Nhìn ngược lại, thì hàng hóa xuất khẩu bản địa trong quý I/2021 lại rất “èo uột”. Đó là: cà phê giảm 11%; hạt điều -6%; gạo -17%; rau quả +6,1%; cao su +117%; sắn và các sản phẩm từ sắn +53%.

“Nghĩa là: chúng ta vẫn giữ thân phận làm thuê, bằng lao động chân tay, ở đáy chuỗi giá trị. Chúng ta có tăng trưởng, nhưng ít phát triển. Doanh nghiệp Việt đang suy kiệt”, Thiên chua xót.

Trong quý đầu của năm 2021, số lượng doanh nghiệp thành lập mới là 29.300, trong khi số rút lui khỏi thị trường 40.323 doanh nghiệp. Đây là một hiện trạng cần phải xem xét.

Sau dịch chúng ta “Đứng thẳng – bứt phá” hay “Lom khom lối cũ”?

“Mỗi một cuộc khủng hoảng nó lại mang lại cơ hội khác nhau, ta nên nhìn theo góc độ đó”, ông Thiên dẫn dắt. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: Làm gì để tận dụng được cơ hội “ngàn năm có một”?, Làm sao để “Không lãng phí cuộc khủng hoảng?”.

Ông Thiên cho rằng, Việt Nam có nắm bắt được cơ hội để bật lên sau đại dịch hay không phụ thuộc rất lớn vào khả năng “đứng dậy” của bộ phận doanh nghiệp, nhưng có thể không phải là tất cả doanh nghiệp. 96% số doanh nghiệp hiện tại là nhỏ và siêu nhỏ, không có tính kết nối chuỗi. Với cấu trúc kinh tế này, tồn tại trong trạng thái bình thường cũ đã khó chứ đừng nói phát triển được trạng thái “bình thường mới”.

"Nếu cứ chống dịch theo kiểu như hiện nay, khi bầu trời thế giới bừng sáng thì ngôi sao VIệt Nam không thấy đâu", ông lo lắng.

Nguồn lực có hạn của nền kinh tế giống như chiếc chăn quá hẹp, người này co thì kẻ kia hở, vậy phải lựa chọn phân bổ sao cho hợp lý.

“Trong bối cảnh hiện nay, tôi cho rằng, việc giải cứu nền kinh tế phải tập trung vào các doanh nghiệp còn nguồn lực vực dậy, dành nguồn lực cứu trợ để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp. Nếu cứu các doanh nghiệp cũ thì sau dịch bệnh vẫn là nền kinh tế cũ (siêu nhỏ, nhỏ và vừa). Nếu cứu các doanh nghiệp khởi nghiệp thì chúng ta sẽ có nguồn lực mới, nền kinh tế mới. Tôi xin nhấn mạnh là phải cứu nền kinh tế tương lai, tức là nền kinh tế mà sau này Covid-19 đi qua thì nó có chân dung khác”, ông Thiên đưa quan điểm.

Dịch Covid-19 có thể coi là cơ hội để thay đổi nền kinh tế tốt nhất, để bước sang một trạng thái mới, với một thể trạng mới.

Nhìn chung, chuyển đổi số khiến cho tất cả các phương diện từ kinh tế đến xã hội và hoạt động quản lý nhà nước đều thay đổi. Sự thay đổi này khẳng định: Nền kinh tế số đang thay đổi nền kinh tế thực, hay còn gọi là nền kinh tế vật thể. Nền kinh tế vật thể muốn tồn tại được cần phải số hóa và tích hợp với nền kinh tế số, nếu không sẽ không thể lớn mạnh.

Theo ông Thiên, thế giới đang chuyển sang xã hội số - nền kinh tế số (“tranh tối tranh sáng”); Thời đại “thoát cũ, nhập mới”. “Hiện nay là thời đại đột phá – sáng tạo: dành cho các anh hùng - người tài”,vị chuyên gia này khẳng định.

“Cơ hội của Việt Nam giờ đây không thể đo bằng GDP, đo bằng xuất khẩu, mà phải bằng sự phát triển của doanh nghiệp trong nước, bằng thực lực nền kinh tế phải lớn mạnh, cấu trúc kinh tế phải thay đổi, có lực lượng lao động được đào tạo bài bản, trình độ cao. Việt Nam không thể chuyển sang nền kinh tế số khi mà nhân lực chủ yếu vẫn là lao động chân tay, làm gia công trong các khu công nghiệp”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Ông cũng chỉ rõ rằng, hiện miếng bánh cơ hội là “lớn và lớn khác thường”, vì: nguồn lực vô tận và không gian phát triển vô tận do bản chất kinh tế số - mạng internet, do bản chất đổi mới – sáng tạo.

Trong nền kinh tế số, không phải chỉ có các doanh nghiệp mà cả Nhà nước, xã hội cũng cần có một hệ thống quản lý và cơ chế vận hành “số” để thay đổi.

Hai phần của miếng bánh trong giai đoạn “chuyển đổi số” theo ông Thiên cần lưu ý là: Tạo lập nền kinh tế - xã hội “số” và số hóa nền kinh tế - xã hội truyền thống./.