VIỆT NAM ĐANG “ĐI NGƯỢC” VỚI THẾ GIỚI?

Trước Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra tại Glasgow (Vương quốc Anh), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Bốn mục tiêu quan trọng của Chiến lược này là: giảm phát thải khí nhà kính; xanh hóa các ngành kinh tế; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; xanh hóa quá trình chuyển đổi.

Mục tiêu đầu tiên là giảm cường độ phát thải khí nhà kính, bởi phát thải nhà kính ngày càng tăng là nguyên nhân chính dẫn đến biến đổi khí hậu toàn cầu. Tại COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: “Biến đổi khí hậu đã thực sự trở thành thách thức lớn nhất đối với nhân loại. Các hiện tượng thời tiết cực đoan và tình trạng nước biển dâng đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, đến sự phát triển bền vững, thậm chí đe dọa sự tồn vong của nhiều quốc gia và cộng đồng dân cư của chúng ta” và Việt Nam “là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất do biến đổi khí hậu”.

Khả năng thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại COP26
Tại Việt Nam, đến năm 2020, tổng khí nhà kính của Việt Nam đã lên khoảng 350 triệu tấn CO2 tương đương, trong đó trên 60% từ lĩnh vực năng lượng. Dự báo năm 2030 sẽ lên tới gần 700 triệu tấn CO2 tương đương, trong đó lĩnh vực năng lượng đóng góp trên 75%...

Các nguồn phát thải khí nhà kính toàn cầu đến từ: (i) lĩnh vực năng lượng - nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất hiện nay, đóng góp đến trên 90% lượng CO2 và 75% lượng phát thải khí nhà kính khác, như CH4, N2O...; (ii) lĩnh vực quy trình công nghệ và sử dụng sản phẩm không nhằm mục đích sản xuất năng lượng; (iii) lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất (trồng lúa, đất canh tác, chăn nuôi, đốt rừng...), tuy nhiên trong lĩnh vực này nếu bảo vệ và mở rộng diện tích rừng lại góp phần giảm khí nhà kính; (iv) liên quan đến chất thải (rắn, nước, khí...)...

Trong lĩnh vực năng lượng, phát thải khí nhà kính chủ yếu do đốt cháy nhiên liệu hóa thạch, chiếm tới 70% tổng lượng phát thải, nhất là từ các nhà máy điện, nhà máy lọc dầu và các hoạt động giao thông vận tải; ngoài ra còn do các phát thải tức thời như sự rò rỉ lượng khí, hơi từ các thiết bị nén không mong muốn, không thường xuyên từ quá trình khai thác, chế biến, vận chuyển nhiên liệu...); cuối cùng là các hoạt động thu hồi lưu trữ các bon.

Tại Việt Nam, nguồn phát thải từ lĩnh vực năng lượng tăng nhanh, năm 2014 gấp hơn 6 lần năm 1994. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến năm 2020, tổng khí nhà kính của Việt Nam đã lên khoảng 350 triệu tấn CO2 tương đương, trong đó trên 60% từ lĩnh vực năng lượng, và dự báo năm 2030 sẽ lên tới gần 700 triệu tấn CO2 tương đương, trong đó lĩnh vực năng lượng đóng góp trên 75%.

Các nguồn năng lượng khác nhau lại phát thải khí nhà kính ở mức độ khác nhau. Nếu tính lượng CO2 trên một kwh, thì lượng phát thải khí nhà kính của điện than gấp 244,5 lần từ thủy điện, gấp 44 lần đến 326 lần từ điện gió, gấp 12,2 lần đến 16,3 lần từ nguồn điện mặt trời... Chính vì vậy, để giảm khí nhà kính, không có cách nào khác là tập trung giảm khí nhà kính từ nguồn điện than.

Các nước phát triển đã dừng xây dựng các nhà máy điện than, rỡ bỏ các nhà máy điện than cũ và để đáp ứng nhu cầu điện cho sự phát triển kinh tế - xã hội, họ sẽ phát triển các nguồn điện khác, mà chủ yếu là từ năng lượng tái tạo. Kể từ Thỏa thuận Paris 2015 đến nay, số dự án điện than được đề xuất xây mới đã bị loại bỏ lên đến 76%. Đã có 44 nước cam kết không xây nhà máy điện than mới và 40 quốc gia đang sẵn sàng cam kết tương tự, sau khi hủy bỏ các dự án điện than đã được đề xuất trước đó. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) ngày 1/12/2021 dự báo, năng lượng tái tạo sẽ chiếm gần 95% mức tăng công suất điện trên thế giới đến 2026. Trong báo cáo World Energy Outlook 2021 của IEA, đã có 130 quốc gia cam kết nâng công suất các nguồn điện sạch và dự kiến đến năm 2030 sẽ đạt 30% (hiện nay là 9,4%). Năm 2018, toàn khối EU đã đạt tỷ lệ năng lượng tái tạo tăng đáng kể, chỉ riêng tỷ lệ năng lượng mặt trời và gió được xếp vào loại năng lượng tái tạo biến đổi VRE (Variable Renewable Energy –VRE) trên tổng sản lượng điện năng của quốc gia trên 15%, trong đó Ireland, Đức, Hy Lạp trên 30%, Đan Mạch trên 60%. Tỷ lệ này trên toàn cầu hiện nay là 9,4% và sẽ tăng lên 30% vào 2030 .

Tuy nhiên, ở Việt Nam, sản lượng điện than tăng 9 lần sau 10 năm (2010-2020), trong khi tổng sản lượng điện chỉ tăng 3 lần. Thậm chí, theo dự thảo Quy hoạch Điện 8, chúng ta vẫn tiếp tục xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới trong giai đoạn 2021-2035 (27 nhà máy điện than với tổng công suất tăng thêm 30.792 MW); còn từ nguồn năng lượng tái tạo tuy có tăng, nhưng đến năm 2030, tỷ lệ VRE ở nước ta cũng chỉ đạt tối đa 12,5%.

Như vậy, nếu thực hiện theo dự thảo Quy hoạch Điện 8 này, Việt Nam trở thành “cường quốc” nhiệt điện than trên toàn cầu, đi ngược với xu thế của thế giới và càng xa với mục tiêu góp phần trách nhiệm cùng các nước thực hiện giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu xuống dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và theo đuổi nỗ lực hạn chế mức tăng nhiệt độ lên 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp... đã được ghi nhận tại Điều 2.1a của Thỏa thuận Paris 2015.

BIẾN NGUY THÀNH CƠ

Dự báo, dự thảo Quy hoạch Điện 8 sẽ sớm được điều chỉnh, trong đó loại bỏ các dự án nhiệt điện than dự kiến xây dựng mới trong giai đoạn 2021-2035; xây dựng và đầu tư nhiều hơn vào các dự án sử dụng năng lượng tái tạo, đặc biệt năng lượng gió và mặt trời...

Tại COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tuyên bố: “Về phần mình, mặc dù là nước đang phát triển mới chỉ bắt đầu tiến trình công nghiệp hóa trong hơn ba thập kỷ qua, Việt Nam là một nước có lợi thế về năng lượng tái tạo, sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát khí thải nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050”.

Tuyên bố trên đã được các quốc gia, Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế hoan nghênh cùng với những hứa hẹn hỗ trợ Việt Nam về tài chính, về công nghệ... để thực hiện cam kết này.

Chúng ta hy vọng có thể thực hiện cam kết này vì:

Thứ nhất, từ Thỏa thuận Paris 2015 đến COP26 vừa qua, thấy rõ quyết tâm và đồng lòng của cả nhân loại cùng chung tay trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Nhiều quốc gia đã hành động nhanh và mạnh để giảm khí nhà kính, đã và sẽ tăng việc hỗ trợ tài chính, công nghệ để các nước đang phát triển phát triển năng lượng tái tạo, thậm chí nhiều nước đã tuyên bố và thực hiện dừng hỗ trợ các dự án điện than cho các nước. Cũng tại COP26, Thủ tướng Italia Mario Draghi tuyên bố các nước G20 sẽ dừng cung cấp tài chính cho các dự án điện than vào cuối năm nay. Hay Nhật Bản, Hàn Quốc là hai trong ba quốc gia từng tài trợ cho nhiệt điện than Việt Nam cũng đã cam kết chấm dứt tài trợ điện than ở nước ngoài...

Nhờ công nghệ mới và phương pháp quản lý điện gió, điện mặt trời, nên giá thành xây dựng các nhà máy điện gió, điện mặt trời giảm rất nhiều (giá điện gió giảm 50%, điện mặt trời giảm 85%). Chỉ sau 10 năm là cơ hội để Việt Nam mạnh mẽ thúc đẩy đầu tư vào 2 nguồn điện này.

Thứ hai, lãnh đạo Việt Nam có tầm nhìn và quyết tâm về vấn đề giảm khí nhà kính, tham gia đầy đủ có trách nhiệm với cộng đồng thế giới. Cũng phải nhắc lại, ngay sau Thỏa thuận Paris 2015, từ năm 2016, Chính phủ Việt Nam đã chú ý tới phát triển năng lượng sạch. Và cũng ngay sau tuyên bố của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại COP26, ngày 4/11/2021, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng đại diện lãnh đạo hơn 40 quốc gia đã ký vào Tuyên bố toàn cầu về việc chuyển đổi từ điện than sang năng lượng sạch. Tuyên bố này bao gồm những hành động chuyển dịch từ sản xuất điện than hiện có sang điện sạch chậm nhất vào thập niên 40; ngừng xây mới các nhà máy điện than, chấm dứt nguồn hỗ trợ mới và trực tiếp của Chính phủ đối với điện than trên toàn thế giới từ thời điểm ký tuyên bố này.

Đồng thời, Việt Nam cũng kịp thời thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết tại COP26. Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo thực hiện các chương trình, dự án với nhiệm vụ ưu tiên ứng phó các biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26. Việt Nam cũng đã có ít nhiều kinh nghiệm để phát triển năng lượng tái tạo trong thời gian qua.

Như vậy, chắc chắn dự thảo Quy hoạch Điện 8 sẽ sớm được điều chỉnh, trong đó phải loại bỏ các dự án nhiệt điện than sẽ xây dựng mới trong giai đoạn 2021-2035; xây dựng và đầu tư nhiều hơn vào các dự án sử dụng năng lượng tái tạo, đặc biệt năng lượng gió và mặt trời, bởi nhu cầu về điện năng tiếp tục tăng nhanh trong các năm tới. Vấn đề này đã nhận được sự đồng thuận và tham gia của các công ty và tập đoàn tư nhân. Theo nguồn tin của Báo Đầu tư (ngày 8/12/2021), 55 địa phương đã gửi đề xuất tới Bộ Công Thương với tổng công suất nguồn điện mới lên tới 440 nghìn MW, mà hầu hết là các dự án từ nguồn năng lượng tái tạo và điện khí LNG, do các công ty, tập đoàn tư nhân hoặc liên doanh với nước ngoài, cùng các dự án FDI; chưa kể việc tham gia của các hộ gia đình các doanh nghiệp về lắp đặt điện áp mái... (tuy công suất không nhiều).

Thứ ba, nước ta có nhiều tiềm năng về năng lượng tái tạo. Chính lợi thế này là cơ sở để phát triền năng lượng tái tạo, để sớm “chia tay” với điện than cùng với các chính sách nhằm phát triển năng lượng tái tạo trong thời gian qua và thời gian tới…/.