Khát vọng chung của Việt Nam năm 2035: Thế nào?
Khát vọng dân giàu, nước mạnh…
Tại Báo cáo Việt Nam 2035, các chuyên gia Việt Nam và Worldbank đã phác họa khát vọng chung của Việt Nam đến năm 2035 như sau:
Một xã hội thịnh vượng, có thu nhập ở mức trung bình cao của thế giới. Năm 2035, tiềm lực và vị thế của quốc gia được nâng cao. Nền kinh tế thị trường được dẫn dắt bởi khu vực tư nhân, có năng lực cạnh tranh cao và hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu. Các ngành kinh tế hiện đại và kinh tế tri thức được phát triển trong mạng lưới các đô thị hiện đại kết nối tốt và hiệu quả sẽ thúc đẩy tăng trưởng.
Một xã hội hiện đại, sáng tạo và dân chủ với vai trò làm động lực thúc đẩy phát triển trong tương lai. Trọng tâm là hình thành một môi trường mở và tự do để khuyến khích mọi công dân học hỏi và sáng tạo. Mọi người dân được đảm bảo bình đẳng về cơ hội phát triển và được tự do theo đuổi nghề nghiệp, đồng thời phải hoàn thành trách nhiệm của mình, mà không coi nhẹ lợi ích của dân tộc và cộng đồng.
Một nhà nước pháp quyền hiệu quả và đảm bảo trách nhiệm giải trình. Mối quan hệ giữa nhà nước với người dân và giữa nhà nước với thị trường cần được làm rõ. Nhà nước sẽ thực hiện các chức năng cơ bản của mình một cách hiệu quả, trong đó bao gồm: xây dựng và thực thi pháp luật, xử lý quan hệ quốc tế, đảm bảo trật tự công cộng và an ninh quốc gia, đảm bảo thị trường vận hành tự do; đồng thời giải quyết được các thất bại thị trường.
Nhà nước thiết lập các thể chế xã hội vững mạnh nhằm đảm bảo quyền lực thuộc về nhân dân, tăng cường trách nhiệm giải trình.
Quốc hội sẽ bao gồm các đại biểu chuyên trách với trình độ chuyên môn cao và có khả năng tự chủ về thể chế để đại diện cho nhân dân, thực hiện giám sát về hành pháp; phê chuẩn và ban hành các bộ luật có chất lượng. Tương tự như vậy, tư pháp sẽ có một vị trí phù hợp, với quyền tự chủ và năng lực mạnh mẽ để giải quyết các tranh chấp trong một xã hội và một nền kinh tế đa dạng hơn.
Bộ máy hành pháp sẽ được tổ chức tốt theo chiều dọc và chiều ngang với các chức năng rõ ràng từ trung ương đến địa phương.
Một xã hội văn minh, trong đó mỗi người dân và mỗi tổ chức chính trị xã hội (toàn bộ hệ thống chính trị) được bình đẳng trước pháp luật. Nền tảng
của xã hội đó là một xã hội có tổ chức xã hội của người dân vững mạnh và đa dạng có thể thực hiện các quyền cơ bản, trong đó có quyền dân chủ trực tiếp của người dân, quyền tiếp cận thông tin và lập hội.
Một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng các quốc gia trên toàn cầu, tham gia xây dựng các liên minh toàn cầu và hoàn thành các trách nhiệm toàn cầu, hướng tới hòa bình, an ninh và chủ động tìm kiếm các cơ hội hội nhập kinh tế khu vực và toàn cầu.
Một môi trường bền vững. Việt Nam sẽ đảm bảo chất lượng không khí, đất và nước. Việt Nam sẽ lồng ghép vấn đề hình thành khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu vào quy hoạch kinh tế, chính sách xã hội và đầu tư hạ tầng để giảm thiểu rủi ro về biến đổi khí hậu. Việt Nam cũng sẽ phát triển các nguồn năng lượng đa dạng, sạch và an toàn.
Năm 2035, GDP bình quân đầu người tối thiểu phải đạt 18.000 USD
Báo cáo dẫn Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 đặt ra mục tiêu “đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.
Báo cáo chỉ rõ, khái niệm nền kinh tế “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” được chấp nhận rộng rãi, nhưng chưa công bố tiêu chí rõ ràng.
Mặc dù mọi định nghĩa đưa ra đều mang tính chủ quan, một số nghiên cứu đề xuất một số tiêu chí định lượng để hoàn thành mục tiêu đó: (l) GDP bình quân đầu người đạt tối thiểu 18.000 USD (tính theo sức mua tương đương bằng USD năm 2011), gần tương đương với mức của Malaysia năm 2010; (2) Đa số người dân sống tại khu vực đô thị (trên 50%); (3) Tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ chiếm trên 90% GDP và trên 70% lao động nền kinh tế làm việc trong các ngành công nghiệp và dịch vụ; (4) Tỷ trọng đóng góp của kinh tế tư nhân trong GDP chiếm tối thiểu 80%; (5) Chỉ số phát triển con người đạt trên 0,7.
Vậy điều kiện nào để có thể trở thành một nền kinh tế công nghiệp hiện đại vào năm 2035?
Trả lời câu hỏi này, báo cáo dẫn số liệu GDP bình quân đầu người khoảng 5.370 USD (tính theo sức mua tương đương bằng USD năm 2011) vào năm 2014 và chỉ ra rằng, trong vòng 20 năm tới tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người tối thiểu phải đạt 6,0%/năm, thì mới tiến tới mốc 18.000 USD (tính theo sức mua tương đương bằng USD năm 2011) vào năm 2035.
Đây là tỷ lệ tăng trưởng cao hơn hẳn so với tỷ lệ tăng trưởng bình quân theo đầu người là 5,5%/năm trong giai đoạn 1990-2014 và cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ tăng trưởng 3,8%/năm của các nước thu nhập trung bình trong cùng thời kỳ.
Với tốc độ tăng trưởng thấp hơn, khả thi hơn (nhưng vẫn là tham vọng) ở mức 5%/năm (là tốc độ tăng trưởng bình quân của Việt Nam 10 năm
qua), GDP theo đầu người sẽ lên đến 15.000 USD vào năm 2035 và đưa Việt Nam ngang hàng Brazin năm 2014 và đạt 18.000 USD vào năm 2040. Với lộ trình tăng trưởng trên 7%/năm (chỉ tiêu tăng trưởng theo khát vọng của Việt Nam), GDP theo đầu người sẽ đạt xấp xỉ 22.200 USD, tương đương với mức thu nhập của Hàn Quốc năm 2002 hoặc của Malaysia năm 2013.
Tốc độ tăng trưởng cao hơn đó sẽ giúp Việt Nam đuổi kịp Indonesia và Philippines.
Ngoài ra, ít nhất 54 triệu trong số 108 triệu người Việt Nam sẽ sinhsống tại đô thị vào năm 2035, nghĩa là tăng thêm 25 triệu dân đô thị so với hiện nay.
Như vậy, tỷ lệ đô thị hóa hiện nay vào khoảng 33%, cần tăng thêm 1-2% mỗi năm mới hoàn thành chỉ tiêu này, phù hợp với tốc độ trong 20 năm qua. Các ngành phi nông nghiệp tăng trưởng nhanh gấp đôi so với nông nghiệp kể từ thập kỷ 1990.
Tỷ lệ 2:1 về tốc độ tăng trưởng trên cũng được đưa vào dự báo cho hai thập kỷ tới, kể cả khi tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đã đạt mức tiềm năng là 3,0% - 3,5%. Đó là điều kiện để tỷ trọng các ngành phi nông nghiệp chiếm 90% trong nền kinh tế.
Nếu khả thi, khu vực tư nhân có thể đóng góp đến 80% GDP, đây sẽ là sự thay đổi hoàn toàn so với trước đây. Kể từ khi tiến hành Đổi mới đến nay, tỷ trọng khu vực công luôn dao động ở mức 33% GDP, điều đó có nghĩa là cần có những nỗ lực có ý nghĩa hơn nhằm tái cơ cấu doanhnghiệp nhà nước (bao gồm cả cổ phần hoá nhiều hơn) và để khuyến khích khu vực tư nhân phát triển hơn nữa.
Vấn đề đặt ra làm thế nào để hiện thực hóa khát vọng đó?
Để hiện thực hóa khát vọng trên, theo các chuyên gia, Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm.Trong đó, các chuyên gia đề xuất sáu chuyển đổi lớn, hay nói cách khác là sáu đột phá cần phải thực hiện: (i) Xây dựng thể chế hiện đại; (ii) Hiện đại hóa nền kinh tế và phát triển khu vực tư nhân trong nước có năng lực cạnh tranh cao; (iii) Phát triển năng lực đổi mới sáng tạo; (iv) Thúc đẩy h.a nhập xã hội; (v) Tăng trưởng có khả năng chống chịu với khí hậu; (vi) Chuyển dịch không gian phát triển.
Sáu đột phá trên là cơ sở cho hiện thực hóa khát vọng, đồng thời cũng chính là những mục tiêu cần đạt tới vào năm 2035, bao gồm trong ba trụ cột: (i) thịnh vượng về kinh tế đi đôi với bền vững về môi trường; (ii) công bằng và hòa nhập xã hội; (iii) năng lực và trách nhiệm giải trình của nhà nước./.
Bình luận