Kịch bản nào cho chính sách thắt chặt tiền tệ của Fed?
Lãi suất cơ bản của Fed từ 2004 đến nay – Nguồn : Forexfactory
Cục dự trữ liên bang Mỹ đang phải cân nhắc quyết định mang tính lịch sử
Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ có cuộc họp được xem là sự kiện kịch tính nhất trong nhiều năm qua, khi quyết định giữ hay tăng lãi suất cơ bản của Fed trong cuộc họp này sẽ ảnh hưởng lớn đến kinh tế toàn cầu.
Cuộc họp tháng 9/2015, kéo dài hai ngày từ 16/9 đến 17/9, của Ủy ban thị trường mở Liên Bang (FOMC) thuộc Fed là 1 trong 3 cuộc họp cuối cùng của Fed trong năm 2015 về chính sách tiền tệ và là cuộc họp có họp báo.
Quyết định lãi suất cơ bản của Fed (Federal Funds Rate) sẽ công bố ngay sau cuộc họp, đồng thời FOMC sẽ phát hành “Báo cáo đánh giá tình hình lạm phát và triển vọng kinh tế Mỹ trong 2 năm tới” (FOMC Economic Projections) và ra thông cáo về kết quả cuộc họp (FOMC Statement) lúc 1 giờ sáng ngày 18/9 (giờ Việt Nam). Chủ tịch Fed, bà Yellen, sẽ có họp báo quan trọng (FOMC Press Conference) sau đó 30 phút, lúc 1 giờ 30, 18/9 (giờ Việt Nam).
Theo khảo sát mới nhất của Bloomberg, tỷ lệ cược Fed tăng lãi suất trong cuộc họp ngày 16 và 17/9 là 28%, tỷ lệ trong tháng 12 lên tới 58.7%.
Trước đó, trong 19 chuyên gia kinh tế và chiến lược gia đầu tư tham gia khảo sát của Action Economics (một công ty chuyên nghiên cứu thị trường tiền tệ) vào ngày 11/9, có 11 người - tương đương 58% - dự báo Fed vẫn sẽ trì hoãn kế hoạch tăng lãi suất cơ bản sau những biến động tiêu cực gần đây trên thị trường tài chính toàn cầu. Trên thực tế, tỷ lệ này đã tăng liên tiếp trong 2 tuần qua.
Nếu Fed quyết định tăng lãi suất cơ bản đồng nghĩa với việc FED sẽ chấm dứt thời kỳ nới lỏng tiền tệ kỷ lục bắt đầu từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Khi đó, FED đã hạ lãi suất cơ bản liên tục trong nhiều lần, từ mức 5,25% xuống gần 0%, khiến thị trường chứng khoán tăng liên tiếp 6 năm.
Kinh tế toàn cầu đang bất ổn
Kinh tế toàn cầu trong thời điểm hiện nay đang có nhiều bất ổn, tiêu biểu nhất là sóng gió trên thị trường Trung Quốc và sự trượt giá mạnh mẽ của các đồng tiền của các thị trường mới nổi.
Các số liệu kinh tế của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, đang gây thất vọng. Những biến động tiêu cực trên thị trường chứng khoán, các quyết định phá giá đồng nội tệ của Trung Quốc đang ảnh hưởng xấu tới các thị trường toàn cầu.
Brazil, nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới, bị hạ mức xếp hạng tín nhiệm xuống hạng “rác” khiến đồng nội tệ BRL của Brazil giảm thấp nhất trong hơn 12 năm qua khiến Ngân hàng Trung ương Brazil (BCB) đã phải bơm 1,5 tỷ USD vào hệ thống tài chính để cứu đồng tiền của mình vào ngày thứ Năm.
Đồng tiền của các quốc gia châu Á đều sụt giảm, dẫn đầu là đồng Rupiah của Indonesia và Won của Hàn Quốc, do lo ngại về suy thoái kinh tế tại Trung Quốc đang ngày càng gia tăng và triển vọng Fed tăng lãi suất cơ bản trong năm 2015.
Các đồng tiền Châu Á và các thị trường mới nổi đang mất giá so với USD
New Zealand hôm 10/9 phải cắt giảm lãi suất lần thứ 3 trong 3 tháng, góp phần làm gia tăng xu hướng giảm giá mạnh mẽ của các đồng tiền của các thị trường mới nổi, các đồng tiền Châu Á.
Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc giữ lãi suất cơ bản ở mức 1.5% trong cuộc họp tuần qua nhưng vẫn không ngăn được sự giảm giá của đồng Won. Đồng Won suy yếu hơn do những biến động trên thị trường toàn cầu và những lo ngại về nền kinh tế của các nước mới nổi. Đồng Won cũng chịu áp lực khi các nhà đầu tư ngoại bán ra các cổ phiếu Hàn Quốc.
Các đồng tiền châu Á khác, như: Ringgit, Rupee, VNĐ cũng giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua.
Tại Anh, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) tiếp tục giữ lãi suất ở mức thấp kỷ lục, trước những lo ngại tăng trưởng chậm tại Trung Quốc có nguy cơ ảnh hưởng đến thị trường toàn cầu. BOE nhấn mạnh, rủi ro đối với nền kinh tế Anh đang có xu hướng tăng dần trong tháng 9 so với tháng 8. Những quan ngại về đà phục hồi của nền kinh tế trong nước, cùng với các tác nhân bên ngoài như khủng hoảng thị trường chứng khoán toàn cầu hồi mùa hè, là những lý do chủ chốt có thể khiến BOE trì hoãn kế hoạch “thắt chặt tiền tệ”.
ECB chính thức áp dụng chương trình mua trái phiếu trị giá 1.1 ngàn tỷ EUR vào tháng 1/2015 nhằm hỗ trợ đà phục hồi của nền kinh tế Eurozone. Chủ tịch ECB, Mario Draghi, vừa cho biết chương trình này có thể kéo dài sang năm 2016 nếu cần thiết.
Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble vừa cảnh báo kinh tế toàn cầu đang đối mặt với nguy cơ bong bóng tài chính bắt nguồn từ hành động bơm tiền mặt vào nền kinh tế của các ngân hàng trung ương (NHTW).
Giá cả hàng hóa suy giảm liên tục
Sự bất ổn tại Trung Quốc và sự tăng giá của đồng USD là hai nguyên nhân hàng đầu khiến giá cả hàng hóa đi xuống, khiến nhiều quốc gia lâm vào tình trạng giảm phát kéo dài. Giá năng lượng giảm sâu càng khiến tình trạng giảm phát thêm nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế toàn cầu đang rất mong manh kể từ cuộc Đại suy thoái năm 2008.
Chỉ số giá thực phẩm của Tổ chức lương thực và nông nghiệp Liên Hợp Quốc trong tháng 8 đã có lần lao dốc theo tháng mạnh nhất tính từ tháng 12/2008 xuống còn 155.7 điểm, chạm đáy tính từ tháng 4/2009.
Cà phê, mía đường, cao su và nhiều loại nông sản khác cũng không ngoại lệ khi đang giảm về vùng giá thấp nhất trong nhiều năm qua.
Trong khi đó, tới thời điểm đầu năm 2015, giá dầu đã giảm 51% còn giá vàng đã giảm 11.08%.
Những lý do khiến Fed chưa thể tăng lãi suất
Joseph LaVorgna (Mỹ), kinh tế trưởng của Deutsche Bank AG, vừa nêu 7 lý do khiến Fed chưa thể hành động tại cuộc họp chính sách sắp diễn ra.
1. Các thị trường chứng khoán toàn cầu vẫn còn khá mong manh
2. Chỉ số đồng USD - chỉ báo quan trọng của Fed - tiếp tục tăng mạnh
3. Các thị trường tài chính vẫn chưa chuẩn bị tốt cho việc nâng lãi suất
4. Các thành viên chủ chốt của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) dường như đang rút lại sự ủng hộ đối với việc nâng lãi suất trong tháng 9
5. Fed vẫn còn 2 cơ hội nâng lãi suất trong năm nay trong cuộc họp cuối tháng 10 và trong tháng 12.
6. Vì vẫn còn 2 cuộc họp nữa nên Fed không sợ đánh mất niềm tin của thị trường
7. Lạm phát chưa có dấu hiệu sớm tăng trở lại
Chủ tịch Fed, bà Yellen - Ảnh : Bloomberg
Những kịch bản cho kết quả cuộc họp FOMC vào trung tuần tháng 9/2015:
1. Không tăng lãi suất - Fed sẽ bị mất tín nhiệm
Trong 3 năm qua, hầu hết các nhà điều hành chính sách tiền tệ của Fed đều dự đoán sẽ bắt đầu thắt chặt tiền tệ trong năm 2015, nhưng nếu như thực tế Fed không quyết định tăng lãi suất cơ bản trong năm 2015 thì tín nhiệm của Fed sẽ bị hạ thấp.
Chủ tịch Fed, bà Yellen đã từng nói sẽ cần phải tăng lãi suất trong năm 2015 và “sẽ hành động phụ thuộc vào các dữ liệu kinh tế”. Và hiện nay, nếu xét về các dữ liệu kinh tế Mỹ trong năm 2015 thì thời cơ đã chin mùi.
Michael Feroli, nhà kinh tế trưởng tại JPMorgan Securities LLC, New York và cựu nhà kinh tế của Fed Board cho biết: “Không tăng lãi suất dường như sẽ đi ngược lại thông điệp phụ thuộc vào số liệu kinh tế. Họ đã thay đổi thông điệp, giờ đây phụ thuộc vào số liệu còn bao gồm cả các thị trường tài chính nữa.”
2. Không tăng lãi suất - Kế hoạch thắt
Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ đang là 5,1% và có thể chạm mức thấp là 4.8% vào cuối năm nay. Neil Dutta, trưởng bộ phận kinh tế Mỹ tại Renaissance Macro Research LLC, New York nhận định rằng, tỷ lệ thất nghiệp càng thấp thì càng có khả năng lạm phát tiền lương sẽ xảy ra. dẫn đến chi phí lao động tăng cao hơn.
Một số phân khúc của thị trường tín dụng tiếp tục nóng lên, và Fed bắt đầu cảm thấy đã chờ đợi quá lâu cho một quyết định thay đổi chính sách tiền tệ.
Trong khi đó, cho vay bất động sản thương mại tăng 9,6% trong tháng 6 và 12.5% hàng năm trong tháng 7. Thị trường cho vay rủi ro cao, lợi nhuận cao này ở Mỹ đang khởi sắc trở lại sau khi suy yếu trong tháng 8.
Dutta cho rằng Fed chờ đợi càng lâu thì càng rủi ro cho quá trình tăng lãi suất từ từ.
3. Tăng lãi suất - Nền kinh tế toàn cầu chưa ổn định
Nhu cầu suy yếu từ Trung Quốc đã tác động tiêu cực tới phát triển kinh tế toàn cầu.
IMF đã từng cho rằng Fed nên trì hoãn việc nâng lãi suất cho đến năm sau, hôm 1/9 phát biểu rằng triển vọng kinh tế toàn cầu đang tồi tệ hơn những gì mà quỹ đã dự báo trong 2 tháng trước.
Ray Dalio, nhà sáng lập quỹ quản lý tài sản Bridgewater Associates, nhận thấy tình trạng giảm phát đang xảy ra trên phạm vi toàn cầu và dự báo Fed sẽ phải bơm tiền vào nền kinh tế để bảo vệ Mỹ khỏi rủi ro. Fed tăng lãi suất có thể khiến đồng tiền tại các thị trường mới nổi bị phá giá mạnh hơn so với đồng USD, khiến nợ của họ tính theo USD sẽ phình lên nhanh chóng.
4. Tăng lãi suất - Fed không coi trọng lạm phát
Chỉ số tiêu dùng cá nhân PCE, công cụ đo lường lạm phát ưa thích của Fed, đã ở dưới mức mục tiêu 2% của Fed trong 39 tháng qua. Hồi tháng 7, chỉ số này chỉ tăng 0.3% so với một năm trước đó.
Các nhà hoạch định chính sách của Fed hồi tháng 6 dự báo rằng PCE sẽ leo lên mức mục tiêu vào cuối năm tới do tác động tiêu cực của đồng USD mạnh và giá dầu thấp sẽ giảm bớt đi. Tuy nhiên, biên bản cuộc họp tháng 7 lại dự đoán lạm phát sẽ vẫn tiếp tục ở dưới mức mục tiêu 2% trong giai đoạn 2016 - 2017.
Julia Coronado, nhà kinh tế trưởng tại Graham Capital Management cho biết: “Nếu Fed hành động trong tháng 9, có nghĩa Fed không quá chú trọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng như lạm phát.”
Với lạm phát cơ bản vẫn còn thấp hơn nhiều so với mục tiêu của Fed trong 3 năm qua, các nhà điều hành chính sách tiền tệ tại Fed sẽ phải trả qua một giai đoạn khó khăn để giải thích với công chúng rằng tại sao họ lại tăng lãi suất cơ bản trong thời điểm này.
Những khuyến cáo
Nhiều tổ chức danh tiếng, trong đó có Ngân hàng Thế giới (World Bank) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đang hối thúc Fed chưa nên tăng lãi suất cơ bản vào trong cuộc họp tháng 9/2015 vì có thể sẽ làm gia tăng sự bất ổn kinh tế toàn cầu, thậm chí thúc đẩy một cuộc khủng hoảng kinh tế mới.
Kinh tế thế giới mới chỉ bước vào giai đoạn phục hồi và còn nhiều rủi ro trước mắt, chính vì thế Fed cần phải trì hoãn quyết định tăng lãi suất cơ bản, theo ông Omar Aguilar, trưởng bộ phận chiến lược đầu tư tại quỹ Charles Schwab Investment Management. Ông khẳng định Fed sẽ không thể tăng lãi suất bởi vì, dù cho kinh tế Mỹ đã tăng trưởng ổn định nhưng kinh tế thế giới còn tăng trưởng rất kém. Tuy nhiên trong tương lai gần, chưa thể loại bỏ khả năng Fed sẽ đưa ra quyết định này, vì vậy tâm lý thị trường sẽ vẫn còn chịu ảnh hưởng.
Lạm phát cơ bản tại Mỹ vẫn còn thấp hơn so với mục tiêu của Fed trong 3 năm qua, đang là một rào cản lớn cho quyết định tăng lãi suất của Fed.
Đồ thị lạm phát tại Mỹ trong 2 năm qua - Nguồn: Bloomberg
Quyết định thắt chặt tiền tệ của Fed trong thời điểm này sẽ làm gia tăng nguy cơ giảm phát, một vấn đề có thể gây hậu quả nặng nề cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế Mỹ.
Đại diện WB, kinh tế trưởng Kaushik Basu khuyến cáo, quyết định tăng lãi suất trong tháng 9 của Fed có thể tạo ra một cú sốc và một cuộc khủng hoảng mới ở các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là khi quyết định này được đưa ra trong lúc tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang gây lo ngại và Bắc Kinh vừa mới gây “choáng váng” khi phá giá đồng Nhân dân tệ hôm 11/8.
Ông Basu nói, dù Fed đã lên tiếng trấn an, bất kỳ động thái tăng lãi suất nào của ngân hàng trung ương này cũng sẽ dẫn tới việc các dòng vốn chảy mạnh khỏi các nền kinh tế mới nổi và khiến các đồng tiền của các nền kinh tế này biến động mạnh. Ngoài ra, đồng USD tăng giá cũng sẽ gây tổn hại đối với tăng trưởng kinh tế Mỹ./.
Bình luận