Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý trên 350.000 tỷ đồng, giai đoạn 2016-2021
Trong báo cáo với Quốc hội, ông Hồ Đức Phớc cho biết, quy mô hoạt động kiểm toán trong giai đoạn 2016-2021 được điều chỉnh phù hợp với số lượng, năng lực của đội ngũ kiểm toán viên nhà nước và đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nâng cao chất lượng kiểm toán của Quốc hội, Chính phủ và người dân. Hầu hết các cuộc kiểm toán đều kết hợp, lồng ghép thực hiện 3 loại hình kiểm toán, nhằm tăng cường đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả việc triển khai thực hiện các chính sách tài khóa, tài chính - tiền tệ liên quan đến niên độ được kiểm toán để chỉ rõ những bất cập, hạn chế của chính sách hoặc tồn tại, sai sót, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, Cơ quan này đã chuyển 20 vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán sang cơ quan Cảnh sát điều tra (ảnh từ nguồn Internet)
Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cũng tăng cường phát triển đồng bộ các loại hình kiểm toán và đẩy mạnh kiểm toán hoạt động, các lĩnh vực kiểm toán mới như kiểm toán môi trường, kiểm toán công nghệ thông tin..., ưu tiên lựa chọn các chuyên đề kiểm toán có phạm vi rộng, đặc biệt là các chuyên đề liên quan đến tái cơ cấu nền kinh tế, hiệu quả đầu tư công, nợ công, quản lý sử dụng đất, tài nguyên, khoáng sản, BOT... nhằm đánh giá toàn diện, sâu sắc về tình hình kinh tế - xã hội và các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước trong giai đoạn 2016-2021.
Theo đó, trong nhiệm kỳ 2016-2021, KTNN kiến nghị xử lý tài chính 353.733 tỷ đồng, tăng 3,5 lần so với giai đoạn 2011-2015 (101.037 tỷ đồng). Kết quả kiểm toán đã cung cấp cho Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan chức năng và đơn vị được kiểm toán nhiều kiến nghị có giá trị thực tiễn; đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu về thông tin phục vụ hoạt động giám sát, hoàn thiện pháp luật và phê chuẩn quyết toán, góp phần làm lành mạnh và minh bạch hóa nền tài chính công, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và quản trị doanh nghiệp của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Qua kiểm toán, nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính, tài sản công của các bộ, ngành, địa phương và đơn vị được kiểm toán đã được phát hiện và kiến nghị chấn chỉnh kịp thời.
KTNN đã chuyển 20 vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán sang cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật. Cùng với đó, KTNN đã cung cấp 498 hồ sơ, BCKT và các tài liệu liên quan cho cơ quan của Quốc hội, Ủy ban kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát.
Việc công khai kết quả kiểm toán trong giai đoạn 2016-2021, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, đã được Cơ quan này thực hiện theo quy định của Luật KTNN, Luật Báo chí và các văn bản liên quan./.
Bình luận