Theo TS. Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, mức tăng trưởng năm 2016 thấp hơn mức tăng 6,68% của năm 2015 và không đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% đề ra. Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn do thời tiết, môi trường biển diễn biến phức tạp, đạt được mức tăng trưởng như trên là một thành công, khẳng định tính đúng đắn, kịp thời và hiệu quả của các giải pháp điều hành của Chính phủ.

Dù không đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%, nhưng là sự nỗ lực của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới phục hồi chậm

Nhiều điểm sáng

Mặc dù chưa có bứt phá tăng trưởng của toàn nền kinh tế nhưng các ngành kinh tế đều có mức tăng trưởng tốt, trừ nông, lâm nghiệp và khai khoáng là hai lĩnh vực gặp nhiều khó khăn trong năm 2016.

Đánh giá về bức tranh kinh tế Việt Nam trong năm 2016, ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia cho rằng, trong bố cảnh kinh tế thế giới trầm lắng năm nay, nhưng kinh tế nước ta vẫn tăng trưởng 6,21%, dù có thấp hơn năm 2011 và 2015 nhưng vẫn cao hơn 2012 và 2014. Đặc biệt là bức tranh kinh tế - xã hội vẫn có những điểm sáng. Đó là nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng với nhịp độ quý sau vẫn cao hơn quý trước, có sự bứt phá ở quý III và quý IV.

Du lịch cũng góp điểm sáng khi khách du lịch đến với Việt Nam đạt kỷ lục 10 triệu khách trong năm 2016

Điểm sáng quan trọng nữa là hầu hết các ngành kinh tế cấp 1 của Việt Nam trong 2016 đều có mức tăng cao hơn mức tăng 2015. Cụ thể, năm 2016 có 15/21 ngành tăng cao hơn. Trong khi đó, năm 2015 có 7 ngành tăng cao hơn năm 2014; Đây là lần đầu tiên tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tăng cao nhưng không phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên. Đây là bài học và cơ sở quan trọng cho quá trình tái cơ cấu kinh tế cũng như đổi mới nguồn tăng trưởng trong thời gian tới.

Điểm sáng nữa là xuất siêu hàng hoá quay trở lại. Năm 2016, xuất siêu 2,68 tỷ USD. Trong khi năm 2015 nhập siêu 3,6 tỷ USD. Trong bối cảnh thương mại quốc tế trầm lắng, xuất siêu quay trở lại cho thấy sự cố gắng của kinh tế Việt Nam trong năm qua.

Điểm sáng tiếp theo là điều hành chính sách tiền tệ và tỷ giá có những tích cực, ổn định. Dự trữ ngoại hối đạt mức cao kỷ lục (41 tỷ USD), lạm phát được kiểm soát tốt trong điều kiện chúng ta điều chỉnh tăng học phí trong ngành giáo dục, tăng phí dịch vụ y tế, điều chỉnh giá xăng dầu cho phù hợp với biến động giá thế giới.

Về phát triển doanh nghiệp cũng là điểm sáng trong nền kinh tế. Đây là năm đầu tiên phát triển doanh nghiệp mới đạt được mức cao kỷ lục với 110.000 doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2016.

Bên cạnh đó, du lịch cũng góp điểm sáng khi khách du lịch đến với Việt Nam đạt kỷ lục 10 triệu khách. Đặc biệt, trong quý IV tăng trưởng đạt 6,68%, đóng góp vào mức tăng trưởng này có một số ngành đóng góp cao như: Nông, lâm nghiệp và thủy sản; Công nghiệp chế biến chế tạo; xây dựng; ngân hàng; khách sạn và nhà hàng cũng tăng trưởng cao...

Ông Nguyễn Bích Lâm bổ sung rằng, năm 2016 được coi là thành công trong việc kiểm soát lạm phát trong điều kiện giá một số mặt hàng thiết yếu tăng trở lại, nhưng vẫn tạo điều kiện để điều chỉnh giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý tiệm cận dần theo giá thị trường.Việc giữ được lạm phát dưới 5% rất thành công trong bối cảnh Chính phủ điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục và giá xăng dầu tăng giảm thất thường.

Kinh tế 2017: Đối mặt nhiều thách thức

TS. Nguyễn Bích Lâm dự báo, tình hình kinh tế năm 2017 có nhiều thuận lợi nhưng cũng sẽ đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Về thuận lợi, đó là môi trường đầu tư được cải thiện nhờ cải cách thể chế đạt nhiều tiến bộ.

Thực tế ngay năm 2016 đã có hơn 110.000 doanh nghiệp mới thành lập. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trên 26.000 doanh nghiệp, đây cũng là con số kỷ lục trong nhiều năm qua mới có.

Hơn nữa, với Chính phủ kiến tạo, liêm chính thì chắc chắn môi trường kinh doanh các năm sau sẽ tốt hơn. Đồng thời, ngành dịch vụ năm nay đã tăng trưởng cao hơn các năm trước, khách du lịch đến Việt Nam nhiều hơn, đó là tín hiệu đáng mừng và có thể còn phát huy cho năm 2017.

Tuy nhiên, ông Lâm cũng cho rằng, với mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% là thách thức cho 2017, vì đó là mức khá cao trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, phục hồi chậm.

Nhiều các tổ chức tài chính trên thế giới như IMF, WB đều đánh giá tình kinh tế 2017 không sáng sủa hơn và có thể tăng trưởng không tăng cao bằng năm 2016. Với kinh tế Việt Nam cũng vậy, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2017 sẽ thấp hơn 2016 khoảng 0,1%.

Trong khi kinh tế nước ta có độ mở cao, tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào xuất nhập khẩu, phụ thuộc vào nhu cầu của nước đối tác; năng suất lao động tăng thấp và ở mức thấp trong khu vực và trên thế giới; đồng thời nền kinh tế còn gánh nợ xấu và nợ công cao, hệ thống tín dụng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro…

Tuy nhiên, ông Nguyễn Bích Lâm khẳng định, mục tiêu tăng GDP 6,7% sẽ là khó khăn, nhưng không phải là không đạt được. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng đó, Chính phủ và các bộ, ngành địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, xây dựng Chính phủ kiến tạo, giúp doanh nghiệp, người dân đầu tư mở rộng sản xuất, thành lập doanh nghiệp mới... ; đồng thời, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Tiếp tục đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp bảo đảm công khai, minh bạch, tránh thất thoát tiền và tài sản nhà nước.

Bên cạnh đó, các bộ ngành cần tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi cây trồng vật nuôi phù hợp thị trường và biến đổi khí hậu. Hình thành vùng chuyên canh lớn. Nhà nước và bộ ngành tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Đồng thời đẩy nhanh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước. Phát triển mạnh thị trường trong nước, hệ thống bán lẻ gắn với tiêu thụ hàng trong nước, chống hàng giả, nhái, chống buôn lậu để hàng trong nước.

Bổ sung thêm, ông Hà Quang Tuyến cũng cho rằng, giải pháp cần điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác. Tái cơ cấu các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, xử lý các vướng mắc về cơ chế, tạo thuận lợi cho việc mở rộng tín dụng phục vụ phát triển kinh tế, đảm bảo an toàn hệ thống và quyền lợi của người gửi tiền.

Đặc biệt, cần tập trung thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường, thích nghi với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu, bao gồm cả thị trường truyền thống và các thị trường có sức mua tiềm năng cao. Chủ động xây dựng và thực hiện các phương án, giải pháp để ứng phó trước các diễn biến mới liên quan đến TPP, Brexit; đồng thời, phát triển mạnh thị trường trong nước, hệ thống bán lẻ gắn với tiêu thụ hàng nội địa./.