Giá dầu thấp kỷ lục

Giá dầu thế giới ngày 14/12/2015 đã xác lập đáy mới, khi lần đầu tiên kể từ năm 2009 đã giảm xuống mức dưới 35 USD/thùng.

Cụ thể, tại sàn giao dịch New York, giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ đã giảm xuống mức 34,67 USD/thùng - mức thấp nhất kể từ tháng 2 năm 2009. Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 1 cũng giảm xuống mức 36,62 USD/thùng - mức thấp nhất kể từ tháng 12/ 2008.

Nếu tính cả tuần, giá dầu thế giới cũng đã giảm tới 11% trong tuần vừa qua, mức sụt giảm mạnh nhất trong vòng 1 năm.

Giá dầu thế giới đã giảm liên tục kể từ khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) từ chối cắt giảm sản lượng trong cuộc họp chính sách hồi đầu tháng. Thêm vào đó, Cơ quan năng lượng quốc tế thông báo thị trường năng lượng thế giới vẫn sẽ ở trong tình trạng cung vượt cầu đến tận cuối năm 2016.

Nhiều tháng nay, hãng Goldman Sachs cũng đã cảnh báo giá có thể rơi xuống mức 20 USD/thùng.

Các chuyên gia nhấn mạnh giá dầu giảm mạnh là kết quả tất yếu từ các yếu tố khách quan đưa lại.

Thứ nhất do sự phục hồi của nền kinh tế, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định chấm dứt chính sách tiền tệ nới lỏng. Việc đồng USD mạnh lên thì giá dầu giảm xuống là điều không tránh khỏi.

Thứ hai là nhu cầu năng lượng của toàn cầu yếu khi kinh tế thế giới ảm đạm. Một mặt việc tiêu thụ năng lượng ở các nước phát triển có xu hướng giảm xuống: Mỹ trong những năm gần đây về cơ bản đã bảo đảm được tự túc năng lượng, thậm chí có xu hướng xuất khẩu; nhu cầu năng lượng của châu Âu và Nhật Bản cũng đang trong xu hướng giảm xuống.

Mặt khác, nhu cầu năng lượng của các nước đang phát triển, dẫn đầu là Trung Quốc và Ấn Độ, cũng đã ổn định. Trung Quốc, do có sự thay đổi trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế và mô hình phát triển, nên nhu cầu về năng lượng phục vụ tăng trưởng nhanh trong suốt một thời gian dài giờ chững lại.

Thứ ba, sự bùng nổ trong việc khai thác dầu cát của Canada và dầu khí đá phiến của Mỹ đã giúp tăng sản lượng dầu mỏ tại khu vực Bắc Mỹ. Sản lượng khai thác dầu mỏ của Mỹ đã chạm mức cao nhất trong 25 năm qua. Trong khi đó, sản lượng của các nước OPEC và Nga không hề suy giảm.

Kinh tế Việt Nam chịu tác động thế nào khi giá dầu giảm?

Đánh giá tác động của việc giá dầu thế giới giảm đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam, TS. Lương Văn Khôi, Trưởng ban Ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế-xã hội quốc gia (NCIF) đã đưa ra 3 kịch bản.

Cụ thể, với kịch bản giá dầu thế giới giảm xuống mức 50 USD/thùng, vị chuyên gia này dự báo, tăng trưởng kinh tế thế giới trung bình giai đoạn 2016-2020 đạt mức 3,93% .

Tại Việt Nam - nước vừa nhập khẩu xăng dầu, vừa xuất khẩu dầu thô - sẽ chịu tác động cả tiêu cực và tích cực, trong trường hợp thuế thu từ khu vực kinh tế thực không bù đắp phần hụt thu của ngân sách trung ương do giá dầu giảm, nền kinh tế sẽ giảm 0,42 điểm % trong năm 2016; xuất khẩu cải thiện với mức tăng thêm là 0,77 điểm %; kim ngạch nhập khẩu giảm 0,41 điểm %, lạm phát giảm 1,11 điểm %.

TS. Khôi nhận định, việc giá dầu giảm ở mức 50 USD/thùng cũng sẽ tạo nên cú sốc tới nền kinh tế nước ta, khiến GDP giảm mạnh vào năm 2016 song giảm dần vào các năm sau do các nền kinh tế là đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam được cải thiện.

Với kịch bản giá dầu giảm xuống mức 40 USD/thùng, so với cùng kỳ năm trước các nền kinh tế phát triển – vốn phụ thuộc vào nhập khẩu dầu được cải thiện khá. Nhưng do các nền kinh tế xuất khẩu dầu mỏ chịu tác động tiêu cực nặng nề trong năm đầu tiên (2016) lấy lại được đà tăng trưởng trong các năm tiếp theo, TS. Khôi và các cộng sự dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trung bình giai đoạn 2016-2020 đạt mức 4,09%.

Còn đối với Việt Nam, tăng trưởng kinh tế Việt Nam giảm 0,85 điểm % trong năm 2016. Do thu ngân sách giảm mạnh nên tác động tới chi tiêu Chính phủ và cầu trong nước, khiến quy mô GDP 3 năm giai đoạn 2016-2018 suy giảm mạnh so với kịch bản không có cú sốc giảm giá dầu này.

Tương tự kịch bản thứ hai, khi xem xét % thay đổi về quy mô GDP so với kịch bản cơ sở, TS. Khôi cho biết, cú sốc giảm giá dầu xuống dưới mức 30 USD/thùng có tác động tiêu cực tới kinh tế thế giới nói chung trong năm 2016-2017.

Trong đó, những nền kinh tế của các nước xuất khẩu dầu mỏ lớn như Nga, Na Uy, Trung Đông và châu Phi chịu tác động tiêu cực nặng nề. Song, những nền kinh tế phát triển như Mỹ và Nhật Bản được hưởng lợi từ việc giá dầu giảm sâu.

Cú sốc giảm giá dầu này khiến tăng trưởng kinh tế Việt giảm 1,36 điểm % trong năm 2016; lạm phát giảm 3,95 điểm % và nền kinh tế Việt Nam ở trong tình trạng giảm phát sâu. Do tiền đồng tăng giá 4,04 điểm % nên tác động tới kim ngạch xuất khẩu.

Do tăng trưởng kinh tế thế giới những năm sau được cải thiện nên có tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Về phía Bộ Tài chính, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn khi trả lời trên Đài Truyền hình Việt Nam, tối 13/12/2015 đã khẳng định: “Chúng tôi đã xây dựng các phương án rất cụ thể, không chỉ là những kịch bản cho giá dầu ở mức 60, 50, 45 USD/thùng mà trường hợp 40, 35 thậm chí 30 USD/thùng cũng đã được tính toán”.

Theo Thứ trưởng Tuấn, giá dầu hiện đã xuống ngưỡng 36 USD/thùng, nhưng đây là giá cho các tháng trong tương lai, chứ không ảnh hưởng đến thu ngân sách của năm 2015.

Thứ trưởng cũng cho biết, trong thu ngân sách 2015, dầu thô chỉ còn chiếm 6% trong tổng thu. Con số 66.000 tỷ đồng thu từ dầu thô còn thấp hơn cả phần nợ đọng thuế (76.000 tỷ đồng). Thu từ dầu thô đã không còn là nguồn có tỷ trọng lớn như 5 - 10 năm trước.

Dự kiến năm 2016, Việt Nam sẽ nhập khẩu khoảng 12,5 - 13 triệu tấn xăng dầu. Giá xăng dầu giảm thì sẽ khiến giá nguyên liệu đầu vào của sản xuất sẽ hạ.

"Khi đó, tình hình kinh doanh, làm ăn của doanh nghiệp và người dân sẽ thuận lợi hơn. Thuế thu từ nội bộ nền kinh tế sẽ tăng lên, ngân sách càng hưởng lợi", Thứ trưởng nhận định./.