Kỷ luật đầu tư công: “Chặt chẽ” trong quy định, “lỏng lẻo” trong thực hiện
Tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí vẫn đang rất phổ biến gây những hệ lụy nghiêm trọng
Sai phạm nhiều...
Tại Diễn đàn Tái cơ cấu đầu tư công gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng kinh tế xanh, ngày 24/11, TS. Nguyễn Tú Anh, Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô, CIEM đã thẳng thắn nhận định: “kỷ luật đầu tư công xét về mặt văn bản pháp luật là khá chặt chẽ tuy nhiên trong thực hiện lại rất lỏng lẻo”.
Trong vòng 3 năm Thủ tướng Chính phủ phải ban hành 5 chỉ thị về một vấn đề là xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản, nhưng tình trạng để xảy ra nợ đọng mới vẫn tiếp diễn, nợ cũ vẫn chưa giải quyết được dứt điểm.
Điều đáng buồn là hiện nay, chưa có thống kê chính thức về kết quả xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đến hết năm 2013 nợ đọng xây dựng cơ bản giảm xuống còn 28.000 tỷ đồng so với mức 85.000 tỷ đồng năm 2011.
Tuy nhiên, kết quả này vẫn còn thấp hơn kế hoạch xử lý nợ, mà Chính phủ đã đặt ra theo tinh thần Chỉ thị 27/CT-TTg và Chỉ thị 14/CT-TTg. Thực trạng này cho thấy, các địa phương, bộ, ngành vẫn chưa quyết liệt thực hiện các chỉ thị của Thủ tướng.
Vừa qua Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra trên diện rộng về tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng từ nguồn vốn NSNN, trái phiếu chính phủ.
Tổng số 15 bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã lập 740 đoàn Thanh tra để tiến hành thanh tra 12.990 dự án, kiểm tra 194 dự án với tổng mức đầu tư 502.202,900 tỷ đồng.
Kết quả thanh tra cho thấy các sai phạm trong công tác đầu tư công vẫn còn xảy khá phổ biến.
Cụ thể, sai phạm phổ biến trong công tác quản lý vốn tại các địa phương chính là việc vi phạm các quy định về lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh dự án.
Tổng cộng có tới 789 dự án bị các đoàn thanh tra ghi nhận sai phạm về trình tự thủ tục với tổng số tiến là 280 tỷ đồng; sai phạm về lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư tại 272 dự án với số tiền vi phạm là 248 tỷ đồng; sai phạm về nợ đọng xây dựng cơ bản tại 1.527 dự án, với tổng số tiền 1.869 tỷ đồng.
Điều đáng lưu ý là có tới 2.324 dự án vi phạm các lỗi: thanh toán vượt khối lượng thực tế thi công, thanh toán sai so với dự toán thực tế được duyệt, ứng vốn, nhưng không thực hiện hợp đồng với số tiền là 791,6 tỷ đồng.
Tại các địa phương, các đoàn thanh tra đã kiến nghị xử lý về kinh tế tổng số tiền là 3.189,5 tỷ đồng, trong đó thu hồi về NSNN 123,6 tỷ đồng, giảm trừ giá trị thanh quyết toán 128,6 tỷ đồng và xử lý khác 2.937 tỷ đồng.
Với những sai phạm này, đã có 240 tập thể, 197 cá nhân bị kiến nghị có hình thức xử lý kỷ luật và chỉ có 1 vụ việc bị kiến nghị chuyển sang cơ quan điều tra.
“Vi phạm luật ngân sách tràn lan, phớt lờ các chỉ thị của Thủ tướng trong đầu tư công là biểu hiện của năng lực thực thi chính sách yếu kém của bộ máy”, ông Tú Anh thẳng thắn.
Tình trạng xin – cho vẫn phổ biến
Cũng theo ông Tú Anh, việc phân bổ vốn đầu tư công vẫn đang thực hiện theo các quyết định chính trị hơn là dựa vào hiệu quả của dự án mang lại. Cho đến nay quá trình tái cơ cấu đầu tư công chỉ mới tập trung vào đảm bảo việc tuân thủ các quy định của Nhà nước về đảm bảo không gây nợ đọng, không đầu tư khi chưa có nguồn vốn, mà chưa đưa ra được những cơ chế phân bổ nguồn lực dựa vào cạnh tranh.
Đầu tư công hiện nay đang thiếu cơ chế để đảm bảo số tiền đầu tư công hạn hẹp được sử dụng vào những dự án cần kíp nhất, với chi phí ít nhất và mang lại hiệu quả cao nhất.
Luật Đấu thầu sửa đổi năm 2014 là một nỗ lực lớn của Nhà nước nhằm buộc các doanh nghiệp tham gia các dự án đầu tư công phải thông qua đấu thầu cạnh tranh. “Tuy nhiên, chúng ta chưa có cơ chế cạnh tranh trong việc phân bổ vốn đầu tư về cho các cơ quan làm chủ đầu tư”, thay mặt nhóm nghiên cứu, ông Tú Anh cho biết.
Đối với Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội thì cho đến nay vẫn chưa có luật quy hoạch. Do đó tình trạng phá vỡ quy hoạch và sửa đổi quy hoạch xảy ra thường xuyên.
Điều này có nghĩa là căn cứ để xin chủ trương đầu tư theo quy hoạch không mang tính cứng, mà có thể linh hoạt theo ý của người xin chủ trương đầu tư.
TS. Đặng Đức Đạm - nguyên Phó trưởng Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ - cho rằng chúng ta chỉ mới thấy triệu chứng của con bệnh đầu tư công và điều trị bằng thuốc giảm sốt với kháng sinh, chưa xác định được nguyên nhân con bệnh, chưa chữa được bằng thuốc đặc hiệu nên nhiều con bệnh có triệu chứng nhờn thuốc.
Theo ông Đạm, Luật Đầu tư công là luật về thủ tục, không phải về nội dung nên không phải là phương thuốc hữu hiệu chữa bệnh đầu tư dàn trải, lãng phí.
Đồng tình với nhận định rằng, kẽ hở lớn nhất trong đầu tư công chính là việc vẫn tiếp tục duy trì cơ quan chủ quản của ông Tú Anh, TS. Đặng Đức Đạm cho rằng, nếu tiếp tục cơ chế “vừa đá bóng, vừa thổi còi” của các cơ quan chủ quản, thì nguy cơ trục lợi từ các dự án đầu tư công là rất lớn. Chi phí thực hiện dự án sẽ bị đẩy lên rất cao, hiệu quả của đầu tư công vì thế sẽ thấp.
Về cơ chế phân bổ ngân sách và nguồn lực hiện tại, TS. Huỳnh Thế Du (Chương trình giảng dạy Fulbrigh) cho hay, ưu tiên của những nơi được hưởng “bầu sữa ngân sách” là tìm cách được phân bổ càng nhiều ngân sách càng tốt. Lúc này vai trò của các bản quy hoạch tổng thể, hay kế hoạch chủ yếu phcuj vụ cho mục tiêu này chứ không phải ngược lại.
“Các địa phương thương đưa các con số về nhu cầu nguồn lực (chủ yếu là vốn đầu tư) lên rất cao so với khả năng thực tế với mục tiêu là tạo áp lực lên Trung ương để có thêm “miếng bánh ngân sách” nhiều hơn”, vị chuyên gia này thẳng thắn.
Cần những giải pháp căn cơ
Nhận định rằng, các giải pháp hiện có đang mới chỉ tập trung vào việc “siết chặt” kỷ luật đầu tư công, chứ chưa tập trung vào các giải pháp căn cơ nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, tránh lãng phí, ông Tú Anh cho rằng, trong giai đoạn 2016-2020, cần thực hiện phân bổ đầu tư công theo khuôn khổ đầu tư trung hạn.
Đặc biệt, cần đổi mới tổ chức bộ máy giám sát và thẩm định đầu tư theo hươgs tổ chức các hội đồng chuyên môn tư vấn cho cơ quan giám sát và thẩm định.
“Do đầu tư công sử dụng tiền đóng thuế của nhân dân, nên nhân dân phải có quyền được biết những đồng tiền đó được sử dụng như thế nào?”, ông Tú Anh nhấn mạnh.
Trên cơ sở đó, ông đề xuất yêu cầu phải bắt buộc phải kiểm toán và kết quả kiểm toán phải được công bố công khai trên mạng.
TS. Đặng Đức Đạm thì cho rằng, cần giải quyết căn bản tình trạng “cơ quan chủ quản”. Theo đó, cần tách bạch quyền chi phối tài sản (như đất đai), tiền vốn (như đầu tư công) và quyền ban hành các quyết định hành chính.
“Chừng nào vẫn còn để thủ trưởng cơ quan hành chính “một tay cầm triện, một tay cầm tiền”, thì các giải pháp khác chỉ là ngọn”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Ông đề xuất, cần thành lập các công ty quản lý đất đai, công ty quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, công ty quản lý đầu tư công và giao cho các công ty này đảm nhiệm những công việc quản lý tài sản, tiền bạc của công quan hành chính.
Chỉ rõ ràng vấn đề cốt lõi của sự lãng phí trong đầu tư công hiện nay nằm ở khía cạnh kinh tế chị trị chứ không phải các vấn đề kinh tế, hay kỹ thuật thuần túy, TS. Huỳnh Thế Du đề xuất, thiết kế cơ chế cạnh tranh giữa các tổ chức ở khu vực công, các bộ, ngành, hay chính quyền các địa phương và áp lực từ những đối tượng có lợi ích dài hạn từ các khoản đầu tư công (chủ yếu là người dân).
Thứ nữa, theo vị chuyên gia này, việc phân bổ ngân sách nên được thiết kế sao cho mỗi đầu mối nhận ngân sách có thể biết được nguồn, cũng như nhu cầu chi tiêu trong dài hạn, giảm thiểu các khoản cần phải quyết định phân chia.
Đặc biệt, “việc phân bổ ngân sách nên được thực hiện bởi Quốc hội thay vì Chính phủ như hiện nay. Một Quốc hội mạnh với quyền phân chia ngân sách là hết sức quan trọng vì tại Quốc hội có đại diện đa dạng hơn cho nhiều nhóm lợi ích thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, nên sự tương tác sẽ nhiều chiều hơn. Điều này sẽ làm cho việc phân bổ nguồn lực hợp lý hơn”, TS. Huỳnh Thế Du nhấn mạnh./.
Bình luận