Liên kết thương mại điện tử và chuỗi cung ứng: Tại sao không?
Thời điểm này cũng là dịp để Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đưa ra những sáng kiến toàn diện trong Kế hoạch hành động khung tích hợp kỹ thuật số.
Các giao dịch mua hàng trực tuyến đã tăng mạnh khi các biện pháp giãn cách và phong tỏa được áp dụng
Thương mại điện tử đang bùng nổ và là xu hướng phát triển tất yếu trong tương lai. Tuy nhiên, thương mại bằng hình thức nào thì cũng phải đảm bảo yếu tố của hoạt động mua – bán (đầu vào – đầu ra), nguyên tắc giao dịch và thông thương. Do đó, để thương mại điện tử triển mạnh, cần phải làm tốt việc liên kết các khâu trong chuỗi cung ứng. Chỉ khi các khâu này liên kết chặt chẽ với nhau, chuỗi cung ứng mới có thể phát huy tối đa hiệu quả để lưu thông hàng hóa, đặc biệt là trong bối cảnh thế giới đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, thương mại điện tử đã tăng cường vai trò trong nền kinh tế. Các giao dịch mua hàng trực tuyến đã tăng mạnh khi các biện pháp giãn cách và phong tỏa được áp dụng để hạn chế sự lây lan dịch bệnh, song thương mại điện tử đang che giấu các lỗ hổng trong các mạng lưới cung cấp hỗ trợ của ngành này. Đây chỉ là một phần trong chuỗi cung ứng phức tạp, liên quan đến các yếu tố khác như sản xuất và hậu cần.
Thương mại điện tử chủ yếu được đánh giá cao với các dịch vụ như hoạt động trang web, tiếp thị trực tuyến, hệ thống quản lý đơn hàng và chăm sóc khách hàng. Tuy nhiên, các yếu tố chính trong hệ thống này vẫn là nhà sản xuất và nhà cung cấp hàng hóa. Thương mại điện tử sẽ giúp giảm bớt nỗi lo giải phóng hàng hóa trong giai đoạn bệnh dịch tiếp diễn, nhưng khi hàng hóa đã được giải phóng hết và bắt đầu khan hiếm, hoạt động thương mại lại phụ thuộc vào hệ thống các nhà sản xuất hàng hóa.
Dịch bệnh đã ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực, nhà máy phải đóng cửa, công nhân phải nghỉ việc… Ví dụ, trong lĩnh vực thời trang, ngành sản xuất này đã chuyển dần từ Trung Quốc sang các nước khác, như: Việt Nam và Bangladesh. So với Trung Quốc, các quốc gia này có tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 thấp hơn. Tuy nhiên, những nước này cũng đang bị ảnh hưởng bởi sự thiếu hụt nguyên liệu do Trung Quốc sản xuất và cung cấp.
Tình huống tương tự đang xảy ra trong lĩnh vực sản xuất các thiết bị điện tử. Ngành này cũng đang phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung cấp từ Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Ngay cả ngành công nghiệp dược phẩm cũng là ngành phụ thuộc rất lớn vào nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc. Cú sốc COVID-19 đã và đang tác động nặng nề đến lĩnh vực sản xuất và toàn bộ chuỗi cung ứng và từ đó gián tiếp ảnh hưởng đến các doanh nghiệp thương mại điện tử và khách hàng.
Vận tải và hậu cần là những yếu tố chính khác trong hệ thống thương mại điện tử. Tại Đông Nam Á, nhu cầu đối với thương mại điện tử ngày càng tăng, nhưng sự phức tạp về khoảng cách địa lý đã khiến vấn đề hậu cần trở thành nỗi lo đối với ngành thương mại điện tử. Logistics đóng vai trò rất quan trọng, điều này giải thích lý do tại sao các nhà đầu tư thương mại điện tử lớn đang tìm cách cải thiện chuỗi cung ứng lạc hậu của họ thông qua việc mua lại hoặc hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ hậu cần của bên thứ ba. Điều này sẽ giúp công ty kiểm soát các rủi ro về nhà kho và mạng lưới giao hàng.
Lazada, một nền tảng thương mại điện tử có trụ sở tại Singapore, đã đầu tư vào các nhà kho trên toàn khu vực và đặt mục tiêu sở hữu 20 kho hàng ở châu Á trong nhiều năm. Red Mart, một nhà cung cấp dịch vụ hậu cần khác, cũng đang đầu tư vào việc phát triển hệ thống nhà kho và hệ thống phương tiện giao thông vận tải để giao hàng.
Trong lĩnh vực hậu cần, giao hàng được đánh giá là rất quan trọng vì đây là một phần của chuỗi thương mại điện tử cung cấp hàng hóa trực tiếp cho khách hàng. Phân khúc này bao gồm các công ty chuyển phát nhanh, hệ thống bưu chính... và ở một số quốc gia, các cửa hàng tiện lợi cũng đóng vai trò nhận hàng và thanh toán phí vận chuyển bưu kiện.
Cú sốc kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến khâu cuối cùng trong chuỗi cung ứng, đó là lĩnh vực hậu cần và giao hàng. Phân khúc này đối mặt với nhiều áp lực bởi phần lớn người lao động không thể làm việc từ xa.
Bài học từ đại dịch này là mạng lưới chuỗi cung ứng phức tạp của thương mại điện tử là các liên kết của cùng một chuỗi và chuỗi này chỉ mạnh khi có sự liên kết chặt chẽ với nhau. Người tiêu dùng có thể quen thuộc với các trang web thương mại điện tử tiện lợi và tiên tiến, kết nối thanh toán thông suốt, nhưng đằng sau đó vẫn là hệ thống cung cấp hàng hóa thống truyền thống, bao gồm các nhà sản xuất hàng hóa và dịch vụ hậu cần, giao hàng cung ứng.
Trong bối cảnh này, Kế hoạch hành động khung tích hợp kỹ thuật số ASEAN đã được phê chuẩn năm 2019 là một biện pháp toàn diện trong việc giải quyết các nút thắt đang kìm hãm sự phát triển của thương mại điện tử. Một số sáng kiến được đưa ra nhằm đơn giản hóa thủ tục hải quan và xem xét tối giảm các thủ tục hoàn thuế. Các biện pháp khác tập trung vào các chính sách thuận lợi hóa thương mại với trọng tâm là cải thiện các dịch vụ hậu cần cũng như phát triển thanh toán bán lẻ xuyên biên giới.
Ngoài ra, còn có một nỗ lực để thúc đẩy đổi mới thanh toán và phát triển doanh nghiệp cũng như hợp tác về bảo vệ người tiêu dùng. Tất cả các sáng kiến này sẽ giúp tăng cường chuỗi cung ứng ngày càng có vị trí xứng đáng với sự hợp tác và hỗ trợ của các nước ASEAN./.
Bình luận