Dự án Luật Quy hoạch do Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo gặp rất nhiều phản đối từ các bộ, ngành liên quan khi đưa ra lấy ý kiến ở Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 10/01/2017.

Cụ thể, tại phiên họp, các thứ trưởng của các Bộ Xây dựng, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường đều có ý kiến "ngược", hoặc lo lắng về các hệ lụy nếu dự luật được thông qua.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định, nếu luật này ra đời ngay lập tức ảnh hưởng đến 13.000 quy hoạch xây dựng mà hầu hết có tầm nhìn đến năm 2050, những đồ án đã được duyệt đang làm tốt lạị phải lập lại thì tốn bao nhiêu kinh phí.

Còn Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thì nhấn mạnh, có hàng loạt loạt bất cập từ quy định về quy hoạch không gian biển đến quy hoạch sử dụng đất nếu dự án luật này có hiệu lực.

Về sự không đồng thuận trên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đặt câu hỏi: "Khi Chính phủ ký trình dự án luật thì số thành viên đồng ý nhiều hay không? Hay các bộ trưởng chẳng quan tâm, còn thứ trưởng phụ trách lĩnh vực thì thấy chưa được, như thế chất lượng có đảm bảo không?".

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, với các dự án luật, trong đó có Luật Quy hoạch, Chính phủ đã bàn rất nhiều lần, đã bỏ phiếu và đủ điều kiện thì mới trình Quốc hội.

Vì thế, khi đã trình thì các ý kiến không chính thức chỉ để tham khảo, ra đây bộ ngành nói ngược nói khác là trái nguyên tắc làm việc.

"Chính phủ đã thống nhất, đã xin ý kiến Quốc hội rồi, tôi hiểu là đại biểu đồng tình cao và dư luận cũng đồng tình cao, tôi không nghĩ hôm nay các bộ nói ngược như thế. Hôm nay tôi đến đây trong tâm trạng rất sảng khoái, nghe Thường vụ góp ý để tiếp thu chỉnh sửa chứ không nghĩ là vẫn nghe các bộ nói ngược như mấy tháng trước", Bộ trưởng Dũng phát biểu.

Câu chuyện bất đồng thêm một lần nữa được nhắc lại tại Hội nghị tổng kết năm 2016 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 11/1, với sự có mặt của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, dự thảo Luật Quy hoạch đã được Chính phủ xem xét kỹ và trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Tại Hội nghị, ông Vũ Quang Các, Vụ trưởng Vụ Quản lý Quy hoạch đã bày tỏ ý kiến khi dự thảo Luật Quy hoạch được Chính phủ trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội rồi vẫn còn nhiều “ý kiến khác nhau” của các bộ khác.

Ông Các cho rằng đây là vấn đề rất đáng suy nghĩ khi dự luật được Chính phủ trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội bàn thảo rồi mà ngay trong nội bộ các thành viên Chính phủ vẫn còn những “ý kiến khác”.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, dự thảo Luật Quy hoạch đã được Chính phủ xem xét kỹ và trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trước một số ý kiến băn khoăn của các bộ ngành khác, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lưu ý: “Ông nào cũng muốn giữ quyền của ngành mình. Tư duy như vậy làm sao được?”.

Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ sẽ kiểm điểm vấn đề này với các bộ liên quan.

Việc không đồng thuận của các thành viên Chính phủ tại kỳ họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần đó đã thu hút sự quan tâm của báo giới.

Trả lời báo giới về vấn đề này, người Phát ngôn Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng tái khẳng định, Chính phủ xác định yêu cầu xây dựng dự án Luật Quy hoạch nhằm hoạch định không gian phát triển trên toàn bộ lãnh thổ quốc gia, phát huy các lợi thế địa kinh tế của đất nước, đưa công tác quy hoạch và quản lý nhà nước theo quy hoạch vào khuôn khổ; phát huy hiệu quả, tiết kiệm và khoa học các nguồn lực để phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

“Chính vì vậy, việc xây dựng dự án Luật này tác động lớn đến hệ thống pháp luật và quy hoạch hiện tại”, ông Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Với tính chất quan trọng và phức tạp như vậy nên trong quá trình Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật, vẫn còn một số ý kiến góp ý, phản biện cho việc hoàn thiện dự án Luật bảo đảm tính khả thi, đồng bộ, lộ trình hợp lý trong thực hiện.

Về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau, ngày 13/01/2017, Thủ tướng đã có chỉ đạo việc tiếp thu, hoàn thiện dự án luật về các vấn đề lớn như: quy hoạch ngành quốc gia lập quy hoạch, thẩm quyền lập, phê duyệt các quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia; thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; quy định chuyển tiếp thực hiện luật, mối quan hệ giữa Luật quy hoạch với các luật chuyên ngành khác liên quan đến quy hoạch (theo Công văn số 382/VPCP-PL, ngày 13/01/2017 của Văn phòng Chính phủ).

Dẫn Quy chế làm việc của Chính phủ, khi dự án Luật này đã được Chính phủ đồng thuận, thống nhất, thông qua để trình Quốc hội, thì về nguyên tắc, bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ có trách nhiệm: “Thực hiện nghiêm túc các quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, không được phát ngôn và làm trái với các quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ sẽ phối hợp với các bộ trưởng để tiếp tục xử lý các vấn đề còn ý kiến khác nhau trên tinh thần chung là phải tiếp thu các ý kiến góp ý phù hợp, xác đáng, thống nhất trình Thủ tướng Chính phủ để báo cáo Quốc hội.

“Để nâng cao hiệu quả thực hiện Quy chế làm việc của Chính phủ đối với việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Văn phòng Chính phủ sẽ phát huy và làm tốt hơn nữa vai trò tham mưu tổng hợp, điều phối giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc xử lý các vấn đề còn ý kiến khác nhau, bảo đảm sự đồng thuận cao giữa các thành viên của Chính phủ”, người Phát ngôn Chính phủ cho biết thêm./.