Vẫn còn 24 triệu người chưa tham gia bảo hiểm y tế

Theo lộ trình của Bộ Y tế, cuối năm 2015, đầu năm 2016 sẽ thực hiện lộ trình tăng giá viện phí giai đoạn 1. Tuy nhiên, trước một số khó khăn từ nhiều phía, Bộ Y tế quyết định sẽ lùi thời gian tăng giá vào một thời điểm thích hợp năm 2016.

Theo Bộ Y tế, việc điều chỉnh giá viện phí được thực hiện gồm 2 lộ trình. Cụ thể: giai đoạn 1 mức giá viện phí gồm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù (phụ cấp thường trực 24/24 giờ, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật) và điều chỉnh giá lần này chỉ áp dụng cho người có thẻ bảo hiểm y tế (đối tượng chưa có thẻ bảo hiểm y tế khi đi khám chữa bệnh vẫn được áp giá cũ). Còn giai đoạn 2 sau đó, giá viện phí mới sẽ gồm cả tiền lương và sẽ được tính chung cho mọi đối tượng khi đi khám chữa bệnh.

Theo đó, Bộ đã có thông báo dự kiến thông tư tăng giá viện phí sẽ ban hành vào tháng 11/2015 sẽ thực hiện mức giá gồm cả chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù. Năm 2016, mức giá sẽ bao gồm cả tiền lương của cán bộ, nhân viên y tế.

Để thực hiện lộ trình, trong năm 2015, mức giá viện phí mới chỉ áp dụng đối với người có thẻ bảo hiểm y tế. Năm 2016, liên Bộ sẽ xem xét, hướng dẫn việc thực hiện đối với người không có thẻ bảo hiểm y tế. Đến năm 2018, viện phí sẽ tính thêm chi phí quản lý và năm 2020 tính theo giá thị trường, tức là tính đúng, tính đủ 7 yếu tố cấu thành giá viện phí (thuốc, dịch truyền, máu, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế; chi phí điện nước, thông tin liên lạc, xử lý chất thải; chi phí duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa trang thiết bị trực tiếp; tiền lương cán bộ nhân viên; khấu hao trang thiết bị y tế trực tiếp; khấu hao sửa chữa lớn kết cấu hạ tầng; chi phí đào tạo nghiên cứu khoa học).

Giá viện phí từ nay đến năm 2020 sẽ tăng dần và ngân sách nhà nước chi cho các cơ sở khám, chữa bệnh công lập sẽ cắt giảm dần, tiến tới các bệnh viện phải tự chủ hoàn toàn về tài chính.

Có thể thấy, việc tăng viện phí hiện nay hoàn toàn phù hợp với thực tế thị trường, giúp các bệnh viện có thêm một phần kinh phí để bảo đảm các hoạt động tốt hơn. Tuy nhiên, điều chỉnh viện phí sẽ có tác động mạnh mẽ tới khoảng 27% dân số đang không có thẻ bảo hiểm y tế, tương đương với khoảng 24 triệu người phải chịu gánh nặng rất lớn khi đi khám, chữa bệnh vì họ sẽ phải chi trả thêm rất nhiều tiền cho chí phí khám, chữa bệnh và thuốc men tăng cao.

Vấn đề đẩy nhanh độ bao phủ bảo hiểm y tế càng trở nên cấp thiết, người dân cũng cần có ý thức tham gia bảo hiểm y tế, để không phải nặng gánh chi trả thêm khi đi khám, chữa bệnh và để người không may mắc bệnh không bị rơi vào “bẫy nghèo”.

Bên cạnh đó, một trong những thực tế của khám chữa bệnh hiện nay vẫn còn tình trạng không ít bệnh viện có thái độ phân biệt đối với những người sử dụng bảo hiểm y tế với những người khám, chữa bệnh tự nguyện.

Do vậy, trong lần trả lời báo chí về lộ trình tăng viện phí mới đây, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) Nguyễn Nam Liên nhấn mạnh "Điều quan trọng nhất của đợt thay đổi giá dịch vụ y tế lần này, khi tính tiền phụ cấp, lương vào giá dịch vụ y tế thì cán bộ y tế và các bệnh viện phải thay đổi cơ bản nhận thức, khi cơ quan bảo hiểm xã hội và người dân trả tiền lương cho mình, thì bắt buộc phải làm tốt mới có bệnh nhân, có nguồn trả lương và bệnh viện mới tồn tại được".

Gánh nặng viện phí sẽ nặng hơn rất nhiều đối với những người chưa tham gia bảo hiểm y tế

Áp lực cho cơ sở khám, chữa bệnh

Tính đúng, tính đủ viện phí là chủ trương đúng để các bệnh viện bắt buộc phải nỗ lực nâng cao dịch vụ, chất lượng y tế, thu hút bệnh nhân đến với mình. Có như vậy, các bệnh viện mới có kinh phí chi trả lương, thưởng của cán bộ, nhân viên và các hoạt động khác. Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhiều bệnh việc trên cả nước được đầu tư kết cấu hạ tầng lâu năm, chi phí duy tu bảo dưỡng hàng năm bỏ ra sẽ lớn hơn và cũng sẽ gặp khó khăn hơn trong đầu tư xây mới, mở rộng bệnh viện và mua sắm thêm các thiết bị, máy móc mới.

Không những vậy, đối với các bệnh viện tuyến huyện, không chỉ đối mặt với giá viện phí tăng, mà còn đối mặt với việc mở thông tuyến khám, chữa bệnh tuyến huyện, tuyến xã trong cùng địa bàn tỉnh từ 01/01/2016 (theo Luật Bảo hiểm Y tế); nghĩa là bệnh nhân bảo hiểm y tế được quyền lựa chọn bệnh viện tuyến huyện bất kỳ trên địa bàn tỉnh để đến khám, điều trị bệnh. Điều này đòi hỏi các bệnh viện tuyến huyện phải cạnh tranh gay gắt trong thu hút bệnh nhân.

Do vậy, đối với các cơ sở khám, chữa bệnh lộ trình tăng giá viện phí, đặt lên vai họ áp lực không nhỏ về tái đầu tư cơ sở vật chất, máy móc thiết bị phục vụ tốt nhất cho bệnh nhân, tương ứng với mức giá tăng, cũng như thu hút được bệnh nhân.

Sẽ giải quyết khó khăn trước khi tăng viện phí

Trả lời báo chí bên lề cuộc họp Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: “không hoãn lộ trình tăng viện phí. Tuy nhiên, cần xem xét lại vì có đến ít nhất là 1.800 dịch vụ kỹ thuật mới và tính giá rất phức tạp, đòi hỏi quá trình làm việc hết sức vất và và công phu của hội đồng, kể cả Bộ Tài chính”.

Bên cạnh đó, mục tiêu của ngành y tế là giá dịch vụ công phải tiến tới tính đúng, tính đủ, đồng thời, Nhà nước phải hỗ trợ người nghèo, người yếu thế, người có công, người sống ở vùng sâu vùng xa, vùng núi hải đảo thông qua mua thẻ bảo hiểm y tế.

Trong khi đó, theo thống kê của Bộ Y tế, hiện nay vẫn còn trên 10 tỉnh, thành có tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt dưới mức 60% dân số. Đó là tỷ lệ quá ít, trong khi số dân nghèo ở các địa phương đều không hề nhỏ!

Ngoài ra, thời gian vừa qua, Bộ Y tế đã có cuộc làm việc với các bệnh viện và thấy vấn đề khó khăn hiện nay là sẽ phải thực hiện cho người có thể bảo hiểm y tế trước và người không có thẻ bảo hiểm y tế sau. Như vậy, bệnh viện cùng một lúc thực hiện cùng một dịch vụ, nhưng có hai mức giá, cho nên phải có phần mềm thật chính xác để tránh xảy ra nhầm lẫn không đáng có.

Do vậy, thời gian tăng viện phí dự kiến cuối năm 2015, đầu 2016 sẽ tạm lùi vào một thời điểm thích hợp trong năm 2016, để cả phía Bộ Y tế, Bộ Tài chính đủ thời gian hoàn chỉnh phần mềm kỹ thuật; các cơ sở khám, chữa bệnh có thời gian tập huấn về những thay đổi trong thủ tục, thái độ phục vụ, đổi mới trang thiết bị; đặc biệt là người dân hiểu được chính sách bảo hiểm y tế và có thời gian để tham gia bảo hiểm y tế, từ đó tăng số lượng người được hưởng lợi từ việc tăng giá viện phí theo đúng mục tiêu đề ra./.