Một số giải pháp tăng năng suất lao động ở Việt Nam trên cơ sở vận dụng lý luận của C. Mác
QUAN ĐIỂM CỦA C. MÁC VỀ CÁC NHÂN TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN NSLĐ
Khi nghiên cứu nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, C. Mác thấy rằng, “sức sản xuất của lao động được quyết định bởi rất nhiều tình hình”[1]. Những “tình hình” (nhân tố) mà C. Mác đề cập đến cụ thể là:
Thứ nhất, trình độ khéo léo của người lao động. Đây là nhân tố đầu tiên C. Mác đề cập trong hệ thống các nhân tố tác động đến NSLĐ. Theo C. Mác, người lao động có trình độ thành thạo càng cao, thì NSLĐ càng cao. Điều này không chỉ xảy ra đối với những người lao động thủ công, mà còn xảy ra đối với những người lao động bằng máy móc. Bởi vì, tốc độ làm việc của máy móc rất cao, đòi hỏi người lao động phải có trình độ thành thạo tương ứng, thì mới theo kịp được tốc độ làm việc của máy móc. Đồng thời, mức độ thành thạo của người lao động sẽ được nâng lên khi người lao động được đào tạo hoặc được làm một công việc nào đó thường xuyên. Bởi, khi thường xuyên làm một việc sẽ giúp người lao động “giảm bớt việc tiêu dùng sức lao động một cách không sản xuất”[2], tức là loại bỏ những động tác thừa, làm cho hoạt động của người lao động trở nên trơn tru, liền mạch và tiêu tốn ít thời gian hơn. Do đó, với độ dài ngày lao động như nhau, trình độ thành thạo của người lao động càng cao, thì NSLĐ càng tăng.
|
Hai là, mức độ phát triển của khoa học và khả năng áp dụng khoa học vào quá trình sản xuất. Khi nghiên cứu nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, C. Mác thấy rằng, khoa học tách ra khỏi lao động trở thành “tiềm lực sản xuất độc lập”[3]. Tuy nhiên, để thực sự trở thành động lực thúc đẩy nền sản xuất tư bản chủ nghĩa phát triển, thì những thành tựu khoa học đó phải được đem vào ứng dụng trong quá trình sản xuất. Theo C. Mác, biểu hiện rõ nét của việc ứng dụng khoa học vào quá trình sản xuất đó là việc đổi mới quy trình sản xuất và đưa ngày càng nhiều máy móc vào các quá trình sản xuất. Trong hệ thống các nhân tố tác động đến NSLĐ, C. Mác thấy rằng, “máy móc là phương tiện mạnh nhất để tăng NSLĐ”[4]. Tại sao lại là máy móc? Vấn đề này được C. Mác luận giải: NSLĐ trong các ngành sản xuất ra máy móc để sản xuất ra tư liệu sản xuất, cũng như ngành sản xuất ra máy móc để sản xuất ra tư liệu sinh hoạt có xu hướng tăng lên, vì thế mà giá trị của máy móc cũng sẽ dần dần giảm xuống, theo đó, giá trị của hàng hóa dịch vụ cũng sẽ giảm theo. Như vậy, giá trị hàng hóa rẻ đi không chỉ vì NSLĐ sản xuất ra hàng hóa đó tăng lên, mà còn bởi NSLĐ sản xuất ra máy móc đó tăng lên. Theo C. Mác, “máy móc chứa đựng lao động ít bao nhiêu, thì giá trị mà chúng chuyển vào sản phẩm lại càng ít bấy nhiêu”[5]. Vì vậy, nếu sử dụng ngày càng nhiều máy móc với quy mô ngày càng lớn kết quả là “… chẳng những sản xuất ra đủ bảo đảm sự tiêu dùng dồi dào cho tất cả mọi người trong xã hội và gây một quỹ dự trữ quan trọng...”[6]. Thậm chí, ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực sản xuất đã vượt ra khỏi nhu cầu tiêu dùng của xã hội.
Ba là, sự phân công lao động và sự kết hợp xã hội của quá trình sản xuất. Trước khi quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa xuất hiện, hoạt động sản xuất của con người mang tính độc lập, mỗi người sẽ đảm nhiệm hầu hết các khâu của quá trình sản xuất. Nhưng khi phương thức tư bản chủ nghĩa xuất hiện, thì quá trình sản xuất được tổ chức thành nhiều công đoạn, người lao động được bố trí vào từng công đoạn của quá trình sản xuất đó và chỉ sản xuất một hoặc một vài sản phẩm bộ phận. Nhờ chỉ chuyên môn làm một công việc, mà mỗi người công nhân bộ phận dùng ít thời gian hơn người thợ thủ công lần lượt làm cả một chuỗi công việc. Vì rút ngắn được thời gian sản xuất của từng công đoạn, nên thời gian sản xuất một sản phẩm hoàn chỉnh cũng được rút ngắn. Chính vì vậy, C. Mác coi phân công lao động chính là “phương tiện để sản xuất ra được nhiều hàng hóa hơn với một số lượng lao động như cũ”[7], hay phân công lao động chính là một nhân tố quan trọng nâng cao NSLĐ.
Tuy nhiên, để nâng cao NSLĐ, theo C. Mác, không chỉ có phân công lao động, mà còn phải gắn phân công lao động với kết hợp xã hội trong quá trình sản xuất. Theo đó, phải đưa người lao động đơn lẻ, làm việc trong những khâu, những bước khác nhau vào một không gian chung, có sự liên kết với nhau trong quá trình sản xuất. Sự kết hợp này có ý nghĩa vô cùng to lớn, vừa giúp người lao động loại bỏ được “lao động vô ích”, vừa rút ngắn thời gian sản xuất. Theo C. Mác, thì sự kết hợp không chỉ xảy ra ở các công trường thủ công, mà ngay cả khi bước vào giai đoạn đại công nghiệp cơ khí, khi mà sản xuất bằng máy móc ngày càng nhiều hơn, thì càng cần đến sự kết hợp xã hội ấy. “Vì bản thân tổng thể máy móc là một hệ thống gồm nhiều chiếc máy khác nhau, hoạt động cùng một lúc và kết hợp với nhau, cho nên sự hiệp tác dựa trên hệ thống máy móc đó cũng đòi hỏi phải phân chia những nhóm công nhân khác loại cho những máy móc khác loại”[8].
Bốn là, điều kiện tự nhiên. C. Mác khẳng định, “NSLĐ gắn liền với những điều kiện tự nhiên”[9]. Điều kiện tự nhiên mà C. Mác nhắc đến ở đây gồm 2 loại lớn: Loại thứ nhất là các loại tài nguyên dùng làm tư liệu sinh hoạt, như: khí hậu, mức độ màu mỡ của đất đai, những dòng nước...; Loại thứ hai đó là những tài nguyên dùng làm tư liệu lao động, như: thác nước chảy xiết, sông ngòi mà thuyền bè có thể đi lại được, gỗ, kim loại, than đá... Sự tác động của loại thứ nhất đến NSLĐ được C. Mác lập luận chính là “tính chất màu mỡ của đất đai càng lớn và khí hậu càng thuận lợi, thì thời gian lao động cần thiết để duy trì và tái sản xuất ra người sản xuất lại càng ít”[10]. Nói cách khác, nếu đất đai màu mỡ với nhiều sản vật nằm trong đó; sông hồ mà nhiều cá sẽ cung cấp nhiều tư liệu sinh hoạt người lao động với một khoảng thời gian ngắn hơn. Và do đó, giá trị của các tư liệu sinh hoạt cũng giảm xuống, nên giá trị của sức lao động giảm xuống, hay NSLĐ tăng lên. Đối với loại thứ hai - các loại tài nguyên được dùng làm tư liệu sản xuất. Những nguồn nguyên liệu này trong tự nhiên nhiều, thì việc khai thác cũng thuận lợi hơn, tiêu tốn ít công sức hơn, và do đó, giá trị của chúng cũng giảm xuống, hay NSLĐ đã tăng lên nhờ vào sự dồi dào của các loại tài nguyên thiên nhiên.
Năm là, quan hệ sản xuất. Khác với các nhân tố khác tác động trực tiếp đến sự tăng lên hay giảm xuống của NSLĐ, thì quan hệ sản xuất có tác động gián tiếp đến sự tăng lên hay giảm xuống của NSLĐ. Điều này đã được C. Mác chỉ rõ khi nghiên cứu về sự vận động của các hình thái kinh tế - xã hội. Ông thấy rằng, khi hình thái kinh tế - xã hội này được thay thế bằng một hình thái kinh tế - xã hội khác, kéo theo đó NSLĐ xã hội trong mỗi hình thái kinh tế - xã hội mới lại có bước nhảy vọt cao hơn so với NSLĐ trong hình thái kinh tế xã hội cũ. Chẳng hạn, kể từ khi chủ nghĩa tư bản được thiết lập ở các nước châu Âu, quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa giữ địa vị thống trị ở các nước này, thì NSLĐ ở các nước tư bản đã tăng lên nhanh chóng và cao hơn hẳn NSLĐ dưới chế độ phong kiến. Biểu hiện cụ thể là số lượng hàng hóa sản xuất ra nhanh hơn, nhiều hơn gấp nhiều lần so với số lượng hàng hóa được sản xuất ra dưới chế độ phong kiến và chi phí sản xuất cũng thấp hơn.
Không chỉ vậy, ngay trong từng giai đoạn phát triển của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, thì NSLĐ cũng có sự biến động tăng lên cùng với quá trình phát triển của quan hệ sản xuất ấy. Điều này đã được C. Mác chứng minh khi nghiên cứu về 3 giai đoạn phát triển của chủ nghĩa tư bản từ hợp tác giản đơn, đến công trường thủ công và đại công nghiệp cơ khí, NSLĐ đã tăng lên liên tục trong 3 giai đoạn ấy. C. Mác phân tích, trong nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, nhà tư bản luôn hướng tới mục tiêu thu ngày càng nhiều giá trị thặng dư hơn. Nhưng do không thể kéo dài ngày lao động vượt quá khả năng lao động của người lao động và Đạo luật công xưởng cũng quy định rút ngắn thời gian ngày lao động, nên để có thể thu được nhiều giá trị thặng dư hơn, nhà tư bản phải rút ngắn thời gian lao động cần thiết để tái sản xuất sức lao động. Điều này lại phụ thuộc vào NSLĐ, nhưng “năng suất ấy lại phụ thuộc vào sự phát triển của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa”[11]. Vì sao có sự phụ thuộc ấy? C. Mác luận giải, vì trong số giá trị thặng dư mà nhà tư bản thu được, một phần nhỏ nhà tư bản sử dụng để tiêu dùng cho cá nhân và gia đình của nhà tư bản, phần lớn còn lại trong tổng số giá trị thặng dư ấy được nhà tư bản đem vào mua tư liệu sản xuất và sức lao động, thực hiện tái sản xuất mở rộng, C. Mác gọi phần giá trị thặng dư được đem vào tái sản xuất mở rộng là “tư bản phụ thêm”. Nhưng trong phần lớn tư bản phụ thêm ấy được nhà tư bản chủ yếu dùng để mua máy móc nhằm tiếp tục nâng cao NSLĐ, rút ngắn thời gian lao động cần thiết để từ đó bóc lột được nhiều giá trị thặng dư hơn. Quá trình này lặp đi lặp lại liên tục trong nền sản xuất tư bản chủ nghĩa. Như vậy, có thể thấy, sự phát triển của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa đã thúc đẩy NSLĐ không ngừng tăng lên dưới chủ nghĩa tư bản.
MỘT SỐ GIẢI PHÁP TĂNG NSLĐ Ở VIỆT NAM TRÊN CƠ SỞ VẬN DỤNG LÝ LUẬN CỦA C. MÁC VỀ CÁC NHÂN TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN NSLĐ
Nghiên cứu lý luận của C. Mác về các nhân tố tác động đến NSLĐ có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Việt Nam. Đây chính là các cơ sở quan trọng để đề xuất các giải pháp nhằm tăng NSLĐ của nền kinh tế vốn đang còn rất thấp hơn nhiều so với các nước phát triển trong khu vực và thế giới. Để đẩy nhanh tốc độ phát triển, nhanh chóng rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển, dưới góc độ quản lý nhà nước về kinh tế, Nhà nước cần thực hiện tốt các giải pháp sau đây:
Thứ nhất, Nhà nước phải tập trung nhiều nguồn lực đầu tư cho giáo dục, đào tạo nhằm nâng cao trình độ, năng lực, kỹ năng, kỹ xảo cho người lao động, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong những năm tới, để tăng NSLĐ của nền kinh tế, thì công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần được đẩy mạnh hơn nữa. Nhưng, quá trình đó đòi hỏi Việt Nam phải có một đội ngũ lao động không chỉ đông đảo về số lượng, mà còn phải là những người lao động có trình độ, có năng lực, có kỹ năng, kỹ xảo trong lao động để có thể theo kịp được sự phát triển của máy móc và điều hành sản xuất theo đúng quy trình khoa học - công nghệ vốn rất phức tạp. Nhà nước cần tiếp tục cụ thể hóa chủ trương “giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu”, tập trung nhiều nguồn lực để đầu tư, phát triển giáo dục, đào tạo mà trước hết là đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở giáo dục, đào tạo tất cả các cấp với đầy đủ cơ sở vật chất, nguồn nhân lực chất lượng cao đủ sức đảm nhiệm nhiệm vụ giáo dục, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong đó, tập trung nâng cấp về mọi mặt cho các trường đại học, cao đẳng và các trường dạy nghề nhằm đáp ứng được nhu cầu lao động trình độ, tay nghề cao cho nền kinh tế.
Thứ hai, Nhà nước cần tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách kích thích người dân, doanh nghiệp tích cực hiện đại hóa quá trình sản xuất, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm tăng NSLĐ xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Để tăng NSLĐ của nền kinh tế, trước hết phải nâng cao NSLĐ của từng đơn vị sản xuất, kinh doanh. Như vậy, các chủ thể sản xuất, kinh doanh phải chủ động đẩy mạnh đổi mới, sử dụng máy móc và áp dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, hiện đại trong quá trình sản xuất. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là Nhà nước không đóng vai trò gì trong quá trình tăng NSLĐ của nền kinh tế. Với tư cách là chủ thể quản lý nền kinh tế, Nhà nước có thể thông qua hệ thống cơ chế, chính sách của mình để tác động vào các chủ thể kinh tế nhằm hỗ trợ, kích thích người dân, doanh nghiệp tích cực hiện đại hóa quá trình sản xuất nhằm tăng NSLĐ của họ, từ đó mà làm tăng NSLĐ của nền kinh tế. Các cơ chế, chính sách mà Nhà nước có thể sử dụng ở đây là: miễn giảm thuế nhập khẩu đối với các loại máy móc tiên tiến, hiện đại mà Việt Nam chưa sản xuất được; giảm lãi suất cho các khoản vay đầu tư vào hiện đại hóa sản xuất; tạo môi trường cạnh tranh, thúc đẩy các doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo trong sản xuất; tạo hành lang pháp lý ngăn chặn việc sử dụng máy móc, công nghệ cũ kỹ, lạc hậu, buộc các doanh nghiệp phải đổi mới, sử dụng công nghệ, máy móc hiện đại; hoàn thiện thị trường khoa học công nghệ… Những cơ chế, chính sách này sẽ kích thích người dân, doanh nghiệp đầu tư, hiện đại hóa sản xuất ở hầu hết các mặt, các lĩnh vực kinh tế, nhờ đó mà NSLĐ trong nền kinh tế tăng lên, đồng thời góp phần thúc đẩy phân công lao động xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nền kinh tế quốc dân.
Ba là, tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh cải cách hành chính, chống tham ô, tham nhũng, lãng phí. Đây là giải pháp nhằm làm cho quan hệ sản xuất phù hợp với lực lượng sản xuất, nhờ đó giải phóng sức sản xuất, tăng NSLĐ của nền kinh tế. Thực tiễn 35 năm đổi mới cho thấy, chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là lựa chọn đúng đắn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Sự đúng đắn đó được thể hiện ở quá trình đổi mới, sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước đã làm cho số lượng doanh nghiệp nhà nước giảm mạnh, nhưng quy mô và hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước được nâng lên và đang là trụ cột của nền kinh tế quốc dân. Bên cạnh đó, kinh tế tập thể được quan tâm đổi mới; kinh tế tư nhân ngày càng được coi trọng, phát triển; đội ngũ doanh nhân không ngừng lớn mạnh; thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt được kết quả tích cực. Nhờ đó, NSLĐ không ngừng tăng lên trong những năm vừa qua. Nếu như năm 1991 GDP/người (theo giá so sánh) của nước ta đạt 98 USD/người thì đến 2020 đã đạt 2.779 USD/người.
Trong những năm tới, Nhà nước cần tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhất là thể chế về sở hữu; thể chế về phân phối; thể chế về phát triển kinh tế gắn với đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội, đảm bảo quốc phòng, anh ninh… Bên cạnh đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách bộ máy, cải cách thủ tục hành chính và phòng chống tham ô, tham nhũng. Đối với cải cách bộ máy, Nhà nước phải tổ chức sắp xếp lại bộ máy, thực hiện phân công, phân cấp, phân quyền rõ ràng, minh bạch, đồng thời đẩy mạnh tinh giảm biên chế làm cho bộ máy hành chính gọn nhẹ hơn, hoạt động hiệu quả hơn, trong chi phí vận hành bộ máy giảm xuống. Đối với cải cách thủ tục hành chính và phòng chống tham ô, tham nhũng, Nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết và không còn phù hợp với điều kiện thực tiễn, nhất là các điều kiện kinh doanh, thực hiện chính phủ điện tử nhằm hiện đại hóa quá trình tiếp nhận và trả hồ sơ, đồng thời có giải pháp ngăn chặn tình trạng lạm dùng quyền lực, nhiễu nhương, tham ô, tham nhũng. Thực hiện tốt các nội dụng này sẽ góp phần cắt giảm chi phí, tiết kiệm nguồn lực cho người dân, doanh nghiệp, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, nhờ đó mà góp phần làm cho NSLĐ xã hội tăng lên./.
Tài liệu tham khảo
1. C. Mác và Ph. Ăng Ghen (1993). Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội
[1] C. Mác và Ph. Ăng Ghen, Toàn tập, tập 23, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1993, tr. 68
[2] C. Mác và Ph. Ăng Ghen, Toàn tập, tập 23, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1993, tr. 494
[3] C. Mác và Ph. Ăng Ghen, Toàn tập, tập 16, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994, tr. 379
[4] C. Mác và Ph. Ăng Ghen, Toàn tập, tập 23, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1993, tr. 579
[5] C. Mác và Ph. Ăng Ghen, Toàn tập, tập 23, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1993, tr. 562
[6] C. Mác và Ph. Ăng Ghen, Toàn tập, tập 18, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 556-557
[7] C. Mác và Ph. Ăng Ghen, Toàn tập, tập 23, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1993, tr. 530
[8] C. Mác và Ph. Ăng Ghen, Toàn tập, tập 23, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1993, tr. 603
[9] C. Mác và Ph. Ăng Ghen, Toàn tập, tập 23, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1993, tr. 723
[10] C. Mác và Ph. Ăng Ghen, Toàn tập, tập 23, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1993, tr. 724
[11] C. Mác và Ph. Ăng Ghen, Toàn tập, Tập 48, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.264
ThS. Bùi Đức Hòa, TS. Trịnh Xuân Việt
Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng
(Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 29 năm 2021)
Bình luận