NHỮNG THUẬN LỢI VÀ KHÓ KHĂN TRONG LIÊN KẾT PHÁT TRIỂN DU LỊCH VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM MIỀN TRUNG

Thuận lợi

Một là, các địa phương trong Vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch

Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung gồm có 5 tỉnh/thành là: có gần 600 km đường biển với những bãi tắm đẹp, thoải, cát trắng mịn, nước biển trong xanh. Phần lớn các bãi biển nằm gần đường quốc lộ, gần các đô thị, điểm dân cư, nhiều danh thắng, công trình văn hóa nổi tiếng tạo điều kiện thuận lợi cho các tỉnh trong Vùng nói riêng và toàn Vùng nói chung tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, tham quan. Với một hệ thống sông ngòi đa dạng, phân bố hầu hết các địa phương trong Vùng với đặc điểm lòng sông dốc, nhiều gềnh đá, đặc biệt với nhiều cảnh đẹp thơ mộng đã và đang được đưa vào khai thác phục vụ cho phát triển du lịch. Vùng có nhiều di tích văn hóa - lịch sử và nhiều lễ hội đặc sắc có sức hấp dẫn cao đối với du khách. Vùng có nhiều làng nghề phân bố khắp tất cả các địa phương trong Vùng. Những làng nghề trong Vùng đã tạo ra những sản phẩm thủ công đặc sắc, tinh xảo, là những đồ lưu niệm có giá trị và trở thành sản phẩm du lịch độc đáo đặc trưng của các địa phương trong Vùng. Vùng là nơi cư trú của nhiều dân tộc anh em đã tạo ra sự đa dạng về văn hóa cùng với các bảo tàng và cơ sở văn hóa nghệ thuật. Những tiềm năng, lợi thế đó là điều kiện thuận lợi để các địa phương trong Vùng liên kết tạo nên những chuỗi sản phẩm du lịch đặc trưng của Vùng, như: Tham quan các di tích văn hóa - lịch sử kết hợp với du lịch biển đảo, du lịch quá cảnh; Tham quan nghiên cứu các di sản văn hóa thế giới, di sản văn hóa truyền thống, di sản văn hóa Chăm; Tham quan nghiên cứu các di tích cách mạng; Tham quan các khu rừng quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên; Tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí, chữa bệnh ở các cảnh quan ven biển, hồ và núi, suối khoáng; Các hình thức du lịch biển, đảo và du lịch tâm linh… thúc đẩy du lịch của Vùng nói chung và các địa phương trong Vùng nói riêng phát triển.

Quản lý liên kết để nâng cao chất lượng chuỗi sản phẩm du lịch vùng kinh tế trọng điểm miền Trung
Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch.

Hai là, các địa phương trong Vùng đều có sự tương đồng về chủ trương, chiến lược, chính sách phát triển du lịch

Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội các địa phương trong Vùng đều xác định du lịch là một trong những ngành kinh tế quan trọng, ngành kinh tế mũi nhọn. Những năm qua, cơ chế chính sách của các đại phương trong Vùng đã có những chuyển biến tạo thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển các ngành kinh tế, đặc biệt là ngành du lịch, cụ thể là: thủ tục hành chính của các địa phương trong Vùng ngày càng tinh giảm, thực hiện tốt cơ chế “một cửa”, “một cửa” liên thông hướng đến một môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch. Bên cạnh thực hiện chính sách chung của cả nước về thuế, đất đai đối với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư kinh doanh du lịch, các địa phương trong Vùng có những chính sách ưu đãi đặc thù về thuế và đất đai, như: miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp khoảng 4-15 năm đầu khi có thu nhập chịu thuế; hỗ trợ kinh phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư, miễn tiền thuế sử dụng đất từ 7-10 năm đối với vùng đặc biệt khó khăn và giảm thuế 20%-30% đối với các vùng khác.

Ba là, các địa phương trong Vùng đang khai thác và có định hướng tới các đối tượng khách du lịch và thị trường khách du lịch tương đồng nhau. Cụ thể như sau:

- Đối với khách du lịch biển; khách du lịch thương mại, kết hợp với tham quan du lịch; du lịch sinh thái; du lịch văn hóa, tâm linh, thì đối tượng khách du lịch bao gồm cả khách quốc tế và khách trong nước.

- Đối với khách du lịch cuối tuần kết hợp với vui chơi giải trí; khách du lịch chữa bệnh, thì đối tượng khách du lịch là khách trong nước.

- Các thị trường khách quốc tế ưu tiên khai thác của các địa phương trong Vùng như: Thị trường châu Âu (Anh, Đức, Pháp…); Thị trường Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc; Trung Quốc); Thị trường ASEAN (Campuchia, Lào, Thái Lan…); Thị trường châu Mỹ.

Các thị trường khách trong nước ưu tiên khai thác của các địa phương trong Vùng: Thị trường khách nội Vùng; Thị trường khách Hà Nội và các đô thị lớn ở phía Bắc; Thị trường khách TP. Hồ Chí Minh và các đô thị lớn ở phía Nam; Thị trường các tỉnh Tây Nguyên.

Khó khăn

Thứ nhất, thiếu thể chế quản lý trong liên kết vùng du lịch. Các tỉnh/thành thuộc vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung có điều kiện tự nhiên, văn hóa, xã hội kinh tế khá tương đồng nhau. Vì vậy, sản phẩm du lịch tạo ra đơn điệu, tương đối giống nhau. Muốn tạo ra sản phẩm đa dạng, nhưng mang tính chuyên biệt phát huy được lợi thế của tất cả các địa phương trong Vùng, có một chuỗi giá trị sản phẩm du lịch chất lượng cho Vùng, thì cần có sự liên kết vùng du lịch. Liên kết vùng du lịch chỉ phát huy được sức mạnh khi có sự phụ thuộc vào nhau, có một chủ thể chung trong quản lý liên kết vùng du lịch.

Hiện nay, quản lý hoạt động liên kết du lịch của Vùng chưa đồng bộ, nên việc liên kết để tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm du lịch của Vùng còn lỏng lẻo, rời rạc, sự liên kết mang tính chất đơn điệu, chỉ mới dừng lại ở những hoạt động mang tính bề nổi, như: tổ chức các sự kiện cụ thể, chưa mang tính chiều sâu và dựa vào tài nguyên du lịch của Vùng. Hoạt động liên kết giữa các địa phương trong Vùng chủ yếu là thông qua các hội thảo, hội nghị, thỏa thuận, các văn bản ghi nhớ, nên chưa có tính pháp lý hoặc có nhưng tính pháp lý không cao.

Liên kết giữa các doanh nghiệp, chính quyền địa phương, đặc biệt là giữa doanh nghiệp lữ hành và lưu trú trong việc thu hút, níu giữ khách còn hạn chế, do lợi ích cục bộ vẫn đang chi phối hợp tác giữa các chủ thể tham gia vào hoạt động du lịch Vùng, các mối liên kết giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với chính quyền, doanh nghiệp du lịch với doanh nghiệp khác lĩnh vực và doanh nghiệp với cộng đồng có lẽ là “việc riêng” của mỗi doanh nghiệp.

Việc liên kết mới chỉ dừng lại ở việc kết nối các điểm đến trong Vùng, chưa tạo ra được sự liên kết một cách toàn diện trong phát triển du lịch, như: các địa phương trong Vùng chưa có sự phối hợp quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng, trong quy hoạch du lịch của các địa phương trong Vùng chưa có sự tham khảo quy hoạch của nhau, không đưa ra những yêu cầu về liên kết nội vùng, xây dựng sản phẩm đặc trưng của Vùng, điều tiết, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ du lịch… chưa xác định được lợi thế so sánh của từng địa phương trong Vùng để làm căn cứ “phân vai” gắn với trách nhiệm và lợi ích trong hoạt động liên kết phát triển du lịch của Vùng.

Thứ hai, quản lý điểm đến du lịch của các địa phương trong Vùng vẫn chưa tương đồng. Công tác quản lý các khu, điểm du lịch thực hiện tốt đã tạo nên cảnh quan môi trường sạch đẹp, không có tệ nạn, không có tình trạng chèo kéo hoặc ép giá khách du lịch, các khâu phục vụ khách du lịch mang tính chuyên nghiệp đem lại sự hài lòng rất lớn trong trải nghiệm của du khách. Tuy nhiên, công tác này vẫn chưa thực hiện một cách đồng đều giữa các địa phương trong Vùng và ở tất cả các khu, điểm du lịch của từng địa phương. Việc quản lý lỏng lẻo dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh, tăng - giảm giá một cách tùy tiện, giá cả không thống nhất, có sự chệnh lệnh về giá cả lớn giữa các khu, điểm du lịch ở từng địa phương và ở các địa phương trong Vùng. Vì vậy, khó tìm thấy tiếng nói chung để liên kết tạo ra chuỗi sản phẩm chất lượng.

Thứ ba, trình độ nguồn nhân lực du lịch thấp, lại không đồng đều giữa các địa phương trong Vùng. Trong những năm qua, số lượng và chất lượng nguồn nhân lực trong hoạt động du lịch ở các địa phương trong vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung có những chuyển biến cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, sự chuyển biến đó vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển du lịch của các địa phương trong Vùng. Số lượng lao động trong lĩnh vực du lịch chưa qua đào tạo vẫn còn lớn, lao động phổ thông đang là lực lượng lao động chính và chiếm phần lớn trong tổng số lao động của ngành du lịch. Hiện nay các địa phương trong Vùng đang thiếu những lao động giỏi, chuyên gia đầu ngành. Bên cạnh đó, trình độ ngoại ngữ và khả năng thông dụng ngoại ngữ của lao động trong lĩnh vực du lịch của Vùng còn hạn chế. Tính đến năm 2019, lao động biết ngoại ngữ chiếm khoảng 65%, nhưng khả năng sử dụng thành thạp khoảng 35% chủ yếu là tiếng Anh và họ là những người hướng dẫn viên, còn lao động ở những bộ phận khác trình độ ngoại ngữ thấp, khả năng giao tiếp hạn chế (Hồ Thị Minh Phương, 2019).

Thứ tư, cơ sở hạ tầng kỹ thuật du lịch chưa đa dạng, chất lượng không đồng đều, nên lợi thế so sánh để phát huy sự liên kết hình thành chuỗi sản phẩm du lịch Vùng chưa được khơi dậy. Một trong những lợi thế so sánh trong phát triển du lịch của Vùng là tài nguyên du lịch để phát triển du lịch biển, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa. Tuy nhiên, giao thông đường thủy để nối liền các địa phương trong Vùng phục vụ cho phát triển du lịch không có, chưa có cảng biển chuyên đón khách du lịch, khách du lịch đến Vùng bằng đường biển chỉ cập cảng Chân Mây và cảng Đà Nẵng, trong khi đó Vùng có 5 tỉnh/thành, nhưng chỉ có 4 sân bay, trong đó 3 sân bay quốc tế. Hiện nay, khách nội vùng và ngoại vùng qua lại giữa các địa phương trong Vùng chủ yếu bằng đường sắt và đường bộ, tuy nhiên, cơ sở hạ tầng lẫn phương tiện vận chuyển ở hai tuyến đường này chất lượng vẫn chưa tốt, chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách khi đến Vùng. Việc đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật chất lượng tốt mới chỉ tập trung tại các khu, điểm du lịch có đối tượng khách du lịch có khả năng trả chi phí cao ở TP. Đà Nẵng, TP. Huế. Đây cũng là một trong những yếu tố cản trở sự liên kết giữa các địa phương trong Vùng để tạo ra chuỗi sản phẩm du lịch chất lượng.

MỘT SỐ ĐỀ XUẤT

Nhằm tăng cường quản lý liên kết để nâng cao chất lượng chuỗi sản phẩm du lịch vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, theo tác giả, cần thực hiện một số vấn đề như sau:

Một là, thiết lập bộ máy tổ chức và có cơ chế quản lý du lịch Vùng. Chính quyền địa phương trong Vùng cần nghiên cứu thiết lập một bộ máy tổ chức quản lý du lịch Vùng gắn với những chức năng, nhiệm vụ quyền hạn nhất định trong việc quy hoạch du lịch Vùng, liên kết và quản lý liên kết trong phát triển du lịch Vùng. Cần nghiên cứu thành lập một ủy ban liên kết du lịch Vùng, thành lập hiệp hội du lịch vùng để làm cầu nối liên kết các doang nghiệp du lịch trong Vùng. Thành lập quỹ phát triển du lịch vùng để huy động mọi nguồn lực thực hiện các chương trình dự án hợp tác liên kết phát triển du lịch Vùng. Thành lập các văn phòng đại diện du lịch của các tỉnh có mặt ở tất cả các địa phương trong Vùng.

Hai là, tăng cường quản lý liên kết giữa các doanh nghiệp, các tổ chức, cơ quan và cộng đồng dân cư. Việc kết nối các tour, tuyến, khu du lịch cần được tăng cường và có sự quản lý để xóa bỏ sự ngăn cách theo địa giới hành chính, tạo sự liên kết dịch vụ khép kín các sản phẩm du lịch lẫn các dịch vụ du lịch nhằm kết nối các nguồn khách, tiết kiệm chi phí, tăng tính cạnh tranh cho du lịch của Vùng. Bên cạnh đó, quản lý liên kết giữa các doanh nghiệp, các tổ chức, cơ quan và cộng đồng dân cư trên nguyên tắc lợi ích kinh tế, cùng chịu trách nhiệm, cùng hưởng lợi ích, cùng chia sẽ rủi ro trong liên kết bằng hợp đồng.

Ba là, coi trọng việc thiết lập và mở rộng mối quan hệ hợp tác trong liên kết đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch vùng. Theo đó, cần liên kết trong đầu tư phát triển giao thông, hạ tầng cơ sở, hạ tầng dịch vụ và các di tích, danh lam, thắng cảnh, xây dựng các trạm dịch vụ cho khách du lịch bên đường, các dự án đầu tư lớn mang tính liên vùng, những khu vui chơi giải trí đẳng cấp có những tác động lan tỏa nhất định đối với phát triển du lịch của Vùng.

Bốn là, định vị sản phẩm du lịch đặc trưng cho du lịch Vùng. Để thực hiện được điều này, mỗi địa phương trong Vùng phải định vị được sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương mình. Có như vậy, mới tạo ra sự đa dạng trong sản phẩm du lịch, khắc phục được sự trùng lặp sản phẩm du lịch hiện nay, tạo ra một chuỗi sản phẩm du lịch chất lượng mang tính đặc trưng của vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung. Gói sản phẩm đó phải mang đầy đủ những lợi thế mà Vùng có được cho phát triển du lịch từ điều kiện tự nhiên, văn hóa, kinh tế - xã hội để phục vụ cho khách du lịch trong và ngoài nước.

Năm là, liên kết đào tạo nguồn nhân lực du lịch Vùng. Các địa phương trong Vùng cần có sự liên kết đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch cho Vùng, tập trung phát triển các cơ sơ đào tạo về du lịch có chất lượng trong Vùng. Các cơ sở đào tạo không chỉ đào tạo về nghiệp vụ, kỹ năng, mà còn quản trị, quản lý du lịch. Đặc biệt, cần chú trọng liên kết giữa các cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp du lịch để xây dựng chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng; gắn doanh nghiệp với cơ sở đào tạo nhằm gắn lý thuyết với thực tiễn, cầm tay chỉ việc, nâng cao chất lượng đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp; liên kết tổ chức các khóa học chuyên sâu về du lịch, các khóa tập huấn nghiệp vụ; đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ dưới nhiều hình thức liên kết và tổ chức đào tạo khác nhau./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Thủ tướng Chính phủ (2013). Quyết định số 201/QĐ-TTg, ngày 22/01/2013 phê duyệt Quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
  2. Ban Kinh tế Trung ương (2015). Đề án Kinh tế vùng, Liên kết vùng, đề xuất, kiến nghị, Hà Nội
  3. Hồ Thị Minh Phương (2019). Phát triển kinh tế du lịch vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung trong hội nhập quốc tế, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội
  4. Tạp chí Cộng sản – Trung tâm thông tin Focotech (2007). Tiềm năng vùng Trọng điểm kinh tế miền Trung, Nxb Hà Nội
  5. Lê Thế Giới (2013). Phát triển du lịch miền trung: Góc nhìn từ chuỗi giá trị, Kỷ yếu Hội nghị “Xúc tiến đầu tư vùng Duyên hải miền Trung”, tổ chức tại Đà Nẵng, ngày 21-22/3/2013

TS. Hồ Thị Minh Phương

Trường Đại học Quy Nhơn

(Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 29 năm 2021)