THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN CỦA CÁC DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ THỌ

Kết quả đạt được

Trong giai đoạn 2016-2020, số lượng doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân của tỉnh Phú Thọ luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất và có xu hướng tăng. Năm 2020, tổng số doanh nghiệp thực tế đang hoạt động trong các khu vực kinh tế là 5.466 doanh nghiệp, trong đó, khu vực ngoài nhà nước có 5.312 doanh nghiệp, chiếm 97,18% tổng số doanh nghiệp. So với năm 2016, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng gấp 1,71 lần, tốc độ tăng bình quân 14,75%/năm (Bảng 1).

Bảng 2 cho thấy, vốn đầu tư của các doanh nghiệp ở tỉnh Phú Thọ đều tăng dần qua các năm, trong đó vốn đầu tư của khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm tỷ trọng lớn nhất. Vốn đầu tư của khu vực này tăng từ hơn 12 nghìn tỷ đồng năm 2016 lên gần 19 nghìn tỷ đồng năm 2020, tăng hơn 1,5 lần chỉ sau 5 năm.

Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn tỉnh Phú Thọ

Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn tỉnh Phú Thọ

Cùng với sự phát triển về số lượng doanh nghiệp tư nhân, tổng số lao động làm việc trong khu vực này cũng chứng kiến xu hướng tăng qua các năm. Bảng 3 cho thấy, số lao động làm việc trong khu vực kinh tế ngoài nhà nước năm 2020 là 79.324 người, chiếm 48,81% tổng số lao động trong các doanh nghiệp; tốc độ tăng bình quân đạt 1,30%/năm trong giai đoạn 2016-2020.

Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn tỉnh Phú Thọ

Như vậy, khu vực doanh nghiệp tư nhân đã có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng, được thể hiện qua các tiêu chí: số lượng doanh nghiệp tăng nhanh, quy mô vốn đầu tư và lao động cũng không ngừng tăng. Khoảng 60% thu ngân sách của tỉnh Phú Thọ là đóng góp từ doanh nghiệp tư nhân, cho thấy vai trò của khu vực doanh nghiệp này là hết sức quan trọng.

Những khó khăn, hạn chế

Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên, so với yêu cầu của toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tư nhân ở Phú Thọ còn tồn tại một số hạn chế.

Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh Phú Thọ, năm 2020, số doanh nghiệp thực tế hoạt động chỉ chiếm khoảng 70% tổng số doanh nghiệp đăng ký trên địa bàn Tỉnh. Điều này đã gây lãng phí trong đầu tư xây dựng và giảm hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời, do phát triển phân tán, thiếu định hướng, nên sự ra đời của các doanh nghiệp thiếu tính ổn định và bền vững. Vì vậy, số doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể, chấm dứt hoạt động kinh doanh tăng so với cùng kỳ các năm trước đó: năm 2017, số doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể, chấm dứt hoạt động kinh doanh tăng 29,9% so với cùng kỳ; năm 2018 tăng 34,6% so với cùng kỳ; năm 2019 tăng so với 22,1% cùng kỳ; năm 2020 tăng 6,8% so với cùng kỳ.

Hơn nữa, quy mô sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân còn nhỏ bé, hoạt động thiếu tính chuyên nghiệp, do vậy gặp khó khăn trong việc nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế. Rất ít doanh nghiệp đầu tư dài hạn trong lĩnh vực sản xuất dịch vụ công nghệ cao, sáng tạo…, nên việc kết nối với các doanh nghiệp FDI còn kém, chưa tạo ra nền tảng vững chắc của sự phát triển.

Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn tỉnh Phú Thọ
Thực tế cho thấy, quy mô sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân tỉnh Phú Thọ còn nhỏ bé. Ảnh: Internet.

Đó là chưa kể, năng lực công nghệ của các doanh nghiệp tư nhân còn thấp, chưa áp dụng mạnh mẽ các thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp có hệ thống máy móc thiết bị, công nghệ sản xuất lạc hậu, năng suất thấp, tiêu tốn nguyên, nhiên liệu, ảnh hưởng xấu tới môi trường, trong khi chất lượng và mẫu mã sản phẩm hàng hóa dịch vụ còn hạn chế. Trong khi đó, doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng. Một bộ phận lớn doanh nghiệp tư nhân vẫn chưa có cơ hội tiếp cận vốn để phát triển.

Tâm lý "một mình một thuyền" vẫn ăn sâu trong tiềm thức của nhiều chủ doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn Tỉnh. Các chủ doanh nghiệp không muốn chia sẻ hoạt động kinh doanh cũng như lợi ích với doanh nghiệp khác. Do vậy, hình thức liên kết mạnh hơn, như: công ty cổ phần, công ty hợp danh... chiếm tỷ trọng thấp. Mức độ liên kết, hợp tác thể hiện qua số lượng các hợp đồng liên kết sản xuất, thầu phụ, hợp đồng tiêu thụ, đại lý, mở chi nhánh... cũng khá hạn chế. Vì thế, sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân vào chuỗi cung ứng toàn cầu và việc đóng góp của các doanh nghiệp tư nhân trong xuất khẩu vẫn chưa tương xứng với kỳ vọng.

Ngoài ra, chất lượng nguồn nhân lực thấp cũng là rào cản lớn đối với sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân tỉnh Phú Thọ. Phần lớn nguồn lao động ở khu vực này có trình độ chuyên môn thấp, năng lực ứng dụng khoa học, công nghệ và các tiến bộ khoa học, kỹ thuật hạn chế. Nhiều lao động do chuyển từ nghề nông nghiệp sang nên khả năng thích ứng với môi trường công nghiệp chậm, ý thức kỷ luật chưa cao, không có tác phong công nghiệp.

KIẾN NGHỊ GIẢI PHÁP

Để đưa doanh nghiệp tư nhân trở thành động lực quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế tỉnh Phú Thọ, theo tác giả, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi, bảo đảm bình đẳng, công khai, minh bạch cho các doanh nghiệp phát triển. Đẩy mạnh hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Phú Thọ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân đến giải quyết các thủ tục hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính tại các sở, ngành, địa phương; công khai, minh bạch thông tin. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm và chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ làm việc trực tiếp với doanh nghiệp. Đẩy mạnh đăng ký kinh doanh qua mạng, hỗ trợ chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp. Cung cấp phần mềm kế toán miễn phí, đào tạo miễn phí quản trị doanh nghiệp, kế toán, thuế… cho các doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn.

Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp trong giải quyết công việc, thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp. Hỗ trợ, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho nhà đầu tư khi triển khai thực hiện dự án, cũng như trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thực hiện nghiêm túc các ý kiến, chỉ đạo của lãnh đạo Tỉnh liên quan đến việc triển khai các dự án trọng điểm, các dự án của nhà đầu tư. Tăng cường đối thoại với doanh nghiệp để nắm bắt và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp.

Hai là, đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với kinh tế tư nhân theo hướng kiến tạo môi trường đầu tư và kinh doanh cho kinh tế tư nhân phát triển. Tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp, cả trong nội bộ doanh nghiệp; chống việc hình thành các nhóm lợi ích từ chính trong các doanh nghiệp tư nhân. Chú trọng quan tâm định hướng hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp tư nhân lớn, tránh việc phá sản làm ảnh hưởng xấu đến kinh tế của Tỉnh.

Ba là, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Tập trung triển khai tiếp cận tín dụng thông qua hoạt động bảo lãnh tín dụng, khắc phục thủ tục rườm rà, hỗ trợ làm hồ sơ vay vốn và kết nối doanh nghiệp. Phát triển thị trường tín dụng dành cho doanh nghiệp tư nhân, trong đó, chú trọng hoạt động cho vay khép kín từ khâu vay thu mua, sản xuất đến khâu chế biến và xuất khẩu cho các nhóm doanh nghiệp tư nhân có liên kết với nhau theo cùng một chuỗi. Tăng cường các nguồn vốn ưu đãi với lãi suất thấp nhằm giảm chi phí vay vốn cho doanh nghiệp tư nhân.

Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân khắc phục các khó khăn về vốn, cần xóa bỏ tình trạng đối xử không bình đẳng trên thực tế trong vay vốn giữa các doanh nghiệp nhà nước với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác. Đồng thời, Tỉnh cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế tín dụng và bảo đảm tiền vay để đáp ứng các yêu cầu phát triển của kinh tế tư nhân, phù hợp với thực trạng xã hội và thị trường.

Bốn là, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với các doanh nghiệp tư nhân trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất, kinh doanh. Có cơ chế và chính sách phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân đón đầu áp dụng thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0.

Năm là, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Tỉnh cần tiếp tục rà soát, đổi mới hoạt động của cơ sở đào tạo; củng cố đội ngũ nhà giáo; đầu tư cơ sở vật chất nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Bên cạnh đó, ban hành cơ chế, chính sách đào tạo theo nhu cầu xã hội, gắn kết các cơ sở giáo dục hướng nghiệp với doanh nghiệp, mở rộng hình thức đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp và thu hút doanh nghiệp tham gia đào tạo nguồn nhân lực.

Sáu là, cộng đồng doanh nghiệp trong Tỉnh cần đoàn kết, hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau. Chủ động duy trì và phát triển doanh nghiệp theo hướng đổi mới tư duy, tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn; tích cực nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý; ứng dụng công nghệ mới, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, xây dựng uy tín, thương hiệu để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và năng lực cạnh tranh./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Cục Thống kê tỉnh Phú Thọ (2017-2021). Niên giám Thống kê tỉnh Phú Thọ các năm từ 2016 đến 2020, Nxb Thống kê

2. Nguyễn Thị Hồng Thúy (2018). Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam trong thời kỳ hội nhập, Tạp chí Nhân lực Khoa học Xã hội, số 60, trang 32-38

3. Khánh Trang (2021). Kiên trì thực hiện mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh, truy cập từ https://phutho.gov.vn/en/node/51673

4. Nhật Xuân (2019). Phú Thọ: Doanh nghiệp tư nhân đóng góp 60% thu ngân sách của tỉnh, truy cập từ https://doanhnghiepvn.vn/thi-truong/phu-tho-doanh-nghiep-tu-nhan-dong-gop-60-thu-ngan-sach-cua-tinh/20191218084959497

Nguyễn Thị Hồng Thúy

Khoa Kinh tế và Quản lý - Trường Cao đẳng Công nghiệp Thực phẩm

(Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 29 năm 2021)