THỰC TRẠNG KHÓ KHĂN CỦA DOANH NGHIỆP TRONG BỐI CẢNH GIÃN CÁCH XÃ HỘI VÀ BÀI TOÁN LỰA CHỌN SỐNG CHUNG VỚI COVID-19

Thực trạng khó khăn của doanh nghiệp trong bối cảnh giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19

Tại Việt Nam, bắt đầu từ tháng 4/2021, biến chủng Delta xuất hiện với tốc độ lây lan nhanh, mạnh, khiến dịch Covid-19 diễn biến khó lường. Đợt dịch lần này lan rộng tới nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó có 2 trung tâm kinh tế - chính trị là TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội cùng các địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, như: Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang.

Sự bùng phát mạnh của làn sóng Covid-19 lần này tại nước ta cùng với các đợt phong tỏa, giãn cách liên tiếp và nghiêm ngặt nhất kể từ khi dịch bệnh xảy ra đã khiến các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nhiều lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là các doanh nghiệp lữ hành, du lịch, cơ sở lưu trú ăn uống… Việc nhiều tổ chức quốc tế dự báo giảm mức tăng trưởng GDP cả năm 2021 của nước ta đã phản ánh những tác động tiêu cực của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước, cũng như ảnh hưởng kéo dài của các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 lên hoạt động kinh tế.

Một số vấn đề đặt ra khi nghiên cứu xây dựng các chương trình, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp “sống chung với Covid-19” trong bối cảnh mới
Thời gian giãn cách xã hội kéo dài đã khiến các doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Ảnh: Internet.

Báo cáo Điểm lại Cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam được Ngân hàng Thế giới (World Bank) công bố ngày 24/8/2021 nhận định, Việt Nam đang chịu tác động nặng nề hơn của đại dịch Covid-19 và đưa ra dự báo tăng trưởng cả năm 2021 giảm còn 4,8%, thấp hơn 0,2% so với dự báo trước đó. Tại báo cáo, chuyên gia kinh tế cao cấp của World Bank cho rằng, trong nửa đầu năm 2021, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng vững chắc ở mức 5,6%, nhưng hiện nay đang phải đối mặt với những rủi ro nghiêm trọng do dịch bệnh Covid-19 bùng phát trong nước và lan ra hầu hết các địa phương từ cuối tháng 4. Mặc dù có khả năng chống chịu tương đối tốt, nhưng nền kinh tế Việt Nam đã bị ảnh hưởng bởi các biện pháp hạn chế ngày càng nghiêm ngặt hơn trong bối cảnh tỷ lệ tiêm vắc xin còn thấp.

Thời gian giãn cách xã hội kéo dài hơn dự kiến khiến các doanh nghiệp vốn đã trải qua một năm 2020 khó khăn chồng chất, lại tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức mới trong năm 2021. Nhiều nhà máy sản xuất, đặc biệt là ở khu vực phía Nam phải tạm ngừng hoạt động trong thời gian phong tỏa; doanh nghiệp không tiếp cận được khách hàng, hoạt động vận tải hàng hóa và chuỗi cung ứng cho sản xuất bị gián đoạn, đứt gãy, doanh thu giảm mạnh hoặc thậm chí không có doanh thu, các nguồn lực dự trữ đang cạn dần, thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi hoặc đang phục hồi rất chậm.

Sống chung với Covid-19, lựa chọn tất yếu trong bối cảnh hiện nay

Trong bối cảnh đó, ngày 29/8/2021, tại cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu quan điểm chỉ đạo mang tính bước ngoặt trong công tác chỉ đạo phòng, chống dịch: “phải sống chung lâu dài với dịch”. Quan điểm này được đưa ra trên cơ sở phân tích, đánh giá từ giới khoa học, cũng như tham khảo kinh nghiệm của các nước đi trước trong việc mở cửa sống chung với Covid-19. Trong điều kiện này, cách tiếp cận khoa học nhất vẫn là chuẩn bị các điều kiện để sống chung với virus, hướng đến cuộc sống trong điều kiện “bình thường mới”. Theo đó, thay vì cố gắng kiểm soát số ca nhiễm, thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội, thì chuyển sang mục tiêu ngăn chặn, giảm thiểu số ca tử vong và các ca nhiễm nghiêm trọng, kết hợp với chiến lược vắc xin + công nghệ + 5K để mở cửa theo lộ trình các hoạt động sản xuất, kinh doanh, lao động, sinh hoạt của người dân. Việc mở cửa các hoạt động kinh tế - xã hội trở lại sẽ được thực hiện linh hoạt dựa trên việc theo dõi thường xuyên và sát sao diễn biến dịch. Khi số lượng ca nhiễm nghiêm trọng tăng cao có nguy cơ gây áp lực lớn lên hệ thống y tế, Chính phủ sẽ tiến hành các biện pháp mạnh hơn để kiểm soát tình hình.

Cùng với những thay đổi trong chiến lược chống dịch của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp cũng chủ động tìm cách sống chung với dịch bệnh. Trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn do dịch bệnh, các doanh nghiệp vẫn phải ổn định hoạt động nhằm tạo động lực phát triển cho xã hội, đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động và các vấn đề về an sinh xã hội. Đồng thời, nếu doanh nghiệp “ngủ đông” quá lâu, thì có thể đánh mất thị trường và các cơ hội kinh doanh. Do vậy, nhiều doanh nghiệp đã linh hoạt trong các giải pháp thích ứng với khủng hoảng, chuyển đổi mô hình, tổ chức lại việc sản xuất, kinh doanh, từ đó duy trì hoạt động ổn định.

Thực tế này cho thấy, cách tiếp cận ứng phó với dịch bệnh ở tầm vĩ mô của Chính phủ và ở góc độ vi mô của doanh nghiệp có điểm chung là tìm cách thích nghi, sống chung với dịch bệnh trong dài hạn. Việc phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh, cũng như phục hồi kinh tế phải được thực hiện song song, bởi kinh tế phục hồi sẽ tăng khả năng và nguồn lực để chống dịch; ngược lại, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả sẽ góp phần tạo điều kiện tốt nhất để hoạt động sản xuất, kinh doanh sớm trở lại như bình thường. Nhiều quốc gia cũng lựa chọn cách tiếp cận này và coi đây là hướng đi tất yếu khi những dấu hiệu về việc virus SARS-CoV-2 có thể sẽ không biến mất hoàn toàn là một thực tế.

Có lẽ chưa có cuộc khủng hoảng nào trong lịch sử hiện đại lại có tác động lớn đến hoạt động thường nhật của con người như đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, nhìn ở một khía cạnh khác, cũng chưa từng có cuộc khủng hoảng nào buộc các doanh nghiệp trên toàn thế giới phải đẩy nhanh cuộc cách mạng chuyển đổi để ứng phó, phục hồi và định vị lại để doanh nghiệp tiếp tục phát triển trong môi trường hậu đại dịch. Khủng hoảng có thể là thách thức, nhưng cũng có thể là cơ hội, là động lực để doanh nghiệp thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn. Đây là lúc để doanh nghiệp triển khai các ý tưởng, nắm bắt thời cơ để tìm ra hướng đi mới phù hợp với nhu cầu thị trường.

Dưới góc độ tích cực, nhiều doanh nghiệp đã tận dụng khủng hoảng này như “chất xúc tác”, thúc đẩy sự thay đổi trên hầu hết mọi khía cạnh của công việc và cuộc sống. Các doanh nghiệp đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số thông qua việc đầu tư và triển khai công nghệ nhiều hơn; tìm kiếm các đối tác và liên minh mới; tìm kiếm các cơ hội kinh doanh mới để củng cố mạng lưới cung ứng và phát triển thị trường; tìm kiếm những cách thức mới để phát triển bền vững và củng cố niềm tin với nhân viên, khách hàng và các bên liên quan; tìm kiếm những cách thức và địa điểm linh hoạt để nhân viên có thể hoàn thành công việc... Vì vậy, để giúp các doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng, tận dụng cơ hội, điều quan trọng lúc này là cần thực hiện ngay các giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sống chung với Covid-19, duy trì khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp và tận dụng mọi thời cơ để phục hồi kinh tế.

MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA KHI NGHIÊN CỨU, XÂY DỰNG CÁC GIẢI PHÁP HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP SỐNG CHUNG VỚI COVID-19 TRONG BỐI CẢNH MỚI

Sau khoảng thời gian chống chọi với đại dịch Covid-19 kéo dài, đa số doanh nghiệp đã bị bào mòn sức khỏe một cách nghiêm trọng. Tại Nghị quyết số 75/NQ-CP, ngày 14/7/2021 của Chính phủ về phiên họp chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2021 và Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với địa phương, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan trong việc “Nghiên cứu, xây dựng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế”. Tiếp đó, tại Nghị quyết số 107/NQ-CP, ngày 11/9/2021 của Chính phủ về phiên họp chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2021, Chính phủ tiếp tục giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương: “Hoàn thiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023 trong điều kiện đã kiểm soát được dịch bệnh, tiêm vắc-xin bao phủ diện rộng”. Cùng với đó, ngày 03/10/2021, Chính phủ cũng ban hành Chỉ thị số 27/CT-TTg về việc phục hồi sản xuất tại các khu vực sản xuất công nghiệp trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Những quan điểm, chỉ đạo thời gian qua đã cho thấy, sự quan tâm sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với việc đảm bảo việc phục hồi kinh tế đi liền với kiểm soát dịch bệnh. Do vậy, điều cần thiết nhất lúc này là tiếp tục có những hỗ trợ kịp thời để giúp doanh nghiệp nhanh chóng hồi sinh bằng những giải pháp ngắn hạn cũng như cần có kịch bản, kế hoạch để nền kinh tế sớm trở lại với guồng quay thường nhật và sẵn sàng đón cơ hội tăng tốc phát triển trong điều kiện mới. Trong đó, có một số vấn đề đặt ra khi nghiên cứu xây dựng các chương trình, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp “sống chung với Covid-19” trong bối cảnh mới, cụ thể như sau:

Thứ nhất, cần tiếp tục ưu tiên phòng chống và kiểm soát dịch Covid-19 hiệu quả, cùng với việc đẩy nhanh tiến trình tiêm vắc xin để sớm đạt miễn dịch cộng đồng. Nếu chúng ta kiểm soát nhanh và hiệu quả dịch bệnh, đẩy mạnh tiêm vắc xin gắn với lộ trình mở cửa nền kinh tế phù hợp, thì hệ lụy đối với doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung sẽ được giảm bớt.

Ưu tiên trước mắt là việc bao phủ vắc xin nhanh và nhiều nhất có thể. Điều này đồng nghĩa với việc phải thực hiện nhanh, mạnh hơn nữa việc tiêm vắc xin để đạt đến miễn dịch cộng đồng. Có thế thấy, đây là giải pháp quan trọng nhất giúp doanh nghiệp “hồi sinh” một cách tự nhiên, qua đó giúp họ có cơ sở để triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.

Thứ hai, các bộ, ngành, địa phương cần đẩy nhanh tiến độ triển khai các gói hỗ trợ người dân, doanh nghiệp mà Quốc hội, Chính phủ đã ban hành; thường xuyên đánh giá kết quả thực hiện các gói hỗ trợ và tháo gỡ ngay những vướng mắc trong quá trình thực hiện. Cùng với đó, cần tiếp tục hỗ trợ cả về chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ theo hướng cân bằng hơn. Chính sách tài khóa cần hỗ trợ nhiều hơn cho phục hồi kinh tế, xã hội theo hướng có thể tăng chi cho y tế; hỗ trợ bằng tiền mặt nhiều hơn cho người dân; hỗ trợ lãi suất có mục tiêu, có trọng điểm cho doanh nghiệp…

Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, trong đó mới nhất là Nghị quyết số 105/NQ-CP, ngày 09/9/2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19. Để triển khai có hiệu quả Nghị quyết này, cũng như các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, cần có sự quyết liệt trong chỉ đạo của Chính phủ cũng như sự vào cuộc khẩn trương của các bộ, ngành và địa phương trong việc thực hiện các giải pháp đã đưa ra. Đồng thời, thực hiện đánh giá, kiểm tra tiến độ và hiệu quả thực hiện của chính sách hỗ trợ, như: giảm lãi suất ngân hàng; gia hạn nợ; miễn, giảm các loại thuế, phí, tiền điện, nước cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh.

Thứ ba, các bộ, ngành, địa phương cần thống nhất thực hiện theo chỉ đạo, điều hành của Chính phủ nhằm đảm bảo duy trì hoạt động, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp liên tục và an toàn. Loại bỏ các quy định, thủ tục làm đứt gãy chuỗi cung ứng và cản trở lưu thông hàng hóa; đồng thời, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về thiếu hụt lao động.

Dịch Covid-19 bùng phát dẫn đến việc nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, khiến cho hoạt động sản xuất, kinh doanh đình trệ, các chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Do đó, việc phục hồi các hoạt động sản xuất, kinh doanh đang là yêu cầu bức thiết. Tuy nhiên, việc phục hồi cần phải có chính sách đồng bộ giữa các địa phương trên cả nước để có thể nhanh chóng nối lại các chuỗi cung ứng, sản xuất. Trong bối cảnh mới, để đảm bảo mọi người dân, doanh nghiệp và chính quyền các địa phương thực hiện đúng đắn quan điểm chỉ đạo của về “sống chung với Covid-19”, Chính phủ cần ban hành văn bản chỉ đạo mang tính thống nhất trên toàn quốc, trong đó quy định các tiêu chí, điều kiện, yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh và đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh thông suốt, luân chuyển hàng hóa dễ dàng trong tình hình mới; hướng dẫn về kinh doanh an toàn, sản xuất an toàn; hướng dẫn tổ chức thực hiện…

Mặt khác, để giảm thiểu chi phí và nguồn nhân lực trong phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh, cần áp dụng tối đa công nghệ, sử dụng thống nhất một phần mềm quản lý, khai báo phòng chống dịch trên toàn quốc. Đồng thời, trao quyền chủ động trong mô hình và phương thức tổ chức sản xuất, cũng như vận hành phòng chống dịch cho các doanh nghiệp, tổ chức. Không đóng cửa doanh nghiệp nếu lây nhiễm chỉ trong phạm vi hẹp của một dây chuyền/phân xưởng/bộ phận riêng biệt. Khi có F0 sẽ tiến hành khoanh vùng, tách F0, F1, chủ động phương án cách ly, điều trị, đảm bảo hoạt động sản xuất không bị gián đoạn.

Về khó khăn do thiếu hụt lao động, chính quyền các địa phương cần có chính sách ưu tiên, hỗ trợ người lao động tiêm vắc xin đầy đủ, tạo điều kiện cho lao động di chuyển liên tỉnh để phục vụ công việc. Bên cạnh đó, cần xây dựng phương án hỗ trợ đào tạo lao động phù hợp, giải quyết việc làm cho người lao động bị thôi việc, mất việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19; giúp đỡ doanh nghiệp tìm kiếm nguồn lao động, thu nhận lao động từ các địa phương khác. Ban hành những chính sách thu hút lao động; hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động từ nguồn ngân sách đối với những lĩnh vực khuyến khích đầu tư của địa phương để cung ứng lao động cho các doanh nghiệp FDI; hỗ trợ tạo điều kiện tối đa về quỹ đất để doanh nghiệp thực hiện việc xây dựng nhà ở cho công nhân…

Thứ tư, sớm xây dựng và triển khai chương trình tổng thể về phục hồi và phát triển kinh tế trong và sau dịch bệnh Covid-19. Trên cơ sở chương trình này, doanh nghiệp xây dựng lộ trình sản xuất, kinh doanh để thích ứng với tình hình mới. Theo đó, cần xây dựng các giải pháp thúc đẩy, phục hồi kinh tế nhanh chóng trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp và có thể kéo dài; bắt kịp được với những xu hướng phục hồi kinh tế của thế giới, đặc biệt là những nền kinh tế lớn có ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam. Đẩy nhanh tiến trình mở cửa trở lại hoàn toàn các hoạt động sản xuất, kinh doanh, mở cửa nền kinh tế; đầu tư phát triển hạ tầng giao thông và hạ tầng công nghệ; cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài…

Bên cạnh đó, kinh nghiệm thực tiễn của nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, cần thực sự phát triển khoa học - công nghệ, coi khoa học - công nghệ là “quốc sách hàng đầu” trong dẫn dắt và thúc đẩy xã hội phát triển nhanh, hài hòa và bền vững. Từ thực tiễn phòng, chống dịch bệnh Covid-19 hiện nay ở Việt Nam, có thể khẳng định, việc tăng cường đầu tư nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ trong phòng, chống dịch bệnh là hết sức cấp thiết nhằm đảm bảo sự chủ động, phát hiện sớm, điều trị kịp thời, khống chế và chiến thắng dịch bệnh Covid-19. Do đó, việc nghiên cứu xây dựng các thể chế, cơ chế đột phá, vượt trội để huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội đầu tư cho khoa học - công nghệ phục vụ phòng, chống dịch bệnh nói riêng và các tình huống khủng hoảng trong phát triển xã hội nói chung là rất cần thiết.

Về giải pháp liên quan đến đầu tư công, muốn giải ngân đầu tư công hiệu quả, trước hết phải chuẩn bị tốt đầu tư công, thực hiện giao vốn, coi đây là vấn đề quan trọng cho giai đoạn tới. Cùng với đó, cần đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn để tăng thu ngân sách và thu hút được nhiều nhà đầu tư để tái cơ cấu doanh nghiệp, tái cơ cấu nền kinh tế hiệu quả hơn.

Thứ năm, đẩy mạnh cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch Covid-19. Tăng cường các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực sản xuất, phục hồi tổn thương của doanh nghiệp, cũng như có chính sách khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào những lĩnh vực mới, ngành nghề mới, các mô hình kinh doanh mới./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Chính phủ (2021). Nghị quyết số 75/NQ-CP, ngày 14/7/2021 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2021 và Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với địa phương

2. Chính phủ (2021). Nghị quyết số 107/NQ-CP, ngày 11/9/2021 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2021

3. Thủ tướng Chính phủ (2021). Chỉ thị số 27/CT-TTg, ngày 03/10/2021 về việc phục hồi sản xuất tại các khu vực sản xuất công nghiệp trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh Covid-19

4. World Bank (2021). Báo cáo Điểm lại Cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam kỳ tháng 8/2021

5. Hiệp hội Da giầy - Túi xách Việt Nam, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Giấy và bột giấy Việt Nam, Hiệp hội Nhựa Việt Nam, Hiệp hội Sữa Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, Hiệp hội Thực phẩm minh bạch; các Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, Hiệp hội Lương thực, thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, Hiệp hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (2021). Đề xuất chiến lược “Phòng chống dịch theo Điểm” phục hồi sản xuất, kinh doanh an toàn trong bối cảnh chống dịch mới

6. Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ (Amcham), Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (Eurocham), Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc (Kocham) và Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - Asean (US-ABC) (2021). Đề xuất chiến lược "Phòng ngừa và kiểm soát đại dịch ở từng khu vực" nhằm khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn trong trạng thái chống dịch mới của các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam

7. Nhóm phóng viên (2021). Thay đổi tư duy chống dịch, truy cập từ https://congan.com.vn/tin-chinh/thay-doi-tu-duy-chong-dich_119344.html

Võ Huy Hùng

Cục Quản lý đăng ký kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

(Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 29 năm 2021)