Mục tiêu CPI bình quân năm 2020 dưới 4% có khả thi?
Công tác điều hành giá năm 2019 là thành công
Sáng nay (3/1), Viện Kinh tế Tài chính - Học viện Tài chính đã tổ chức hội thảo “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2019 và dự báo 2020”.
Phát biểu khai mạc, PGS, TS. Nguyễn Vũ Việt, Phó Giám đốc Học viện Tài chính đánh giá, tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2019 diễn ra trong bối cảnh quốc tế và trong nước với nhiều dấu hiệu tích cực, nhưng vẫn còn nhiều bất ổn và khó lường.
Cụ thể, thương mại toàn cầu tăng trưởng chậm hơn dự báo do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và những vấn đề tranh chấp về địa chính trị; thị trường tài chính, tiền tệ toàn cầu có nhiều bất ổn do tác động của hàng loạt các biện pháp bảo hộ mậu dịch, trừng phạt kinh tế, căng thẳng về quân sự và thương mại… diễn ra ở nhiều quốc gia làm cho các nhà đầu tư không an tâm.
Mặt khác, giá của nhiều nguyên, nhiên vật liệu cơ bản trên thị trường thế giới biến động theo xu hướng tăng trong 4 tháng đầu năm, nhưng lại giảm ở những tháng cuối năm 2019. Cùng với đó, dịch tả lợn châu Phi hoành hành ở Trung Quốc, Việt Nam và nhiều nước châu Á khác đều có tác động rất mạnh tới sản xuất, xuất khẩu, tiêu dùng ở Việt Nam và các nước trong khu vực.
Theo PGS, TS. Nguyễn Vũ Việt, tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2019 diễn ra trong bối cảnh quốc tế và trong nước với nhiều dấu hiệu tích cực
Tuy nhiên, theo bà Ngô Thu Trang – Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ, cùng Ban Chỉ đạo điều hành giá, công tác quản lý, điều hành giá 2019 đã đạt mục tiêu Quốc hội giao, lạm phát được kiểm soát một cách thận trọng và chặt chẽ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Trong vai trò thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá, Bộ Tài chính đã tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp, bám sát các kịch bản điều hành giá đã được phê duyệt để đánh giá kỹ tác động và triển khai điều hành, quản lý giá các mặt hàng quan trọng thiết yếu theo cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo quy định tại Luật Giá và các luật liên quan. Gắn với đó là việc tăng cường công tác công khai, minh bạch trong điều hành giá, nên đã tạo được sự đồng thuận, giám sát từ phía xã hội, hạn chế lạm phát kỳ vọng.
“CPI bình quân năm 2019 tăng 2,79% so với bình quân năm 2018, thấp hơn mục tiêu 4% do Quốc hội đề ra. Đây cũng là mức tăng bình quân thấp nhất trong 3 năm qua (2017-2019). Lạm phát cơ bản bình quân năm 2019 tăng 2,01% so với bình quân năm 2018”, PGS, TS. Nguyễn Vũ Việt thông tin.
Về những nguyên nhân làm CPI bình quân năm 2019 tăng, PGS, TS. Nguyễn Bá Minh, Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính chỉ ra, trước hết, là do Bộ Công Thương điều chỉnh giá điện sinh hoạt tăng kể từ ngày 20/3/2019. Bên cạnh đó, việc các địa phương điều chỉnh giá dịch vụ y tế, dịch vụ khám chữa bệnh làm giá dịch vụ y tế tăng 4,65%, tác động làm CPI chung tăng 0,18%. Mặt khác, việc tiếp tục thực hiện lộ trình tăng học phí, tăng giá sách giáo khoa, tăng lương tối thiểu vùng, giá nhóm hàng thực phẩm, đồ uống… tăng cũng đẩy CPI tăng lên đáng kể.
PGS, TS. Nguyễn Bá Minh cũng nêu bật một số nguyên nhân góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI 2019, chẳng hạn như giá dầu Brent trên thị trường thế giới giảm, dẫn đến xăng, dầu trong nước giảm 3,13%, làm cho CPI chung giảm 0,15%... Mặt khác, các cấp các ngành tích cực triển khai các biện pháp đảm bảo cân đối cung cầu, chuẩn bị tốt nguồn hàng, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, thực hiện công tác quản lý bình ổn giá tại một số địa phương…
Mục tiêu CPI bình quân dưới 4% có khả thi?
Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, trong đó đề ra chỉ tiêu tốc độ tăng CPI bình quân dưới 4%.
“Nhiệm vụ là vô cùng nặng nề. Bởi kiểm soát lạm phát trong bối cảnh tăng trưởng trên nền tăng trưởng cao của GDP năm 2020 là không hề dễ, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, kinh tế trong nước còn khó khăn, nhiều động lực cho tăng trưởng đã tới hạn”, PGS, TS. Ngô Trí Long nhận xét.
PGS, TS. Ngô Trí Long đưa ra dự báo, năm 2020, nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề của dịch tả lợn châu Phi trên tất cả địa phương; biến đổi khí hậu, hạn hán, an ninh nguồn nước.
Nền kinh tế phụ thuộc vào bên ngoài, nên mọi biến động của thế giới cũng tác động lên nền kinh tế. Ngoài ra, áp lực tăng giá còn ảnh hưởng bởi việc Nhà nước tiếp tục điều chỉnh một số giá dịch vụ công theo lộ trình thị trường, biến động của giá nhiên liệu trên thị trường thế giới, cộng thêm những bất ổn do tác động của chiến tranh thương mại và căng thẳng địa chính trị trên thế giới tạo nhiều sức ép lên nền kinh tế Việt Nam năm 2020.
Cần những giải pháp kịp thời
Do đó, để kiểm soát lạm phạt mục tiêu cả năm 2020 bình quân dưới 4% theo mục tiêu Quốc hội đề ra, thì công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát năn 2020 cần tiếp tục thực hiện một cách thận trọng, linh hoạt, chủ động. Bà Ngô Thu Trang kiến nghị một số giải pháp cụ thể, như sau:
Một là, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi diễn biến cung cầu, thị trường, giá cả để có giải pháp bình ổn thị trường phù hợp, nhất là đối với một số mặt hàng thiết yếu, cần có giải pháp điều hành phù hợp và chủ động chuẩn bị các nguồn hàng vào cuối năm để hạn chế tăng giá. Bộ Công Thương chủ động trong điều hành sản xuất và phân phối các nguồn hàng để ứng phó kịp thời với các chính sách kinh tế của các nước có quan hệ thương mại lớn.
Hai là, Ngân hàng Nhà nước cần bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính, tiền tệ trong nước và quốc tế để kịp thời đề xuất các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trong.
Ba là, các mặt hàng do nhà nước quản lý cần chủ động tính toán, lựa chọn mức độ và thời điểm phù hợp để kịp thời báo cáo Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá cho ý kiến chỉ đạo thực hiện việc điều chỉnh giá theo lộ trình giá thị trường.
Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá. Kiểm soát chặt chẽ yếu tố hình thành giá đối với các hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá; hàng hóa, dịch vụ mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước…
Năm là, tăng cường công tác tuyên truyền và giám sát thông tin mạng, chủ động tuyên truyền về công tác điều hành giá, nhất là các mặt hàng có tính chất nhạy cảm đến người dân. Thực hiện công khai minh bạch thông tin về giá để kiểm soát kỳ vọng.
Ngoài ra, theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, cần tiếp tục cải cách thể chế kinh doanh, xây dựng một môi trường phát triển kinh tế công khai, minh bạch, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế tham gia trên thị trường. Nhà nước cần coi các doanh nghiệp là tế bào quan trọng nhất của xã hội, vì doanh nghiệp mà phục vụ, chứ không phải theo cơ chế xin – cho.
Phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường, đảm bảo nhanh và bền vững. Phân bổ nguồn lực đất nước một cách hợp lý, đúng địa chỉ và hiệu quả.
Hơn nữa, cần “phát triển kinh tế - xã hội ở tầm vĩ mô đi đôi với sự phát triển sản xuất và củng cố hệ thống phân phối, đảm bảo không để mất thị trường nội địa như chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng Chính phủ”, chuyên gia Phú nhấn mạnh./.
Bình luận