Covid-19 “tấn công” các cỗ máy tăng trưởng

Dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng và tiếp tục diễn biến khó lường, đặc biệt là ở đầu tàu tăng trưởng kinh tế quan trọng nhất của cả nước là TP.HCM, đang gia tăng khó khăn cho nỗ lực đưa kế hoạch tăng trưởng GDP đề ra cho năm nay là 6,5% về đích thêm khó. Điều này đã được các đại biểu Quốc hội nêu ý kiến đa chiều, khi thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, các giải pháp cho kế hoạch 6 tháng cuối năm 2021, diễn ra hôm nay (ngày 25/7).

Mục tiêu tăng trưởng GDP trên 6% gặp thách thức

Ông Hà Sỹ Đồng chỉ ra nhiều thách thức cho tăng trưởng GDP năm 2021. Ảnh: QH

Nhìn nhận về triển vọng tăng trưởng 6 tháng cuối năm nay, theo Văn phòng Quốc hội, Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) dự báo, tăng trưởng kinh tế quý III/2021 khả năng sẽ tiếp tục thấp hơn so với kế hoạch, do chịu tác động tiêu cực từ đợt dịch bệnh mới.

Ông Đồng phân tích, động lực chính cho tăng trưởng kinh tế năm 2021 đến từ nguồn lực đầu tư công, dòng vốn đầu tư nước ngoài và hoạt động xuất nhập khẩu đều đang và sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Dịch bệnh đợt 4 đang diễn biến rất phức tạp, có thể ngăn cản chúng ta đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 6% trong năm nay. Dù ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm vẫn tạm kết dư 81.000 tỷ đồng, chủ yếu chi cho đầu tư phát triển, nhưng giải ngân lại quá chậm. Dư địa của hai chính sách kinh tế vĩ mô quan trọng là chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ không còn nhiều...

Theo đó, với chính sách tài khóa, hoạt động giải ngân vốn đầu tư công đang vấp phải 2 khó khăn lớn là dịch bùng phát, tiến độ thi công nhiều dự án bị đình trệ. Trong khi ngân quỹ nhà nước bị ứ đọng không thể đưa vào nền kinh tế. Điều này thể hiện ở số dư tiền gửi của kho bạc tại hệ thống ngân hàng còn tồn cao, tương đương 26 tỷ USD...

“Với chính sách tiền tệ, việc dòng vốn đang bị phân tán mạnh vào những kênh thu hút vốn khác ngoài ngân hàng là chứng khoán, bất động sản, các sản phẩm liên kết, bảo hiểm, đầu tư... của các công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư đang gây ra những méo mó, mất cân bằng tài chính. Áp lực nợ xấu ngân hàng đang gia tăng đúng như ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã nêu...”, ông Đồng phân tích.

Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) thể hiện sự trăn trở khi đặt câu hỏi, với việc hạn chế hoạt động kinh doanh đối với địa phương bị dịch, địa phương này cách ly với địa phương khác, việc vận chuyển hàng hóa, nguyên liệu sản xuất vô cùng khó khăn, thì chúng ta phải đảm bảo thực hiện mục tiêu kép như thế nào?

“Các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn do các biện pháp giãn cách xã hội được tăng cường, nhất là khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp trong khu vực dịch vụ. Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, hàng không, nhà hàng, khách sạn, vận tải đang chết dần, chết mòn và nhiều doanh nghiệp trong khu vực này sẽ không có khả năng vực dậy sau đại dịch, nếu như chúng ta không có những biện pháp để hỗ trợ thiết thực và mạnh mẽ cho họ...”, Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) quan ngại.

“Cần cứu doanh nghiệp như cứu người bệnh...”

Để hóa giải những khó khăn trên, ông Lộc đề xuất trước hết cần đẩy mạnh tiêm chủng vaccine, đặc biệt là ở các khu vực động lực tăng trưởng của nền kinh tế để vừa bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, vừa duy trì sản xuất kinh doanh, tránh đứt gãy nguồn cung. Đây là giải pháp căn cơ...

Mục tiêu tăng trưởng GDP trên 6% gặp thách thức
Ông Vũ Tiến Lộc quan ngại khi sức khỏe doanh nghiệp đang yếu. Ảnh: QH

“Hiện doanh thu của các doanh nghiệp không nhiều, thì hỗ trợ của nhà nước sẽ có hiệu quả hơn nếu tăng chi tiêu, đặc biệt là chi tiêu cho các đối tượng yếu thế để vừa tăng kích thích tiêu dùng, vừa giải quyết được các vấn đề xã hội. Cần đẩy nhanh áp dụng hộ chiếu vaccine cho toàn dân, tỷ lệ người dân tiêm đủ 2 mũi vaccine là động lực quan trọng nhất để nền kinh tế có thể phục hồi...”, ông Lộc hiến kế.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khuyến nghị nhiều giải pháp mà Chính phủ cần tập trung triển khai từ nay đến cuối năm 2021. Theo đó, cần xác định ổn định kinh tế vĩ mô là nhiệm vụ hàng đầu; kiểm soát dịch bệnh là mục tiêu ưu tiên, kiên trì thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” phù hợp với tình hình thực tiễn. Cần xây dựng kịch bản phòng, chống dịch bệnh tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, hạn chế thấp nhất các khu vực bị phong tỏa, ảnh hưởng đến sản xuất.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, cần giám sát, kiểm soát dòng vốn có xu hướng dịch chuyển sang các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán. Theo dõi, dự báo tình hình nợ xấu có khả năng phát sinh trong thời gian tới để có giải pháp phù hợp, đặc biệt là nợ được cơ cấu lại...

“Triển khai hiệu quả hơn chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp và chủ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Duy trì và phục hồi hoạt động doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, tạo việc làm cho người lao động; thực hiện phương châm “cứu doanh nghiệp như cứu người bệnh” để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, sẵn sàng chuẩn bị cho giai đoạn hậu Covid-19. Phát huy vai trò của Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chú trọng các giải pháp để tiếp tục giảm chi phí đầu vào của doanh nghiệp...”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, cho biết.

Cũng theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cùng với triển khai các biện pháp điều hành để bảo đảm cung - cầu hàng hóa thiết yếu, ổn định giá cả thị trường nhất là giá các nguyên, nhiên, vật liệu chủ yếu, cần thực hiện tốt công tác quản lý thu, điều hành chi ngân sách nhà nước chặt chẽ; cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết... Cũng cần xử lý hài hòa, hợp lý mối quan hệ giữa lợi nhuận của các ngân hàng với khó khăn của doanh nghiệp, giảm lãi suất cho vay một cách thực chất...

Theo ông Hà Sỹ Đồng, một trong những giải pháp quan trọng là cần thường xuyên rà soát, kịp thời có biện pháp hiệu quả tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế để huy động mọi nguồn lực phục vụ phát triển đất nước.

“Hệ thống sản xuất các khu công nghiệp cần một sự liên kết nhằm tạo cơ chế thuận lợi, dễ dàng hơn trong trung chuyển, cung ứng hàng hóa, nguyên vật liệu từ địa phương này đến địa phương khác, để tiếp tục duy trì mạch sống của nền kinh tế...”, ông Phạm Trọng Nhân đề nghị./.