Mỹ lo ngại làn sóng M&A của doanh nghiệp Trung Quốc
Mới đây, trong một báo cáo trước Quốc hội Mỹ cung cấp góc nhìn về quá trình rà soát bí mật các tác động lên an ninh quốc gia của Mỹ đối với những lời đề nghị mua bán, sáp nhập (M&A) doanh nghiệp nước này, có 24 lời đề nghị đến từ Trung Quốc trong tổng số 147 lời đề nghị M&A doanh nghiệp Mỹ của nước ngoài bị chính quyền Mỹ xem xét kỹ lưỡng. Tổng số thương vụ của Trung Quốc tiếp tục đạt mức kỷ lục mới, đánh dấu năm thứ ba liên tiếp nước này có tham vọng nhiều nhất trong việc ngỏ ý mua lại doanh nghiệp Mỹ.
Việc Mỹ tập trung vào yếu tố an ninh của các thương vụ đến từ Trung Quốc trở nên rõ ràng hơn từ năm 2014. Giới đầu tư Đại lục đang hăng hái mua lại doanh nghiệp Mỹ trong năm nay, với tốc độ đầu tư xuyên biên giới có thể lên đến mức kỷ lục đã lập ra hồi năm ngoái. Tốc độ gia tăng mạnh cả về số lượng và giá trị các thương vụ M&A như vậy càng thúc đẩy các nhà lập pháp Mỹ tăng cường rà soát tác động từ những lời đề nghị của doanh nghiệp Trung Quốc.
Đặc biệt, Bắc Kinh tăng đầu tư vào các doanh nghiệp bán dẫn của Mỹ, coi đây là một cách phát triển sản xuất trong nước và giảm phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài. Trong thời đại ngày càng có nhiều lo ngại về đánh cắp bản quyền sở hữu trí tuệ và các vụ tấn công mạng, những đề xuất mua lại gần đây đang làm giới chức Mỹ lo lắng về rủi ro an ninh quốc gia.
Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) gần đây đã phải tăng cường rà soát các thương vụ mà quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ về tay Trung Quốc. Các thành viên của cơ quan này đến từ Bộ Tài chính Mỹ, Bộ Quốc phòng, Ngoại giao và An ninh nội địa. Họ có quyền thêm vào vụ giao dịch các điều khoản để hạn chế rủi ro an ninh. Hoạt động của CFIUS luôn được giữ bí mật.
Hồi tháng 1 năm nay, Royal Philips đã hủy thương vụ bán mảng bóng đèn cho nhà đầu tư Trung Quốc, sau khi nghe cảnh báo từ CFIUS. Các nhận xét của cơ quan này cũng có ảnh hưởng lớn đến nhiều thương vụ tiềm năng hiện tại, khiến Fairchild Semiconductor International trong tháng 2 đã từ chối lời chào mời mua lại từ Trung Quốc. Fairchild cho rằng thương vụ này có quá nhiều rủi ro và CFIUS có thể sẽ không thông qua.
Hiện tại, một số thương vụ M&A có liên quan đến bên mua Trung Quốc đang được xem xét là: Công ty China National Chemical ngỏ ý mua lại doanh nghiệp sản xuất hóa chất nông nghiệp và hạt giống Syngenta, Western Digital Corp đề nghị bán 15% cổ phần cho Công ty Trung Quốc Tsinghua Unisplendour, Tập đoàn Trùng Khánh Casin Enterprise Group muốn mua Sàn Giao dịch chứng khoán Chicago./.
Bình luận