2016 - Năm khó khăn của ngành dệt may

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam năm 2016 chỉ đạt khoảng 28,5 tỷ USD, thấp hơn dự kiến khoảng 1,5 tỷ USD và chỉ đạt khoảng 92% kế hoạch.

Như vậy, mục tiêu xuất khẩu dệt may đặt ra hồi đầu năm 2016 là 31 tỷ USD tuy đã điều chỉnh xuống còn 29 tỷ USD, nhưng vẫn không thể hoàn thành. Như vậy, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu toàn ngành dệt may năm nay xuống mức thấp nhất trong 10 năm qua.

Phân tích nguyên nhân dẫn tới sự sụt giảm nói trên, dẫn lời ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam với Báo điện tử Thông tấn xã Việt Nam, năm 2016, do nhu cầu chung của cả thế giới bị suy giảm, tất cả các quốc gia nhập khẩu đều nhập khẩu thấp hơn năm 2015, nên các nước xuất khẩu đều gặp khó khăn về phát triển thị trường. Ngay cả các quốc gia lớn, như: Ấn Độ, Trung Quốc xuất khẩu cũng giảm so với năm 2015. Năm 2016, Việt Nam là nước có tốc độ xuất khẩu dệt may đạt 5,2%, là mức cao nhất so với 07 nước xuất khẩu dệt may lớn nhất của thế giới.

Bên cạnh đó, các sản phẩm dệt may nước ta cũng phải cạnh tranh gay gắt với các đối thủ đến từ: Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh... Các nước này đang được hưởng nhiều chính sách ưu đãi từ Chính phủ của họ, đặc biệt là về tỷ giá so với đồng USD để phát triển ngành dệt may và thu hút đơn hàng. Hơn nữa, giá gia công ngành may trong 3 năm gần đây của các nước này lại không tăng.

Ngoài ra, theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, thị trường xuất khẩu chính hàng dệt may của Việt Nam trong năm 2016 vẫn là Trung Quốc với hơn 50% tổng lượng xuất khẩu. Điều này cũng tiềm ẩn nguy cơ khiến doanh nghiệp xuất khẩu sợi có thể gặp rủi ro khi quá phụ thuộc vào thị trường này.

Ngoài ra, không thể phủ nhận sự kiện Anh rời EU (Brexit) hay thông tin Mỹ có khả năng rút khỏi TPP đã tác động đến dệt may. Tuy nhiên, điều này hiện mới chỉ ảnh hưởng về mặt tâm lý.

Cơ hội và thách thức đồng hành trong năm 2017

Theo dự báo của Bộ Công Thương, năm 2017, ngoài Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hiện vẫn có hàng chục hiệp định thương mại tự do mở ra dư địa cho xuất khẩu, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội hơn trong hoạt động xuất khẩu.

Đặc biệt, Hiệp định Việt Nam - EU là một hiệp định rất lớn vì quy mô của thị trường châu Âu là quy mô lên tới 200 tỷ USD hàng hóa một năm. Theo lộ trình, sau 7 năm FTA Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực (năm 2025) 99% hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu vào EU hoàn toàn được miễn thuế. Nhưng ở chiều ngược lại, 99% hàng hóa của EU xuất khẩu sang Việt Nam phải mất 10 năm (năm 2028) mới được miễn thuế hoàn toàn. Điều đó được cho là sẽ mở rộng cơ hội cho DN dệt may Việt Nam xuất khẩu sang EU.

Tuy nhiên, 2017 là năm Hiệp định này chưa có hiệu lực và hy vọng vào 2018. Dù vậy, 2017 vẫn được coi là năm để chuẩn bị cho các yêu cầu của hiệp định này vì yêu cầu quy tắc xuất xứ từ vải. Vì thế, Việt Nam phải có sự chuẩn bị rất kỹ thì mới có thể tận dụng được những lợi thế từ Hiệp định mang lại.

Với các hiệp định thương mại song phương và đa phương khác do quy mô thị trường nhỏ hơn nên tác động chung lên ngành trong thời gian tới là không nhiều, nhưng cũng là cơ hội mới để doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tìm cơ hội cho các hoạt động xuất khẩu của mình.

Ngoài ra, kinh tế Hoa Kỳ có chiều hướng tăng trưởng tốt hơn và mức độ tiêu thụ, tiêu dùng của thị trường này cũng hy vọng cải thiện hơn so với năm 2016.

Ngành dệt may đặt mục tiêu kim ngạch hơn 30 tỷ trong năm 2017

Bên cạnh những cơ hội, hội nhập kinh tế quốc tế cũng mang lại nhiều thách thức, đặc biệt đối với các doanh nghiệp dệt may nhỏ và vừa, với xuất phát điểm thấp, việc cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập rất vất vả. Bộ Công Thương cho rằng, năm 2017 tình hình xuất khẩu của các doanh nghiệp dệt may nhỏ và vừa trong nước khả năng sẽ gặp nhiều khó khăn. Thậm chí, có thể mất các đơn hàng truyền thống về khối các doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh cao hơn, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Ngoài ra, vấn đề đáng lo ở đây, dẫn lời bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng thư ký Vitas trên Báo điện tử Sài gòn đầu tư, đó là ngành dệt may Việt Nam đang rơi vào tình trạng “thắt cổ chai”. Bởi lẽ, hầu hết nguyên phụ liệu dùng cho sản xuất đều phụ thuộc và phải nhập khẩu từ nước ngoài. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu lớn, nhưng giá trị thặng dư rất nhỏ sau khi trừ đi các chi phí.

Cần nhanh chóng chuyển sang phương thức gia công hiện đại

Trong bối cảnh đó, ngành dệt may vẫn đặt ra kế hoạch của năm 2017 là tốc độ tăng trưởng 6,5%-7%, đạt trên 30 tỷ USD trong năm 2017, cao hơn so với năm 2016.

Tuy nhiên, để có được kết quả này, theo ông Lê Tiến Trường, cần sự nỗ lực tổng hợp cả về phía doanh nghiệp, quản lý nhà nước và hạ tầng kinh tế - xã hội nói chung. Trong đó, đặc biệt tập trung vào năng suất, cải thiện chi phí lao động trên một sản phẩm và rút ngắn thời gian giao hàng dịch vụ đến các nơi. Ngoài ra, tập trung củng cố mạng lưới phân phối logistics đối với các nước.

Trong giai đoạn tới, mà đặc biệt là trong năm 2017, các doanh nghiệp dệt may nội địa, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa cần cải thiện công nghệ, nâng cao trình độ để đáp ứng được yêu cầu về chất lượng của đơn hàng. Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới, đối tác mới để duy trì và đẩy mạnh xuất khẩu.

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, trong vấn đề của dệt may hiện nay, để tận dụng được xu thế hội nhập toàn cầu, mang lại giá trị gia tăng cao, lợi nhuận lớn, doanh nghiệp gia công Việt Nam cần nhanh chóng chuyển từ phương thức gia công cắt may đơn giản (CMT) sang các phương thức gia công hiện đại (OEM), mang lại giá trị kinh tế lớn hơn cho mỗi đơn hàng.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần sớm có các chính sách khuyến khích doanh nghiệp may mặc nội địa chuyển đổi phương thức kinh doanh từ gia công sang FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm), ODM (tự thiết kế bán hàng) hay OBM (sở hữu nhãn hàng riêng).

Ví dụ như: chính sách ưu đãi tín dụng để mua nguyên phụ liệu do Việt Nam sản xuất; kích cầu đầu tư thiết bị chuyên dùng; xúc tiến phát triển khách hàng trực tiếp. Ngoài ra, nên có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp có kinh nghiệm tham gia dịch vụ hỗ trợ chuyển đổi, như phát triển mẫu, nguyên phụ liệu… Việc chuyển đổi phương thức kinh doanh không chỉ gia tăng giá trị thặng dư mà còn là động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may./.

Tham khảo từ các nguồn:

http://vtv.vn/kinh-te/2016-nam-kho-khan-cua-nganh-det-may-20161231154110044.htm

http://www.saigondautu.com.vn/Pages/20161217/Bao-gio-det-may-het-lam-thue.aspx

http://www.vietnamplus.vn/nganh-det-may-phan-dau-dat-muc-tieu-hon-30-ty-usd-nam-2017/424259.vnp