Năm 2017: Tăng trưởng kinh tế có thể đạt 6,4%
Dự báo tăng trưởng năm 2017 sẽ đạt 6,4%
Dù tăng trưởng thương mại dần hồi phục cùng với triển vọng tốt trong thu hút vốn FDI, VEPR cho rằng mục tiêu tăng trưởng 6,7% cho năm 2017 mà Chính phủ đang đặt ra là một ngưỡng cao.
Báo cáo của VEPR lưu ý, cần tránh tâm lý nôn nóng đạt mục tiêu tăng trưởng cao dẫn tới buông lỏng ổn định vĩ mô. Nhiều dấu hiệu cho thấy lạm phát đang quay trở lại, và mục tiêu 4% cho năm 2017 là không dễ dàng.
VEPR dự báo, năm 2017 tăng trưởng kinh tế có thể đạt 6,4%
Khi lạm phát vượt 5%, lãi suất danh nghĩa sẽ phải điều chỉnh tăng, có thể gây ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh và thị trường tài chính, tác động bất lợi đến tăng trưởng kinh tế nói chung VEPR dự báo, tăng trưởng kinh tế quý I/2017 đạt 5,8%, lạm phát 5,8%; quý II tăng trưởng 6,2%, lạm phát 5,8%; quý III tăng trưởng 6,6%, lạm phát 6,2%; quý IV tăng trưởng 6,7%, lạm phát 5,9%. Từ đó, dự báo có thể tăng trưởng 6,4%.
Tiềm ẩn nguy cơ bùng phát lạm phát trong năm 2017
Theo báo cáo, quý 04/2016 tiếp tục chứng kiến những dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế, sau nửa đầu năm suy giảm mạnh. Tăng trưởng đạt 6,68%, cao hơn so với mức 6,56% của quý 3, dù vẫn thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước (năm 2014 là 6,96%, năm 2015 là 7,01%). Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế cả năm chỉ đạt 6,21%, thấp hơn mức 6,68% của năm 2015 và mục tiêu 6,3-6,5% mà Chính phủ đặt ra trong phiên họp thường kỳ tháng 09/2016.
Cụ thể, về lạm phát báo cáo chỉ ra lạm phát quý 4 tăng mạnh sau các đợt điều chỉnh giá dịch vụ y tế và giá xăng dầu. Theo đó, lạm phát toàn phần cuối năm tăng 4,74% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, lạm phát cơ bản vẫn duy trì trong khoảng 1,7-1,9% trong suốt quý 4 và cả năm 2016, lạm phát và lạm phát lõi có khoảng cách giữa ngày càng được nới rộng.
Từ đó cho thấy, sự gia tăng mạnh trong chı̉ số giá các nhóm hàng lương thực - thực phẩm, năng lượng và do Nhà nước quản lý. Tuy nhiên, điều này cho thấy chính sách tiền tệ vẫn đang theo sát mục tiêu ổn định lạm phát và thận trọng với mục tiêu này.
Cũng theo báo cáo, đợt điều chỉnh giá dịch vụ y tế tại 15 tỉnh thành trong tháng 10/2016 khiến chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,83% . Trước lo ngại giá cả có thể tăng trong những tháng cuối năm, liên bộ Y tế - Tài chính đã quyết định hoãn hai đợt tăng giá dịch vụ y tế tại những địa phương còn lại trong hai tháng cuối năm. Tính tới cuối năm 2016, chỉ số giá nhóm hàng dịch vụ y tế đã tăng 77,57% so với cuối năm 2015, đóng góp tới 2,7% trong mức tăng CPI.
Trong khi đó, giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm đã tăng nhẹ theo xu hướng tăng giá thế giới và nhu cầu tăng lên trong những tháng cuối năm. Chỉ số giá nhóm hàng lương thực và thực phẩm của Việt Nam trong tháng 12 lần lượt tăng 2,57% và 3,34% so với mức mức tăng -1,65% và 1,47% tương ứng của hai nhóm hàng này cùng kỳ năm 2015.
TS. Nguyễn Đức Thành nhận định, đầu năm 2016 chúng ta cho rằng với mục tiêu lạm phát dưới 5%, nhưng gần cuối năm nhận thấy khả năng có thể tăng cao nên Nhà nước đã có sự điều chỉnh trong kế hoạch tăng giá dịch vụ y tế. Chính vì vậy, năm 2017 chúng ta cần phải thận trọng. Đáng chú ý, năm 2016 dù đạt được mục tiêu lạm phát dưới 5% do Quốc hội đặt ra, tuy nhiên chúng tôi cho rằng cơ quan điều hành vẫn cần phải theo sát diễn biến giá cả trong thời gian tới. Nguy cơ lạm phát vượt mức 5% là hoàn toàn có thể, khi mà các đợt điều chỉnh giá các dịch vụ công là không thể tránh khỏi trong năm 2017.
Chỉ ra những nguyên nhân dẫn tới điều này, TS. Nguyễn Đức Thành cho rằng, do nhu cầu hàng hóa theo chu kỳ sẽ tăng trong những tháng giáp Tết Nguyên đán có thể đẩy chỉ số giá tăng, đặc biệt đối với nhóm hàng lương thực, thực phẩm. Đồng thời, giá năng lượng được dự báo sẽ tăng trở lại sau khi các nước xuất khẩu dầu lớn, cả trong và ngoài khối OPEC, đều đã đạt được những đồng thuận về cắt giảm sản lượng./.
Bình luận