Năm 2021, nhiều thách thức đặt ra cho nền kinh tế Việt Nam
Hội thảo tập trung thảo luận diễn biến kinh tế Việt Nam trong năm 2020, triển vọng năm 2021 và những yêu cầu, định hướng cải cách kinh tế nhằm phát triển bền vững.
2 kịch bản cho kinh tế Việt Nam
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM cho biết, năm 2020, mặc dù chứng kiến nhiều biến động của nền kinh tế do diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19, song, với sự điều hành của Chính phủ trong thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch hiệu quả vừa hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, Việt Nam là một trong số nước hiếm hoi đạt tốc độ tăng trưởng dương 2,91%, trong khi nhiều quốc gia trên thế giới chỉ đạt mức tăng trưởng âm.
Kinh tế vĩ mô vẫn tương đối ổn định, sức chống chịu với các cú sốc bên ngoài ít nhiều được thể hiện. Lạm phát có xu hướng ổn định, bình quân 2,32%. Khu vực doanh nghiệp mặc dù gặp khó khăn do ảnh hưởng trực tiếp của dịch, song, hệ sinh thái khởi nghiệp và sáng tạo được từng bước hoàn thiện, tạo ra làn sóng khởi nghiệp mạnh mẽ.
TS. Trần Thị Hồng Minh cho biết, Việt Nam là một trong số nước hiếm hoi đạt tốc độ tăng trưởng dương. Ảnh: MPI
Viện trưởng CIEM cho rằng, Việt Nam đã thành công trong kiểm soát dịch Covid-19, đã đạt được mục tiêu kép và vượt qua được những khó khăn ban đầu. Đây cũng là thành công đáng khích lệ và tiếp tục là đà phát triển trong năm 2021. Có được kết quả phải kể đếm những nỗ lực của tất cả bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp.
Trình bày Báo cáo Kinh tế Việt Nam năm 2020 và triển vọng 2021 do nhóm nghiên cứu của CIEM thực hiện, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban nghiên cứu tổng hợp - CIEM cho biết, trong bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 giảm mạnh từ quý I sang quý II, song, đã phục hồi trong quý III và quý IV. So với các nước châu Á, Việt Nam vẫn còn tăng trưởng nhanh hơn và nằm trong nhóm các nước phục hồi sớm.
Đặc biệt, xuất khẩu và cán cân thương mại vẫn chuyển biến tích cực trong năm 2020. Cụ thể, tăng trưởng xuất khẩu đạt 7,5%, thặng dư thương mại đạt 20 tỷ USD.
Về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2021, nhóm nghiên cứu của CIEM đã đưa ra hai kịch bản. Hai kịch bản này được dựa trên các đánh giá của các cơ quan tổ chức về triển vọng kinh tế thế giới, tiến triển của nền kinh tế Việt Nam cũng như khả năng sử dụng một số công cụ chính sách kinh tế trong nước.
Cụ thể, tăng trưởng kinh tế năm 2021 có thể đạt mức 5,98% theo Kịch bản 1, và 6,46% trong Kịch bản 2. Xuất khẩu cả năm dự báo tăng 4,23% trong Kịch bản 1 và tăng 5,06% trong Kịch bản 2. Thặng dư thương mại dự báo tương ứng ở các mức 5,49 tỷ USD và 7,24 tỷ USD. Lạm phát bình quân năm 2021 lần lượt đạt 3,51% và 3,78%.
Toàn cảnh Hội thảo.
Ngoài ra, báo cáo của CIEM cũng chỉ ra một số tác động đến diễn biến kinh tế Việt Nam trong năm 2021 có thể chịu ảnh hưởng của một số yếu tố, như:
Thứ nhất, kinh tế thế giới còn bất định, rủi ro; dịch Covid-19 và các biến thể diễn biến phức tạp, khó lường, luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát làn sóng tiếp theo.
Thứ hai, việc nhiều nền kinh tế thực hiện các gói hỗ trợ quy mô lớn, trong khi thiếu điều phối ở cấp độ toàn cầu, có thể gây ra những rủi ro không nhỏ đối với thị trường tài chính thế giới và tình trạng nợ toàn cầu.
Thứ ba, Cách mạng Công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số tiếp tục chuyển biến nhanh, ảnh hưởng đến sự phát triển của cả doanh nghiệp và thị trường trong nước Việt Nam.
Thứ tư, khả năng duy trì các cải cách thực chất đối với môi trường đầu tư – kinh doanh sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, quyết định mở rộng đầu tư của nhiều doanh nghiệp nước ngoài.
Thứ năm, nhu cầu tiêu dùng trong nước có thể gia tăng nhanh hơn và doanh nghiệp có thể tập trung hơn đến khai thác thị trường trong nước.
Thứ sáu, dù kỳ vọng nhiều vào tác động tích cực của EVFTA, Việt Nam có thể phải đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại, điều tra chống lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ… không chỉ ở thị trường Mỹ.
Cần tiếp tục đổi mới thể chế
Dựa trên kết quả dự báo, nhóm nghiên cứu của CIEM đề xuất, cần tiếp tục theo dõi diễn biến của dịch Covid 19 và các biện pháp phòng, chống phù hợp. Đồng thời, cải cách kinh tế hậu Covid-19 phải là một phần của kế hoạch phucjhooif tăng trưởng kinh tế, phát triển hạ tầng, phát triển kỹ năng thích ứng cho doanh nghiệp và người lao động. Bên cạnh đó, thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập và phải thực hiện phát triển kinh tế theo hướng bền vững.
TS. Lê Đăng Doanh, Chuyên gia kinh tế cho rằng, thị trường trong nước cần phải kết nối với các thị trường. Trong khi thị trường thế giới gặp khó khăn, xuất khẩu tăng trưởng chậm và chưa thể phục hồi nhanh ở các thị trường lớn, như: Mỹ, EU… thì việc khai thác thị trường trong nước là rất quan trọng. Đồng thời, cần đẩy nhanh việc đầu tư công, khai thác khu vực kinh tế tư nhân, liên kết doanh nghiệp nhỏ và vừa vào các chuỗi giá trị để đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường. Ngoài ra, cần chú trọng phát triển nông nghiệp và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0…
PGS, TS. Lê Xuân Bá - nguyên Viện trưởng CIEM cho rằng, những thành tựu của Việt Nam trong năm 2020 về tăng trưởng kinh tế, về phòng chống dịch Covid-19 là cần phải khẳng định, tuy nhiên, chúng ta không nên chủ quan, quá thỏa mãn với những kết quả đã đạt được. Trong thời gian tới, vẫn cần phải chú ý khống chế dịch Covid-19, vì diễn biến dịch rất khó lường.
Theo PGS,TS. Lê Xuân Bá, điều quan trọng căn cơ nhất, vừa là trước mắt vừa lâu dài, đó là tiếp tục đổi mới thể chế, luật pháp chính sách phù hợp, vì thể chế tốt, thì sẽ có môi trường kinh doanh tốt.
Một điểm đáng chú ý nữa đó là khu vực FDI đóng góp rất lớn vào kinh tế Việt Nam, do đó, cần tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài “xây tổ để cho đại bàng về”. Tuy nhiên, cũng cần tạo điều kiện thuận lợi nhất để làm cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển mạnh. Đồng thời, bên cạnh chính sách phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa cần phải tạo điều kiện hình thành phát triển doanh nghiệp lớn.
Ngoài ra, Việt Nam nên tìm cách để duy trì và mở rộng thị trường truyền thống, tránh để thu hẹp lại, tránh để bị mất, cùng với đó là phát triển thị trường mới./.
Bình luận