Năm 2022, khó kiềm chế lạm phát dưới 4%!
Thay mặt nhóm nghiên cứu của NEU, PGS, TS. Tô Trung Thành đưa nhận định, tăng trưởng năm 2022 có khả năng đạt được mục tiêu 6,5%.
“Nhưng, mục tiêu kiềm chế lạm phát khó đạt được vì xu hướng tăng giá hàng hóa cơ bản và giá xăng dầu thế giới đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến chi phí sản xuất trong nước. Không những thế, rủi ro lạm phát gia tăng còn đến từ tỷ lệ cung tiền M2/GDP và tín dụng/GDP ở mức rất cao trong khi tăng trưởng kinh tế thấp. Bên cạnh đó, kinh tế phục hồi cũng làm gia tăng sức ép lạm phát từ phía cầu”, ông Thành lý giải.
PGS, TS. Tô Trung Thành đưa nhận định, tăng trưởng năm 2022 có khả năng đạt được mục tiêu 6,5%. |
Ông Thành cho hay, việc thị trường thế giới tiếp tục xu hướng tăng giá các loại hàng hóa cơ bản cộng thêm cuộc chiến Nga - Ukraine khiến giá năng lượng leo thang ảnh hưởng lớn đến chi phí sản xuất trong nước, gây sức ép lớn đến chỉ số lạm phát trong năm 2022.
Thêm vào đó, nhóm phân tích báo cáo đánh giá diễn biến giá dầu trên thị trường thế giới cũng như trong nước đã tăng cao trong quý I, đặt ra những thách thức rất lớn đến nền kinh tế.
Tính toán của nhóm nghiên cứu cho thấy, nếu giá xăng dầu tăng 45% sẽ tác động lên chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng khoảng 0,6% và chỉ số giá sản xuất công nghiệp (PPI) tăng khoảng 2%.
"Và, khi thuế môi trường thực hiện giảm (từ ngày 1/4) giá xăng dầu tăng khoảng 41% và ảnh hưởng trực tiếp đến giá tiêu dùng tăng 0,5%, chỉ số giá sản xuất công nghiệp tăng 2,2%", ông Thành nêu dẫn chứng bằng con số.
Tập trung đánh giá tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraina đến nền kinh tế Việt Nam, TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương nêu nhận định, tác động trực tiếp của cuộc xung đột đối với nước ta là nhỏ. "Nhưng, tác động gián tiếp lại rất lớn", ông Hiển chỉ rõ, cuộc xung đột dẫn đến lạm phát toàn cầu tăng rất mạnh; tăng trưởng toàn cầu suy giảm, xuất nhập khẩu, dòng đầu tư suy giảm; các nước buộc phải điều chỉnh chính sách, chuyển khu vực sản xuất về gần để giảm thiểu ảnh hưởng… Tất cả đều tác động lớn đến kinh tế Việt Nam. Vì thế, thách thức để đạt mục tiêu tăng trưởng năm nay là rất lớn. "Lạm phát chịu áp lực rất cao", ông Hiển nhấn mạnh.
Đó là chưa kể, việc thực thi gói hỗ trợ và phục hồi kinh tế cũng bị tác động tiêu cực, do liên quan đến chi phí về nguyên liệu, giá thép, phân bón…
Ông Francois Painchaud, Trưởng Đại diện IMF tại Việt Nam cũng cho rằng, Việt Nam đang gặp thách thức do nhu cầu thế giới sụt giảm và lạm phát gia tăng |
Đồng tình với nhận định của nhóm nghiên cứu, ông Francois Painchaud, Trưởng Đại diện IMF tại Việt Nam cũng cho rằng, Việt Nam đang gặp thách thức do nhu cầu thế giới sụt giảm và lạm phát gia tăng.
Ông Francois Painchaud cho biết, lạm phát dự báo còn tăng mạnh hơn ở các nước có nền kinh tế phát triển và đang phát triển. Tại rất nhiều quốc gia, lạm phát trở thành vấn đề quan tâm lớn. Hoa Kỳ và một số quốc gia châu Âu lạm phát đã tăng ở mức cao nhất trong 40 năm trở lại đây.
Theo ông Francois, trong bối cảnh Covid -19 Việt Nam đã có những chính sách vĩ mô và chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ trực tiếp cho người dân, bổ trợ, giảm thiểu tác hại của Covid-19. Mức tăng 2021 vẫn là thấp nhất, các lĩnh vực hiện còn khó đoán và chưa nhiều dấu hiệu tích cực. Thị trường lao động, đặc biệt đối tượng lao động trẻ không có kỹ năng đang chịu nhiều thiệt thòi.
Tỷ lệ khiếm dụng lao động gia tăng, trong khi lực lượng lao động giảm so với thời điểm trước Covid-19. Hệ thống ngân hàng tài sản xấu đi không được cải thiện từ năm 2021. Trong cuộc khủng hoảng Covid-19 giá cả của tài sản ngân hàng và bất động sản lại tăng rất mạnh.
"Thời điểm hiện tại lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát dưới 4%, nhưng vẫn còn nhiều rủi ro tăng lạm phát năm 2022", ông nêu rõ.
Đại diện IMF cho rằng, khi khủng hoảng xảy ra, giá tài sản và bất động sản tăng rất mạnh và các hoạt động đi kèm về định giá và kiểm giá chưa tốt.
"Dự báo GDP của Việt Nam đạt 6% năm 2022 và 7% năm 2023 nếu vẫn duy trì được bình thường hoá các hoạt động kinh tế thương mại, đầu tư” , ông nêu nhận định./.
Bình luận