Cuộc tập trận Zapad tại Belarus (sườn đông NATO) diễn ra giữa Nga và Belarus ngày 14/9 thể hiện khả năng huy động một lượng lớn binh sĩ đến biên giới NATO. Đáp trả trước hành động này, NATO đã cho quân đến Romania nhằm củng cố vị thế của mình và đồng minh ở Biển Đen, vùng biển giàu dầu khí.

Tuy nhiên, Nga cáo buộc NATO bao vây mình và đe doạ sự ổn định Đông Âu. Quanh khu vực Biển Đen, ngoài Romania, thành viên NATO còn có Bulgaria và Thổ Nhĩ Kỳ. Hơn nữa, Grudia và Ukraina cũng mong muốn gia nhập NATO.

Lực lượng quân triển khai thêm đến từ một số nước NATO: Ý, Canada, Đức, Bồ Đào Nha, Ba Lan và phần lớn là quân Romania. Con số chính xác về lực lượng chưa được công bố. Tuy nhiên, theo sức chứa của một căn cứ quân sự gần thành phố Craiova ở miền Nam Romania, lực lượng này có thể khoảng 3.000 đến 4.000 quân.

Ngoài lực lượng tuần tra hàng hải ở Biển Đen, NATO sẽ tăng cường triển khai tàu chiến ghé thăm cảng Romania cũng như Bulgaria, thực hiện huấn luyện và tập trận.

Tại kỳ họp Hội đồng Nghị viện NATO ở Bucharest (Romania) ngày 9/10, Tổng thống Romania Klaus Iohannis phát biểu: “Mục đích của chúng tôi là hoà bình, không phải chiến tranh. Chúng tôi không đe doạ Nga. Nhưng về dài hạn chúng tôi cần một chiến lược đồng minh và vị thế mạnh hơn để chiến đấu và phòng vệ trong đối thoại với Nga”.

Anh có kế hoạch triển khai máy bay chiến đấu đến Romania. Canada thực hiện tuần tra không phận Romania, còn Ý tham gia tuần tra không phận Bulgaria.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tại kỳ họp Hội đồng Nghị viện NATO cho rằng, điều này phát đi tín hiệu về quyết tâm của NATO. Ông Stoltenberg cho biết thêm, NATO còn có 40.000 quân nhân thuộc lực lượng phản ứng nhanh trong trường hợp xung đột.

Mặt khác, ông cũng khẳng định rằng, Nga là hàng xóm của NATO và NATO không muốn cô lập Nga. Vì “chúng tôi không muốn có một cuộc chiến tranh nữa”, ông nhấn mạnh.

Romania mong muốn NATO cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa. Hệ thống Aegis Ashore là hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, có thể đánh chặn bất kỳ tên lửa nào của Iran.

Romania đã mất hơn một năm vận động NATO tăng hiện diện ở Biển Đen. Bulgaria lo lắng điều này sẽ khiêu khích Nga, còn Thổ Nhĩ Kỳ chỉ ủng hộ NATO đưa quân hạn chế đến Romania. Việc NATO tăng quân đến Romania thể hiện thành công ngoại giao của nước này trong quan hệ với NATO./.

Nguồn tham khảo:
1.http://www.warandpeace.ru/ru/news/view/125011/
2. http://ru.reuters.com/article/topNews/idRUKBN1CE1CL-ORUTP?feedType=RSS&feedName=topNews