Phải làm rõ hơn bức tranh tổng thể hoạt động rửa tiền

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, hôm nay (ngày 1/11), Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi). Góp ý cho dự án Luật, Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) cho biết, Ngân hàng Thế giới ước tính mỗi năm có khoảng 300- 500 tỷ USD thu được từ hoạt động phạm tội rửa tiền. Ở nước ta, theo số liệu báo cáo cung cấp, đến nay Việt Nam đã xét xử 3 vụ án với tội danh rửa tiền theo Bộ Luật hình sự.

“Tuy nhiên, đề nghị báo cáo tổng kết cần đề cập rõ hơn bức tranh tổng thể hoạt động rửa tiền của nước ta hiện nay ra sao, tiền thường được rửa dưới hình thức nào, quy mô ra sao, lĩnh vực nào là chính…? Đây là thông tin quan trọng để các đại biểu Quốc hội thảo luận, xem xét, quyết định góp ý cho các quy định của dự thảo Luật…”, ông Nghĩa đề xuất.

Về khái niệm rửa tiền, ông Nghĩa cho rằng, nếu coi rửa tiền là tội phạm hình sự thì phải quy định trong Bộ Luật hình sự. Không quy định trong Bộ Luật hình sự, thì không phải là tội phạm hình sự. Do đó, cần thiết kế lại vấn đề này để tránh gây hiểu lầm.

“Hiện chưa có khái niệm tiền ảo hoặc tài sản ảo, số hoá…, do đó cần quy định thêm tài sản ảo, tài sản số hoá và tài sản mã hoá, để bao quát được nhiều hình thức tiền và hình thức tài sản đang bắt đầu sử dụng. Khái niệm và thực tiễn hiện nay rộng, nếu chỉ quy định như trong dự thảo Luật sẽ không bao quát hết và sẽ khó áp dụng…”, ông Nghĩa cảnh báo.

Nếu coi rửa tiền là tội phạm hình sự thì phải quy định trong Bộ Luật hình sự
Theo Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa, cần đề cập rõ hơn bức tranh tổng thể hoạt động rửa tiền của nước ta hiện nay ra sao, tiền thường được rửa dưới hình thức nào

Theo Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh), tại Điều 1 dự thảo Luật quy định về phạm vi điều chỉnh, trong đó nêu rõ chống hành vi rửa tiền của các tổ chức, cá nhân có mục đích tài trợ khủng bố theo luật này và các quy định của pháp luật hình sự. Tuy nhiên, phòng, chống rửa tiền cũng nhằm đến một số đối tượng khác như ma tuý, buôn người và các tổ chức xã hội đen, nếu chỉ liệt kê là khủng bố thì phạm vi còn hẹp, do đó cần bổ sung thêm đối tượng vào dự thảo luật...

“Đề nghị nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 7 theo hướng, quy định khung pháp lý để kiểm soát toàn bộ các hình thức chuyển đổi, thỏa thuận trao đổi tiền thông qua các công cụ mã hóa trên không gian mạng, nhằm thực hiện phòng, chống rửa tiền và các loại tội phạm có liên quan…”, Đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Đôi (Sơn La) góp ý.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng giải trình gì?

Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề Đại biểu Quốc hội nêu, trong đó có các nội dung về giao Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, các quy định này chủ yếu là những nội dung liên quan đến kỹ thuật và những nội dung cần điều chỉnh theo từng thời kỳ; hoặc nội dung phát sinh trong thực tiễn, thay đổi thường xuyên, nên cần được cập nhật kịp thời. Tại hồ sơ dự án Luật trình Quốc hội, Chính phủ đã trình kèm dự thảo nghị định, cũng như dự thảo về quyết định của Thủ tướng Chính phủ và dự thảo thông tư hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.

Nếu coi rửa tiền là tội phạm hình sự thì phải quy định trong Bộ Luật hình sự
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, các nội dung giao Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn chủ yếu là những nội dung cần điều chỉnh theo từng thời kỳ

Liên quan đến một vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm là dấu hiệu đáng ngờ và báo cáo giao dịch đáng ngờ, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, dấu hiệu đáng ngờ chủ yếu là mang tính định tính, cơ quan soạn thảo tổng hợp từ kinh nghiệm mang tính phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới và có cân nhắc những đặc thù về các hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm của Việt Nam.

“Dấu hiệu giao dịch đáng ngờ là định tính và chỉ là bước khởi đầu phát hiện ra có dấu hiệu đáng ngờ, là dấu hiệu cảnh báo ban đầu, sau đó các đối tượng báo cáo, các chủ thể báo cáo sẽ gửi cho Ngân hàng Nhà nước tiếp nhận thông tin để phân tích, xử lý…”, bà Hồng cho hay.

Về nội dung các công ty cung cấp dịch vụ tài sản ảo hay kinh doanh tài chính tiền tệ trên nền tảng công nghệ, bà Hồng cho biết, trong quá trình xây dựng, cơ quan soạn thảo đã đưa các hoạt động này vào trong dự thảo Luật, nhưng trong quá trình tham vấn ý kiến qua nhiều vòng, các ý kiến cho rằng hoạt động này chưa được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, vì vậy chưa nên đưa vào dự thảo Luật. Do đó, quy định này sẽ giao Chính phủ bổ sung đối tượng báo cáo sau khi được sự chấp thuận, đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội…/.