Nga dường như đang hướng chiến lược mục tiêu xuất khẩu sang Ấn Độ
Ngày càng lún sâu vào vòng xoáy suy thoái
Đồng tiền và nền kinh tế Nga, vốn chịu sức ép từ lệnh trừng phạt của phương Tây, đã bị sự sụt giảm của giá dầu kéo vào một vòng xoáy suy thoái. Hồi tháng 7, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Nga sẽ giảm 3,4% trong năm nay, mạnh nhất trong số các nền kinh tế mới nổi quy mô lớn.
Ông Anders Aslund, chuyên gia về Nga thuộc Atlantic Council ở Washington, cho rằng kinh tế Nga có khả năng giảm 6%. Mức dự báo này cũng gần với dự báo suy giảm tăng trưởng mà Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) đưa ra trong kịch bản giá dầu hạ về ngưỡng 40 USD/thùng - xấp xỉ mức giá hiện nay của dầu thô.
Trong thời gian từ 1999-2008, kinh tế Nga tăng trưởng trung bình 7% mỗi năm, một phần nhờ giá dầu và khí đốt - mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước này - tăng cao. Giá dầu sụt giảm trong vòng một năm qua đã làm lộ ra những lỗ hổng lớn trong nền móng kinh tế Nga: năng suất suy giảm, lực lượng lao động co hẹp, các ngành công nghiệp có sức cạnh tranh kém, khu vực kinh tế tư nhân bị kinh tế quốc doanh kìm hãm.
IMF hiện đặt mức dự báo tăng trưởng dài hạn đối với kinh tế Nga là 1,5%, nhưng chuyên gia Aslund chỉ đưa ra mức dự báo tăng 1% - mức tăng trưởng đáng lo ngại.
Đây không chỉ là vấn đề gây quan ngại cho Nga mà cho cả nhiều nước khác trên thế giới. Nguồn thu từ dầu khí đã giúp Tổng thống Nga Vladimir Putin củng cố quyền lực trong nước và thể hiện sức mạnh Nga trên trường quốc tế. Bởi thế, sự mất mát tài sản của Nga cũng đe dọa đảo lộn trật tự địa chính trị của thế giới, cho dù tới thời điểm này chưa có dấu hiệu nào cho thấy sự đảo lộn đó.
Nguồn thu từ tài nguyên thiên nhiên, bao gồm doanh thu từ dầu, khí đốt, than, khoáng sản và lâm sản trừ đi chi phí sản xuất, chiếm 18% GDP của Nga. Tỷ lệ này cao nhất trong số các nền kinh tế mới nổi quy mô lớn và cao hơn nhiều so với những nước giàu xuất khẩu dầu như Canada hay Na Uy.
Tuy nhiên, lệnh trừng phạt của phương Tây sẽ tiếp tục xói mòn năng suất trong nền kinh tế Nga thông qua việc cản trở nền công nghiệp, trong đó có ngành dầu khí, được tiếp cận với những bí quyết quan trọng. Và khi các nước Tây Âu tìm kiếm nguồn cung khí đốt khác đáng tin cậy hơn, xuất khẩu khí đốt của Nga sẽ giảm mạnh.
Khó có thể trông chờ vào Trung Quốc
Có ý kiến cho rằng Nga có thể dựa vào Trung Quốc để vượt qua cửa ải khó khăn khi giá dầu sụt giảm mạnh trong thời gian này. Đặc biệt, trang Russia Today của Nga ngày 8/9 đưa tin, Trung Quốc đang có kế hoạch khởi động thùng dầu tiêu chuẩn riêng, tương tự như dầu Brent biển Bắc và dầu WTI ngọt nhẹ Bắc Mỹ vào tháng 10 sắp tới. Các hợp đồng mua bán dầu trên sẽ được thực hiện bằng Nhân dân tệ.
Liệu Bắc Kinh có hy sinh lợi ích để giúp Nga nâng giá dầu?
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Khoa Tài chính Quốc tế, Học viện Tài chính, kế hoạch này của Trung Quốc có thể được một số quốc gia như Nga, Venezuela, Iran... ủng hộ bởi bản thân các nước này muốn giảm phụ thuộc vào đồng USD trong kinh doanh dầu mỏ. Thời gian qua, đồng USD mạnh và giá dầu giảm khiến các nước xuất khẩu dầu mỏ bị thiệt hại nhiều.
Tuy nhiên, Trung Quốc là một trong những nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, 60% lượng dầu nước này tiêu thụ là nhập khẩu, giá dầu giảm khiến nước này được lợi rất nhiều. Vậy liệu Bắc Kinh có hy sinh lợi ích của mình mà giúp đỡ Nga nâng giá dầu?
Mặt khác, dù Nga - Trung là đối tác chiến lược toàn diện, nhưng giới phân tích đã bàn nhiều đến sự thực dụng của Trung Quốc và quan hệ giữa hai ông lớn này luôn mang theo những toan tính lợi ích bên trong nó. Bởi thế, Nga cũng không được lợi nhiều trong mối quan hệ thân tình với Trung Quốc và cũng khó trông mong vào sự giúp đỡ của Trung Quốc.
Nền kinh tế Trung Quốc chậm lại và thị trường chứng khoán sụp đổ liên tục đã khiến Nga phải cảnh giác trước các kế hoạch đầu tư của Trung Quốc. Thống kê từ InvestorIntel tiết lộ rằng, năm nay, xuất khẩu của Nga sang Trung Quốc đã giảm 20% so với năm ngoái.
Trên thực tế, Trung Quốc chỉ đầu tư 1,6 tỷ USD sang thị trường Nga năm 2014, trong khi Nga đầu tư 151,5 tỷ USD trong cùng thời kỳ vào nền kinh tế Trung Quốc.
Chuyển hướng sang Ấn Độ
Theo trang Business Insider, trong cuộc gặp của Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 3/9 tại Bắc Kinh, hãng dầu khí CNPC của Trung Quốc và ông lớn năng lượng Nga Gazprom đã ký một bản ghi nhớ về dự án thứ 3 mà hai nước này hợp tác trong 5 năm tới.
Mặc dù bản ghi nhớ mới nhất được coi là có lợi cho cả đôi bên, nhiều người vẫn đang e ngại về tình trạng trì hoãn trong các thỏa thuận Nga - Trung trước đó. Tháng 5/2014, Nga và Trung Quốc cùng ký một thỏa thuận khí đốt, đồng ý xây dựng hai đường ống vận chuyển khí đốt từ Nga sang quốc gia châu Á. Thế nhưng, dự án đường ống thứ hai đã bị đình chỉ vào tháng 6 vừa rồi.
Thêm vào đó, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc và thị trường chứng khoán nước này cũng đổ vỡ, vì vậy Nga hiện rất thận trọng với các kế hoạch đầu tư của Trung Quốc.
Thống kê từ InvestorIntel thậm chí cho biết, xuất khẩu từ Nga vào Đại lục đã giảm 20% so với năm ngoái. Trung Quốc chỉ đầu tư chưa đến 1,6 tỉ USD vào Nga trong năm qua, trong khi đó nước Nga lại đổ vào kinh tế Trung Quốc đến 151,5 tỉ USD.
Với tình hình hiện nay của Trung Quốc, Nga đang có kế hoạch tăng cường sự hiện diện của mình ở Ấn Độ, nước láng giềng thân cận của Trung Quốc.
Nhờ mức tiêu thụ năng lượng trong nước rất lớn và sở hữu một nền kinh tế năng động, Ấn Độ đang nỗ lực phát triển kinh tế nhanh hơn Trung Quốc trong năm 2015 và 2016, theo dự báo gần đây của IMF. Theo đó, Nga đang bỏ rơi Trung Quốc và chuyển sang bán dầu cho Ấn Độ.
Sau Trung Quốc, Ấn Độ là lựa chọn quan trọng tiếp theo của Nga trong việc tăng cường quan hệ ở châu Á và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Nhập khẩu dầu của Ấn Độ từ Nga chỉ dưới mức 1% cho đến khi Hội nghị Thượng đỉnh Ấn Độ-Nga được tổ chức vào tháng 12/2014 tại New Delhi. Tổng thống Putin của Nga và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã có cuộc thảo luận về nhiều vấn đề hợp tác kinh tế, trong đó cả hai nước đã ký kết nhiều hiệp định song phương quan trọng.
Các thỏa thuận đều nằm trong một chương trình song phương nhằm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực dầu khí, trong đó bao gồm thăm dò dầu khí và sản xuất cùng với nguồn cung cấp LNG trong tương lai và các dự án mới.
Theo đó, Nga đã bắt đầu đầu tư vào vào lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt của Ấn Độ. Vào ngày 8/7/2015, Tập đoàn dầu khí Rosneft của Nga và công ty dầu Essar Oil Limited thuộc Tập đoàn Essar Group của Ấn Độ đã ký một thỏa thuận trị giá hàng triệu USD. Cụ thể, Tập đoàn Essar Group sẽ bán 49% cổ phần của Essar Oil cho Tập đoàn Rosneft của Nga với mức giá hơn 1,5 tỷ USD.
Nằm trong trung tâm lọc dầu lớn nhất thế giới Jamnagar, Essar Oil hiện đang hoạt động một nhà máy lọc dầu có khả năng xử lý 20 triệu tấn mỗi năm. Nhà máy lọc dầu này được xem là lớn thứ hai ở Ấn Độ, và là một trong những nhà máy lọc dầu lớn nhất thế giới.
Dự tính trong một vài năm tới, công ty Essar Oil sẽ có thể được mở rộng xa hơn nữa mà không cần bất kỳ khoản đầu tư lớn nào . Theo đó, điều này đặc biệt thu hút Tập đoàn Rosneft của Nga trong việc mua cổ phần của công ty này.
Năm 2007, Tổng thống Nga từng dự báo rằng đến năm 2025, lần lượt 35% dầu thô và 25% khí đốt xuất khẩu của nước này sẽ tiến đến Đại lục. Ông Putin thậm chí còn nói rằng Trung quốc sẽ trở thành đối tác thương mại chính của Nga, vượt qua châu Âu vào năm 2030. Song với tình hình kinh tế của nước bạn và chuyện các dự án “treo”, dự báo này đã trở thành kỳ vọng quá lạc quan.
Mặt khác, Nga vẫn chưa sẵn sàng từ bỏ thị trường châu Âu. Hãng Gazprom mới đây công bố một thỏa thuận “hoán đổi tài sản” với các đối tác châu Âu gồm hãng: BASF, Royal Dutch Shell, E.ON và OMV. Động thái này sẽ tăng cường quan hệ hợp tác Nga - EU trong thời gian tới, có thể gia tăng sự hiện diện của Nga ở châu Âu. Đổi lại, EU sẽ mua nhiều khí đốt của Nga hơn.
Dù vậy, thực tế châu Âu đã không còn là một thị trường đầy tiềm năng còn Trung Quốc, thì đang tăng trưởng chững lại, rất có thể thời gian tới, sự ưu ái sẽ thuộc về Ấn Độ. Nước Nga hoàn toàn có lý do để làm điều đó, khi Trung Quốc là cỗ máy tăng trưởng toàn cầu nhưng trong tương lai, rất có thể Ấn Độ mới là quốc gia nhận danh hiệu trên./.
Bình luận