Mất an toàn lao động ngành than: Câu chuyện không còn mới

Những năm gần đây, các vụ tai nạn lao động chết người trong ngành than liên tục xảy ra bởi các sự cố kỹ thuật trong các mỏ hầm lò. Những sự cố kỹ thuật dẫn đến tai nạn lao động gây thương vong tại các mỏ hầm lò phần lớn là do không kiểm soát được các thông số an toàn, hệ thống cảnh báo mất an toàn không tác dụng, hoặc quy trình lao động trong môi trường đặc biệt dưới lòng đất, độ âm so với mặt nước biển quá lớn chưa thực sự tiếp cận với thực tế đang diễn ra.

Hoạt động khai thác than khoáng sản trong hầm lò luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn lao động, người lao động luôn bị rình rập nguy cơ tai nạn như: áp lực mỏ, cháy nổ khí, đá đổ, sập lò, bục nước, ngạt khí... Đặc biệt, tình hình thời tiết luôn biến động, diễn biến phức tạp khiến cho công việc lao động trong hầm lò gặp nhiều trở ngại, điều kiện khai thác hầm lò ngày càng xuống sâu, địa chất phức tạp, công tác quản lý kỹ thuật an toàn còn hạn chế cho nên vẫn còn nhiều sự cố, tai nạn xảy ra. Ðáng lưu ý là một số vụ tai nạn có tính chất lặp lại, phức tạp gia tăng.

Thống kê cho thấy, năm 2010, tổng số vụ tai nạn lao động ngành than là 35 vụ, 42 người chết, năm 2012 còn 30 vụ và 34 người chết; đến năm 2014 đã giảm còn 22 vụ và 27 người chết. Tuy tai nạn trong ngành có chiều hướng giảm, khi nhiều vụ mưa lũ xảy ra cho thấy ngành than, bất lực hoàn toàn trước thiên tai và chỉ biết tuyệt vọng phó mặc mọi chuyện cho trời đất mà không có bất cứ một giải pháp khả dĩ nào để hạn chế thiệt hại. Trong khi trên thế giới, trung bình một triệu tấn than hầm lò mất 1 mạng người thì ở Việt Nam con số này gấp tới hơn 2 lần (Nguyên Long, 2014). Và vẫn không thể chắc chắn rằng, số vụ tai nạn lao động cũng như số người chết do tai nạn lao động trong ngành than sẽ ngày càng được giảm đi.

Tai nạn luôn rình rập những lao động ngành than

Tăng cường công tác an toàn cho lao động ngành than

Ngày 06/05/2016, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-BCT (Chỉ thị 04) về việc tăng cường công tác an toàn, phòng chống cháy nổ, phòng chống thiên tại và tìm kiếm cứu nạn trong khai thác than.

Theo đó, để đảm bảo an toàn trong sản xuất, làm tốt hơn nữa công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong năm 2016, Bộ Công Thương yêu cầu TKV, Tổng công ty Đông Bắc chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện các nội dung như:

Về công tác an toàn, tổ chức kiểm tra, rà soát các công trường, khai trường, khu vực sản xuất về thực hiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn, các quy trình đảm bảo quy định về an toàn.

Đặc biệt, Chỉ thị nhấn mạnh, sẽ kiên quyết dừng sản xuất để chấn chỉnh, củng cố và khắc phục các vị trí có nguy cơ không bảo đảm an toàn, vi phạm các quy định về an toàn; việc sản xuất chỉ được thực hiện khi đã khắc phục xong, đủ điều kiện an toàn; Tổ chức tập huấn nâng cao ý thức, năng lực cho người lao động và người quản lý; tổ chức đánh giá rủi ro cho hoạt động sản xuất và hướng dẫn người lao động biết để tự đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động tại vị trí làm việc được phân công...

Về công tác phong chống cháy nổ, kiểm tra thiết kế, thi công lắp đặt mạng thông gió, đo khí và vị trí lắp đặt cảm biến khí mỏ phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về an toàn khai thác hầm lò. Thực hiện việc kiểm định, thí nghiệm, hiệu chuẩn các cảm biến khí để đảm bảo các cảm biến khí làm việc chính xác; Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác đo khí, kiểm soát không khí mỏ trong các ca sản xuất, tại vị trí người làm việc trong hầm lò bảo đảm hàm lượng khí mỏ phải đạt các yêu cầu an toàn theo quy định...

Về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, rà soát và tổ chức thực hiện phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, đặc biệt alf hệ thống bơm thóat nước, mương thoát nước bãi thải và mặt bằng sản xuất, cấp cứu người bị nạn... Kiểm tra, rà soát các bãi thải để bảo đảm việc đổ thải đúng theo thiết kế được phê duyệt; hệ thống đê chân bãi thải, thoát nước bãi thải đúng quy chuẩn...

Đối với sự cố, tai nạn lao động nghiêm trọng đơn vị phải báo cáo ngay bằng điện thoại, sau đó bằng văn bản, về cơ quan thường trực phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Bộ Công Thương.

Việc triển khai tốt Chỉ thị được kỳ vọng giảm số vụ tai nạn và lao động trong ngành than trong thời gian tới./.

Nguồn tham khảo:

1. Bộ Công Thương (2016). Chỉ thị số 04/CT-BCT, ngày 06/05/2016 về việc tăng cường công tác an toàn, phòng chống cháy nổ, phòng chống thiên tại và tìm kiếm cứu nạn trong khai thác than

2. Liên Trang (2015). Lại “nóng” vấn đề an toàn lao động ngành than, truy cập từ http://kinhtevadubao.vn/chi-tiet/219-3777-lai-nong-van-de-an-toan-lao-dong-nganh-than.html

3. Nguyên Long (2014). Báo động tai nạn lao động ngành than!, truy cập từ http://vov.vn/vov-binh-luan/bao-dong-tai-nan-lao-dong-nganh-than-307560.vov