Các trường đại học của Việt Nam đã thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ (KH&CN), nhưng chỉ có 5%-10% số đề tài nghiên cứu được ứng dụng vào sản xuất và kinh doanh.

Đặt nặng bài báo quốc tế, chưa chú trọng thương mại hóa

TS. Đỗ Thị Hải Ninh, Giám đốc Đào tạo - Hợp tác quốc tế (Viện Đổi mới sáng tạo, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng: “Nghiên cứu muốn thương mại hóa được phải xuất phát từ nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, hiện nay các nghiên cứu của nhiều giảng viên, cả của tôi không xuất phát từ nhu cầu thị trường mà xuất phát từ hàn lâm, thành ra không thương mại hóa được".

TS. Đỗ Thị Hải Ninh cho rằng, tại Việt Nam việc thương mại hoá các kết quả nghiên cứu từ các trường đại học, các viện nghiên cứu vẫn còn thiếu hiệu quả, chưa nhận được sự quan tâm thích đáng từ các bên liên quan. Các trường đại học tại Việt Nam vẫn tập trung và coi là mục tiêu sống còn là thực hiện nhiệm vụ đào tạo, cố gắng xuất bản được bài báo quốc tế. Trong khi đó, tại các trường đại học trên thế giới và khu vực, hoạt động nghiên cứu là kim chỉ nam cho các hoạt động đào tạo, và thúc đẩy phát triển kinh tế.

Trong một chia sẻ khác từ TS. Bùi Hải Hưng, Viện trưởng VinAI cho rằng, ông đồng thuận với quan điểm “Nghiên cứu là phải ra tiền” của Viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ (MIT) và cho rằng, điểm đáng tiếc nhất tại Việt Nam là nghiên cứu cơ bản tách rời nghiên cứu ứng dụng. Nhiều công trình làm ra chỉ để… đút ngăn bàn.

Tiến sĩ Bùi Hải Hưng là một trong những tên tuổi hàng đầu thế giới trong lĩnh vực AI. Ông là một trong những nhà sáng chế trí tuệ nhân tạo tại Google, với gần 100 công trình nghiên cứu khoa học được công bố trên các tạp chí chuyên môn và hơn 10 bằng sáng chế về công nghệ được đánh giá tại Mỹ. Ông đảm nhiệm công việc Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trí tuệ Nhân tạo VinAI vào tháng 4/2019, với sứ mệnh thực hiện các nghiên cứu khoa học đột phá, mang tầm cỡ hàng đầu thế giới với khát vọng đưa Việt Nam vào bản đồ AI toàn cầu.

TS. Bùi Hải Hưng cho rằng, để có sản phẩm đột phá phải có nghiên cứu. Thực tế, người làm công tác nghiên cứu đều muốn sản phẩm của mình được mang lại lợi ích cho xã hội, nhưng ở Việt Nam gần như thiếu đi sự kết nối để thực hiện mong muốn này. Ở một khía cạnh khác, với sự cởi mở của luật pháp, số lượng doanh nghiệp Việt Nam được thành lập là rất lớn. Hàng năm có cả trăm nghìn doanh nghiệp được ra đời. Rất nhiều doanh nghiệp khởi sự từ các bạn trẻ, có ý tưởng nhưng thiếu nhiều thứ, nhất là thiếu kinh nghiệm. Việc thiếu kinh nghiệm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng trụ lại với thường trường.

TS. Bùi Hải Hưng cho rằng, điểm đáng tiếc nhất tại Việt Nam là nghiên cứu cơ bản tách rời nghiên cứu ứng dụng. Nhiều công trình làm ra chỉ để… đút ngăn bàn

Sự tách rời giữa nghiên cứu cơ bản với nghiên cứu ứng dụng là điều đáng tiếc cho Việt Nam. Theo ông Hưng, nếu kết nối được 2 mảng này, chắc chắn nguồn lực xã hội sẽ không bị lãng phí, thị trường sẽ có nhiều sản phẩm được làm bởi người Việt, trí tuệ Việt.

Thực tế, các trường đại học của Việt Nam đã thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học, nhưng chỉ có 5%-10% số đề tài nghiên cứu được ứng dụng vào sản xuất và kinh doanh.

Khoa học phải gắn với doanh nghiệp và… sàn chứng khoán

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, tốc độ gia tăng giá trị giao dịch công nghệ bình quân giai đoạn 2011-2020 là 22% mỗi năm. Trong đó, một số ngành tăng trưởng cao, gồm điện, điện tử máy tính ở mức tăng trưởng 46%; ngành chế biến gỗ, giấy (29%), ngành chế biến thực phẩm (28%)... Cũng theo Thứ trưởng, Bộ ủng hộ các đề tài xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội, làm sao để thị trường khoa học và công nghệ sôi động, đưa sản phẩm lên sàn chứng khoán, mua bán ở các sàn giao dịch công nghệ, tác động mạnh mẽ đến hoạt động của doanh nghiệp, thì lúc đó mới có giá trị.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng mong muốn thúc đẩy thị trường khoa học và công nghệ, đưa sản phẩm lên sàn chứng khoán, sàn giao dịch công nghệ

Hiện tại cả nước có hơn 800 tổ chức trung gian của thị trường KH&CN. Trong đó, số lượng các sàn giao dịch công nghệ cũng đã có sự phát triển mạnh mẽ, nếu như trước năm 2015 chỉ có 8 sàn giao dịch công nghệ thì giai đoạn 2015-2020 đã hình thành được 20 sàn giao dịch công nghệ địa phương, 1 sàn giao dịch vùng Duyên hải Bắc bộ, 1 sàn giao dịch vùng đồng bằng sông Cửu Long đang trong giai đoạn thành lập.

Cùng với việc phát triển các tổ chức trung gian truyền thống, các tổ chức kiểu mới cũng phát triển với 69 cơ sở ươm tạo, 28 chương trình thúc đẩy kinh doanh, loại hình không gian làm việc chung có 186 khu...

Hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu từ khu vực viện, trường có xu hướng chuyển biến tích cực. Nhiều kết quả nghiên cứu đã được chuyển giao cho doanh nghiệp với doanh thu lên tới hàng chục thậm chí hàng trăm tỷ đồng. Điển hình trong giai đoạn 2009-2019, Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh có doanh thu từ hoạt động chuyển giao công nghệ đạt khoảng 1.300 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, sau 5 năm (2016-2020) triển khai thực hiện Chương trình phát triển thị trường KH&CN đến năm 2020 (Chương trình 2075) đã phê duyệt 63 nhiệm vụ/500 đề xuất đăng ký với tổng kinh phí là 340 tỷ đồng, trong đó có 194 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước (chiếm khoảng 55%), còn lại khoảng 45% nguồn kinh phí được đối ứng từ phía các doanh nghiệp tham gia thực hiện nhiệm vụ.

Mặc dù đạt được những kết quả nhất định, trên thực tế thị trường KH&CN trong nước chưa phát triển đúng với tiềm năng của nguồn cung, nguồn cầu. Lãnh đạo Bộ KH&CN cho biết, Chiến lược phát triển thị trường khoa học và công nghệ giai đoạn 2021-2030 sẽ tập trung thúc đẩy phát triển nguồn cung và cầu, liên thông, tiến tới đồng bộ hóa thị trường KH&CN với các thị trường hàng hóa, lao động và tài chính.

Vậy làm cách nào để giải bài toán thương mại hóa sản phẩm KH&CN? TS. Đỗ Thị Hải Ninh cho rằng, cần xây dựng và hoàn thiện các trung tâm, tổ chức trung gian về KH&CN trong các trường đại học, các cơ sở nghiên cứu. Việc đẩy mạnh hoạt động hợp tác giữa nhà trường - nhà quản lý - doanh nghiệp sẽ góp phần gia tăng giá trị thương mại hóa sản phẩm khoa học và công nghệ hơn nữa.

Điển hình như Isarel là một trong những quốc gia phát triển thành công việc thương mại hoá hoạt động KH&CN khi có khoảng 75% sáng chế được tạo bởi các trường đại học được đưa vào thương mại hoá.

TS. Bùi Hải Hưng thì cho rằng, đổi mới sáng tạo rất quan trọng với sự phát triển của các doanh nghiệp, nhất là các tập đoàn lớn. Để xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo, mô hình vườn ươm ý tưởng rất đáng được khuyến khích. Các vườn ươm không nhất thiết đứng độc lập, mà có thể ở trong tập đoàn, trong các trường đại học lớn, tạo chỗ cho thử nghiệm các ý tưởng sáng tạo.

Với mô hình vườn ươm, các ý tưởng mới sẽ được cộng hưởng kinh nghiệm của những người từng trải và có thể được trợ giúp vốn đầu tư ban đầu. Như vậy, quá trình từ sáng tạo, nghiên cứu, thử nghiệm và đưa ra ứng dụng sẽ được rút ngắn, dễ thành công hơn và cũng tiết kiệm nguồn lực cho xã hội.

Dù là mô hình nào, thì việc xây dựng nên con người có tri thức và định hình văn hóa đổi mới sáng tạo luôn là yếu tố quan trọng nhất. Gợi mở cách thúc đẩy những ý tưởng sáng tạo, ông Hưng chia sẻ câu chuyện tại Google. Theo đó, Google có quy định các nhân viên được dành 20% thời gian tham gia các không gian sáng tạo, họ không nhất thiết tuân thủ sếp trong khoảng tự do sáng tạo này./.