Nhập khẩu ô tô: Hồi hộp chờ phán quyết Thông tư 20
Đây là thông tư liên quan trực tiếp đến nhiều doanh nghiệp nhập khẩu ô tô, cũng như hoạt động trong lĩnh vực Hải quan, song đã gần 01 tháng trôi qua, cơ quan quản lý nhà nước vẫn chưa có văn bản hướng dẫn triển khai.
Thông tư 20...
Ngày 12/05/2011, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 20/2011/TT-BCT quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu ô tô chở người loại từ 9 chỗ ngồi trở xuống chưa qua sử dụng. Tại Điều 1 của Thông tư này quy định: Thương nhân phải nộp bổ sung Giấy chỉ định hoặc Giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó hoặc hợp đồng đại lý của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đã được cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật và Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đủ điều kiện do Bộ Giao thông Vận tải cấp.
Kể từ khi Thông tư 20 chính thức có hiệu lực, thị trường ô tô Việt Nam có nhiều thay đổi. Từ chỗ “trăm hoa đua nở”, bất kỳ một doanh nghiệp nào cũng có thể nhập khẩu ô tô mới nguyên chiếc từ nước ngoài về phân phối tại Việt Nam, cho đến ngày 26/6/2011 (ngày Thông tư 20 có hiệu lực), số đơn vị nhập khẩu thu hẹp rất nhiều, mỗi thương hiệu gần như chỉ có 01 đơn vị nhập khẩu phân phối.
Theo Luật Đầu tư năm 2014, Thông tư 20 này sẽ tự động hết hiệu lực kể từ ngày 01/7/2016. Việc Thông tư này hết hiệu lực đang xuất hiện những lo ngại rằng, thị trường ô tô có thể trở về tình trạng hỗn loạn như trước năm 2011 và thậm chí phức tạp hơn nhiều khi quy mô thị trường hiện tăng gần gấp đôi…
Nên giữ hay bỏ?
Trước nguy cơ thị trường ô tô bị xáo trộn lớn nếu không có văn bản thay thế Thông tư 20, gần như toàn bộ các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp trong nước, cũng như các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô chính hãng, các hiệp hội doanh nghiệp cùng có văn bản gửi lên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Cụ thể: trong Văn bản số 062700/2016/VAMA, ngày 27/06/2016, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, họ quan ngại sâu sắc về những tác động tiêu cực tới quyền lợi người tiêu dùng, tới việc đảm bảo an toàn giao thông và bảo vệ môi trường nếu Chính phủ không kịp thời có các biện pháp thay thế áp dụng từ ngày 01/7/2016 khi Thông tư 20 hết hiệu lực. VAMA cũng lo ngại các nhà nhập khẩu không chính hãng trốn thuế bằng việc khai giá mua xe/bán xe thấp hơn thực tế và thanh toán bất hợp pháp ra nước ngoài như tình trạng đã xảy ra trước khi Thông tư 20 có hiệu lực.
Ngoài ý kiến chung trong VAMA, một doanh nghiệp có doanh số lớn nhất thị trường là Thaco (Trường Hải) cũng có văn bản riêng kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công Thương bày tỏ e ngại những tác động xấu tới thị trường ô tô khi Thông tư 20 hết hiệu lực. Đồng thời, Thaco kiến nghị Chính phủ có ngay những giải pháp, quy định chống gian lận về chuyển giá nhập khẩu ô tô; trường hợp chưa có thì Nhà nước nên duy trì Thông tư 20 thêm một thời gian ngắn nhất định trước khi có những quyết sách phù hợp. Tương tự, hàng loạt các đơn vị nhập khẩu chính hãng, như: BMW, Renault, Maserati, Audi, Rolls-Royce, Subaru, cũng như Hiệp hội doanh nghiệp Đức, doanh nghiệp châu Âu... đều đồng thuận việc duy trì Thông tư 20 (Quỳnh Trang, 2016).
Trước đó, Tổng cục Hải quan có văn bản muốn Bộ Công Thương sớm trả lời về việc Thông tư 20/2011/TT-BCT hiện còn hiệu lực hay không để có cơ sở hướng dẫn hải quan các địa phương thống nhất thực hiện chính sách hải quan cho các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô từ tháng 07/2016.
Nhiều doanh nghiệp nhập khẩu ô tô vẫn đang "ngóng" thông tin chính thức về Thông tư 20 |
Chiều 21/7/2016, Bộ Công Thương đã tổ chức cuộc họp với các bộ ngành, như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Bộ Giao thông Vận tải, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)… cùng đại diện của các doanh nghiệp ô tô thuộc VAMA, Các nhà nhập khẩu ô tô chính hãng ở Việt Nam (VIVA)… Đây là cuộc họp lấy ý kiến các bộ ngành, doanh nghiệp trước khi Bộ Công Thương có tờ trình gửi lên Thủ tướng Chính phủ để quyết định việc giữ hay xóa bỏ điều kiện nhập khẩu ô tô dưới 9 chỗ ngồi được quy định trong Thông tư 20/2011/TT-BCT của Bộ Công Thương.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết: Nếu dỡ bỏ điều kiện kinh doanh quy định Thông tư 20 sẽ dẫn đến một loạt hệ quả tiêu cực với thị trường ô tô. Đó là sẽ phá vỡ quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô đã được Thủ tướng phê duyệt, trong đó có định hướng thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước. Đến năm 2018 thuế nhập khẩu ô tô trong ASEAN sẽ giảm về 0%, cùng với việc giảm thuế Tiêu thụ đặc biệt những dòng xe nhỏ, các yếu tố này đã thúc đẩy gia tăng nhập khẩu. Nếu bỏ Thông tư 20 thì việc nhập khẩu ô tô sẽ tăng ồ ạt, ảnh hưởng tới các vấn đề xã hội như tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường đô thị...; Việc nhập khẩu ô tô tăng quá mạnh sẽ tác động đến mất cân bằng cán cân thanh toán, gia tăng nhập siêu, trong khi đây không phải nhóm hàng ưu tiên nhập khẩu; “Mở” cũng dẫn tới tình trạng gia tăng ồ ạt số lượng các nhà nhập khẩu dẫn đến tình trạng cạnh tranh hỗn loạn trên thị trường (Nguyễn Hà, 2016).
Liên quan đến số phận của Thông tư 20, trả lời báo Dân Trí, TS. Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp Chế thuộc VCCI cho biết: Việc tồn tại quy định Thông tư 20 là trái luật, bởi trong 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện tại Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư 2014, kinh doanh ô tô không có tên trong đó. Như vậy, VCCI kiến nghị Bộ Công Thương cần sớm loại bỏ Thông tư 20 để phù hợp với luật pháp và tạo điều kiện cho người dân kinh doanh.
Trong khi đó, Chuyên gia Kinh tế Ngô Trí Long bình luận: "Khi Thông tư 20 ra đời, quy mô thị trường tiêu thụ xe hơi của Việt Nam rất bé. Nhưng nay, quy mô thị trường đã lớn, rộng thì phải có chính sách phù hợp. Quyền lực nhập khẩu không thể tập trung vào tay chỉ một vài doanh nghiệp lớn khiến lũng đoạn giá, bóp méo thị trường được. Tại sao các doanh nghiệp vừa sản xuất, vừa được nhập khẩu, điều đó có làm ảnh hưởng đến chiến lược ngành công nghiệp ô tô hay không? có kích thích họ nội địa hóa để nâng cao mức cạnh tranh hay không? Thị trường và người tiêu dùng đang chịu thiệt về giá bởi quyền nằm trong tay của một vài đơn vị nhập khẩu khiến giá xe nhập tại Việt Nam cao hơn nhiều so với cùng loại ở các nước lân cận, có cùng chính sách thuế, cùng hoặc dưới mức thu nhập".
Những ý kiến xung quanh Thông tư 20 có thể vẫn tiếp tục diễn ra, song trước mắt cần thiết phải có văn bản để hướng dẫn cho cơ quan quản lý nhà nước như Hải quan, cũng như các doanh nghiệp nhập khẩu thực hiện trước khi có quyết định chính thức của Thủ tướng Chính phủ.../.
Tài liệu tham khảo:
1. Quỳnh Trang (2016). Xóa Thông tu 20, làng ô tô kêu cứu, truy cập từ http://portal.vnmedia.vn/oto-xe-may/thi-truong/201606/xoa-thong-tu-20-lang-o-to-keu-cuu-535072/
2. Nguyễn Hà (2016). Tranh cãi quanh Thông tư 20 -Vì lợi ích của ai?, truy cập từ http://www.baohaiquan.vn/Pages/Tranh-cai-quanh-Thong-tu-20-Vi-loi-ich-cua-ai.aspx
3. Nguyễn Tuyền (2016). Tổng cục Hải quan "thúc" Bộ Công Thương về "số phận" Thông tư 20, truy cập từ http://dantri.com.vn/kinh-doanh/tong-cuc-hai-quan-thuc-bo-cong-thuong-ve-so-phan-thong-tu-20-20160720113407533.htm
Bình luận