Argentina đạt được thỏa thuận gói vay 50 tỷ USD của IMF

Ngày 7/6, Chính phủ Argentina thông báo đã đạt được thỏa thuận sơ bộ với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để nhận được một gói tín dụng dự phòng trị giá 50 tỷ USD nhằm “hạ nhiệt” những biến động của thị trường tài chính tiền tệ trong nước sau khi đồng nội tệ Peso của nước này liên tục lao dốc trong hơn 1 tháng qua.

Bộ trưởng Kinh tế Argentina Nicolas Dujovne cho biết, gói tín dụng này lớn hơn so với mong đợi của chính phủ và sẽ giúp Argentina có thể tiếp tục thực hiện các chính sách kinh tế đã đề ra nhằm mục tiêu cân bằng tài chính. Ngoài ra, quốc gia Nam Mỹ này cũng nhận được một gói tài chính bổ sung trị giá 5,6 tỷ USD của Ngân hàng phát triển liên Mỹ (IDB), Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển Mỹ Latinh (CAF).

Theo thỏa thuận, gói tín dụng này có giá trị trong 3 năm và Argentina sẽ phải thanh toán làm 8 lần trong 3 năm sau khi sử dụng. Lãi suất của gói tín dụng này sẽ phụ thuộc vào Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của IMF, cũng như số lượng tiền mà Argentina sẽ sử dụng.

EU áp thuế bổ sung 3,3 tỷ USD đối với hàng nhập khẩu Mỹ từ tháng 7

Ngày 6/6, Ủy ban châu Âu (EC) thông báo Liên minh châu Âu (EU) từ tháng Bảy tới sẽ bắt đầu đánh thuế bổ sung đối với một số hàng nhập khẩu từ Mỹ nhằm đáp trả việc Mỹ áp thuế suất mới nhằm vào nhôm, thép nhập khẩu từ EU.

Các nước thành viên EU đã ủng hộ kế hoạch của EC, theo đó đề ra mức thuế đối với hàng xuất khẩu Mỹ trị giá 2,8 tỷ Euro (khoảng 3,3 tỷ USD).

Phát biểu tại cuộc họp báo, Ủy viên EC Maros Sefcovic cho biết EC dự kiến sẽ hoàn tất các thủ tục liên quan trước cuối tháng Sáu với sự phối hợp của các nước thành viên để có thể áp mức thuế mới bắt đầu từ tháng Bảy.

Trước đó, ngày 31/5, Mỹ tuyên bố chính thức áp mức thuế mới, 10% với nhôm nhập khẩu và 25% với thép nhập khẩu từ EU, Canada và Mexico sau hai tháng tạm miễn.

Ngay sau thông báo của Mỹ, Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker tuyên bố quyết định của Washington là không thể chấp nhận và EU sẽ áp đặt các biện pháp trả đũa.

Tân Thủ tướng Malaysia bất ngờ kêu gọi xem xét lại CPTPP

Tân Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã kêu gọi xem xét lại Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), trước đây gọi là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), khi cho rằng những nền kinh tế nhỏ như Malaysia sẽ ở thế bất lợi chiểu theo những điều khoản hiện tại của thỏa thuận.

Trong bài phỏng vấn với hãng tin Nikkei đăng tải ngày 9/6, Thủ tướng Mahathir nói rằng CPTPP cần phải tính đến mức độ phát triển của các nước khác nhau, theo đó những nền kinh tế yếu hơn cần phải được trao cơ hội để bảo vệ sản phẩm của mình.

Ông Mahathir không bác bỏ tầm quan trọng của những thỏa thuận như CPTPP, song cũng không đề cập đến khả năng nước này rút khỏi thỏa thuận.

Thủ tướng Mahathir cũng khẳng định chính phủ của ông cần xem xét lại tất cả các thỏa thuận được ký kết dưới thời chính phủ tiền nhiệm, bao gồm các thỏa thuận về cơ sở hạ tầng, thương mại và an ninh...

Kinh tế Nhật Bản sụt giảm sau tám quý tăng trưởng liên tiếp

Báo cáo ngày 8/6 của Văn phòng Nội các Nhật Bản cho hay trong quý I/2018, kinh tế nước này suy giảm 0,2% so với quý trước đó và sụt giảm 0,6% so với cùng kỳ năm 2017, ghi dấu mức sụt giảm lần đầu tiên trong vòng hai năm qua.

Sự suy giảm kinh tế trong quý I của Nhật Bản đã chấm dứt chuỗi tám quý tăng trưởng liên tiếp, được coi là “gáo nước lạnh” giáng xuống chính sách kinh tế "Abenomics" đầy tham vọng của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, dù cho các nhà phân tích dự báo kinh tế nước này sẽ sớm phục hồi, với sự cải thiện của thị trường lao động.

Chi tiêu tiêu dùng cá nhân, đóng góp tới 60% GDP của Nhật Bản, cũng giảm 0,1% trong quý I/2018, so với mức dự báo chỉ giảm 0,001% trước đó, giữa bối cảnh chi tiêu hộ gia đình bị thu hẹp do đà tăng lương chậm.

Trong khi đó, thặng dư tài khoản vãng lai của Nhật Bản trong tháng Tư năm nay chỉ đạt 1.850 tỷ Yen (16,86 tỷ USD), ghi nhận tháng thứ 46 liên tiếp nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đạt thặng dư nhờ hoạt động xuất khẩu sôi động. Song, con số này vẫn giảm 6,8% so với cùng kỳ năm 2017 do lĩnh vực dịch vụ thâm hụt sâu hơn./.