"Tầm vóc, vị thế và uy tín của Việt Nam được nâng lên một tầm cao mới"

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, thành tựu nổi bật nhất của năm 2017 là lần đầu tiên sau nhiều năm, chúng ta hoàn thành tất cả các chỉ tiêu kinh tế - xã hội được Quốc hội giao; đạt kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; các khu vực kinh tế như công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ đều có mức tăng trưởng cao và đồng đều, chuyển dịch cơ cấu kinh tế tích cực.

Đây là thành tựu quan trọng nhất, tạo đà thuận lợi để hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra của Kế hoạch năm 2018, Kế hoạch 5 năm 2016-2020 và Chiến lược 10 năm 2011-2020.

“Tầm vóc, vị thế và uy tín của Việt Nam được nâng lên một tầm cao mới; cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao vai trò và trách nhiệm của Việt Nam trong hội nhập và thực hiện các cam kết quốc tế”, Bộ trưởng Dũng nhận định.

Việt Nam cũng đã tổ chức thành công những sự kiện quốc tế lớn, quan trọng như APEC 2017, Hội nghị thượng đỉnh Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS) 2018, Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018. Thứ hạng của Việt Nam trên nhiều bảng xếp hạng của thế giới được cải thiện đáng kể, như: chỉ số môi trường kinh doanh tăng 9 bậc, chỉ số năng lực cạnh tranh tăng 5 bậc, chỉ số đổi mới sáng tạo tăng 12 bậc, xếp hạng về triển vọng của Việt Nam nâng từ mức ổn định lên mức tích cực...

“Thành tựu này có ý nghĩa thiết thực, khẳng định nước ta đã lớn mạnh, không còn là một nước nhỏ, kém phát triển, góp phần đưa đất nước tham gia vào những sân chơi mới của thế giới, vừa làm cho đất nước phát triển, vừa đóng góp vào thịnh vượng chung của thế giới và khu vực”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Niềm tin của nhà đầu tư ngày càng mạnh hơn

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, kết quả phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2018 là hết sức khả quan, tiếp nối được đà phát triển của năm 2017. Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,38%, là mức cao nhất của quý I trong 10 năm trở lại đây.

Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng đầu năm duy trì ở mức thấp, tăng 2,8%.

Thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng ổn định, thanh khoản toàn hệ thống được đảm bảo. Giải ngân vốn FDI ước đạt 5,1 tỷ USD, tăng 6,3%.

Số doanh nghiệp thành lập mới đạt trên 41,2 nghìn doanh nghiệp với số vốn đăng ký ước đạt khoảng 412 nghìn tỷ đồng. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 73,76 tỷ USD, tăng 19%; xuất siêu ước đạt khoảng 3,39 tỷ USD...

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, niềm tin trong nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp vào đường lối của Đảng, Nhà nước và tương lai phát triển của đất nước được củng cố, nhất là kết quả nổi bật của công cuộc phòng chống tham nhũng, kỷ luật, kỷ cương ngày càng được tăng cường.

“Thành tựu này đã đem lại không khí phấn khởi, lạc quan, hy vọng về một tương lai tốt đẹp của đất nước trước những chuyển biến mạnh mẽ của bối cảnh trong nước và quốc tế”, Bộ trưởng phát biểu.

Đồng tình với những nhận định của Bộ trưởng Dũng, ông Warrick Cleine - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty KPMG Việt Nam vui mừng chia sẻ về việc đã chứng kiến niềm tin của nhà đầu tư ngày càng mạnh hơn với nền kinh tế Việt Nam.

Ông Warrick Cleine chỉ rõ, hiệp định CPTPP cũng như hiệp định khác đóng vai trò quan trọng, cho thấy nỗ lực của các ban ngành chung tay để Việt Nam có thành tựu ngày hôm nay.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Dũng cho rằng, để đạt được những mục tiêu và kỳ vọng năm 2018, còn rất nhiều việc phải làm, cần có sự nỗ lực và tập trung rất lớn của các cấp, các ngành từ trung ương xuống địa phương, của tất cả các thành phần kinh tế, nhà nước, tư nhân, nước ngoài để giữ vững đà tăng trưởng, không chỉ cho năm 2018 mà còn cho những năm tiếp theo...

Cần thay đổi tư duy trong bộ máy hành chính

Ở góc độ của chuyên gia và cũng là nhà hoạch định chính sách, ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), thẳng thắn chỉ rõ, dù đã đạt được một số kết quả, song nhìn chung tốc độ cải cách vẫn chậm và chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp.

"Chúng ta nói rất nhiều về cải cách thể chế. Nghị quyết 19 của Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2015 môi trường kinh doanh của Việt Nam đạt mức trung bình của Asean 4, nhưng hiện khoảng cách vẫn rất xa. Để đạt được mục tiêu này, chúng ta phải xếp thứ 40 trên thế giới, thực tế hiện đang đứng ở vị trí 86. Rồi Chính phủ chỉ đạo xoá bỏ mạnh mẽ các điều kiện kinh doanh từ tháng 8 năm ngoái, đến nay được 10 tháng rồi tuy nhiên chưa nhiều bộ, ngành nghiêm túc thực hiện".

Bàn về phương thức cải cách thể chế sao cho hiệu quả, ông Phan Đức Hiếu cho rằng cần thay đổi tư duy ở cấp nhân viên, chuyên viên, chứ không chỉ dừng lại ở tầm lãnh đạo.

"Thay đổi tư duy trong bộ máy hành chính là một nội dung quan trọng của cải cách thể chế, từng bước bám sát trình độ tư duy của thế giới. Tôi muốn nhấn mạnh một điểm, về cách thức làm luật của ta, Việt Nam thường phải có luật rồi mới cho làm, hạn chế sức sáng tạo”, ông Phan Đức Hiếu quan ngại, “Ở các nước phát triển, người ta đánh giá cao và khuyến khích startup, các ý tưởng. Các bạn trẻ cứ làm, luật chỉ là phương thức tạo hành lang pháp lý. Chỉ có bằng cách này, Việt Nam mới nhanh bắt kịp thế giới. Chúng ta biết hiện tính thích nghi và phản ứng nhanh của hệ thống chính sách là rất chậm. Uber vào rồi rời khỏi Việt Nam chóng vánh, trong khi chúng ta vẫn còn chưa tìm ra cách thức quản lý sao cho hiệu quả".

Cũng có những quan ngại về tư duy quản lý, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng CIEM cho rằng, cách thức chuyển dịch, kinh doanh đều đang thay đổi và làm cho các chi phí liên quan giao dịch, giao tiếp giảm đi nhanh chóng. Qua đó, tạo ra nhiều nền tảng kinh doanh mới và làm lu mờ đi các khái niệm ngành, ví dụ như nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, chế biến…

Một điểm quan trọng cuộc Cách mạng 4.0 là sản phẩm. Vì ngành ô tô kéo theo nhiều ngành khác và Công nghệ. Hàn Quốc chọn đô thị thông minh là sản phẩm để kéo tất cả các ngành còn lại. Tập đoàn truyền thống làm ô tô, nhưng ta biết Tesla, Uber làm ô tô, nhưng có thể tương lai họ không gọi là ô tô.

“Hãy nghĩ, không chỉ ở sản phẩm năng suất hiện có. Việt Nam có ‘tranh thủ’ được không? 80% các doanh nghiệp IT đều nói “không”. Vấn đề là 20% người nói “có”. Về bản thân tôi là “có”, nhưng phải biết lựa chọn, sản phẩm gì sẽ lôi kéo?”, ông Thành đề xuất./.