Kiến nghị xử lý tài chính gần 67.000 tỷ đồng

“Năm 2021, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã thực hiện kiểm toán tại 18 bộ, cơ quan Trung ương; 45 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương; 4 chủ đề kiểm toán hoạt động; 21 chuyên đề; 43 dự án đầu tư…”, Phó Tổng KTNN Hà Thị Mỹ Dung cho biết, tại cuộc họp báo công bố Báo cáo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2021, do KTNN vừa tổ chức.

Phát hiện nhiều hạn chế trong sử dụng nguồn lực phòng, chống Covid -19
Theo Phó Tổng KTNN Hà Thị Mỹ Dung, năm 2021 trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, KTNN đã điều chỉnh giảm 28 cuộc kiểm toán tương ứng với 38 đoàn kiểm toán (ảnh: KTNN)

Để cập chi tiết hơn về kết quả kiểm toán trong năm qua, ông Vũ Ngọc Tuấn, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, KTNN cho hay, tổng hợp kết quả kiểm toán từ 234 báo cáo kiểm toán của 177 cuộc kiểm toán tổ chức trong năm 2021 đối với niên độ ngân sách năm 2020, KTNN đã kiến nghị xử lý tăng thu, giảm chi ngân sách nhà nước 25.396,3 tỷ đồng, xử lý khác 41.567,4 tỷ đồng; kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 198 văn bản.

“Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã chuyển 1 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan Cảnh sát điều tra; cung cấp 265 hồ sơ, báo cáo kiểm toán và tài liệu có liên quan cho các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra và các cơ quan Nhà nước khác có thẩm quyền, để phục vụ công tác giám sát, kiểm tra, điều tra…”, ông Tuấn cho biết.

Nhiều tồn tại trong sử dụng nguồn lực phòng, chống Covid-19

Liên quan đến kết quả kiểm toán chuyên đề “Việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid -19 và các chính sách hỗ trợ”, Kiểm toán trưởng KTNN Chuyên nghành III Lê Tùng Lâm cho biết, cuộc kiểm toán được triển khai trên phạm vi toàn ngành với quy mô lớn, thực hiện kiểm toán tại 9 bộ, cơ quan Trung ương và 32 tỉnh, thành.

Theo Kiểm toán trưởng KTNN Chuyên nghành III Lê Tùng Lâm, chi cho lực lượng tuyến đầu chống dịch còn tình trạng chi trùng đối tượng, không đúng đối tượng, không đúng định mức, không đúng quy định; chứng từ thanh toán chưa đầy đủ theo quy định... Chi thanh toán khám, điều trị bệnh nhân Covid-19 cách ly (F0, F1) không đúng đối tượng, không đúng quy định; chi trả cho các đối tượng cách ly y tế chưa kịp thời...

Theo đó, tổng nguồn lực đã huy động cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 đến ngày 31/12/2021 là 376.217 tỷ đồng. Ngoài ra, ngân sách Nhà nước còn hỗ trợ các địa phương hơn 142.017 tấn gạo...

Bên cạnh kết quả quan trọng đã đạt được, ngoài những sai phạm, tiêu cực đã và đang được các cơ quan chức năng tập trung, quyết liệt xử lý, qua kiểm toán Chuyên đề, ông Lâm cho hay, KTNN chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế.

Theo đó, có cơ quan, đơn vị chưa thực hiện đầy đủ quy định trong việc huy động các nguồn kinh phí; việc tổng hơp số liệu huy động chưa đầy đủ, số báo cáo giữa các đơn vị tại một số nơi chưa đồng nhất; một số đơn vị lập dự toán chưa đầy đủ cơ sở, căn cứ; phân bổ, giao dự toán chưa kịp thời, chưa sát thực tế, chưa đúng nhu cầu...

Phát hiện nhiều hạn chế trong sử dụng nguồn lực phòng, chống Covid -19
Theo Kiểm toán trưởng KTNN Chuyên nghành III Lê Tùng Lâm, thông qua công tác kiểm toán, KTNN kiến nghị các bộ, ngành, địa phương xác định trách nhiệm tập thể, cá nhân để xử lý theo quy định của pháp luật (ảnh: KTNN)

“Một số đơn vị chưa theo dõi, tách bạch việc sử dụng vật tư từ các nguồn và giữa hoạt động phòng, chống dịch và hoạt động thường xuyên của bệnh viện; chưa theo dõi đầy đủ, khớp đúng số liệu số nhập xuất tồn của một số vật tư, công cụ, dụng cụ. Việc phân bổ một số loại thuốc chưa căn cứ trên nhu cầu sử dụng, dẫn đến tồn kho, hết hạn...”, ông Lâm cho hay.

Liên quan đến thu dịch vụ xét nghiệm, đại diện KTNN cho biết, một số địa phương chưa ban hành đơn giá xét nghiệm; chưa kịp thời xây dựng cơ cấu giá cho các dịch vụ xét nghiệm, mà áp dụng mức thu theo đơn giá tối đa của Bộ Y tế hoặc hội đồng nhân dân tỉnh hướng dẫn; đưa vào cơ cấu giá một số nội dung không có trong quy định hoặc cao hơn định mức của Bộ Y tế ban hành; tham mưu ban hành hoặc ban hành giá lấy mẫu, trả kết quả test nhanh chưa đúng thẩm quyền quy định…

“Thông qua công tác kiểm toán, KTNN đề nghị bộ trưởng các bộ, cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xử lý tài chính với tổng số tiền trên 3.431 tỷ đồng; xử lý tài chính khác với tổng số tiền trên 3.358 tỷ đồng; chấn chỉnh công tác huy động, phân bổ, quản lý, sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch; xác định trách nhiệm tập thể, cá nhân để xử lý theo quy định của pháp luật…”, ông Lâm cho biết./.