Phát huy tính tích cực học tập, rèn luyện cho học viên đào tạo dài hạn ở Học viện Kỹ thuật Quân sự hiện nay
THỰC TRẠNG TÍNH TÍCH CỰC HỌC TẬP, RÈN LUYỆN CỦA HỌC VIÊN ĐÀO TẠO DÀI HẠN Ở HỌC VIỆN KỸ THUẬT QUÂN SỰ
Học viện Kỹ thuật Quân sự là một trong những trường đại học trọng điểm quốc gia, trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học quan trọng, có uy tín của quân đội và đất nước. Những năm qua, công tác đào tạo học viên dài hạn của Nhà trường đã có bước phát triển vượt bậc, chất lượng đào tạo cán bộ ngày càng được nâng cao, từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội trong tình hình mới. Để đánh giá tính cực học tập, rèn luyện của học viên đào tạo dài hạn ở Học viện Kỹ thuật Quân sự, tác giả đã thực hiện điều tra khảo sát bằng bảng hỏi đối với 200 học viên năm thứ 3 và năm thứ 4 (tương ứng với khóa 54 và khóa 55) của Học viện Kỹ thuật Quân sự. Thời gian khảo sát là tháng 9/2021. Kết quả thu được như sau:
|
Nhận thức của học viên về tầm quan trọng của tính tích cực học tập, rèn luyện
Qua khảo sát của tác giả cho thấy, 82,5% học viên nhận thức được tầm quan trọng của tính tích cực trong việc nâng cao hiệu quả học tập, rèn luyện. Trong đó, 52,5% học viên nhận thức tính tích cực học tập, rèn luyện là rất quan trọng và 30% học viên nhận thấy quan trọng (Bảng 1). Điều đó cho thấy, đa số học viên hiểu biết tri thức xã hội; để thành công trong cuộc sống, học viên phải chủ động, tự giác, tích cực tìm tòi, khám phá để hoàn thiện bản thân và sẵn sàng hội nhập. Bảng 1 cũng cho thấy, chỉ có 17,5% học viên nhận thức bình thường khi cho rằng, tính tích cực ảnh hưởng đến hiệu quả học tập (Bảng 1). Những học viên này cho rằng, sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, con người vươn lên làm chủ tri thức, thì việc học viên tích cực trong học tập, rèn luyện là một nhiệm vụ thường xuyên và liên tục.
Thái độ học tập, rèn luyện của học viên
Về thái độ học tập, rèn luyện, Bảng 2 cho thấy, có 67,5% số học viên được hỏi cho rằng, có hứng thú với hoạt động học tập, rèn luyện của Học viện. Những học viên này rất ham hiểu biết, ham học hỏi, tìm tòi, nghiên cứu; đồng thời, thích được giáo viên tổ chức các hoạt động đòi hỏi sự tích cực tham gia xây dựng bài giảng của học viên. Các học viên này cũng thích được giáo viên giao các bài tập, đặc biệt là các bài mang tính giải quyết vấn đề của môn học. Bên cạnh đó, có 33,5% học viên cảm thấy hứng thú bình thường với hoạt động học tập, rèn luyện. Với những học viên này, học tập, rèn luyện là nhiệm vụ bắt buộc theo kế hoạch, chương trình đào tạo của Học viện. Số học viên không có hứng thú học tập là 0%. Đây là kết quả đáng mừng và cũng chứng tỏ rằng, đa số các học viên có hứng thú với hoạt động học tập, rèn luyện tại Học viện.
Động cơ học tập của học viên
Bảng 3 cho thấy, có 55% số học viên có động cơ học tập chiếm ưu thế. Tức là các học viên này học tập, rèn luyện vì động cơ chiếm lĩnh tri thức. Số học viên này ý thức được rằng, muốn trở thành kỹ sư tốt, thì không những cần học tập, rèn luyện đạt hiệu quả, mà còn phải có những kỹ năng tốt để đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Những học viên này luôn tự giác hoàn thành các nhiệm vụ học tập của mình, các em luôn mong muốn giáo viên kiểm tra tri thức thường xuyên, giúp họ có cách học hiệu quả và luôn tỏ ra vui sướng khi chiếm lĩnh được nội dung tri thức, cũng như phương pháp có được tri thức.
Bên cạnh đó, có 30% học viên có động cơ học tập bình thường. Tức là, học viên coi việc học tập, rèn luyện vì động cơ hoàn thiện tri thức và có 15% học viên có động cơ học tập không chiếm ưu thế. Những học viên này học tập, rèn luyện vì những động cơ khác, như: muốn hài lòng bố mẹ, tự hào hãnh diện với bạn bè..., mà chưa ý thức rõ về mục đích học tập ở đại học hoặc ý thức được, nhưng không có nghị lực vượt qua các khó khăn trở ngại về thời gian, sức khỏe, phương pháp giảng dạy của giáo viên, nội dung tri thức mới.
Hành động học tập, rèn luyện của học viên
Biểu hiện của sự chú ý trong các giờ học của học viên
Qua điều tra cho thấy, học viên có nhận thức và hứng thú khác nhau đối với hoạt động học tập, rèn luyện nên ý thức học tập, rèn luyện cũng biểu hiện khác nhau. Cụ thể, Bảng 4 cho thấy, chỉ 35% số học viên trong lớp tập trung chú ý nghe giảng; 57,5% số học viên chú ý bình thường và 7,5% số học viên không chú ý nghe giảng. Kết quả này thể hiện gần đồng đều ở các khóa.
Hành động phát biểu xây dựng bài trong các giờ học
Về hành động phát biểu xây dựng bài trong các giờ học, Bảng 5 cho thấy, số học viên thường xuyên xây dựng bài, tham gia phát biểu khi giáo viên đặt vấn đề chiếm tỷ lệ tương đối cao 57,5%. Có 25% học viên đôi khi mới phát biểu xây dựng bài. Bên cạnh đó, có 17,5% học viên đến lớp chỉ nghe giảng thụ động, không bao giờ phát biểu xây dựng bài khi giáo viên hỏi hoặc nêu vấn đề. Đối với các học viên này, trong giờ học không tập trung chú ý theo dõi, phân tán tư tưởng.
Thời gian học tập, rèn luyện ở đơn vị của học viên
Ngoài thời gian học tập trên lớp, thời gian thực hiện các chế độ trong ngày đối với học viên đào tạo dài hạn ở Học viện Kỹ thuật Quân sự, thì đa số học viên dành thời gian cho việc tự học và rèn luyện ở đơn vị. Song, có những học viên tính tự giác chưa cao, nên chưa xây dựng cho mình tính tích cực học tập, rèn luyện tại đơn vị.
MỘT SỐ GIẢI PHÁP CẦN THỰC HIỆN TRONG THỜI GIAN TỚI
Trên cơ sở nghiên cứu về thực trạng phát huy tính tích cực học tập, rèn luyện của học viên đào tạo dài hạn tại Học viện Kỹ thuật Quân sự và căn cứ vào đặc điểm, nhiệm vụ của Học viện, tác giả đề xuất một số giải pháp để nâng cao tính tích cực của học viên trong thời gian tới, như sau:
Một là, Học viện cần tiếp tục xây dựng đổi mới nội dung chương trình môn học, giảng dạy theo phương pháp tích cực lấy người học làm trung tâm, nhằm phát huy tính tích cực nhận thức của học viên. Trong giáo dục, chương trình, nội dung là yếu tố cơ bản, cốt lõi của quá trình giáo dục, đào tạo. Nó là hệ thống tri thức, kỹ năng, kỹ xảo cần thiết trang bị cho học viên theo mục tiêu, yêu cầu đào tạo của nhà trường. Do vậy, việc xây dựng chương trình có nội dung khoa học, phù hợp là một trong những cơ sở quan trọng để giáo viên truyền thụ tri thức và người học lĩnh hội tri thức, kỹ năng, kỹ xảo một cách hiệu quả nhất.
Hai là, đổi mới phương pháp và nâng cao hiệu quả công tác quản lý giáo dục, rèn luyện học viên trong quá trình đào tạo tại Học viện. Trước hết là đổi mới phương pháp quản lý giáo dục. Phương pháp này rất đa dạng và phong phú, hiện nay, trong quản lý học viên cấp phân đội ở Học viện Kỹ thuật Quân sự đang và cần tiếp tục sử dụng tổng hợp 3 phương pháp quản lý cơ bản, đó là: Phương pháp hành chính quân sự; Phương pháp giáo dục, thuyết phục, nêu gương; Phương pháp kích thích bằng vật chất, tinh thần. Mỗi phương pháp có một vị trí, vai trò khác nhau, nhưng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, cho nên muốn đạt hiệu quả cao cần sử dụng hài hòa các phương pháp quản lý giáo dục.
Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý giáo dục và rèn luyện học viên, cần tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với việc phát huy tính tích cực học tập và rèn luyện của học viên trong hoạt động giáo dục, đào tạo; Tăng cường sự quản lý của người chỉ huy; Xây dựng, phát huy vai trò, sức mạnh của tổ chức quần chúng, để thúc đẩy tính tích cực học tập và rèn luyện của học viên trong Học viện.
Ba là, phát huy nỗ lực chủ quan của học viên trong học tập và rèn luyện tại Học viện. Theo đó, cần thường xuyên xây dựng động cơ, trách nhiệm học tập, rèn luyện đúng đắn cho học viên; Bồi dưỡng nâng cao năng lực tự giáo dục, tự rèn luyện của học viên, cũng như tích cực, chủ động rèn luyện học viên thông qua thực tiễn quy trình đào tạo sĩ quan của Học viện.
Phát huy tính tích cực học tập và rèn luyện của học viên ở Học viện Kỹ thuật Quân sự không thể tách rời những hoạt động thực tiễn, mà ngược lại, cần phải gắn chặt chẽ và thường xuyên thực hiện thông qua hoạt động thực tiễn, trước hết là thực hiện nhiệm vụ ở nhà trường. Chính trong hoạt động thực tiễn ấy, học viên mới hoàn thiện, phát triển nhận thức, tình cảm, ý chí quyết tâm; đồng thời, kiểm nghiệm và thể hiện những hiểu biết, phẩm chất, năng lực của mình./.
Tài liệu tham khảo
1. Đỗ Thị Coỏng (2003). Tính tích cực học tập và vấn đề tích cực hóa hoạt động học tập của sinh viên, Tạp chí Tâm lý học, 6, 58-61
2. Trần Bá Hoành, Lê Tràng Định, Phó Đức Hòa (2003). Áp dụng dạy và học tích cực trong tâm lý – giáo dục học, Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội
3. Lê Minh Nguyệt (2014). Tính tích cực học tập nghề của sinh viên đại học sư phạm, Tạp chí Tâm lý học, 3(180), 70-79
ThS. Nguyễn Lệ Hương
Học viện Kỹ thuật Quân sự
(Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 31 năm 2021)
Bình luận