Từ ý tưởng

Là xã biên giới cách trung tâm Thị trấn Mường Xén 50 km, tuyến đường giao thông đi lại khó khăn, nhưng xã Na Ngoi (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) có lợi thế đất đai rộng, phù hợp để phát triển trồng các loại cây như gừng, trồng dong riềng. Qua khảo sát thực tế cho thấy, cây gừng vốn có khả năng chịu hạn tốt, ít sâu bệnh, rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng đem lại cao hơn so với các loại hoa màu, nông sản khác; cây gừng còn có tác dụng chống xói mòn bảo vệ đất và giữ độ ẩm cho đất, vừa hạn chế cỏ dại vừa giảm bớt được công chăm sóc.

Vì vậy, Đoàn xã Na ngoi đã mạnh dạn xây dựng và phát triển mô hình kinh tế tập thể nhằm mục đích giúp đoàn viên thanh niên phát triển kinh tế, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, đồng thời là phương thức tập hợp đoàn viên thanh niên hiệu quả.

Cùng với cấp uỷ, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động đoàn viên thanh niên trên địa bàn toàn xã xây dựng mô hình trồng gừng, tham gia phát triển kinh tế tăng thêm thu nhập kinh tế cho gia đình. Đồng thời chỉ đạo các chi đoàn vận động đoàn viên thanh niên góp giống, công sức xây dựng mô hình trồng gừng để gây quỹ tại chỗ cho tổ chức đoàn hoạt động.

Đến những khó khăn khi thực hiện

Năm 2013, Đoàn xã thử nghiệm trồng 4 mô hình tại Chi đoàn Buộc Mú, Phù Quặc 1, Huồi Xai, Buộc Mú 1, đã trồng hơn 4.000m2 gừng, nhưng năm 2013 do chưa có kỹ thuật, thời tiết không thuận lợi nên gừng bị sâu bệnh héo vàng, thối rũ gốc, năng suất thấp. Bên cạnh đó, khi mua các thương lái ép giá rẻ (mỗi kg gừng chỉ có giá từ 4.000đ – 5.000đ) nên không ít đoàn viên thanh niên nản chí, thậm chí có ý định bỏ cuộc.

Tuy nhiên, với sự động viên kịp thời của BCH Đoàn xã, đồng thời phối hợp với Chi đoàn Tổng đội Thanh niên xung phong 10 tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc gừng theo từng giai đoạn, tiến hành tuyên truyền vận động, chỉ đạo các chi đoàn đồng loạt ra quân góp giống trồng gừng, mạnh dạn nhận các mảnh đất bỏ hoang của xã huy động đoàn viên thanh niên phát cỏ tăng diện tích trồng gừng.

Kết quả, cây gừng đã không phụ lòng người. Đến năm 2014, giá gừng tăng đột biến, thương lái vào tận các chi đoàn để đặt hàng trước mỗi kg gừng tươi có giá từ 20.000đ – 25.000đ. Mỗi chi đoàn thu hoạch gừng được 1,5 – 2 tấn, được giá trung bình bán được gần 10 triệu đồng.

Nhận thức được mô hình trồng gừng đem lại hiệu quả kinh tế, năm 2015, Đoàn xã tiếp tục nhân rộng 9 chi đoàn, mỗi chi đoàn trồng hơn 1ha gừng, hiện tại mô hình trồng gừng của các chi đoàn đang phát triển tốt.


Đoàn viên thanh niên xã Na Ngoi đang làm cỏ cho gừng

Không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế

Với những kết quả trên cho thấy các mô hình kinh tế trồng gừng của các chi đoàn xã Na Ngoi đã gây được quỹ tại chỗ cho tổ chức đoàn tại địa phương để tham gia các hoạt động như “Đền ơn đáp nghĩa” “Uống nước nhớ nguồn”. Từ năm 2013 đến tháng 6 năm 2015, Đoàn thanh niên xã Na Ngoi đã tặng được152 chiếc áo ấm, 50 chiếc chăn, một số đồ dùng cho học sinh như bút, sách vở và 16 suất quà mỗi suất quà trị giá 400.000đ cho các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các em học sinh nghèo vuợt khó vươn lên học giỏi trên địa bàn xã. Mô hình kinh tế tập thể không những gây được quỹ hoạt động cho các Chi đoàn mà còn làm giảm bớt tỷ lệ thanh niên vi phạm pháp luật trên địa bàn, đây là một hướng đi phù hợp cho thanh niên nông thôn trong giai đoạn mới hiện nay.

Với những việc đã làm được trong xây dựng mô hình kinh tế tập thể tại địa phương, vừa qua tuổi trẻ xã Na Ngoi vinh dự được đại diện cho tuổi trẻ huyện nhà tham dự Hội nghị điển hình “Dân vận khéo” cấp tỉnh giai đoạn 2011 -2015. Mô hình trồng gừng của Đoàn xã Na Ngoi không chỉ góp phần tạo việc làm mùa vụ và tăng thu nhập cho đoàn viên thanh niên mà còn góp phần thu hút, tập hợp thanh niên tham gia vào tổ chức, giúp thanh niên nông thôn yên tâm lập thân, lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương mình./.