Quý II: Kinh tế Nhật Bản đi ngang
Kinh tế Nhật Bản không tăng trưởng trong quý II/2016
Chính phủ Nhật Bản vừa công bố kinh tế nước này tăng trưởng 0% trong quý II/2016. So với cùng kỳ năm 2015, kinh tế Nhật quý II/2016 tăng trưởng 0,2%. Tốc độ tăng trưởng này thấp hơn rất nhiều so với con số 1,9% của quý I/2016.
Tiêu dùng – khu vực đóng góp tới 60% GDP của Nhật Bản - chỉ tăng 0,2% so với qúy I/2016 - chậm hơn tốc độ tăng 0,6% vào quý I/2016. Niềm tin doanh nghiệp đang ở mức thấp nhất từ khi ông Abe lên nắm quyền cuối năm 2012.
Lạm phát cũng giảm 4 tháng liên tiếp, tính đến hết tháng 6/2016. Số liệu này khiến nỗ lực chống giảm phát của ông Abe ngày càng xa vời.
Trong khi đó, khảo sát của đài CNBC cho thấy, giới chuyên gia đã kỳ vọng về mức tăng trưởng quý II của Nhật Bản đạt 0,2% và tăng trưởng năm đạt 0,7%. Như vậy, những số liệu tiêu cực của nền kinh tế Nhật Bản không đáp ứng mong đợi của giới chuyên gia.
Theo phân tích, có nhiều nguyên nhân khiến kinh tế Nhật Bản không tăng trưởng trong quý II/2016.
“Đồng Yen đã tăng giá quá nhanh trong nửa đầu năm 2016, bối cảnh kinh tế vĩ mô toàn cầu có nhiều yếu tố bất lợi, giá dầu tăng mạnh, chính vì vậy không ngạc nhiên khi kinh tế Nhật khó tăng trưởng”, trưởng bộ phận chiến lược đầu tư tại công ty chứng khoán CCB International Securities, ông Mark Jolley, nhận xét. Và trên thực tế, từ đầu năm 2016 đến nay, đồng Yen đã tăng giá 16% so với đồng USD.
Trong tuần trước, Chính phủ Nhật Bản công bố dự báo cho thấy nền kinh tế lớn thứ 3 trên thế giới sẽ không thực hiện được mục tiêu tăng quy mô nền kinh tế lên mức 600 nghìn tỷ Yen, tương đương 5,7 nghìn tỷ USD vào năm tài khóa 2020.
Đáng chú ý, việc điều chỉnh giảm dự báo này vẫn được đưa ra ngay cả khi Chính phủ đã đưa ra gói kích thích kinh tế trị giá 278 tỷ USD vào tuần trước.
Với số liệu GDP ảm đạm trong quý II/2016, không ít chuyên gia dự báo về khả năng Nhật Bản sẽ phải đưa ra thêm gói kích thích kinh tế mới. Kinh tế tăng trưởng thấp, đồng Yen mạnh và lạm phát thấp sẽ buộc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) phải hành động mạnh tay hơn, theo dự báo của Capital Economics.
“Chúng tôi vẫn cho rằng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ công bố các biện pháp kích thích kinh tế bổ sung tại kỳ họp tháng tới, dù quy mô của đợt nới lỏng tới đây có thể gây thất vọng”, nhà kinh tế cấp cao Marcel Thieliant tại hãng Capital Economics cho hay.
Sau khi chìm vào suy thoái hồi năm 2014, kinh tế Nhật Bản đã và đang dao động giữa lằn ranh tăng trưởng và suy thoái. Nước này cũng thất bại trong việc kiềm chế giảm phát.
Hiện BOJ cố gắng thúc đẩy kinh tế bằng cách mua lượng lớn tài sản và đẩy lãi suất về dưới 0. Song một số chuyên gia đang đặt câu hỏi về việc liệu BOJ có đang đạt đến giới hạn về những gì chính sách tiền tệ có thể thực hiện hay không./.
Bình luận