Hành động thiết thực cùng nhau bảo vệ môi trường

Mở đầu chuỗi sự kiện hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 05/06, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, UBNB tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức Lễ Phát động Tháng hành động vì môi trường tại TP. Vũng Tàu vào tối 04/05.

Phát động Tháng hành động vì môi trường kêu gọi toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp bằng những hành động thiết thực cùng nhau bảo vệ môi trường

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, thiên nhiên ở gần ngay chúng ta, từ mỗi ô cửa sổ, khu phố, hàng cây ở thành thị đến từng cánh đồng lúa, con sông, ngọn núi ở nông thôn, hàng ngày cung cấp cho chúng ta từ nhu yếu phẩm đến tài nguyên, cảnh quan thiên nhiên vô cùng phong phú, nuôi dưỡng và làm giàu thêm cho cuộc sống.

Tuy nhiên, không phải ai cũng cảm nhận được hết những giá trị vô cùng to lớn đó cũng như chưa thấu hiểu “nỗi đau” mà thiên nhiên đang hàng ngày phải gánh chịu do chính con người gây ra, như: rừng bị tàn phá, tài nguyên bị khai thác cạn kiệt, môi trường bị ô nhiễm và suy thoái; nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp đang dần bị mất đi; thay vào đó là thiên tai, lũ lụt, thời tiết cực đoan, biến đổi khí hậu.

Do đó, thông qua Lễ phát động "Tháng hành động vì môi trường", Bộ Tài nguyên và Môi trường kêu gọi toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp bằng những hành động thiết thực cùng nhau bảo vệ môi trường; thay đổi hành vi, lối sống để góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên cho chính chúng ta hôm nay và các thế hệ mai sau.

Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại buổi lễ, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh đánh giá cao những nỗ lực, quyết tâm của ngành tài nguyên và môi trường trong thời gian qua. Ðồng thời nhấn mạnh, chúng ta hiện đang chịu ảnh hưởng nặng nề của tình trạng ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, trong đó có sự cố môi trường tại các tỉnh miền trung, do đó việc phát động "Tháng hành động vì môi trường" có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tăng cường trách nhiệm của cộng đồng xã hội đối với công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Do vậy, để Tháng hành động vì môi trường đạt kết quả cao, phát huy hiệu quả, ông Nhân yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành chức năng, chính quyền các địa phương, đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa nhận thức của các tầng lớp nhân dân về công tác bảo vệ môi trường và giám sát việc bảo vệ môi trường tại địa phương mình sinh sống.

Bên cạnh việc tổ chức Lễ Phát động Tháng hành động vì môi trường, còn rất nhiều hoạt động khác, như: Diễn đàn đối thoại chính sách về môi trường và phát triển bền vững khu vực phía Nam; Hội chợ triển lãm Quốc tế về công nghệ môi trường và sản phẩm sinh thái năm 2017 tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh;

Tọa đàm “Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp với công tác tuyên truyền vận động cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường. Ngoài ra còn có các hoạt động thực địa để nâng cao sự hiểu biết, ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên….

Phải ưu tiên vào các giải pháp kiểm soát, phòng ngừa rủi ro về môi trường

Ông Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhận định, xã hội ngày càng phát triển, thì nhu cầu của con người cũng lớn và đa dạng hơn. Vì vậy mà nhu cầu khai thác, hưởng thụ từ thiên nhiên cũng ngày càng lớn và cũng phát sinh những xung đột của con người với thiên nhiên, với môi trường.

Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 2017, đã có 11.020 cây xanh được trồng tại TP. Vũng Tàu

Do vậy, chúng ta cần phải nhìn nhận được những hành vi làm tổn hại môi trường, thiên nhiên của mình và phải có những hành động cụ thể để bảo vệ môi trường, thiên nhiên, gìn giữ được những giá trị mà thiên nhiên ban tặng.

Trong khuôn khổ chuỗi sự kiện hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, sáng 05/06, tại TP Vũng Tàu, đã diễn ra Chương trình trồng cây xanh hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2017. Theo đó, đã có 11.020 cây xanh có giá trị tương đương hơn 800 triệu đồng được trồng tại Nhà truyền thống cách mạng TP. Vũng Tàu và khu vực ven sông Chà Và, xã Tân Hải, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, nơi đang diễn ra tình trạng xâm nhập mặn nặng và hiện tượng ô nhiễm môi trường bởi hoạt động chế biến hải sản.

Tuy nhiên hiện nay, chúng ta chưa làm được điều đó. Sự phát triển nhanh chóng của xã hội con người qua các thời kỳ đã và đang tàn phá thiên nhiên nặng nề. Nó khiến thiên nhiên, môi trường bị ô nhiễm, đe dọa nghiêm trọng, hệ sinh thái tự nhiên bị thu hẹp, nhiều giá trị sinh thái bị mất đi do tác động từ các hoạt động phát triển nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng giao thông của con người.

Theo ông Tài, hai đối tượng chính gây ra các vấn đề về môi trường là người dân và doanh nghiệp. Nhưng hai đối tượng này cũng chính là nhân tố để bảo vệ môi trường cho nên phải làm thế nào đó để nâng cao trách nhiệm và phát huy được tính tự giác của người dân cũng như doanh nghiệp.

Đồng thời, các cơ quan chức năng cần phải có những biện pháp định hướng, tuyên truyền, đưa ra cơ chế điều phối các hoạt động giữa Trung ương và địa phương để hình thành ý thức, thay đổi hành vi của người dân, nhất là những đối tượng thanh, thiếu niên. Ngoài ra, cũng phải kể đến việc áp dụng các biện pháp phạt hành chính cũng như trách nhiệm hình sự buộc các đối tượng vi phạm phải chấp hành. Do đó, cần nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân, nhất là những người trẻ để bảo vệ môi trường.

Về việc thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật trong việc bảo vệ môi trường, ông Tài cho rằng, nước ta đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về môi trường trong giai đoạn phát triển. Vì thế, trong năm 2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường ưu tiên vào các giải pháp kiểm soát, phòng ngừa để tránh được những sự cố môi trường đáng tiếc. Trong đó, điều đầu tiên là tiếp tục hoàn thiện những chính sách, tập trung vào việc sửa đổi, bổ sung các nghị định về bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ cũng tiếp tục rà soát các đối tượng, nhất là các ngành, lĩnh vực có mức đầu tư lớn. Hiện tại, Bộ đã khoanh vùng được 16 nhóm đối tượng ngành, lĩnh vực, với 38 đối tượng cụ thể, hơn 300 đối tượng có nguy cơ gây ra sự cố môi trường cao và rất cao để từ đó phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan kiểm soát và phòng ngừa các sự cố môi trường có thể xảy ra.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm. Đối với từng dự án, chúng tôi sẽ rà soát địa điểm, công nghệ sản xuất, loại hình sản xuất để đánh giá tác động môi trường, từ đấy sẽ đưa ra những công cụ, biện pháp thích hợp.

Cuối cùng, công tác tuyên truyền cũng phải được đặt lên hàng đầu, bởi một trong những yếu tố cơ bản và quan trọng nhất tác động đến thiên nhiên, môi trường là ý thức của người dân, của doanh nghiệp./.