Tóm tắt

Mục đích của nghiên cứu nhằm đánh giá mức độ tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) (các hiện tượng thời tiết cực đoan) đến sinh kế hộ gia đình nhóm đối tượng dễ tổn thương (phụ nữ, người nghèo, dân tộc thiểu số (DTTS)). Nghiên cứu lựa chọn hành vi (chống chịu, thích ứng, ứng phó) của các nhóm đối tượng này, dựa trên khảo sát 480 hộ gia đình tại 4 tỉnh chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của BĐKH thuộc tiểu vùng Tây Bắc Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy, BĐKH tại tiểu vùng Tây Bắc ngày càng trầm trọng và diễn biến khó lường, tác động tiêu cực đến các nguồn lực sinh kế của mọi đối tượng và phạm vi, đặc biệt là đối tượng phụ nữ, trẻ em, nhóm DTTS và hộ dân thu nhập thấp. Kiến thức bản địa, tín ngưỡng tôn giáo được coi là nền tảng cơ bản để giúp hộ dân giảm sự tổn thương của BĐKH.

Từ khoá: dân tộc thiểu số, biến đổi khí hậu, tính dễ tổn thương, tiểu vùng Tây Bắc Việt Nam

Summary

The purpose of the study is to assess the extent of impacts of climate change (extreme weather events) on the livelihoods of vulnerable groups (women, the poor, ethnic minorities). It also focuses on behavioral selection (tolerance, adaptation, response) of these target groups through a survey of 480 households in 4 provinces severely affected by climate change in the Northwest sub-region of Vietnam. The results show that climate change is becoming more and more serious, which negatively affects livelihood capital of households, especially women, children and ethnic minorities. Indigenous knowledge, religious beliefs are the main keys for households to reduce vulnerability to climate change.

Keywords: ethnic minority, climate change, vulnerability, the Northwest sub-region of Vietnam

CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Cơ sở lý thuyết và khung nghiên cứu

Cơ sở lý thuyết

Tác động của BĐKH

Tại mỗi vùng, mỗi khu vực, mỗi địa phương (cấp tỉnh, huyện) tác động của BĐKH thể hiện với các mức độ khác nhau kể cả các yếu tố tác động lẫn cường độ. Theo Islam và cộng sự (2014), BĐKH ảnh hưởng đến sinh kế của người dân theo 3 cách tiêu cực sau: (1) Thông qua thảm họa tự nhiên, BĐKH có thể ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm và thu nhập của người dân; (2) BĐKH dẫn đến thay đổi trong nhiều lĩnh vực, dịch vụ vàgián tiếp tác động đến việc làm và thu nhập; (3) Các thảm họa nghiêm trọng của BĐKH dẫn đến di cư, xáo trộn thị trường lao động, hậu quả của đô thị hóa do di cư (nước sạch, nhà ở, y tế, y tế, việc làm…).

BĐKH có cả tác động trực tiếp và gián tiếp đến sức khỏe con người. Nhiệt độ cực cao ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là ở người cao tuổi (Brklacich và cộng sự, 1997; Roger Few và cộng sự, 2009). BĐKH làm trầm trọng thêm nạn đói nghèo, người nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội thường là thuộc nhóm yếu thế trong xã hội và cũng là những người dễ bị tổn thương, gặp nguy hiểm, gặp rủi ro trong thiên tai (Neefjes, 2000). Những đối tượng này thường là những gia đình nghèo, có thu nhập thấp, gặp những vấn đề về kinh tế (gia đình có người gặp bệnh hiểm nghèo trở nên khánh kiệt kinh tế…). Bên cạnh đó, những người thuộc đối tượng bảo trợ xã hội còn là những người tàn tật, sức khỏe yếu, người già, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn...

Tính dễ bị tổn thương

Có 3 quan điểm khái quát về tính dễ bị tổn thương: các quan điểm về sinh lý (Turner và cộng sự, 2003; Eakin và Luers, 2006), về xã hội và tích hợp (O’Brien và cộng sự, 2000).

Có sự khác biệt lớn về mức độ dễ bị tổn thương đối với BĐKH giữa các hộ gia đình trong cùng khu vực nông nghiệp. Những khác biệt này là do sự khác biệt về đặc điểm kinh tế - xã hội của hộ gia đình và khả năng tiếp cận các tài sản sinh kế (Huynh và Stringer, 2018). Đối tượng dễ bị tổn thương không chỉ là nhóm dân tộc ít người, DTTS, mà chính người nghèo có xu hướng dễ bị tổn thương nhất. Đảm bảo sinh kế bền vững là một phần không thể thiếu trong cách tiếp cận bền vững để thích ứng với BĐKH (Harper. M, 1998).

Khung lý thuyết và mô hình nghiên cứu

Tác giả trình bày một khung lý thuyết nghiên cứu gồm 2 mô hình, nhằm đánh giá mức độ tác động của BĐKH đến các cấu thành sinh kế; trước nguy cơ giảm sút vốn sinh kế, các hộ gia đình (đặc biệt là các nhóm đối tượng dễ tổn thương) sẽ phải đưa ra quyết định lựa chọn chiến lược sinh kế lâu dài.

Mô hình 1: Nghiên cứu mức độ tác động của BĐKH (các hiện tượng thời tiết cực đoan) đến sinh kế các hộ gia đình DTTS tại Tiểu vùng Tây Bắc Việt Nam.

Tác động của biến đổi khí hậu đến sinh kế hộ gia đình nhóm đối tượng dễ tổn thương tại tiểu vùng Tây Bắc Việt Nam

Mô hình 2: Nghiên cứu hành vi của các đối tượng dễ bị tổn thương trong bối cảnh các cú sốc của BĐKH (các hiện tượng thời tiết cực đoan)

Tác động của biến đổi khí hậu đến sinh kế hộ gia đình nhóm đối tượng dễ tổn thương tại tiểu vùng Tây Bắc Việt Nam

Phương pháp nghiên cứu

Quy trình thu thập bộ dữ liệu

Nghiên cứu được thực hiện tại tiểu vùng Tây Bắc của Việt Nam (gồm 4 tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu), nơi các DTTS chiếm hơn 50% tổng dân số của khu vực (Ho Son và Aaron Kingsbury, 2019), trong đó trên 90% các hộ dân phụ thuộc chính vào sản xuất nông nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH.

Nghiên cứu sử dụng thiết kế khảo sát, đối tượng nghiên cứu là các hộ gia đình tại 4 tỉnh của tiểu vùng Tây Bắc Việt Nam có chịu tác động của BĐKH. Mẫu được lấy từ 480 hộ gia đình theo phương pháp lấy mẫu phi xác suất tiện lợi, 480 phiếu được sàng lọc và được mã hóa, nhập dữ liệu excel và phân tích bằng phần mềm SPSS.20. Thời gian khảo sát được thực hiện từ tháng 6-12/2021. Tất cả các thang đo được áp dụng thang đo Likert 5 mức với: 1- Không nghiêm trọng/hiệu quả thấp/đáp ứng thấp; đến 5- Rất nghiêm trọng/hiệu quả cao/đáp ứng cao (Bài viết sử dụng cách viết số thập phân theo chuẩn quốc tế).

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Thống kê mô tả dữ liệu thu thập

Bảng 1: Đặc điểm chung các đối tượng được khảo sát

Chỉ tiêu

Giá trị

Số lượng

(Phiếu khảo sát)

Tuổi

Dưới 20

66

Từ 20-30

279

Từ 30-40

115

Trên 40

20

Học vấn

Không qua đào tạo

117

Cấp 1

176

Cấp 2

147

Cấp 3

26

Trung cấp

14

Dân tộc

DTTS

233

Kinh

247

Quê quán

Bản địa

435

Ngoại tỉnh

45

Bảng 2: Đặc điểm dễ tổn thương của các đối tượng được khảo sát

Chỉ tiêu

Thành viên thất nghiệp

Số lượng

Quy mô đất sở hữu

Số lượng

Hộ nghèo

Số lượng

Nội dung

0

179

1 ha

92

Không

172

1

155

2 ha

39

308

2

146

3 ha

321

4 ha

23

5 ha

5

Tổng cộng

480

480

480

Nguồn: Kết quả khảo sát

Bảng 1 và 2 cho thấy, sinh kế hiện nay của các hộ gia đình DTTS không bền vững, không đảm bảo lương thực thiết yếu cho cuộc sống, trẻ em không được đi học đầy đủ, các thanh niên chủ yếu đi xuất khẩu lao động hoặc đi làm thuê. Đây là vấn đề cấp thiết cần giải quyết nhằm tăng tính bền vững của các hộ gia đình bằng cách hỗ trợ, bổ sung tài sản sinh kế, hỗ trợ các khoản vay, hỗ trợ tài sản sinh kế, trước tiên là đáp ứng giảm tính nhạy cảm, tăng tính bền vững của sinh kế trước các cú sốc, thứ hai là tăng tính chống chịu của hộ gia đình sau cú sốc, thứ ba là tiền đề để các hộ gia đình hình thành hành vi chuyển đổi sinh kế để giảm thiểu các rủi ro và các cú sốc.

Kết quả nghiên cứu thực nghiệm

Bảng 3: Đánh giá của các hộ gia đình về BĐKH những năm gần đây

Các hiện tượng thời tiết cực đoan

Giá trị trung bình

Thời tiết chuyển từ 4 mùa thành 2 mùa

3.62

Thời gian mỗi lần mưa ngắn hơn

3.57

Cường độ mưa cao hơn

3.48

Mùa mưa kéo dài hơn (tháng 02 đến tháng 10)

3.44

Nguồn nước số lượng và chất lượng nước giảm

3.49

Nhiều sông suối cạn vào mùa khô

3.45

Mực nước cao hơn vào mùa mưa

3.56

Nhiệt độ sai khác nhiều hơn giữa ngày và đêm

3.49

Mùa hè nóng hơn

3.51

Xảy ra các đợt rét đậm rét hại, sương muối

3.60

Hạn cường độ cao hơn

3.52

Hạn hán tần suất xuất hiện nhiều hơn

3.49

Xói mòn đất cường độ cao hơn

3.83

Xói mòn đất tần suất xuất hiện nhiều hơn

3.59

Lốc/sấm sét/mưa đá cường độ cao hơn

3.77

Lốc/sấm sét/mưa đá xuất hiện nhiều hơn

3.54

Sạt lở đất cường độ cao hơn

3.75

Sạt lở đất tần suất xuất hiện nhiều hơn

3.55

3.57

Nguồn: Kết quả khảo sát

Kết quả khảo sát đánh giá mức độ nghiêm trọng của BĐKH (các hiện tượng thời tiết cực đoan) tại 12 xã thuộc tiểu vùng Tây Bắc Việt Nam, thì 100% đánh giá: các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra với tần suất ngày càng nhiều hơn, ở phạm vi rộng hơn và diễn biến khó dự đoán hơn (Bảng 3).

Các hộ dân đánh giá nghiêm trọng các hiện tượng: xói mòn đất cường độ cao hơn, tần suất nhiều hơn, làm giảm năng suất đất canh tác; sạt lở đất cường độ cao hơn, nguy hiểm nơi các vùng đất dốc, gần sông suối gây thiệt hại nhiều hơn; lốc, sấm sét, mưa đá xảy ra ít nhất 2 lần/năm với kích thước của viên đá to hơn, gây thiệt hại lớn cho sản xuất và vật nuôi. Bên cạnh đó, thời tiết có khuynh hướng chuyển từ 4 mùa thành 2 mùa, mùa hè nhiệt độ ngày càng cao, mùa mưa ngắn hơn, mùa khô kéo dài, mùa đông rét đậm, rét hại và sương muối làm chết nhiều vật nuôi và thiệt hại nông sản, đặc biệt là hoa màu.

Bảng 4: Đánh giá về tác động của BĐKH đến sinh kế hộ gia đình

Chỉ tiêu

Giá trị trung bình

Vốn nhân lực

Giáo dục

3.66

Tuổi tác

3.76

Quy mô hộ gia đình

3.54

Tỷ lệ phụ thuộc

3.53

Vốn xã hội

Thành viên nhóm

3.62

Vốn tự nhiên

Diện tích đất nông nghiệp

3.60

Đất ở

3.54

Vị trí của nhà ở

3.62

Vốn vật chất

Tài sản sản xuất của hộ gia đình

3.59

Vốn tài chính

Nguồn tín dụng chính thức

3.59

Nguồn tín dụng không chính thức

3.60

Nguồn: Kết quả khảo sát

Bảng 4 cho thấy, với các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra với tần suất nhiều hơn, mức độ nghiêm trọng hơn, đã tác động đến sinh kế của các hộ gia đình. Cụ thể:

Tác động lớn nhất là đến sức khỏe và tuổi thọ của người dân (các hộ dân cho biết người già và trẻ nhỏ gần như không có sức chống chịu với thời tiết khắc nghiệt như vậy, dễ tử vong chủ yếu trong các đợt lũ quét, sét kèm giông lốc, sạt lở, rét đậm hoặc hạn hán), dẫn đến mất an ninh lương thực, đói nghèo và bỏ học.

Thứ hai là các hộ gia đình với mức thu nhập thấp (chủ yếu dưới 10 triệu đồng/ hộ/năm) 100% phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp (2-3ha/ hộ) gánh chịu tổn thất nặng nề ở chăn nuôi và hoa màu, mất đất canh tác, mất sinh kế.

Thứ ba, BĐKH tác động lớn đến các nguồn tài sản và tài chính.

Đối mặt với các diễn biến bất thường của thiên tai (Bảng 5, Bảng 6) có 87.6% nữ giới có xu hướng chịu đựng (lựa chọn không hành động gì trong ngắn hạn và dài hạn); nam giới xét về thể chất có sức khỏe và chống chịu cao hơn nhưng họ không chịu đựng mà có sự thích ứng linh hoạt hơn, có những hành vi tác động và chủ động chuyển đổi sinh kế linh hoạt (chuyển sinh kế truyền thống sang sinh kế mới hoặc bỏ hẳn sản xuất chuyển sang đi làm thuê hoặc các nghề tự do khác).

Bảng 5: Hành vi của đối tượng dễ bị tổn thương trong bối cảnh BĐKH

HanhVi

Chịu đựng

Thích ứng

Ứng phó

Số lượng

Tỷ lệ

(%)

Số lượng

Tỷ lệ

(%)

Số lượng

Tỷ lệ

(%)

Giới

tính

Nữ

176

87.6

25

12.4

0

0.0

Nam

55

19.7

154

55.2

70

25.1

Dân

tộc

DTTS

149

63.9

84

36.1

0

0.0

Kinh

82

33.2

95

38.5

70

28.3

Độ

tuổi

Dưới 20

29

43.9

23

34.8

14

21.2

Từ 20-30

136

48.7

104

37.3

39

14.0

Từ 30-40

55

47.8

45

39.1

15

13.0

Trên 40

11

55.0

7

35.0

2

10.0

Học

vấn

Không qua đào tạo

62

53.0

36

30.8

19

16.2

Cấp 1

69

39.2

76

43.2

31

17.6

Cấp 2

82

55.8

49

33.3

16

10.9

Cấp 3

10

38.5

13

50.0

3

11.5

Trung cấp

8

57.1

5

35.7

1

7.1

Cao đẳng

0

0.0

0

0.0

0

0.0

Nguồn: Kết quả khảo sát

Về loại hình dân tộc có sự khác biệt trong hành vi (Bảng 5, Bảng 6), có 64% hộ DTTS lựa chọn chịu đựng (thái độ khá bàng quan với các diễn biến thời tiết, coi đó là quy luật tự nhiên của đất trời). Trong quá trình phỏng vấn một số hộ gia đình cho biết, tính mạng con người sống - chết là quy luật của tự nhiên, có thể duy trì sinh đẻ thêm các thành viên khác; 36% hộ có hành vi điều chỉnh sinh kế nhằm thích ứng; không có hộ nào có dự báo và dự phòng trước thiên tai (100% các hộ dân không có thói quen theo dõi dự báo thời tiết hàng ngày).

Bảng 6: Kiểm định mối liên hệ giữa hành vi và đặc điểm dễ bị tổn thương

Pearson Chi-Square Tests

HanhVi

Giới

tính

Chi-square

219.468

df

2

Sig.

.000*

Dân

tộc

Chi-square

89.777

df

2

Sig.

.000*

Độ

tuổi

Chi-square

3.233

df

6

Sig.

.779

Học

vấn

Chi-square

14.147

df

8

Sig.

.078b

*. Thống kê có mức ý nghĩa 0.05%

Nguồn: Kết quả khảo sát

Về trình độ học vấn có sự khác biệt trong hành vi lựa chọn (Bảng 6), đối với hộ dân không qua đào tạo trường lớp, trình độ cấp 1, cấp 2 thì chủ yếu có hành vi chịu đựng (53% mẫu); đối tượng có trình độ học vấn cao hơn (cấp 3) có hành vi thích ứng và một số ít có khả năng ứng phó với các hiện tượng thời tiết cực đoan (dưới 12%).

KẾT LUẬN

Kết quả nghiên cứu cho thấy, BĐKH tại tiểu vùng Tây Bắc ngày càng trầm trọng và diễn biến khó lường, tác động tiêu cực đến các nguồn lực sinh kế của mọi đối tượng và phạm vi, đặc biệt là đối tượng phụ nữ, trẻ em, nhóm DTTS và hộ dân thu nhập thấp. Kiến thức bản địa, tín ngưỡng tôn giáo được coi là nền tảng cơ bản để giúp hộ dân giảm sự tổn thương của BĐKH. Đây là cơ sở để các nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý thực tiễn đưa ra các giải pháp thiết thực nhằm hỗ trợ chuyển đổi sinh kế, tăng tính bền vững của sinh kế, xóa đói giảm nghèo bền vững, hỗ trợ cộng đồng DTTS, phát triển kinh tế vùng Tây Bắc bền vững, thích ứng với BĐKH./.

TS. Đỗ Thị Thu Hiền - Trường Đại học Tây Bắc

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 10 - tháng 4/2023)


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Brklacich, Michael, C. Bryant, B. Veenhof, and A. Beauchesne (1997), Implications of Global Climatic Change for Canadian Agriculture: a review and appraisal of research from 1984-1997, In G. Koshida and W. Avis, eds. Canada Country Study: Climate Impacts and Adaptation, Toronto: Environment Canada.

2. CARE (2013), Climate vulnerability and capacity of ethnic minorities in the Northern moutainous region of Vietnam, Report, CARE International in Vietnam.

3. Harper, M. (1998), Profit for the Poor: Cases in Microfinance, London: ITDG Publishing.

4. Ho Son, Aaron Kingsbury (2020), Community adaptation and climate change in the Northern Mountainous Region of Vietnam: A case study of ethnic minority people in Bac Kan Province, Asian Geographer, 37(1), 33-51.

5. Huynh, Lindsay C. Stringer (2018), Multi-scale assessment of social vulnerability to climate change: An empirical study in coastal Vietnam, Sustainability Research Institute, School of Earth and Environment, University of Leeds, LS2 9JT, UK.

6. Islam MM et al (2014), Vulnerability of fshery-based livelihoods to the impacts of climate variability and change: insights from coastal Bangladesh, Reg Environ Chang, 14, 281-294, https:// doi.org/10.1007/s10113-013-0487-6.

7. Neefjes K. (2000), Environments and Livelihoods: Strategies for Sust in bility, Oxfam, Oxford (Bản dịch tiếng Việt: Môi trường và sinh kế: Các chiến lược phát triển bền vững, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008).

8. O’Brien, Karen (2000), Developing strategies for climate change: The UNEP country studies on climate change impacts and adaptations assessment, Report 2000:2, Center for International Climate and Environmental Research (CICERO).

9. Roger Few, To Thi Giang, Dang Thu Phuong, Hoang Minh Hien, Cao Phan Viet, Bui Le Inh, Le Duc Chinh (2009), Climate change adaptation: priorities and integration in Ha Giang.

10. Turner, B. L., II, Matson, P. A., McCarthy, J. J., Corell, R. W., Christensen, L., Eckley, N., Hovelsrud-Broda, G. K., Kasperson, J. X., Kasperson, R. E., Luers, A., et al. (2003), A framework for vulnerability analysis in sustainability science, Proc. Natl. Acad. Sci. USA, 100, 8080–8085.

11. Trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững (2009), Đánh giá nhu cầu giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, một nghiên cứu tại tỉnh Bắc Kạn.