Công điện nêu rõ, sau hơn 02 năm thực hiện siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện, tình hình trật tự an toàn giao thông đối với phương tiện kinh doanh vận tải trên đường bộ đã chuyển biến tích cực, số vụ tai nạn giao thông liên quan đến ô tô kinh doanh vận tải liên tục được kéo giảm, tỷ lệ ô tô vi phạm quy định về tải trọng đã giảm sâu xuống dưới 10%. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, tình hình tai nạn giao thông cũng như hiện tượng vi phạm tải trọng của ô tô kinh doanh vận tải có diễn biến phức tạp. Đặc biệt, từ ngày 28/04/2016 đến ngày 12/05/2016, cả nước đã xảy ra 33 vụ tai nạn giao thông liên quan đến ô tô khách, ô tô tải và xe chở container, làm chết 27 người và bị thương 83 người, trong đó có 5 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng.

Để xảy ra tình trạng trên, nguyên nhân chính là do sự yếu kém trong quản lý các đơn vị kinh doanh vận tải, tình trạng “khoán trắng” cho lái xe tự lo khai thác hàng hoá, tìm kiếm hành khách. Đồng thời, dư luận cũng phản ảnh về một bộ phận trong lực lượng thực thi công vụ còn hạn chế về năng lực chuyên môn, chưa làm tròn trách nhiệm, thậm chí còn có hiện tượng dung túng, tiếp tay cho hành vi vi phạm của lái xe, chủ xe.

Xe vượt quá trọng tải quy định là một trong những nguyên nhân chính gây ra tai nạn giao thông

Nhằm tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông, các văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch Năm An toàn giao thông 2016 với chủ đề “Xây dựng văn hoá giao thông gắn với nâng cao trách nhiệm, siết chặt kỷ cương của người thực thi công vụ”, với mục tiêu kéo giảm từ 5%-10% cả về số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông, giảm số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng do ô tô kinh doanh vận tải gây ra, cơ bản chấm dứt hiện tượng ô tô chở hàng quá tải, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia yêu cầu:

Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục rà soát và hoàn thiện các quy định về quản lý và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô, quản lý an toàn kỹ thuật phương tiện, đào tạo sát hạch cấp phép lái xe; bổ sung quy định về trách nhiệm và xử lý vi phạm đối với chủ phương tiện vận tải, cơ sở đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe, trung tâm đăng kiểm phương tiện; tiếp tục tái cơ cấu thị trường vận tải đi vào chiều sâu, nâng cao thị phần vận tải đường thủy, hàng hải, đường sắt và hàng không, giảm áp lực cho vận tải đường bộ.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, hỗ trợ việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô đối với sở giao thông vận tải các địa phương; tập huấn nghiệp vụ chuyên ngành đối với thanh tra giao thông tại địa phương.

Ngoài ra, chỉ đạo Thanh tra giao thông toàn quốc phối hợp lực lượng ngành công an kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô; kiểm tra tại các trụ sở, điểm tập kết phương tiện, tước giấy phép lái xe, thu hồi phù hiệu và giấy phép kinh doanh vận tải đối với chủ phương tiện vi phạm, tái phạm nhiều lần; đổi mới phương thức kiểm tra, tránh gây phiền hà đối với đơn vị kinh doanh vận tải và lái xe.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam tiếp tục hoàn thiện hệ thống quản trị, khai thác dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, tổng hợp thông tin các phương tiện vi phạm gửi cho sở giao thông vận tải địa phương để xử lý theo quy định; chủ động đề nghị cảnh sát giao thông phối hợp cung cấp thông tin lái xe, chủ xe để xử lý. Yêu cầu các đơn vị kinh doanh, khai thác đường bộ và đường cao tốc khẩn trương hoàn thiện lắp đặt hệ thống cân tự động tại các trạm thu phí.

Bộ Công an chỉ đạo cảnh sát giao thông phối hợp các lực lượng tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm của lái xe và chủ xe; cưỡng chế, trấn áp các hành vi chống người thi hành công vụ; giáo dục chính trị, tư tưởng, chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc của lực lượng thực thi công vụ; xác minh và xử lý nghiêm những người thực thi công vụ nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân, bao che, dung túng cho các lái xe, chủ xe có hành vi vi phạm...

Các địa phương cần hoàn thiện quy hoạch chi tiết mạng lưới tuyến và các cơ sở hậu cần vận tải, công bố và tổ chức quản lý các điểm đón, trả khách dành cho xe ôtô vận tải khách tuyến cố định; tập huấn nâng cao năng lực quản trị cho các đơn vị kinh doanh vận tải...

Công an các địa phương cần tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông đối với chủ xe và lái xe; kiểm soát tải trọng xe, phân công nhiệm vụ cụ thể và xác định rõ trách nhiệm đối với đơn vị, cá nhân. Ngoài ra, các địa phương tuyên truyền sâu rộng đến người dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật an an toàn giao thông; thiết lập đường dây nóng về an toàn giao thông tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh./.