Chiều ngày 11/7/2018, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã tổ chức Tọa đàm Công bố Báo cáo Kinh tế Vĩ mô quý II/2018.

Toàn cảnh buổi Tọa đàm

Nhiều chỉ số đáng quan ngại trong bức tranh kinh tế nửa đầu năm 2018

Bên cạnh những thành tựu trong bức tranh kinh tế nửa đầu năm 2018, PGS, TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cũng chỉ ra nhiều chỉ số đáng quan ngại.

Cụ thể, về tình hình hoạt động doanh nghiệp, dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê, ông Thành cho biết, tổng số doanh nghiệp thành lập mới trong nửa đầu năm 2018 chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước (64.531 so với 61.276 doanh nghiệp, tăng 5,3%). Tổng số vốn đăng ký là 649 nghìn tỷ đồng, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2017.

“Trong khi đó, quý II/2018 chứng kiến lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng đột biến so với cùng kỳ năm 2017, tăng tới 75,7% (31.668 so với 18.039 doanh nghiệp). Tính chung nửa năm 2018, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động là 52.803 doanh nghiệp, tăng 34,7% (yoy)”, ông Thành lo ngại.

Một điểm đáng lo khác, theo ông Thành đó là giống với quý I, quy mô việc làm tạo mới trong quý 2 tiếp tục suy giảm so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, có 283,1 nghìn việc làm mới được tạo thêm trong quý II/2018, thấp hơn tới 15,7% so với quý II/2017.

Số việc làm tạo mới giảm đi trong khi kinh tế vẫn tăng trưởng tích cực tiếp tục đặt dấu hỏi về chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế.

Xét theo thành phần kinh tế, tăng trưởng lao động ở khu vực FDI 6 tháng đầu năm 2018 đạt 3,5%, giảm so với cùng kỳ các năm trước (2016: 8,9%, 2017: 6,6%).

Trong khi đó, số lao động làm việc trong khu vực ngoài Nhà nước đã tăng trở lại ở mức 3,5% trong nửa đầu năm 2018, sau khi suy giảm 0,5% vào cùng kỳ năm 2017.

“Thực tế này dường như cho thấy, khu vực ngoài quốc doanh đang dần lấy lại tầm quan trọng của mình, trong khi khu vực FDI ngày càng có mức độ tự động hóa cao nên sử dụng lượng lao động ngày càng giảm”, PGS, TS. Nguyễn Đức Thành chỉ rõ.

Cán cân ngân sách thâm hụt trở lại trong quý II cho thấy thặng dư quý I chỉ mang tính tạm thời. Chi thường xuyên tiếp tục ở mức cao trên 70% tổng chi ngân sách, trong khi chi đầu tư phát triển chưa được cải thiện nhiều.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tính tới hết quý II tăng về giá trị nhưng giảm về lượng so với cùng kỳ năm ngoái, phản ánh mặt bằng giá cả đang phục hồi trong 2018.

Đáng lưu ý, thị trường căn hộ trong quý II suy giảm ở cả 2 đô thị lớn nhất nước là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, cả về lượng mở bán mới và ượng bán ra. Cộng với rủi ro về khả năng tăng lãi suất trong tương lai gần, thị trường bất động sản có thể rơi vào tình trạng ảm đạm hơn nữa.

Về thị trường bất động sản, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu đồng tình với những nhận định của bản báo cáo và các chuyên gia của VEPR.

Ông Hiếu lo lắng: “Một vài khu vực có thể vỡ bong bóng bất cứ lúc nào, thậm chí ngay trong năm 2019. Chính vì thế, Ngân hàng Nhà nước cần rất cẩn trọng trong chính sách tiền tệ”.

Áp lực lạm phát gia tăng

Theo VEPR, các dịch vụ công tiếp tục là nhân tố đóng góp quan trọng cho sự gia tăng CPI trong quý II.

Việc tất cả các địa phương đã hoàn thành tăng giá dịch vụ y tế với các đối tượng không có thẻ bao hiểm y tế khiến giá nhóm hàng thuốc và dịch vụ y tế tháng Sáu tăng 12,96% so với cùng kỳ năm trước, riêng dịch vụ y tế tăng 16,73%.

Bên cạnh đó, CPI nhóm hàng giáo dục cũng tăng 6,12% tại thời điểm cuối quý II/2018 so với cùng kỳ quý II/2017, trong đó dịch vụ giáo dục tăng 6,81%.

Trong bối cảnh giá nhiên liệu trên thị trường thế giới không ngừng tăng từ đầu năm 2018, giá xăng dầu trong nước cũng liên tục được điều chỉnh tăng theo.

Tính bình quân 6 tháng đầu năm, giá xăng dầu đã tăng 13,95% so với cùng kỳ năm ngoái, đóng góp 0,59% vào CPI tổng.

Trong thời gian tới khi giá nhiên liệu thế giới không có dấu hiệu hạ nhiệt cùng với việc thuế môi trường đánh trên xăng dầu tăng kịch trần lên 4.000 đồng/lít, nhóm hàng giao thông, đặc biệt là xăng dầu, sẽ tiếp tục đóng góp lớn cho mức tăng CPI chung.

Tăng trưởng cả năm 2018 đạt 6,8%, song vẫn rất mong manh

Chỉ rõ, bức tranh đẹp của 6 tháng đầu năm đó là nhờ quý I, PGS, TS. Phạm Thế Anh (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) nhận định rằng, tăng trưởng rất mong manh do chủ yếu phụ thuộc vào khu vực chế biến, chế tạo. Trong khu vực này, thực chất là phụ thuộc vào 1 số ít các doanh nghiệp lớn như Samsung, Fomorsa.

Ông Thế Anh nhấn mạnh quan điểm: “Chưa bao giờ an tâm hay lạc quan về tương lai của nền kinh tế, bởi luôn có nguy cơ thách thức bất chấp quý tăng trưởng thấp hay cao”.

Mặc dù đồng tình với quan điểm của vị chuyên gia đến từ Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, song nhóm nghiên cứu của VEPR nhận định, với mức tăng trưởng tích cực 6,79% của quý II và dù triển vọng kinh tế nửa sau cuối năm có thể xấu hơn, mục tiêu tăng trưởng 6,5-6,7% của năm 2018 là khả thi.

“Những tính toán mới của VEPR không sai biệt nhiều so với lần dự báo gần đây nhất (cuối tháng 4/2018), cho thấy tăng trưởng cả năm 2018 đạt 6,8%”, PGS, TS. Nguyễn Đức Thành nhấn mạnh.

Trong bối cảnh giá thực phẩm và nhiên liệu không ngừng gia tăng, VEPR cho rằng, để đạt được mức lạm phát bình quân năm 4% cần nỗ lực hết sức của các cấp và đặc biệt là chính sách tiền tệ chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước.

Nhóm nghiên cứu cũng nhấn mạnh, cán cân ngân sách của Việt Nam thâm hụt trở lại vào quý II, cho thấy thặng dư trong quý I chỉ mang tính tạm thời và Việt Nam còn phải đối mặt nhiều thách thức trong ổn định kinh tế vĩ mô.

Hiện nay, nguồn thu của Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào các loại thuế tiêu dùng. Bất kỳ đề xuất tăng các khoản thuế tiêu dùng nào (VAT, tiêu thụ đặc biệt…) cũng cần được xem xét thận trọng vì thuế tiêu dùng tuy hiệu quả về hành thu, nhưng được xem là không có tác động tốt đến công bằng trong chi tiêu.

“Thay vào đó, Chính phủ nên nghĩ tới việc cải cách lại các loại thuế tài sản vì hiện nay tỷ trọng đóng góp của các loại thuế này vào ngân sách còn khiêm tốn”, ông Thành đề xuất.

Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo, do các loại thuế trực thu dễ gây cảm giác “đau đớn” cho người nộp thuế, trước khi tăng thuế, Chính phủ cần nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong thu chi ngân sách để có thể thuyết phục người dân./.