Kết quả này có một phần đóng góp lớn từ việc thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp, nhân rộng mô hình điển hình”. Tại Hội nghị Sơ kết 02 năm thực hiện Đề án được tổ chức sáng ngày 03/07/2015 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hà Công Tuấn đã có cuộc trao đổi với phóng viên xung quanh việc thực hiện Đề án này.

PV: Xin Thứ trưởng cho biết những kết quả đã đạt được sau 02 năm thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp?

Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Sau 02 năm triển khai Quyết định số 1565/QĐ-BNN-TCLN, ngày 08/07/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Đề án Tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp, việc nâng cao năng suất, giá trị của rừng gắn kết với chuỗi chế biến và tiêu thụ sản phẩm bước đầu triển khai có hiệu quả, đã đóng góp vào sự tăng trưởng giá trị của ngành lâm nghiệp. Cụ thể, năm 2014, ngành lâm nghiệp đạt mức tăng trưởng trên 6%, trong 06 tháng đầu năm 2015 đạt mức 8,3%. Có thể nói, con số này là cao nhất từ trước tới nay trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Tuy vậy, việc triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp còn chưa đồng bộ, nhiều địa phương triển khai còn chậm. Chính vì vậy, Hội nghị sơ kết 02 năm thực hiện Tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp nhằm thúc đẩy triển khai đồng bộ, thống nhất nhận thức và hành động thực hiện của mọi người dân và cả hệ thống chính trị, có trách nhiệm tham gia vào chương trình tái cơ cấu này.

PV: Có ý kiến của đại biểu cho rằng: có những địa phương mà người dân trồng nhiều rừng thì càng nghèo. Vậy Đề án sẽ giải quyết vấn đề này ra sao, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Một thực tế không chỉ ở riêng nước ta, mà trên toàn cầu là vùng có nhiều rừng lại là địa bàn phức tạp nhất thuộc vùng sâu, vùng xa. Vì vậy, người dân sống ở khu vực này về cơ bản có đời sống thấp hơn ở vùng đô thị và đặc thù cây rừng có chu kỳ dài. Ngoài phát triển kinh tế, trồng rừng còn phải đảm bảo nhiệm vụ về môi trường và những nhiệm vụ khác cả về quốc phòng – an ninh. Nên đối với lâm nghiệp, việc nâng cao giá trị của rừng không chỉ đơn thuần là mục đích về kinh tế. Do đó, lợi thế so sánh của rừng là thấp hơn so với nhiều ngành nghề khác trên một đơn vị diện tích.

Việc phát triển lâm nghiệp, Đảng và Nhà nước ta đều có chủ trương gắn với chính sách an sinh xã hội, như: xóa đói giảm nghèo, chính sách hỗ trợ vùng sâu, vùng xa đối với Chương trình 135 lồng ghép gắn với nhau, thì mới đảm bảo được nâng cao đời sống người dân sống trong khu vực rừng núi nhanh hơn và đạt được kỳ vọng như hoạch định.

PV: Hiện nay, đã có nhiều mô hình liên kết theo chuỗi trong sản xuất rừng. Theo Thứ trưởng làm sao để nhân rộng được mô hình này?

Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Liên kết theo chuỗi là việc lâu nay chúng ta vẫn nói tới là việc liên kết 04 nhà: (nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và doanh nghiệp). Tôi cho rằng để đẩy mạnh liên kết theo chuỗi sản xuất rừng, thì phải đảm bảo các bên tham gia cùng có lợi. Nếu chúng ta chỉ hô hào các doanh nghiệp làm từ thiện với bà con thì cũng chỉ có giới hạn, trên hết là phải dựa trên cơ sở nền sản xuất hiện nay, gắn các hộ gia đình với các doanh nghiệp để tạo khu nguyên liệu phục vụ cho các nhà máy của doanh nghiệp và gắn với thị trường. Như vậy, doanh nghiệp cũng chủ động được nguyên liệu và họ cũng phải có trách nhiệm hỗ trợ ứng vốn cho bà con để nâng cao giá trị.

Hiện nay, cơ chế của chúng ta đã có những định hướng, chính sách đi theo hướng này, nhưng rõ ràng ngay cả lĩnh vực phát triển nông nghiệp nông thôn của chúng ta cũng mới chỉ có 1,01% doanh nghiệp tham gia vào, lĩnh vực lâm nghiệp còn ít hơn nhiều. Vì vậy, chúng tôi đang cùng các doanh nghiệp tìm cách tháo gỡ.

Để tăng cường thúc đẩy liên kết này, theo tôi trước hết phải là sự đồng thuận của các địa phương trong giải quyết vấn đề đất đai trong lĩnh vực nông nghiệp và vận động được bà con có trách nhiệm với hợp đồng liên kết. Quan trọng hơn nữa phải giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực này.

Về lâu dài cần phải đầu tư kết cấu hạ tầng, trước mắt chúng ta đã có những chính sách đặc thù, miễn giảm thuế đặc biệt cho các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực miền núi.

PV: Trong báo cáo Sơ kết 02 năm thực hiện đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp đã có cơ chế mới đối với người dân góp đất vào doanh nghiệp tạo thành cánh đồng lớn. Đối với cánh đồng lớn trong lâm nghiệp thực sự là mô hình mới, vậy theo Thứ trưởng điều này sẽ được thực hiện như thế nào?

Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Đây là chương trình đã có hiệu quả bước đầu trong nông nghiệp và cánh đồng lớn trong lâm nghiệp đang khuyến khích thực hiện theo mô hình này. Chúng ta đã bắt đầu triển khai ở tỉnh Quảng Trị, Quảng Ninh, mặc dù đã đạt hiệu quả, song phải có sự hỗ trợ của Nhà nước mới tạo ra được sự liên kết.

Hỗ trợ của Nhà nước không phải là Nhà nước bỏ tiền ra mà là sự điều chỉnh cơ chế, giải quyết những vướng mắc khi các hộ là người được Nhà nước giao đất, giao rừng, họ có sổ đỏ góp vốn vào với doanh nghiệp. Do đó, Nhà nước phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp sử dụng được sổ đỏ này để giao dịch với ngân hàng, thay mặt các hộ, bà con nông dân để thực hiện được quyền theo quy định của pháp luật. Nhưng hiện nay vấn đề này đang còn ách tắc chưa được giải quyết.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thực hiện góp đất của bà con, đương nhiên phải chịu trách nhiệm đảm bảo an sinh xã hội, nhất là những điều kiện về xây dựng nông thôn mới, về trường học cho con em họ... Tất cả những việc đó doanh nghiệp phải bỏ tiền ra làm, song họ không đủ sức. Đây cũng là vấn đề cần Nhà nước có những chính sách hỗ trợ bổ sung, để doanh nghiệp bảo đảm họ là người giúp cho Nhà nước trực tiếp thực hiện an sinh xã hội trên địa bàn. Nhà nước phải coi đây như nhiệm vụ công ích, có ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho doanh nghiệp.

PV: Liên quan đến vấn đề thị trường, các nước yêu cầu gỗ phải có chứng chỉ xuất khẩu. Đối với Việt Nam để tiếp cận các thị trường như vậy, chúng ta đang gặp phải khó khăn gì thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Hiện nay, tất cả các thị trường quốc tế đều yêu cầu việc kiểm soát chặt chẽ gỗ đảm bảo quy định pháp luật của các quốc gia và pháp luật của Việt Nam được cả thế giới thừa nhận. Còn chứng chỉ quốc tế, như: quản lý rừng bền vững, những chứng chỉ tăng độ tin cậy và tín nhiệm trong thương mại quốc tế thì chúng ta đang đàm phán với nhiều quốc gia, trong đó có cộng đồng 28 nước châu Âu (EU), nhưng dự kiến sẽ có 01 giấy phép để thừa nhận doanh nghiệp của chúng ta chấp hành tốt pháp luật Việt Nam và khi hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường EU sẽ được giảm thiểu truy suất nguồn gốc theo quy định của EU.

Hiện gỗ của chúng ta xuất khẩu sang thị trường EU 100% là gỗ từ rừng trồng, kể cả rừng trồng nhập khẩu. Vì vậy, Việt Nam chưa có vướng mắc nào trong đánh giá về chấp hành quy định pháp luật và truy suất nguồn gốc.

Đến nay, tiềm năng thị trường xuất khẩu đối với ngành gỗ là rất tốt. Nhưng, rủi ro trong quan hệ thương mại, hàng rào phi thuế quan rất phức tạp. Vì vậy, cần phải tìm hiểu, nắm vững thị trường và hướng dẫn doanh nghiệp làm sao giữ được thị trường truyền thống và mở rộng được thị trường mới có lợi thế mà chúng ta đã ký hiệp định AFTA với họ./.