Theo Cục Thống kê Hà Nội, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) Hà Nội tháng một giảm 0,17% so với tháng trước và tăng 0,67% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chính khiến chỉ số giá tháng này giảm là giá xăng dầu giảm hai lần, kéo theo nhóm giao thông giảm mạnh so với tháng trước. Mặt khác, giá gas giảm 33.000 đồng một bình từ đầu tháng cũng khiến cho nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm theo.

Trong 11 nhóm hàng hóa thuộc rổ tính giá CPI, đây là hai nhóm hàng hóa duy nhất giảm giá trong tháng này, trong khi bưu chính viễn thông, giáo dục không thay đổi và các nhóm hàng khác tăng 0,05%-0,7%.

May mặc, mũ nón và giày dép tăng giá mạnh nhất do nhu cầu phục vụ thời tiết trở lạnh ở miền Bắc. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng giá mạnh thứ hai. Theo cơ quan quản lý, hiện các công ty trên địa bàn đã thực hiện dự trữ hàng hóa, như: gạo, thịt, trứng, rượu, bia, nước giải khát... để phục vụ bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán 2015.

Đây là tháng thứ ba liên tiếp chỉ số giá tiêu dùng tại Hà Nội tăng trưởng âm.

Trong tháng đầu năm 2015, tình hình kinh tế vẫn còn khó khăn, thu nhập và nhu cầu tiêu dùng thấp, cộng với việc giá xăng dầu giảm, giá cước vận tải tiếp tục được điều chỉnh giảm… nên về cơ bản CPI có thể sẽ còn giảm.

Theo Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (Vinpa), giá xăng dầu liên tục được điều chỉnh giảm trong khi tổng cầu của nền kinh tế còn yếu và doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ hàng hóa.
Vinpa cho rằng, CPI tăng thấp năm qua do nguyên nhân khách quan khó dự báo là giá dầu thế giới giảm sâu kéo theo các mặt hàng khác và nhiều mặt hàng nguyên nhiên liệu đầu vào nhập khẩu cũng giảm theo. Bên cạnh đó, một phần còn do sức mua tiêu dùng trong nước yếu.

Lạm phát thấp về mặt tích cực đã tạo cơ hội thu hút đầu tư, tạo niềm tin của thị trường, kinh tế vĩ mô ổn định hơn, đồng thời chính phủ có điều kiện thực hiện các chính sách tài chính, tiền tệ.

Dù CPI đã ổn định và giảm, song thị trường vẫn còn nhiều tồn tại (tháng 12 giá xăng dầu giảm 02 lần, tháng 1 giá xăng giảm 2 lần khi tính cả lần giảm gần 1.900 đồng/lít trong ngày hôm nay - 21/1) nhưng giá hàng hóa thiết yếu không giảm hoặc giảm chậm; giá cước vận tải giảm không tương xứng; hệ thống phân phối còn nhiều bất cập; thậm chí giá cả một số mặt hàng tiêu dùng còn bị thao túng.

Vinpa cũng lưu ý rằng, CPI tăng thấp có nguy cơ tiềm ẩn thiểu phát, tác động tiêu cực đến sản xuất kinh doanh. Ngoài ra sức mua kém, tồn kho cao kéo theo cầu đầu tư giảm, tiêu dùng tăng chậm, tác động trực tiếp đến doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế.

Năm 2015, dự báo về triển vọng kinh tế thế giới mà một số tổ chức quốc tế đưa ra có khả quan hơn so với năm 2014 nhưng rất thận trọng vì các khủng hoảng và xung đột trên thế giới có thể tạo ra môi trường không thuận lợi cho quá trình phục hồi kinh tế. Giá cả nhiều hàng hóa cơ bản, thiết yếu còn thiếu tính ổn định và vẫn tiếp tục xu hướng giảm./.