Thay đổi là phù hợp

Thông tư số 22/2014/TT-BTTTT về quy hoạch kho số viễn thông được xây dựng và ban hành với mục tiêu quy hoạch hợp lý đảm bảo việc sử dụng kho số tiết kiệm, hiệu quả, thúc đẩy thị trường viễn thông phát triển bền vững. Việc quy hoạch này phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và thông lệ quốc tế, các tổ chức quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết.

Theo Quy hoạch, số thuê bao mạng viễn thông cố định mặt đất có độ dài 7, 8 chữ số; Số thuê bao mạng viễn thông cố định vệ tinh có độ dài 7 chữ số; Số thuê bao mạng viễn thông di động mặt đất sử dụng cho thuê bao viễn thông là số có độ dài 7 chữ số; Số thuê bao mạng viễn thông di động mặt đất sử dụng cho thuê bao viễn thông là thiết bị có độ dài 8 chữ số; Số thuê bao điện thoại Internet có độ dài 10 chữ số bao gồm cả mã mạng điện thoại internet.

Đối với điện thoại cố định, việc thay đổi sẽ được áp dụng kể từ ngày 1/3/2015, theo đó mã vùng điện thoại cố định của 59 tỉnh, thành phố sẽ được điều chỉnh. Cụ thể, Hà Nội đổi từ 4 thành 24; TP. Hồ Chí Minh đổi từ 8 thành 28; Đà Nẵng đổi từ 511 thành 236; Hải Phòng từ 31 thành 225; Quảng Ninh từ 33 thành 203; Thanh Hóa từ 37 thành 237; Nghệ An từ 38 thành 238; Thừa Thiên - Huế từ 54 thành 234; Cần Thơ từ 710 thành 292; Phú Yên từ 57 thành 257; Khánh Hòa từ 58 thành 258... Có 4 tỉnh gồm Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình và Hà Giang vẫn giữ nguyên mã vùng lần lượt là 210, 211, 218 và 219. Ngoài ra, Quy hoạch cũng quy định thêm 19 mã vùng dự phòng như: 200, 201, 202, 217, 223, 224, 230, 231…

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong những năm vừa qua, số lượng thuê bao điện thoại diđộng ngày càng tăng, ngược lại số lượng thuê bao điện thoại cố định ngày càng giảm.

Với những diễn biến như hiện nay, số thuê bao điện thoại cố định vẫn có xu hướng suy giảm, trong khi đó số lượng thuê bao di động sẽ tiếp tục tăng.

Theo đó, tổng số thuê bao điện thoại cố định và di động của Việt Nam khoảng 130 triệu. Trong đó, số lượng thuê bao điện thoại cố định khoảng gần 7 triệu (chiếm khoảng 5,4% tổng số thuê bao), số lượng thuê bao điện thoại di động khoảng hơn 120 triệu (chiếm khoảng 94,6% tổng số thuê bao).

Điều này cho thấy, sự gia tăng mạnh mẽ của thuê bao di động trong thời gian qua. Tuy nhiên, theo quy hoạch cũ thì số đầu mã làm mã vùng cho mạng cố định là 7 và làm mã mạng cho mạng di động là 2.

Điều này bộc lộ sự thiếu hiệu quả trong quy hoạch, sử dụng kho số giữa mạng cố định và mạng di động. Về lâu dài, với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường viễn thông di động sẽ dẫn đến thiếu số cho di động trong khi thừa số cho cố định.

Do vậy, việc thực hiện việc thay đổi này sẽ đổi mã vùng điện thoại cố định để dồn đầu số cho di động.

Song sẽ gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp

Việc thay đổi mã vùng của 59 tỉnh, thành là một vấn đề được dự báo sẽ gây xáo trộn lớn ảnh hưởng không chỉ cho gần 7 triệu thuê bao điện thoại cố định mà còn tác động đến thông tin liên lạc trên toàn quốc và quốc tế.

Đối với việc thay đổi đầu số điện thoại di dộng, theo ông Lê Nam Thắng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, dự kiến sau 2 năm nữa mới chuyển đổi toàn bộ thuê bao 11 số thành 10 số.

Tuy nhiên, việc thay đổi này chưa thấy được những lợi ích, bởi sau thời gian thực hiện mới thấy. Song rõ ràng rằng, việc thay đổi sẽ khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do việc gia tăng về chi phí, nhất là trong bối cảnh khó khăn như hiện nay.

Trước mắt, có thể thấy hàng loạt doanh nghiệp sẽ phải thay đổi tất cả các tài liệu, như: marketing như profile giới thiệu công ty, các tờ rơi giới thiệu sản phẩm, website, danh thiếp, phong bì, các mẫu giấy in sẵn và toàn bộ các vật phẩm khác có in số điện thoại liên lạc trên đó. Do đó, việc gia tăng chi phí là điều không thể tránh khỏi.

Tuy nhiên, thiệt hại lớn có lẽ phải đến các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, bởi hầu hết các doanh nghiệp này đều sử dụng, cũng như in số điện thoại trên các phương tiện vận tải.

Theo ông Nguyễn Minh Hưng, Trưởng ban Kinh doanh và marketing của Công ty CP Tập đoàn Mai Linh cho biết hiện Mai Linh đang cung cấp dịch vụ vận tải trên 53 tỉnh thành nên việc thay đổi mã vùng sẽ có ảnh hưởng lớn.

Còn theo ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty CP Vận tải và Thương mại dịch vụ Đất Cảng (Hải Phòng), cho rằng thay đổi đầu số đồng nghĩa với việc doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ taxi phải thay đổi toàn bộ số liên lạc giao dịch với khách hàng, sơn lại xe, tờ rơi, danh thiếp… Chi phí này có thể lên đến hàng trăm triệu đồng, chưa kể đối tác liên lạc tới có thể bị gián đoạn do khách hàng chưa cập nhật thông tin.

Có một điều khiến nhiều doanh nghiệp hiện ngay khá “bức xúc” đó là việc thời gian triển khai cũng như lộ trình thực hiện của Thông tư 22.

Theo đó, việc ban hành thông tư vào dịp “cận kề” của năm 2014, đây là thời gian mà nhiều kế hoạch về quảng bá hình ảnh của doanh nghiệp, như: in lịch tết, phong bì.... đều đã được triển khai xong.

Theo ông Trần Anh Dũng, lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển, ông rất bất ngờ khi nhận được thông tin về việc thay đổi mã vùng. “Doanh nghiệp của tôi có văn phòng tại Hải Phòng, Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh với hàng trăm đối tác nên ngoài việc cập nhật thông tin của mình sẽ phải cập nhật thông tin của khách hàng”.

“Công ty vừa in xong một số lượng lớn lịch 2015 trong đó có thông tin số điện thoại nhưng giờ có thể phải hủy bỏ. Việc thay đổi chắc chắn sẽ có nhiều phiền phức nhưng đáng lo nhất là có nhiều đối tác nước ngoài mà thời gian liên lạc có thể vài tháng một lần, họ không biết chuyện thay đổi này mà gọi cho mình không được chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến công ty”, ông Dũng chia sẻ.

Không những thế, việc ban hành thông tư liên quan rất nhiều đến hoạt động của doanh nghiệp, hơn nữa chỉ còn 02 tháng nữa sẽ triển khai, nhưng nhiều doanh nghiệp cho biết, họ chỉ mới chỉ biết đến vấn đề này... qua báo chí.

Ông Bùi Quốc Việt, người phát ngôn của Tập đoàn bưu chính - viễn thông Việt Nam (VNPT), nói VNPT chỉ mới nhận được công văn liên quan đến vấn đề này từ Bộ Thông tin và Truyền thông vào chiều ngày 7/1. Còn ông Đỗ Minh Phương, Giám đốc Viettel Telecom, nói “chưa nhận được thông tin chính thức nào”.

Thiết nghĩ, trong khi kinh tế còn đang gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp cần tiết giảm các khoản chi phí, việc ban hành một văn bản liên quan đến gần như toàn bộ của tỉnh, thành trong cả nước, cũng như hầu hết các doanh nghiệp hiện nay, biết chắc nó là cần thiết, song cần có thời gian để tham khảo ý kiến, cũng như cần lưu ý thời gian nào là phù hợp để ban hành, để tránh những lãng phí không cần thiết cho các thành phần kinh tế./.