Thị trường bán lẻ nông thôn: Sao lại bỏ ngỏ?
Tiềm năng lớn
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ năm 2012 đạt trên 2,32 triệu tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2011. Nếu loại bỏ yếu tố tăng giá, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ năm 2012 vẫn tăng 6,2% so với năm 2011. Đóng góp lớn nhất cho con số trên, xét theo nhóm ngành, là kinh doanh thương nghiệp chiếm tỷ trọng 77,1%, tương đương với 1,789 triệu tỷ đồng, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dự kiến, trong giai đoạn 2011- 2020, tổng mức bán lẻ thị trường nội địa tăng trưởng 10% bình quân/năm, tỷ trọng lưu chuyển hàng hóa trong nước chiếm khoảng 20% của GDP. Điều này cũng chứng minh cho nhận định, khi gặp khó khăn trên thị trường xuất khẩu, thì thị trường nội địa chính là “hậu phương” vững chắc cho các doanh nghiệp thương mại.
Với đặc điểm dân cư tập trung phần lớn ở nông thôn, hơn 60 triệu dân, tương đương khoảng 70% dân số cả nước, khu vực này đang và sẽ là thị trường đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp thương mại. Thống kê của Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ doanh nghiệp cho thấy, thị trường nông thôn Việt Nam đang chiếm 70% lượng tiêu thụ hàng hóa nói chung, số hộ gia đình và số lượng các cửa hàng bán lẻ cũng phân bổ tập trung ở vùng nông thôn với 70%.
Hiện nay, đời sống tại các vùng nông thôn đã được nâng lên đáng kể, nhất là ở những khu vực có tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa cao. Một nghiên cứu mới nhất của Công ty Nghiên cứu thị trường TNS về thị trường nông thôn Việt Nam cho thấy, có tới 95% gia đình nông thôn được hỏi cho biết, sẵn sàng mua tivi, 92% có thể mua bếp điện hoặc gas, 33% có thể mua máy cassette/radio, 30% muốn mua tủ lạnh, máy giặt và 9% muốn mua máy vi tính… Theo ông Matthaes (Công ty TNS), vùng nông thôn đang giữ 62,5% tổng GDP và có số lượng khách hàng sẵn sàng tiêu dùng nhiều gấp 3 lần khu vực thành thị.
Các con số thống kê riêng lẻ cũng cho thấy, hiện số người có thu nhập trên 1,5 triệu đồng/tháng ở nông thôn ngày càng tăng, do đó nhu cầu mua sắm thực phẩm, nhu yếu phẩm cũng tăng theo. Chính vì lý do trên, nhiều chuyên gia cho rằng, chúng ta nên bỏ đi quan niệm thị trường nông thôn chỉ dành cho các sản phẩm rẻ tiền và mãi lực yếu kém, mà người dân ở đây cũng đang có nhu cầu tiêu dùng hàng chất lượng cao. Thị trường nông thôn ngày càng trở nên hấp dẫn với nhiều nhóm hàng: thực phẩm chế biến, điện tử... Đó là chưa nói tới trách nhiệm xã hội của khu vực sản xuất, phân phối đối với bộ phận dân cư đông đúc này.
Đặc biệt, việc đẩy mạnh Cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã và đang góp phần làm thay đổi đáng kể tâm lý mua sắm của người tiêu dùng nội, từ hơn 70% số người tiêu dùng Việt Nam chuộng hàng ngoại, đến nay gần 60% số người tiêu dùng đã chuyển sang ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Đặc biệt các doanh nghiệp cũng ngày càng chú trọng hơn đến thị trường nội địa, giành lại được thế chủ động trên “sân nhà”, không để hàng ngoại lấn lướt như trước kia. Động thái tích cực này đang được cộng hưởng thêm bởi những biểu hiện ngày càng liên tục những mặt hàng chất lượng kém, độc hại nguy hiểm đến người tiêu dùng, hàng nhái, hàng giải đến từ thị trường Trung Quốc.
Tổng kết các phiên chợ hàng Việt về nông thôn của Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), cho đến nay đã có 66 phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn” tại 23 tỉnh thành trên cả nước (4 tỉnh miền Bắc, 4 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, 15 tỉnh miền Tây và Đông Nam bộ) với tổng doanh thu qua các hội chợ đạt được là 57.244 tỷ đồng. Hầu hết các phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn” đều nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân địa phương, đã thu hút được 1.005.350 lượt người đến tham quan và mua sắm… Điều đáng nói là thông qua các phiên chợ hàng Việt, công tác đào tạo về kỹ năng bán hàng, tuyên truyền để người dân thấu hiểu hơn về chất lượng hàng hoá sản xuất trong nước cũng đã được đẩy mạnh. Đây cũng chính là điều kiện quan trọng giúp hàng “nội” tiếp cận gần hơn với thị trường nông thôn.
Nhưng, chưa được khai thác hiệu quả
Một nghiên cứu của công ty khảo sát thị trường AC Neilsen về cấu trúc bán lẻ cho kết quả: ở Việt Nam có sự mất cân đối về doanh số bán hàng khu vực nông thôn. Nông thôn là một thị trường rất lớn với khoảng 60 triệu người tiêu dùng, số lượng các shop hay cửa hàng tạp hóa chiếm 47% (hiện cả nước có khoảng 215.000 cửa hàng tạp hóa), mức tiêu dùng dự kiến đạt 27% trong doanh số mua - bán cả nước (tương ứng khoảng 40-50 nghìn tỷ đồng/năm). Thế nhưng, thực tế, tại những doanh nghiệp được đánh giá là đầu tư nhiều nhất và thành công nhất tại thị trường bán lẻ nông thôn mới, thì tỷ lệ khai thác cao nhất cũng mới chỉ là 25% doanh số. Còn lại, trung bình doanh nghiệp chỉ mới khai thác thị trường này chừng 14%.
Theo nhận định của một số chuyên gia, ngành bán lẻ của Việt Nam tuy “không còn non trẻ, nhưng lại chưa trưởng thành”, chưa xuất hiện những nhà phân phối bán buôn và tập đoàn bán lẻ nội chuyên nghiệp, hùng mạnh, đẳng cấp quốc tế. Trong khi đó, thị trường tiềm năng là nông thôn lại chưa được khai thác một cách đúng mức, thậm chí có những thời gian bị lãng quên, “khoán trắng” cho các loại hàng ngoại giá rẻ, chất lượng thấp, kém an toàn nhập lậu từ thị trường Trung Quốc.
Khó khăn và hạn chế
Thực tế những năm qua cho thấy, việc tiếp cận thị trường nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, địa bàn đặc biệt khó khăn của doanh nghiệp “nội” cũng đang bộc lộ những khó khăn, hạn chế. Cụ thể là:
- Mới chỉ mang tính đơn lẻ, tự phát, mà chưa tạo được sự liên kết của các doanh nghiệp:Sau cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động, mà một trong những tâm điểm là đẩy mạnh xúc tiến hàng hóa về nông thôn, nhiều doanh nghiệp thương mại đã nhận thấy cơ hội kinh doanh rất triển vọng tại thị trường này và đã có những bước đi cụ thể đầu tiên. Tuy nhiên, các doanh nghiệp triển khai tiếp cận thị trường nông thôn trong thời gian qua chủ yếu mang tính đơn lẻ, tự phát, có tính chất thăm dò là chính, thậm chí một số chỉ làm theo phong trào.
Hiện nay, đưa hàng về nông thôn được ví như "buôn chuyến" khi phụ thuộc nhiều vào những hội chợ, phiên chợ nông thôn... theo từng đợt, mà chưa có được một kế hoạch bán hàng, liên kết và xây dựng mạng lưới phân phối bán hàng cố định và dài hạn.
- Kết cấu hạ tầng yếu kém, tăng chi phí bán hàng: Có thể thấy, việc phát triển các điểm bán hàng một cách quy củ không hề dễ dàng. Kinh nghiệm của một số địa phương cho thấy, ở những khu vực trung tâm, đô thị nhỏ vẫn có thể kêu gọi đầu tư, nhưng khi về các xã, các vùng xa lại rất khó khăn. Các địa phương sẵn sàng cấp đất, thậm chí có cả cơ chế hỗ trợ vốn, nhưng việc kêu gọi đầu tư xây dựng hệ thống các điểm bán hàng nói chung vẫn chưa đạt được kết quả như mong đợi.
Đơn cử như trường hợp Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), một thương hiệu mạnh trên thị trường nội địa với mạng lưới bán lẻ rộng khắp Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Hapro hiện có gần 40 công ty thành viên với hơn 7.000 cán bộ công nhân viên. Hệ thống hạ tầng thương mại gồm: 03 trung tâm mua sắm, 02 chợ đầu mối, 38 siêu thị, cửa hàng tiện ích Hapromart, 35 cửa hàng rau, thực phẩm an toàn Haprofood và trên 100 cửa hàng chuyên doanh điện máy, kim khí, thời trang, dịch vụ ăn uống, du lịch... phân bổ rộng khắp trên các quận, huyện nội thành Hà Nội và một số tỉnh, như: Thái Bình, Nam Định, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Thái Nguyên... Tổng công ty đang triển khai mạnh mẽ việc bán hàng về nông thôn nhưng hiện vẫn chủ yếu dưới dạng bán hàng lưu động, chợ phiên. Hapro đặt mục tiêu có 50% trong tổng doanh thu 7.000 tỷ đồng năm 2015 từ nông thôn. Nhưng, vấn đề khó nhất trong bán hàng về nông thôn đối với Hapro cũng như các doanh nghiệp khác vẫn là hạ tầng thương mại nông thôn quá kém và đang bị bỏ trống.
Đa phần người dân nông thôn đều muốn sử dụng hàng Việt Nam có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng, giá cả phải chăng, nhưng các doanh nghiệp lại chưa có đại lý phân phối rộng khắp tại thị trường này, nên người dân phải chấp nhận dùng hàng Trung Quốc, tù mù về nguồn gốc, xuất xứ, độc hại đối với sức khỏe người tiêu dùng.
Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp thương mại, để xây dựng được hệ thống phân phối về nông thôn đòi hỏi chi phí lớn. Cụ thể, theo tính toán của Hapro, tính riêng các chuyến bán hàng về nông thôn, chi phí vận chuyển hàng hóa từ trung tâm thành phố tới các xã gần đó, doanh nghiệp đã mất 3 triệu đồng (chưa tính các xã vùng sâu, vùng xa), cộng chi phí lắp đặt gian hàng khoảng 5,5 triệu đồng... Như vậy, để đảm bảo hòa vốn và có lãi, doanh thu mỗi chuyến bán hàng về nông thôn phải đạt từ 150-170 triệu đồng trở lên.
- Chưa thay đổi được thói quen tiêu dùng và nhận thức của người dân nông thôn. Hiện nay, tại thị trường này, hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu tràn ngập, trong khi người tiêu dùng lại không có khả năng phân biệt được chất lượng và xuất xứ của hàng hóa.
Một số đề xuất
Để có thể chiếm lĩnh thị trường và phát triển mạng lưới bán lẻ tại thị trường nông thôn, theo chúng tôi cần:
Thứ nhất, cần tận dụng mạng lưới bán lẻ sẵn có tại thị trường này: Tại thị trường nông thôn hiện nay, phần lớn người dân vẫn chủ yếu gắn bó với các loại hình chợ truyền thống. Ngoài ra, mạng lưới các hộ kinh doanh thương mại ngay tại gia đình (cửa hàng kinh doanh ở phía trước nhà và gia đình sinh sống ở phía sau), phân bố rộng khắp ngay trong các khu dân cư cũng như đóng vai trò rất lớn trong mạng phân phối bán hàng nông thôn nước ta vì sự thuận tiện, gần gũi về địa lý và quan hệ cộng đồng.
Với ưu điểm nổi bật là sự sẵn có tại địa bàn, bám sát các cụm dân cư, doanh nghiệp thương mại trong nước có thể tận dụng mạng lưới này, tìm kiếm các hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu hợp tác để tiết kiệm thời gian và chi phí thiết lập mạng lưới bán hàng tại khu vực nông thôn. Các doanh nghiệp có thể cung cấp sản phẩm theo phương thức thanh toán trả chậm.
Các nhà phân phối phải học ngày bí quyết tại sao hàng Trung Quốc lại có thể thâm nhập sâu rộng được, mà ta lại gặp khó khăn.
Thứ hai, lựa chọn đúng mặt hàng thị trường cần để tiếp cận: Mỗi phiên chợ các doanh nghiệp thương mại trong nước tham gia với hàng nghìn mặt hàng, trong đó, các mặt hàng thiết yếu chiếm tới 70% tổng doanh thu. Đây là một gợi ý cho các doanh nghiệp để lựa chọn mặt hàng tiếp cận thị trường nông thôn nói chung, hệ thống cửa hàng hợp tác với các hộ gia đình tại địa phương nói riêng. Những mặt hàng thiết yếu có thể xem xét, như: thực phẩm chế biến (nước mắm, mì chính, dầu ăn...), hóa mỹ phẩm (dầu gội đầu, nước rửa bát, bột giặt...), đồ gia dụng... Ðặc biệt cần chú ý tới những sản phẩm mà thị trường nông thôn chưa có, chẳng hạn như thực phẩm chế biến sẵn. Bên cạnh chất lượng sản phẩm phải bảo đảm, thì một trong những yếu tố quan trọng để thu hút khách hàng là giá cả phải phù hợp với “túi tiền” người tiêu dùng.
Thứ ba, cần chú trọng tới chất lượng sản phẩm: Với mức sống của người dân khu vực nông thôn đang ngày càng được cải thiện, thì yêu cầu về chất lượng sản phẩm cũng ngày càng tăng lên. Tại các phiên chợ bán hàng Việt về nông thôn, mặc dù giá các sản phẩm cao hơn bên ngoài, nhưng nhiều người dân vẫn chọn mua sản phẩm tại đây bởi chất lượng tốt hơn. Do đó, việc phát triển các phiên chợ hàng Việt về nông thôn, các cửa hàng hợp tác… như đã nêu ở trên chính là cơ hội để người dân nông thôn tiếp cận hàng có chất lượng, nguồn gốc rõ ràng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá sản phẩm nhằm nâng cao nhận thức của người dân, không “ham” rẻ, mà mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng độc hại đến sức khỏe con người.
Ngoài ra, để nỗ lực của doanh nghiệp đạt hiệu quả cao nhất, đương nhiên cần những chính sách hỗ trợ và các giải pháp căn cơ của Nhà nước, cũng như sự vào cuộc của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng nhằm ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hỗ trợ doanh nghiệp “nội” tiếp cận thị trường nông thôn một cách bền vững.
Tài liệu tham khảo:
1. Thủ tướng Chính phủ (2010). Đề án Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020, ban hành kèm Quyết định số 23/QĐ-TTg, ngày 06/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ.
2. Vũ Văn Bách (2013). Khai thác thị trường nông thôn, Báo Nhân dân điện tử, truy cập từ http://www.nhandan.com.vn/kinhte/nhan-dinh/item/15651402-.html
3. Thanh Hiền (2013). Chiếm lĩnh thị trường nông thôn: Phải thay đổi quan niệm kinh doanh, Báo Hà Nội mới online, truy cập từ http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Kinh-te/579025/phai-thay-doi-quan-niem-kinh-doanh
ThS. Lã Tiến Dũng
Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 11/2013
Bình luận