Thu hẹp khoảng cách phát triển thương mại ở miền núi, hải đảo với các vùng miền khác
Đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ở miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo đạt 9% - 11% hàng năm
Tiếp nối cho giai đoạn 2015-2020, Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021-2025 là chương trình đặc thù, hết sức cần thiết nhằm xây dựng và phát triển hệ thống phân phối sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, thu hẹp khoảng cách về phát triển thương mại của khu vực này với các vùng miền khác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập của người dân, đảm bảo an ninh quốc phòng tại khu vực này.
Với mục tiêu cụ thể của Chương trình đặt ra đến năm 2025: Đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ở địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo đạt mức tăng trưởng 9% - 11% hàng năm; Phát triển các sản phẩm, hàng hóa có thương hiệu là đặc trưng, đặc sản, tiềm năng, lợi thế của khu vực.
Đồng thời, khuyến khích, phát triển thương nhân, doanh nghiệp có năng lực thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động thương mại tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, mỗi năm tăng trung bình 8% - 10% trong giai đoạn 2021 -2025; Xây dựng hệ thống phân phối hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo chuỗi.
Chương trình được xác định thực hiện trên phạm vi 287 huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo |
Bên cạnh đó, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về cơ chế, chính sách cho phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo thống nhất, đồng bộ; Phấn đấu đến 2025 đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về sản phẩm tiềm năng, lợi thế về biển đảo…
Chương trình đã đưa ra một số định hướng phát triển, cụ thể: Xây dựng mô hình phát triển thương mại theo cấu trúc thương mại trên địa bàn xã, thị trấn; Tổ chức mạng lưới kinh doanh theo ngành hàng nông sản, vật tư nông nghiệp phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội miền núi; Phát triển chợ đầu mối nông sản tại vùng sản xuất tập trung; Khuyến khích phát triển các loại hình thương mại tư nhân, hộ kinh doanh…
Xây dựng mô hình phát triển các mặt hàng tiềm năng lợi thế
Chương trình được xác định thực hiện trên phạm vi 287 huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo thuộc 48 tỉnh, thành phố trong cả nước và tập trung chủ yếu vào các hoạt động như:
(i) Xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách về phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo;
(ii) Xây dựng mô hình phát triển các mặt hàng tiềm năng lợi thế;
(iii) Các hoạt động khuyến khích, thúc đẩy phát triển các mặt hàng là tiềm năng, lợi thế của địa phương;
(iv) Phát triển thương mại hàng hóa và dịch vụ của khu vực gắn với hoạt động du lịch biển đảo; (v) Phát triển đội ngũ thương nhân, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn;
(vi) Phát triển hệ thống dịch vụ hỗ trợ thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo;
(vii) Phát triển năng lực chuyên môn cho cán bộ làm công tác phát triển thương mại;
(viii) Thông tin, tuyên truyền về phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.
Kế thừa, phát huy những kết quả đã đạt được của Chương trình giai đoạn 2015 – 2020, tiếp tục tháo gỡ, giải quyết những khó khăn nhằm đẩy mạnh phát triển hơn nữa thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo trong thời gian tới, việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021 – 2025 là rất cần thiết và có ý nghĩa thực tiễn, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Chính phủ đối với địa bàn khó khăn này./.
Bình luận