Thu hút vốn đầu tư nước ngoài, thách thức và kỳ vọng từ Chính phủ mới
Đầu tư nước ngoài, câu chuyện của những con số
Việt Nam không thể trông chờ nguồn lực (tài chính, nhân sự, chất xám…) từ nước ngoài chảy vào để “hiện đại hóa” cho nước nhà. Thu hút vốn FDI cần một tư duy mới, cách nhìn nhận mới có tính khoa học, tính qui luật và tính thời đại để chúng ta hài hòa trong phát triển các thành phần kinh tế. |
6 tháng đầu năm 2021 với tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần (GVMCP) của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) tại Việt Nam đạt 15,27 tỷ USD, bằng 97,4% so với cùng kỳ năm 2020. Các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã giải ngân được 9,24 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI tiếp tục tăng khá mạnh trong 6 tháng đầu năm 2021. Xuất khẩu kể cả dầu thô ước đạt trên 116 tỷ USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ, chiếm 74,1% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô ước đạt 115,3 tỷ USD, tăng 32,6% so với cùng kỳ, chiếm 73,6% kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Bên cạnh xuất khẩu, nhập khẩu của khu vực FDI ước đạt trên 102,6 tỷ USD, tăng 38,7% so cùng kỳ và chiếm 64,9% kim ngạch nhập khẩu cả nước. Trong khi đó 6 tháng đầu năm 2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà ĐTNN chỉ đạt gần 15,27 tỷ USD, bằng 97,4% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, ngoài vốn đầu tư theo phương thức GVMCP giảm, thì cả vốn đầu tư mới và vốn điều chỉnh đều tăng lên trong 6 tháng đầu năm. Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt 6,98 tỷ USD, chiếm 45,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 5,34 tỷ USD, chiếm gần 35% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản, hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ với tổng vốn đăng ký đạt 1,15 tỷ USD và 476 triệu USD. Còn lại là sự gia tăng ở các lĩnh vực khác.
Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến ngày 20/6/2021, cả nước có 33.787 dự án đang còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 397,9 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 241,1 tỷ USD, bằng 60,6% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực. Cụ thể:
- Tính theo lĩnh vực: các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân của Việt Nam, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với 233,7 tỷ USD, chiếm 58,7% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản với trên 61 tỷ USD (chiếm 15,3% tổng vốn đầu tư); Sản xuất, phân phối điện với 33,6 tỷ USD (chiếm 8,5% tổng vốn đầu tư).
- Tính theo đối tác đầu tư: Hiện có 140 quốc gia, vùng lãnh thổ hiện có dự án đầu tư FDI đang còn hiệu lực tại Việt Nam. Trong đó, đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký 72,1 tỷ USD (chiếm 18,1% tổng vốn đầu tư). Nhật Bản đứng thứ hai với 63,1 tỷ USD (chiếm 15,8% tổng vốn đầu tư), tiếp theo lần lượt là Singapore, Đài Loan và Hồng Kông cùng các nền kinh tế khác...
- Tính theo địa bàn: đến nay các dự án FDI đã có mặt ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó TP Hồ Chí Minh luôn là địa phương dẫn đầu trong thu hút FDI với trên 48,8 tỷ USD (chiếm 12,3% tổng vốn đầu tư); tiếp theo là Bình Dương với trên 36,8 tỷ USD (chiếm trên 9,2% tổng vốn đầu tư); Hà Nội với 36,6 tỷ USD (chiếm gần 9,2% tổng vốn đầu tư). Còn lại là rải ra ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Điều đáng nói là, nếu quan sát dòng chảy vốn FDI những năm gần đây cho thấy, nhiều nhà đầu tư ngoại chọn “cách nhanh nhất” để đầu tư vào Việt Nam thông qua việc mua bán, sáp nhập, mua cổ phần để sáp nhập doanh nghiệp, để tận dụng những lợi thế, cơ sở vật chất, nhân lực, đất đai, hạ tầng, thị trường... sẵn có. Thay vì mất nhiều thời gian và thủ tục đăng ký mới, cách đầu tư theo hình thức gián tiếp (nhưng thực chất là trực tiếp) này luôn tạo cho nhà đầu tư ngoại bước vào thị trường Việt Nam nhanh hơn. Tuy nhiên, thách thức trong quản lý vốn ngoại cũng lớn hơn khi ngày càng nhiều dự án mang đến những hệ lụy tiêu cực cho địa bàn được đầu tư, lợi dụng sức lao động rẻ mạt của người Việt... Đây là chủ đề rất cần những tiếng nói thẳng thắn, trực tiếp từ những người có trách nhiệm với sự phát triển kinh tế - xã hội, để Chính phủ có góc nhìn đa chiều cho các quyết sách kinh tế mới.
Trong hai thập kỷ qua, Việt Nam nổi lên là quốc gia phát thải khí nhà kính bình quân đầu người tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới, mức tăng tới khoảng 5% mỗi năm. Nhu cầu sử dụng nước ngày một tăng cao, trong khi năng suất nước vẫn còn ở mức thấp, chỉ đạt 12% so với chuẩn thế giới. Tình trạng khai thác thiếu bền vững tài nguyên thiên nhiên như cát, thủy sản và gỗ đã ảnh hưởng tiêu cực lớn đến tăng trưởng dài hạn. Đô thị hóa, tăng trưởng kinh tế và dân số tăng nhanh đang đặt ra những thách thức ngày càng lớn về quản lý chất thải và xử lý ô nhiễm. Lượng rác thải của Việt Nam được dự báo có thể tăng gấp đôi trong vòng chưa đầy 15 năm tới. Bên cạnh đó là vấn đề rác thải nhựa đại dương. Theo một số ước tính, 90% rác thải nhựa đại dương toàn cầu được thải ra từ 10 con sông, trong đó có sông Mê Kông của ta. Việt Nam cũng là 1 trong 10 quốc gia trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi ô nhiễm không khí. Đây là bức tranh hiện thực mà chúng ta cần thấy rõ trên con đường tương lai khi chọn lọc, thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Một thách thức khác cũng cần nhận diện. Trong khi tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu của Việt Nam đã đạt tới 543,9 tỷ USD năm 2020, thì dù quy mô GDP năm 2020 của nước ta đã tăng gấp 2,9 lần, từ 116 tỷ USD năm 2010 lên 343 tỷ USD vào năm 2020, vẫn chỉ bằng 60% tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu cùng năm mà căn bản từ khu vực FDI tạo ra khi không chỉ nhờ để lại hậu quả xấu cho môi trường, sinh thái mà mức đóng góp vào GDP lại quá khiêm tốn, không tương xứng!. Nền kinh tế Việt Nam mở cả đầu vào lẫn đầu ra, nhưng lại quá ít mô hình quan hệ chuỗi mà chủ yếu lại hoặc là quan hệ mua đứt bán đoạn công ty cho nước ngoài/hoặc là làm thuê giá rẻ, kiếm thu nhập hơn là để phát triển thương hiệu, phát triển kinh tế và đời sống mang tên Việt Nam hoặc Việt Nam liên doanh!
Khu vực FDI đang chiếm tới 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, chiếm hơn 70% tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu và chiếm trên 50% tổng giá trị sản xuất công nghiệp cả nước. Trong khi đó, khu vực FDI chỉ mới đóng góp vào GDP gồm cả thuế hàng hóa, thuế vốn, giá đất… chỉ khoảng 18% GDP bình quân trong 10 năm gần đây - Mức thấp nhất trong ba khu vực kinh tế lớn, gồm khu vực kinh tế Nhà nước, khu vực kinh tế tư nhân và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.!
Trong khi FDI vào Việt Nam rất mạnh thì ở chiều ngược lại, dòng vốn đầu tư từ Việt Nam hướng ra nước ngoài lại quá nhỏ nhoi, khiêm tốn. Trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài kể cả cấp mới và tăng thêm chỉ đạt gần 547 triệu USD. Lũy kế đến 20/06/2021, Việt Nam đã có 1.420 dự án đầu tư ra nước ngoài đang còn hiệu lực nhưng chỉ bằng 4% so với FDI đã vào Việt Nam.
Tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài là 21,8 tỷ USD chỉ bằng 5,4% giá trị FDI đang có tại Việt Nam. Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài chỉ tập trung nhiều nhất vào các lĩnh vực khai khoáng (36,4%); nông, lâm nghiệp, thủy sản (15,3%). Các địa bàn nhận đầu tư của Việt Nam nhiều nhất lần lượt là ở Lào (23,7%); Campuchia (13,1%); Nga (12,9%)…, hầu hết là những quốc gia chưa phát triển khoa học công nghệ và tính nhanh nhạy theo cơ chế thị trường chưa cao.
Thu hút vốn đầu tư nước ngoài: Kỳ vọng quyết sách mới từ Chính phủ mới
Việt Nam cần phát triển mạnh các lĩnh vực tự động hóa, cơ điện, điện tử, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất hàng hóa - sáng tạo sản phẩm - vận tải - viễn thông - sản xuất thuốc chữa bệnh - phát triển logistics trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ, du lịch... TS. Nguyễn Đại Lai |
Sau gần nửa thế kỷ có hòa bình, nền kinh tế Việt Nam vẫn thuộc các quốc gia đang phát triển, có thu nhập trung bình thấp trên thế giới. Các sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam chưa có những cái tên vươn ra toàn cầu, chưa có hàng hóa nào khẳng định giá trị mang tính toàn cầu. Cần nhìn thẳng vào thực tế đất nước có nhiều lợi thế tự nhiên về tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, con người, rất cần được phát huy mọi nội lực, vươn lên làm chủ công nghệ để một mặt, giảm phụ thuộc vào thành phần kinh tế nước ngoài, mặt khác, xây dựng những thương hiệu, những giá trị riêng cho hàng hóa Việt. Chính vì vậy, mong mỏi về sự phát triển độc lập, tự cường về kinh tế đang đặt áp lực không nhỏ đặt lên vai Chính phủ mới, nhất là trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến khó lường, đại dịch Covid-19 đang hoành hành dữ dội hiện nay.
Theo xu hướng của thời đại, Việt Nam cần phát triển mạnh các lĩnh vực tự động hóa, cơ điện, điện tử, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất hàng hóa - sáng tạo sản phẩm - vận tải - viễn thông - sản xuất thuốc chữa bệnh - phát triển logistics trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ, du lịch... “Bài toán mới” chờ lời giải từ chính sách mới, để giảm kỳ vọng “nước ngoài giúp nước nhà phát triển” trong tương lai gần đến xa. Trong tiến trình này, điều quan trọng nhất là công tác đào tạo nhân lực. Mọi sự phát triển đều vì con người và do con người mà ra. Khoảng thiếu của nước ta là công tác đào tạo nhân lực quản lý bậc trung, bậc cao và đào tạo nhân lực làm việc trong lĩnh vực chuyển đổi số. Hy vọng Chính phủ mới sớm có chính sách đầu tư cho đào tạo nhân lực sử dụng công nghệ cao, quy mô lớn để thay thế dần các vị trí nhân lực quản lý nội tại và nhân lực sử dụng nguồn từ nước ngoài vào công cuộc phát triển nền kinh tế Việt Nam.
Kinh tế trên đất Việt Nam phải là do người Việt Nam làm chủ trên mọi phương diện, cả về lượng và chất theo trình độ phát triển của thời đại. Đối với không ít quốc gia đã cân đối những thiệt hơn trong trung và dài hạn đối với không chỉ FDI mà cả với vốn hỗ trợ phát triển chính thức từ nước ngoài (Official Development Assistance - ODA) cũng đã có lộ trình giảm mạnh và từ bỏ, điển hình như Hàn Quốc, Malayxia... Có một tác giả đã viết trong nghiên cứu về vốn đầu tư từ nước ngoài đã dẫn lời của một người Malaysia phát biểu về sự vui mừng khi đất nước này dừng nhận vốn đầu tư phi liên doanh nước ngoài, rằng: "Đất nước Malaysia của chúng tôi có hai ngày độc lập, ngày độc lập thứ nhất là thoát khỏi chủ nghĩa thực dân, ngày độc lập thứ hai là thoát khỏi vốn đầu tư phi liên doanh từ nước ngoài”.!
Việt Nam không thể trông chờ nguồn lực (tài chính, nhân sự, chất xám…) độc lập từ nước ngoài chảy vào để “hiện đại hóa” cho nước nhà. Thu hút vốn FDI cần một tư duy mới, cách nhìn nhận mới có tính khoa học, tính qui luật và tính thời đại để chúng ta hài hòa trong phát triển các thành phần kinh tế, vun đắp và phát huy mạnh mẽ nội lực của người Việt để vươn lên, song hành, liên kết với các bước tiến của kinh tế toàn cầu.
Bình luận