Từ khóa: vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tỉnh Nghệ An

Summary

In recent years, attracting foreign direct investment (FDI) into Nghe An province has achieved positive results, making an important contribution to the province's economic restructuring process, thereby improving people's living standards. The article evaluates the current situation, as well as the impacts of FDI capital in Nghe An province, thereby recommending some solutions in the future.

Keywords: foreign direct investment, economic restructuring, Nghe An province

GIỚI THIỆU

Hoạt động đầu tư từ lâu đã được coi là nhân tố quyết định sự tăng trưởng là chìa khóa cho sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia, của nền kinh tế thế giới. Thu hút FDI không chỉ nhằm bổ sung nguồn vốn cho đầu tư phát triển, mà còn nhằm mục đích tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản lý tiên tiến, kỹ năng kinh doanh quốc tế, mở rộng thị trường, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động... Thu hút FDI có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với một quốc gia nói chung và từng địa phương nói riêng.

Trong những năm gần đây, với nhiều tiềm năng thế mạnh sẵn có kết hợp với môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, Nghệ An đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư lớn, các tập đoàn đa quốc gia lớn trên toàn thế giới. Tuy nhiên, hoạt động thu hút FDI trên địa bàn Tỉnh vẫn còn những hạn chế nhất định. Do đó, cần nghiên cứu và phân tích, đánh giá toàn diện một cách khách quan những tác động của FDI đến phát triển kinh tế của Tỉnh trong thời gian qua để có sự điều chỉnh cơ chế chính sách, chiến lược và các giải pháp cho phù hợp.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Thực trạng thu hút FDI tại tỉnh Nghệ An giai đoạn 1992-2022

Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh Nghệ An, giai đoạn 1992-2022, toàn Tỉnh đã thu hút được 152 dự án FDI với tổng mức đầu tư 3.539 triệu USD. Vốn FDI thu hút không đều qua các năm. Năm 2022, vốn FDI đạt cao nhất từ trước đến nay, đóng góp rất lớn cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế của Tỉnh sau đại dịch Covid-19. Lần đầu tiên Nghệ An lọt vào nhóm 10 địa phương thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước, với tổng vốn cấp mới và điều chỉnh là 953,22 triệu USD.

Về lĩnh vực đầu tư, các dự án chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo hiện có 98 dự án chiếm 64,47%, tổng vốn đầu tư đăng ký 2.612,83 triệu USD chiếm 73,83% (chủ yếu tập trung vào lĩnh vực may mặc xuất khẩu, sản xuất linh kiện điện tử, công nghiệp chế biến, cơ khí, chế tạo, đầu tư xây dựng hạ tầng). Số doanh nghiệp có 100% vốn nước ngoài chiếm tới gần 80% tổng số doanh nghiệp FDI của tỉnh Nghệ An. Trong đó, đáng chú ý là các tập đoàn điện tử hàng đầu thế giới, như: Luxshare-ICT; Goertek Vina; Everwin Precision Việt Nam, Foxconn- đối tác hàng đầu của Apple, Tập đoàn Ju Teng (Đài Loan).

Xét về đối tác đầu tư, tính đến hết năm 2022, Nghệ An đã thu hút được 108 dự án FDI thuộc 14 quốc gia, vùng lãnh thổ, chủ yếu thuộc khu vực Đông Bắc Á và ASEAN, với tổng số vốn đăng ký trên 2,2 tỷ USD; trong đó nếu chỉ tính từ năm 2019 đến nay, Nghệ An đã thu hút được hơn 1,8 tỷ USD vốn FDI (riêng 4 dự án thuộc lĩnh vực sản xuất điện tử, như: Goertek, Everwin, JuTeng, Luxshare ICT với tổng vốn đầu tư gần 1,1 tỷ USD)…

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện các dự án có quy mô lớn tập trung chủ yếu vào Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp. Tính đến hết năm 2022, Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp tỉnh Nghệ An thu hút được 283 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt trên 104.272 tỷ đồng (tương đương 4.505 triệu USD), trong đó có 68 dự án FDI, tổng vốn đầu tư đăng ký gần 2.215 triệu USD, từ 14 quốc gia, vùng lãnh thổ, chủ yếu thuộc khu vực Đông Bắc Á và ASEAN, như: Hồng Kông, Trung Quốc (1.298 triệu USD); Singapore (321 triệu USD); Đài Loan (Trung Quốc) (255 triệu USD), Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan. Các dự án đầu tư vào Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp Nghệ An chiếm gần 50% số lượng dự án và chiếm trên 87% tổng vốn FDI trên địa bàn toàn Tỉnh.

Ảnh hưởng của FDI đến phát triển kinh tế tỉnh Nghệ An

Thứ nhất, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Tỉnh: Giá trị đóng góp của các dự án có vốn đầu tư nước ngoài trong tổng GRDP của tỉnh Nghệ An tăng qua các năm, tuy nhiên chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng GRDP của cả Tỉnh (Bảng 1).

Bảng 1: Đóng góp của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài vào GRDP của tỉnh Nghệ An giai đoạn 2000-2020

Năm

GRDP của tỉnh Nghệ An (tỷ đồng)

Đóng góp của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài vào GRDP của Tỉnh

Giá trị đóng góp trong tổng GRDP của tỉnh (tỷ đồng)

Tỷ trọng trong tổng GRDP của Tỉnh (%)

2000

15.984,30

200,48

1,25

2001

17.460,56

417,59

2,39

2002

19.364,66

521,32

2,69

2003

21.564,48

698,53

3,24

2004

23.746,81

679,40

2,86

2005

26.013,78

781,29

3,00

2006

28.674,07

758,47

2,65

2007

31.690,56

768,33

2,42

2008

34.988,31

875,27

2,50

2009

37.481,92

916,94

2,45

2010

42.168,51

826,68

1,96

2011

45.846,00

901,56

1,97

2012

48.195,00

964,34

2,00

2013

51.068,00

1.032,74

2,02

2014

54.840,12

1.078,79

1,97

2015

64.286,86

1.148,58

1,79

2016

68.771,52

1.389,07

2,02

2017

74.442,41

1.409,70

1,89

2018

80.971,27

1.573,96

1,94

2019

84878,60

1.663,62

1,96

2020

89739,50

1.776,54

1,98

Nguồn: Tính toán của nhóm tác giả

Thứ hai, ảnh hưởng đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Tác động đến chuyển dịch cơ cấu ngành: Số liệu (Hình 1, 2) cho thấy, động thái thay đổi tỷ trọng vốn đầu tư các dự án FDI vào lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp cùng chiều với động thái thay đổi tỷ trọng ngành nông - lâm - ngư nghiệp trong cơ cấu kinh tế của toàn Tỉnh. Tương tự đối với lĩnh vực công nghiệp - xây dựng - dịch vụ (CN-XD-DV). Như vậy có thể thấy, vốn FDI đã có tác động phần nào đến chuyển dịch cơ cấu của Tỉnh.

Hình 1: Tỷ trọng ngành nông - lâm - ngư nghiệp trong cơ cấu kinh tế toàn Tỉnh và Tỷ trọng vốn đầu tư dự án FDI của Tỉnh vào ngành nông - lâm - ngư nghiệp

Đơn vị: %

Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Nghệ An: Thực trạng và giải pháp
Nguồn: Niên giám Thống kê tỉnh Nghệ An

Hình 2: Tỷ trọng ngành CN-XD-DV trong cơ cấu kinh tế toàn Tỉnh và Tỷ trọng vốn đầu tư dự án FDI của Tỉnh vào ngành CN-XD-DV

Đơn vị: %

Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Nghệ An: Thực trạng và giải pháp
Nguồn: Niên giám Thống kê tỉnh Nghệ An

Tác động đến chuyển dịch cơ cấu ngành theo xuất khẩu: Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh Nghệ An, cán cân thương mại của Tỉnh từ năm 2011 luôn duy trì ở trạng thái xuất siêu và tăng dần qua các năm. Năm 2022, kim ngạch xuất - nhập khẩu của Nghệ An đạt 2,54 tỷ USD, tăng 4,56% so với năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 2,19 tỷ USD, tăng 3,6%. Xếp thứ 28/63 tỉnh, thành phố trên cả nước và thứ 2 khu vực Bắc Trung Bộ. Nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng khá so với năm 2021, như: Dệt may đạt 457,8 triệu USD, tăng 11,5%; Linh kiện điện thoại đạt 390,6 triệu USD, tăng 16,3%; Dăm gỗ đạt 303 triệu USD, tăng 66,1%... Đáng chú ý, tỷ lệ hàng hóa xuất khẩu qua chế biến tiếp tục tăng, nhất là hàng lâm sản, khoáng sản, vật liệu xây dựng, thuỷ sản chế biến và một số hàng nông sản chế biến, như: chè khô, nước hoa quả.

Cùng với đó, kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI tăng dần lên hàng năm và chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả Tỉnh. Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của khu vực này là: hàng dệt may, sản phẩm gỗ, thức ăn gia súc... (Bảng 2).

Bảng 2: Đóng góp của FDI vào kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2011-2020

Năm

Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa (triệu USD)

Kim ngạch xuất khẩu khu vực FDI (triệu USD)

Tỷ trọng

(%)

2011

253,47

16,85

6,65

2012

342,14

41,08

12,00

2013

376,95

71,79

19,04

2014

414,15

91,95

22,20

2015

515,03

144,02

27,40

2016

568,55

145,60

25,60

2017

696,05

192,20

27,61

2018

720,27

198,60

27,57

2019

780

201,9

25,90

2020

813

206,70

25,40

Nguồn: Tính toán của nhóm tác giả

Các nhân tố ảnh hưởng đến tác động của fdi đến phát triển kinh tế Nghệ An

Thứ nhất, về môi trường thể chế: Tỉnh đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp nhằm hoàn thiện công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực trên địa bàn Tỉnh. Công tác xúc tiến đầu tư các dự án FDI có nhiều đổi mới, thiết thực, hiệu quả. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, các chỉ số: Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Hiệu quả quản trị hành chính công (PAPI) và Cải cách hành chính (PAR INDEX) của Tỉnh liên tục cải thiện qua các năm. Tăng cường công tác hỗ trợ doanh nghiệp, giải quyết khó khăn vướng mắc do doanh nghiệp trong quá trình hoạt động. Năm 2022, PCI của Nghệ An đạt 66,60 điểm, đứng vị trí thứ 23/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, tăng 7 bậc so với năm 2021 (30/63); Chỉ số PAPI xếp vị trí thứ 17/63 tỉnh, thành trong cả nước.

Thứ hai, về trình độ lao động: Nghệ An có lực lượng lao động dồi dào, công tác đào tạo nghề đã gắn với nhu cầu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực lao động của tỉnh Nghệ An vẫn còn một số vần đề cần quan tâm, như: tỷ lệ lao động kỹ thuật còn thấp, thiếu kinh nghiệm, thiếu tính kỷ luật, thiếu kỹ năng về tin học, ngoại ngữ… chưa đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp FDI trên địa bàn Tỉnh.

Thứ ba, về chất lượng cơ sở hạ tầng, đường giao thông, hệ thống thủy lợi, nước sạch, hệ thống điện, phát triển đô thị không ngừng được đầu tư, nâng cấp cải thiện…

Một số hạn chế

(i) Ảnh hưởng của FDI đến tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Nghệ An còn rất nhỏ. Do khối lượng vốn đầu tư FDI vào Nghệ An thời gian qua còn khá khiêm tốn, các dự án chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, chưa thu hút được các công trình, dự án lớn mang tính động lực, có tính chất lan tỏa, công nghệ được sử dụng trong các doanh nghiệp FDI tại Nghệ An còn hạn chế, cơ cấu đầu tư còn đơn giản.

(ii) Thời gian từ khi được triển khai thực hiện cho đến lúc có tác động đến sản lượng còn khá dài (sau 5 năm), do mất nhiều thời gian nhằm hoàn thành các thủ tục đầu tư, lĩnh vực đầu tư chủ yếu vào các ngành cần có nhiều thời gian để đầu tư phát huy tác dụng.

(iii) Nguồn vốn FDI chủ yếu tập trung vào một số dự án sản xuất công nghiệp lớn; các dự án thuộc lĩnh vực khác có thế mạnh của Tỉnh lại chưa thu hút được nguồn vốn đầu tư để có thể phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, như: các dự án nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, dự án du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng...

MỘT SỐ GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG ĐÓNG GÓP CỦA FDI ĐẾN PHÁT TRIỂN KINH TẾ TỈNH NGHỆ AN

Một là, rà soát, điều chỉnh, nâng cao chất lượng quy hoạch, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trên địa bàn Tỉnh theo hướng đơn giản, không chồng chéo và có tính khả thi, tính thực tiễn cao. Làm tốt công tác xây dựng quy hoạch và quản lý quy hoạch. Đặc biệt, triển khai có hiệu quả các giải pháp tại Quyết định số 1059/QĐ-TTg, ngày 14/9/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quan tâm đẩy nhanh việc hoàn thành thủ tục và triển khai đầu tư Dự án cảng nước sâu Cửa Lò, thúc đẩy triển khai các dự án xây dựng nhà ở xã hội đã được cấp chủ trương đầu tư để phục vụ người lao động trong Khu Kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp...

Hai là, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm hạn chế và ngăn chặn tình trạng chuyển giá của các doanh nghiệp FDI. Tiến tới, xem xét nghiên cứu ban hành các quy định về thẩm tra năng lực của nhà đầu tư trên cơ sở kinh nghiệm và thực tiến triển khai, cơ chế phối hợp giữa các sở, ngành liên quan trong công tác thẩm tra năng lực, thẩm định dự án đầu tư và quản lý dự án đầu tư trên địa bàn Tỉnh.

Ba là, nâng cao chất lượng công tác thẩm tra, cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo nguyên tắc tuân thủ quy hoạch tổng thể phát triển vùng kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế - xã hội của Tỉnh… Chú trọng xem xét, đánh giá lợi ích kinh tế - xã hội của dự án, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến công nghệ, môi trường sinh thái, phát triển nguồn nhân lực, tác động đến cộng đồng dân cư, sự liên kết với doanh nghiệp trong nước, thị trường, đối tác; cùng với đó, thực hiện ký quỹ thực hiện dự án đầu tư để ràng buộc trách nhiệm của nhà đầu tư sớm đưa dự án đi vào hoạt động.

Bốn là, tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư và các hoạt động trong và ngoài nước nhằm quảng bá, tuyên truyền, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng và cơ hội đầu tư. Tạo mối quan hệ tốt với các nhà đầu tư nước ngoài hiện đang đầu tư tại địa bàn tỉnh, để thông qua đó tạo cầu nối đối với các nhà đầu tư khác. Coi các nhà đầu tư hiện tại như một kênh quảng bá và xúc tiến đầu tư vào tỉnh Nghệ An.

Năm là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua đẩy mạnh đào tạo kỹ năng, năng lực thực hành; Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hoá, đa dạng nguồn lực cho phát triển giáo dục nghề nghiệp trong đó nguồn ngân sách nhà nước làm định hướng và có sự tham gia của doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động; Chuẩn hoá đội ngũ nhà giáo để đáp ứng mục tiêu đào tạo; Tiếp nhận và sử dụng đồng bộ chương trình, giáo trình phù hợp với thị trường lao động cho các nghề trọng điểm cấp độ khu vực và quốc tế.; Đẩy mạnh gắn kết với doanh nghiệp. Hoàn thiện các chính sách, khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong Tỉnh mở rộng hợp tác, liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo ở nước ngoài; hợp tác nghiên cứu khoa học; thu hút các nhà đầu tư nước ngoài phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp, hợp tác đào tạo trên địa bàn Tỉnh.

Sáu là, tiếp tục ưu tiên bố trí vốn đầu tư để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội. Trước mắt, tập trung nguồn lực để lựa chọn đầu tư các hạ tầng thiết yếu tại Khu kinh tế Đông Nam, các khu công nghiệp, các cụm công nghiệp tập trung theo hướng đầu tư phục vụ thu hút đầu tư.

Đồng thời, khai thác tối đa các nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước; sử dụng hình thức hợp tác nhà nước và tư nhân trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng (PPP); chú trọng xúc tiến, kêu gọi các nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp. Cân đối dành vốn hàng năm để giải phóng mặt bằng. Chủ động tạo quỹ đất sạch hợp lý, sẵn sàng đón các nhà đầu tư, xóa dần tình trạng nhà đầu tư chờ giải phóng mặt bằng quá lâu./.

Nguyễn Mai Hường, Nguyễn Thị Tiếng

Trường Đại học Vinh

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 32, tháng 11/2023)


Tài liệu tham khảo

1. Cục Thống kê tỉnh Nghệ An (2011-2023), Niên giám Thống kê các năm, từ năm 2010 đến năm 2022, Nxb Thống kê.

2. Phan Hữu Thắng (2021), FDI nhiệm vụ kép trong bối cảnh mới, Nxb Khoa học và Kỹ thuật.

3. Tổng cục Thống kê (2020), Kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An 2010-2019, Nxb Thống kê.