Thu phí hạ tầng cảng biển Hải Phòng: Cần cân đối và hài hòa lợi ích các bên
TP Hài Phòng thu phí hạ tầng cảng biển từ 01/01/2017
Việc thu phí của Hải Phòng là… đúng luật
Mới đây, trả lời phỏng vấn của Báo Nhân Dân, ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng. HĐND thành phố Hải Phòng đã cân nhắc khá kỹ khi bàn bạc và ra Nghị quyết về thu phí sử dụng kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng khu vực cửa khẩu cảng biển Hải Phòng (thu phí hạ tầng cảng biển) trên cơ sở bảo đảm đúng quy định pháp luật, tăng cường đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, đáp ứng yêu cầu và tạo điều kiện thuận lợi ngày càng cao của hoạt động giao thương, xuất, nhập khẩu qua cửa khẩu cảng Hải Phòng.
Trên cơ sở các quy định pháp luật về phí, lệ phí và ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, ông Tùng cho biết, TP Hải Phòng đã tổ chức xây dựng Đề án thu phí, lấy ý kiến đóng góp của cử tri và doanh nghiệp, HĐND thành phố đã bàn bạc và biểu quyết 100% đại biểu tán thành thông qua, ban hành và triển khai thực hiện Nghị quyết theo đúng quy trình và quy định pháp luật.
Từ tháng 10/2016, UBND thành phố Hải Phòng, Sở Tài chính, UBND quận Hải An đã tổ chức 6 cuộc họp với hàng trăm doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh cảng biển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, các hãng tàu, đại lý vận tải biển… để xin ý kiến góp ý xây dựng Đề án thu phí và giải đáp các kiến nghị của doanh nghiệp...
Cùng với đó, toàn văn Đề án thu phí đã được đăng liên tiếp trên ba số báo Hải Phòng và An ninh Hải Phòng, Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng có nhiều hoạt động tuyên truyền, thông tin về Đề án thu phí.
Ông Tùng cũng cho biết, giữa tháng 11/2016, HĐND thành phố Hải Phòng tổ chức 99 cuộc tiếp xúc cử tri, các đại biểu HĐND thành phố đều báo cáo cụ thể Đề án thu phí tới đông đảo người dân, doanh nghiệp, tiếp thu các ý kiến đóng góp và nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao.
Cục Hải quan TP Hải Phòng cũng đã có Văn bản số 10682/HQHP-VP ngày 22/11/2016 thông báo chủ trương của TP Hải Phòng về việc thu phí tới đông đảo doanh nghiệp kinh doanh cảng biển, doanh nghiệp đại lý, hãng tàu, doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa xuất nhập khẩu và niêm yết công khai tại các chi cục hải quan cửa khẩu cảng biển theo quy định.
Vừa qua, theo ý kiến chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ, các Bộ: Tư pháp, Công Thương, Giao thông vận tải, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng... đều đã có văn bản khẳng định HĐND thành phố Hải Phòng ban hành Nghị quyết số 148/2016/NQ-HĐND ngày 8/12/2016 về thu phí hạ tầng cảng biển từ ngày 1/1/2017 là theo đúng thẩm quyền, phù hợp quy định của Luật Phí và lệ phí và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, quy trình ban hành đúng quy định...
Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cũng đã kiểm tra tính pháp lý và đến nay chưa thấy có quy định trái pháp luật trong Nghị quyết này.
Tuy nhiên, “Chúng tôi sẽ chỉ đạo rà soát mức phí, so sánh với các địa phương khác khi tiến hành thu phí tương tự, để xem xét, điều chỉnh cho hợp lý, vừa bảo đảm nguồn thu theo quy định, vừa bảo đảm lợi ích doanh nghiệp”, ông Nguyễn Văn Tùng khẳng định.
Doanh nghiệp và chuyên gia lại… không đồng thuận
Mặc dù giải trình của lãnh đạo TP Hải Phòng là đã xin ý kiến và được sự đồng thuận của các doanh nghiệp, song thực tế hình như lại không phải vậy.
Ngày 13/12/2016, HĐND TP. Hải Phòng ban hành Nghị quyết số 148/2016/NQ-HĐND, về việc quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển Hải Phòng. Theo đó, từ ngày 01/01/2017, HĐND Thành phố yêu cầu các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá nhập khẩu, hàng hoá xuất khẩu, hàng tạm nhập tái xuất, hàng chuyển khẩu, hàng gửi kho ngoại quan phải nộp phí khoảng 2,2-4,8 triệu đồng/container, tuỳ trọng tải. Đối với hàng quá cảnh, mức phí 500 nghìn-1 triệu đồng/container. Theo quy định này, trước khi làm thủ tục qua các cửa khẩu cảng biển, doanh nghiệp đến các điểm thu phí nhận Tờ khai phí do cơ quan thu phí cung cấp, lập tờ khai phí gửi cho cơ quan thu phí. Đồng thời, nộp tiền phí và nhận biên lai thu phí. |
Ngay khi triển khai thực hiện việc thu phí, một số doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp có ý kiến, thậm chí gửi kiến nghị tới Chính phủ về tính pháp lý, cũng như mức phí thu, thậm chí không ngần ngại cho rằng, TP Hải Phòng đang tận thu, gây khó cho doanh nghiệp.
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, mới đây, VCCI cũng đã có văn bản thể hiện quan điểm về việc thu phí của Hải Phòng.
Cụ thể, theo VCCI, việc thu phí này của TP. Hải Phòng sẽ trở thành gánh nặng mới về phí cho các doanh nghiệp, trong bối cảnh các doanh nghiệp đang phải chịu rất nhiều các loại phí khác (phí cầu đường, các loại phí phát sinh khi sử dụng cầu cảng, kho bãi, các công trình dịch vụ ở khu vực cảng biển…) và nhiều loại cũng đang tăng nhanh (như phí BOT). Điều này sẽ tác động trực tiếp đến chi phí, lợi nhuận của các doanh nghiệp và làm suy giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
VCCI cho rằng, Nghị quyết 148 của TP. Hải Phòng đã đi ngược lại tinh thần của giải pháp về rà soát để giảm các chi phí kinh doanh - một trong năm nhóm giải pháp quan trọng của Nghị quyết 35 của Chính phủ.
VCCI còn lo ngại việc ban hành Nghị quyết 148 tại Hải Phòng sẽ tạo ra tiền lệ nguy hiểm để các địa phương có cảng biển và cảng sân bay sẽ đặt ra các loại phí trong thời gian tới, tạo ra những bất lợi cho hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam.
Nhiều chuyên gia cũng đồng thuận với quan điểm của cộng đồng doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, cho rằng, quy định này đang đi ngược với những nỗ lực của Chính phủ trong thời gian qua về cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
Theo phân tích của bà Thảo, việc yêu cầu doanh nghiệp phải nộp giấy tờ thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển là trái với quy định tại Thông tư 38/2015/TT-BTC về thủ tục hải quan thuế xuất khẩu nhập khẩu quản lý thuế hàng xuất nhập khẩu
. Theo Thông tư 38, hồ sơ hải quan không bao gồm giấy tờ này. Tổng cục Hải quan đã kịp thời ban hành văn bản yêu cầu Cục hải quan TP. Hải Phòng không được yêu cầu doanh nghiệp nộp, hoặc xuất trình các chứng từ, giấy tờ khác ngoài các chứng từ trong bộ hồ sơ hải quan (Công văn số 221/TCHQ-GSQL, ngày 10/01/2017).
Bên cạnh đó, việc thu phí này còn chồng chéo với nhiều loại phí khác mà doanh nghiệp đang phải trả, như: phí nâng hạ container, xếp dỡ, lưu kho, bảo trì đường bộ, cầu đường…
Bà Thảo nhận định, sự tuỳ ý trong việc ra quyết định của Hải Phòng, chỉ xét tới lợi ích của ngân sách địa phương, bỏ qua lợi ích của doanh nghiệp. Bà kiến nghị, cần bãi bỏ ngay quy định về việc thu phí này.
Về góc độ pháp luật, luật gia Lê Duy Bình, Công ty Economica Việt Nam cho rằng, việc thu phí này đáng lẽ ra phải được thực hiện qua một quy trình về đánh giá tác động chính sách theo quy định của Luật Ban hành Văn bản Quy phạm pháp luật nhằm xác định cụ thể các chi phí – lợi ích của đề án này và đưa ra phương án phù hợp nhất và hài hòa được lợi ích của Nhà nước và doanh nghiệp.
Hơn nữa, do đây là quyết định có ảnh hưởng trực tiếp tới cộng đồng doanh nghiệp, nên đáng lẽ ra quyết định này cũng cần phải được tham vấn chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp thông qua VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp theo đúng các quy định hiện hành.
“Tuy nhiên, dường như các quy trình này chưa được thực hiện một cách đầy đủ, khiến cho cộng đồng doanh nghiệp hoàn toàn bất ngờ và bày tỏ sự quan ngại về ảnh hưởng của quyết định này đối với năng lực cạnh tranh và khả năng sinh tồn của doanh nghiệp mình”, ông Bình chỉ rõ.
Trước quan điểm trái chiều của UBND TP Hải Phòng với cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia, ngày 24/2/2016, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có ý kiến chỉ đạo việc thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cảng biển Hải Phòng.
Cụ thể, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam làm việc với UBND Thành phố Hải Phòng để rà soát, xem xét cụ thể quy định về mức thu, đối tượng tính phí, nộp phí, tình trạng chồng lấn, trùng lắp (nếu có), việc thực hiện thu phí trên của Thành phố Hải Phòng đảm bảo phù hợp với Luật phí và lệ phí?
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính phải đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/3/2017.
Như vậy, phải đến ngày 20/3/2017, vụ việc thu phí hạ tầng của TP Hải Phòng mới ngã ngũ đúng sai và việc thu phí bao nhiêu, như thế nào cũng cần tính toán một cách thận trọng để đảm bảo cân đối, hài hòa giữa lợi ích của các bên./.
Bình luận