Thủ tướng yêu cầu hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội
Cụ thể, tại Công văn số 1703/VPCP-CN, ngày 18/3/2022, Thủ tướng Chính phủ về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục làm việc với UBND thành phố Hà Nội rà soát hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án, xây dựng Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án theo đúng quy định của pháp luật.
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục làm việc với UBND thành phố Hà Nội rà soát hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội |
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án nêu trên
Trước đó, ngày 23/02/2022 tại phiên họp Hội đồng thẩm định nhà nước Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao ý kiến của các đại biểu; đánh giá cao sự tham gia của các thành viên, các đơn vị vào tổ công tác liên ngành; đồng thời đề nghị cần làm rõ hơn sự cần thiết, tính quan trọng, cấp bách cũng như tác động của dự án đối với sự phát triển của toàn vùng, từng địa phương trong vùng và toàn nền kinh tế; giải quyết nhu cầu giao thông trực tiếp cho khu vực đô thị trung tâm, tạo bước phát triển đột phá về phát triển kinh tế - xã hội, đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ cho các địa phương trong Vùng Thủ đô nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng; tạo không gian phát triển mới để khai thác tiềm năng sử dụng đất đai và tận dụng các khu vực thuận lợi cho phát triển đô thị. Cần giải trình rõ những cơ sở, sự cần thiết đối với các dự án thành phần; đến phân kỳ đầu tư đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật của đường cao tốc quốc gia; về vốn nhà nước tham gia dự án; rà soát lại tổng mức đầu tư; cơ chế đặc thù; rà soát, cập nhật số liệu chính xác…
Bộ trưởng đề nghị UBND thành phố Hà Nội phối hợp chặt chẽ với các địa phương và tư vấn tiếp thu ý kiến để nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ trên tinh thần khẩn trương, nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng để Dự án là động lực phát triển, sau khi đầu tư mở rộng không gian phát triển mới; là động lực, hành lang kinh tế chứ không đơn thuần là hành lang giao thông, đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước.
Theo UBND TP. Hà Nội, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 có ý nghĩa tạo không gian phát triển mới cho Hà Nội và toàn bộ Vùng Thủ đô, góp phần kết nối các tuyến đường quốc lộ, cao tốc hướng tâm. Tuyến đường Vành đai 4 hoàn thành sẽ giảm ùn tắc cho Vành đai 3; góp phần phát triển đô thị hai bên tuyến đường; góp phần phục vụ công tác an ninh, quốc phòng.
Dự án Vành đai 4 có chiều dài 112,8 km, trong đó đoạn qua TP Hà Nội dài 58,2 km qua 7 huyện; đoạn qua Hưng Yên dài 19 km; đoạn qua Bắc Ninh dài 25,6 km và tuyến nối với quốc lộ 18 dài 9,7 km. Quy mô hoàn chỉnh gồm 6 làn xe cao tốc và hệ thống đường song hành hai bên, các hành lang để bố trí cây xanh, các công trình hạ tầng kỹ thuật và dự trữ cho đường sắt vành đai. Tuyến nối theo hướng quy hoạch đường cao tốc Nội Bài-Hạ Long đến cao tốc Hà Nội-Bắc Giang nhằm khép kín đường Vành đai 4 có quy mô 4 làn xe cao tốc. Dự án đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc với thiết kế 100 km/giờ với thành phần đường cao tốc và tuyến nối theo hướng đường cao tốc Nội Bài-Hạ Long.
Dự án áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại từ giai đoạn chuẩn bị (khảo sát bằng thiết bị bay không người lái, công nghệ ảnh hàng không…); giai đoạn thực hiện sử dụng các vật liệu mới như bê-tông cường độ cao, siêu cao, mặt đường nhựa với nhiều thiết bị và phương pháp thi công mới…
Dự án đường Vành đai 4 sẽ có 8 nút giao được xây dựng giai đoạn 1 bao gồm: Nút giao cao tốc Nội Bài-Lào Cai; nút giao đường trục Mê Linh; đại lộ Thăng Long; quốc lộ 6; nút giao Pháp Vân-Cầu Giẽ; nút giao cao tốc Hà Nội-Hải Phòng; quốc lộ 38; nút giao cao tốc Nội Bài-Lào Cai. Trên tuyến có 3 cầu vượt vượt sông, gồm 2 cầu vượt sông Hồng là: cầu Hồng Hà (dài 5.023m) và cầu Mễ Sở (dài 2.674m); 1 cầu lớn vượt sông Đuống (dài 990m).
Dự án được chia thành 3 dự án thành phần vận hành độc lập và triển khai theo phương thức PPP có kết hợp đầu tư công. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư căn cứ quy mô của từng dự án thành phần theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật về đầu tư theo hình thức PPP.
Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 1.341 ha. Giải phóng mặt bằng theo quy mô quy hoạch.
Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội là 87.225 tỷ đồng (bao gồm lãi vay trong quá trình xây dựng là 2.823 tỷ đồng), bao gồm nhu cầu vốn ngân sách là 56.770 tỷ đồng (ngân sách trung ương là 29.687 tỷ đồng; ngân sách địa phương là 27.083 tỷ đồng); vốn BOT là 30.455 tỷ đồng.
Tiến độ thực hiện mà UBND TP Hà Nội đề xuất là chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2021, hoàn thành công trình vào năm 2028. Dự án thành phần số 3 có mục tiêu đầu tư hệ thống đường cao tốc toàn tuyến (quy mô 4 làn xe, rộng 17 m với đường và 17,5 m với cầu) và tuyến nối 9,7 km sẽ được thực hiện theo hình thức PPP sẽ do UBND TP. Hà Nội là cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Dự án thành phần số 3 có tổng mức đầu tư khoảng 61.784 tỷ đồng này được UBND TP Hà Nội kiến nghị áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước.
Nhà đầu tư đề xuất là Vingroup./.
Bình luận