Từ khóa: phát triển du lịch, sản phẩm du lịch, Đồng bằng sông Cửu Long, BVMT

Summary

This study focuses on analyzing the current situation of tourism development associated with environmental protection in the Mekong Delta, a region with great potential for tourism development thanks to its cultural diversity, beautiful scenery, and many world heritage wonders. Based on secondary data from the localities, the research results show that tourism activities attached to environmental protection of the region still have many shortcoming, which need effective solutions in the coming time.

Key words: tourism development, tourism products, Mekong Delta, environmental protection

GIỚI THIỆU

Các tỉnh ĐBSCL là một trong những địa điểm yêu thích đối với khách du lịch trong và ngoài nước. Trong những năm vừa qua, ngành du lịch của vùng ĐBSCL đã có những bước phát triển vượt bậc, đáng khích lệ. Nguồn thu từ hoạt động du lịch và sự tăng trưởng du lịch đã có những đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh ĐBSCL nói riêng và của cả nước nói chung. Tuy nhiên, hoạt động du lịch gắn với BVMT vùng ĐBSCL chưa phát huy được hết tiềm năng, chưa được khai thác một cách hiệu quả và tương xứng là do một số hạn chế, cần được giải quyết.

Vì vậy, để hoạt động du lịch gắn với BVMT của vùng ĐBSCL được phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn, việc tìm hiểu rõ thực trạng hoạt động du lịch gắn với BVMT của các tỉnh ĐBSCL là việc cần thiết, nhằm giúp định hình và tìm ra những giải pháp, chính sách phù hợp trong thời gian tới.

THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH VÙNG ĐBSCL

Về chủ trương, chính sách

Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch ĐBSCL đã được Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 2227/QĐ-TTg, ngày 18/11/2016. Đây là văn bản pháp lý quan trọng để tạo cơ sở khai thác tiềm năng thế mạnh của Vùng cho phát triển du lịch. Chính quyền và ngành du lịch vùng ĐBSCL cũng đã ban hành các văn bản hướng dẫn kinh doanh lưu trú, lữ hành... phù hợp với từng địa phương trong Vùng, cũng như kịp thời phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật trong hoạt động du lịch cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch vùng ĐBSCL thực hiện.

Đặc biệt, trước thách thức của hiện tượng biến đổi khí hậu, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP, ngày 17/11/2017 về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Nghị quyết đã đề cập cơ bản các vấn đề mang tính chiến lược căn bản, lâu dài đối với phát triển vùng ĐBSCL, đưa ra các giải pháp tổng thể về quy hoạch, tổ chức không gian, cơ cấu kinh tế liên kết vùng và huy động nguồn lực cho phát triển, đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành địa phương. Nghị quyết này là cơ sở để triển khai nhiều chương trình, hoạt động của Chính phủ nhằm thúc đẩy phát triển bền vững của vùng.

Ngoài ra, Chính phủ cũng ban hành nhiều chỉ thị để tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, như: (1) Chỉ thị số 18/CT- TTg, ngày 04/9/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch; (2) Chỉ thị số 14/CT- TTg, ngày 02/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về du lịch, tập trung khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch…

Về tình hình kinh doanh dịch vụ du lịch tại các tỉnh ĐBSCL

Cụ thể hóa Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch ĐBSCL, các địa phương đã triển khai thực hiện Chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch Cụm phía Tây, gồm: An Giang - Kiên Giang - Cà Mau - TP. Cần Thơ - Bạc Liêu - Sóc Trăng - Hậu Giang; Cụm phía Đông gồm: Long An - Tiền Giang - Bến Tre - Vĩnh Long - Trà Vinh - Đồng Tháp; mở rộng liên kết hợp tác phát triển giữa vùng ĐBSCL với các vùng du lịch trọng điểm trong cả nước; tiến tới mở rộng liên kết hợp tác với các địa phương ngoài nước; cùng nhau triển khai thực hiện Đề án phát triển sản phẩm du lịch ĐBSCL; tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, du lịch... để thu hút du khách.

Mặc dù có nhiều nỗ lực, nhưng trong giai đoạn 2018-2022, doanh thu từ hoạt động du lịch của vùng ĐBSCL nhìn chung còn khiêm tốn (Bảng 1). Năm 2019, doanh thu du lịch của Vùng chỉ đạt 29.804 tỷ đồng, tăng 25,32% so với năm 2018. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên không đạt chỉ tiêu. Riêng năm 2022, du lịch vùng BĐSCL đạt mức ấn tượng 33.977 tỷ đồng, tăng 216,92% so với năm 2021.

Bảng 1: Lượt khách du lịch nội địa và quốc tế đến ĐBSCL năm 2018-2022

Đơn vị: Lượt khách

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020

Năm 2021

Năm 2022

Số lượng

Số lượng

Tốc độ tăng (%)

Số lượng

Tốc độ tăng (%)

Số lượng

Tốc độ tăng (%)

Số lượng

Tốc độ tăng (%)

Khách du lịch nội địa

37.325.187

43.597.995

16,80

28.210.386

-54,50

14.621.517

-48,16

42.320.268

189,43

Khách du lịch quốc tế

3.420.109

3.444.873

7,24

241.290

-92,99

21.517

-91,08

1.719.744

7892,48

Tổng lượt khách

40.745.296

47.042.868

15,45

28.451.676

-39,51

14.643.034

-48,53

44.040.012

200,75

Doanh thu

23.782

29.804

25,32

22.010

-26,15

10.721

-51,29

33.977

216,92

Nguồn: Số liệu thống kê của Hiệp hội Du lịch ĐBSCL

Theo báo cáo Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, trong 6 tháng đầu năm 2023, khu vực ĐBSCL đón 26.908.675 lượt khách, tăng 33,46% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó khách quốc tế tăng mạnh nhất với 955.463 lượt, tăng 636% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng doanh thu du lịch vùng ĐBSCL ước đạt hơn 26.215 tỷ đồng, tăng 77,99% so với cùng kỳ năm 2022.

Về phát triển du lịch gắn liền với BVMT tại vùng ĐBSCL

Sau khi thu thập dữ liệu qua các số liệu thống kê tại địa phương, thực trạng phát triển du lịch gắn với BVMT tại các tỉnh vùng ĐBSCL được thể hiện cụ thể như sau:

Cơ sở lưu trú cho khách du lịch: Hệ thống cơ sở lưu trú của ĐBSCL đã phát triển với tốc độ nhanh, đồng thời cũng không ngừng nâng cấp, xây mới khách sạn, nhà nghỉ phục vụ du khách, đặc biệt là từ năm 2017 (Bảng 2). Trong đó, tỷ lệ buồng đạt tiêu chuẩn từ 3 sao đến 5 sao chiếm khoảng 15%. Tạp chí du lịch nổi tiếng của Mỹ Travel and Leisure đã bình chọn ĐBSCL đứng thứ 11 trong số 20 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới.

Bảng 2: Số cơ sở lưu trú du lịch vùng ĐBSCL giai đoạn 2017-2021

Cơ sở lưu trú

2017

2018

2019

2020

2021

Số lượng

Số lượng

Thay đổi

Số lượng

Thay đổi

Số lượng

Thay đổi

Số lượng

Thay đổi

Long An

135

139

4

140

1

146

6

154

8

Tiền Giang

329

332

3

333

1

334

1

335

1

Bến Tre

65

67

2

75

8

83

8

96

13

Trà Vinh

93

102

9

120

18

132

12

148

16

Vĩnh Long

62

69

7

73

4

75

2

98

23

Đồng Tháp

82

87

5

107

20

118

11

120

2

An Giang

90

90

0

98

8

105

7

115

10

Kiên Giang

150

232

82

356

124

495

139

776

281

Cần Thơ

165

172

7

184

12

191

7

251

60

Hậu Giang

65

72

7

80

8

83

3

88

5

Sóc Trăng

148

152

4

155

3

158

3

160

2

Bạc Liêu

45

47

2

52

5

55

3

60

5

Cà Mau

74

79

5

80

1

85

5

89

4

ĐBSCL

1.503

1.640

137

1.853

213

2.060

207

2490

430

Nguồn: Tác giả tổng hợp

Có một điều đáng lưu ý là, sự phân bố các cơ sở lưu trú ở ĐBSCL không đều nhau, hầu hết các khách sạn đều tập trung ở một số địa phương, như: Kiên Giang, Cần Thơ. Đặc biệt, loại hình du lịch kết hợp lưu trú tại nhà dân, nhà cổ, nhà ở sinh thái, du thuyền… là hình thức khá thu hút khách du lịch và được triển khai ở ĐBSCL từ năm 2006. Mặc dù vậy, theo thực trạng hiện nay, những địa phương đang thực hiện loại hình này không đủ điều kiện để xây dựng khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, hay quán ăn phục vụ nhu cầu khách du lịch.

Về chất lượng, các cơ sở lưu trú ở ĐBSCL được nâng dần qua các năm. Các dịch vụ về buồng phòng, ăn uống cũng như các dịch vụ đi kèm đã có nhiều chuyển biến rõ rệt. Hiện nay, đặc biệt là Phú Quốc, các dự án xây dựng các resort, khách sạn 5 sao đang được đầu tư khá nhiều. Tuy nhiên, nhìn chung, ngoại trừ Phú Quốc, thì các cơ sở lưu trú tại các tỉnh/thành khác thường có quy mô nhỏ, tự phát, số lượng cũng như chất lượng về dịch vụ, công nghệ áp dụng cũng như nguồn nhân lực phục vụ chưa đạt chuẩn để đáp ứng như cầu nghỉ ngơi của khách du lịch. Những hạn chế đó đã ảnh hưởng đến việc thu hút khách du khách đến tham quan, cũng như nghỉ dưỡng dài ngày.

Tài nguyên du lịch và sản phẩm du lịch đặc thù của ĐBSCL

Với lợi thế về cảnh quan sông nước hữu tình, văn hóa đặc sắc, ẩm thực đa dạng..., ĐBSCL có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Đối với tài nguyên du lịch tự nhiên, ĐBSCL có 2 khu sinh quyển thế giới tại Kiên Giang và Cà Mau, 4 vườn quốc gia U Minh Hạ (Cà Mau), Tràm Chim (Đồng Tháp), U Minh Thượng và Phú Quốc (Kiên Giang), và nhiều vườn hoa rực rỡ sắc màu, vườn cây ăn trái bạt ngàn, trĩu quả như làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp), vườn hoa kiểng ở Long An, vườn trái cây ở Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre… Ngoài ra, những phiên chợ nổi nhộn nhịp vào buổi sáng sớm, như: Cái Răng (Cần Thơ), Phụng Hiệp (Hậu Giang), Cái Bè (Tiền Giang), Ngã Năm (Sóc Trăng)…; cồn Phụng, cồn Ốc, cồn Quy, cồn Tiên (Bến Tre), cồn Mỹ Phước (Sóc Trăng), cồn Thới Sơn (Tiền Giang)… luôn chan hòa ánh nắng, thiên nhiên trong lành cũng là một nét đẹp rất đặc trưng của vùng sông nước Nam Bộ.

Đối với tài nguyên du lịch nhân văn, ĐBSCL có tài nguyên du lịch nhân văn vô cùng phong phú, những lễ hội dân gian, truyền thống mang bản sắc văn hóa độc đáo, như: lễ hội vía bà Chúa Xứ núi Sam, lễ hội Nguyễn Trung Trực, lễ hội Okombok đua ghe ngo, đua bò Bảy Núi.

Dựa trên nguồn tài nguyên du lịch phong phú, trong những năm qua, nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn cũng đã được mở rộng và triển khai tại Vùng, trong đó có nhiều sản phẩm đặc thù như Bảng 3.

Bảng 3: Sản phẩm du lịch đặc thù tại ĐBSCL

TT

Sản phẩm

Địa điểm

Tham quan miệt vườn và trải nghiệm cuộc sống người nông dân trên lưu vực sông Tiền và sông Hậu

Cù lao Thới Sơn (Tiền Giang), cù lao An Bình (Vĩnh Long), cù lao Phụng (Bến Tre)

Tham quan và trải nghiệm cuộc sống người dân vùng sông nước tại các phiên chợ nổi

Chợ nổi Cái Răng, Phong Điền (Cần Thơ), Cái Bè (Tiền Giang)

Tham quan cảnh quan và trải nghiệm giá trị cảnh quan, sinh thái và đa dạng sinh học đất ngập nước nội địa (rừng Tràm)

Vườn quốc gia Tràm Chim, Gò Tháp, Xẻo Quýt (Đồng Tháp), KBT đất ngập nước Láng Sen, Tân Lập (Long An), Trà Sư (An Giang), Vườn quốc gia U Minh Thượng (Kiên Giang), Vườn quốc gia U Minh Hạ (Cà Mau)…

Tham quan các sân chim

Tam Nông, Gò Tháp (Đồng Tháp), Bạc Liêu, Ba Tri (Bến Tre)…

Tham quan cảnh quan và trải nghiệm các giá trị sinh thái rừng ngập mặn

Khu dự trữ sinh quyển- Vườn quốc gia Đất Mũi (Cà Mau), rừng ngập mặn ven biển Bạc Liêu, v.v.

Tham quan cảnh quan và trải nghiệm hệ sinh thái biển đảo ở hệ thống các đảo ven bờ vùng vịnh Thái Lan

Đảo Phú Quốc, Hải Tặc (Kiên Giang), Hòn Khoai (Cà Mau)

Trải nghiệm cảnh quan và cuộc sống người dân trong mùa nước nổi

Vùng trũng Đồng Tháp Mười (Đồng Tháp và Long An)

Nguồn: Tổng hợp của tác giả

Nhìn chung, ĐBSCL là khu vực có những tiềm năng du lịch dồi dào và độc đáo, không giống bất kỳ vùng miền nào trên cả nước, có thể phát triển nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc. Tuy nhiên, các địa phương trong Vùng phần lớn là khai thác tài nguyên sẵn có, mà chưa có sự đầu tư, phát huy đúng mức. Đa phần sản phẩm du lịch trong Vùng còn cũ kỹ, có sự trùng lắp giữa các địa phương với nhau, chủ yếu vẫn là các tour tham quan sông nước miệt vườn, nghe đờn ca tài tử, tát mương bắt cá..., kể cả trong thực đơn vẫn là những món ăn cũ, qua nhiều năm vẫn không có sự cải tiến dẫn đến khách du lịch chỉ đến một lần và không hứng thú để quay lại nhiều lần.

Nguồn nhân lực du lịch

Lực lượng lao động trong ngành du lịch của toàn vùng ĐBSCL tuy tăng mạnh trong hơn một thập kỷ qua, nhưng tỷ lệ lao động qua đào tạo chuyên môn còn thấp và chưa phân bố hợp lý. Theo thống kê của Hiệp hội Du lịch ĐBSCL năm 2018 là 47.209 người; và năm 2019 số liệu lao động ngành du lịch của 12 tỉnh vùng ĐBSCL là 52.439 người (tỉnh An Giang không có thống kê); ước tính năm 2020 lao động trong ngành du lịch của 12 tỉnh vùng ĐBSCL là 51.867 người (tỉnh An Giang không có thống kê) do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (Huỳnh Văn Tánh, 2021).

Một thực trạng đáng lưu ý là chất lượng nguồn nhân lực ngành du lịch của vùng ĐBSCL còn rất thấp, tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo rất lớn. Theo thống kê của Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, năm 2018 số lao động đã qua đào tạo nghiệp vụ du lịch Vùng đạt trên 40%; năm 2019 lao động đã qua đào tạo nghiệp vụ du lịch của 11 tỉnh vùng ĐBSCL là 21.843 người (tỉnh An Giang và Kiên Giang không có thống kê) đạt 41,65%; năm 2020, lao động đã qua đào tạo nghiệp vụ du lịch của 11 tỉnh vùng ĐBSCL là 22.902 người (tỉnh An Giang và Kiên Giang không có thống kê) đạt 44,15%. Như vậy, có hơn một nửa (từ 56% đến 60%) lao động ngành du lịch vùng ĐBSCL chưa qua đào tạo. Điều này là thách thức rất lớn cho việc phát triển du lịch của Vùng, cũng như đòi hỏi phải nâng cao việc đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch vùng ĐBSCL cả về số lượng lẫn chất lượng (Huỳnh Văn Tánh, 2021)

KẾT LUẬN

Nhìn chung trong thời gian qua, vùng ĐBSCL đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển du lịch, khai thác những yếu tố về cảnh quan thiên nhiên, văn hóa của vùng, các giá trị về đời sống, phong tục tập quán, lễ hội tạo sự thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Tuy nhiên, quá trình phát triển du lịch vùng ĐBSCL đã làm ảnh hưởng đến tài nguyên thiên nhiên văn hóa, cũng như tác động không nhỏ đến biến đổi khí hậu, hiện tượng xâm nhập mặn tại nhiều địa phương trong Vùng làm ảnh hưởng đến nguồn nước, hoạt động nông nghiệp và du lịch chưa được lồng ghép hợp lý và thu hút du khách.

Ngoài ra, một số bất cập đang tồn tại ở các địa phương, như: trình độ nhận thức về BVMT của khách du lịch là khác nhau, việc quản lý của các địa phương khai thác du lịch không giống nhau, việc giám sát về BVMT cần nhiều nỗ lực hơn, đầu tư công và việc quản lý đầu tư công cho du lịch cũng là yếu tố cần được xem xét...

Chính vì vậy, để phát triển du lịch vùng ĐBSCL một cách bền vững và hiệu quả, cần hướng tới việc bảo vệ môi trường, đây là vấn đề quan trọng và cấp bách được đặt ra cho toàn Vùng. Do đó, cần sớm phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó khuyến khích các hoạt động du lịch thân thiện với môi trường; khuyến khích hỗ trợ cộng đồng tham gia vào các hoạt động du lịch, chia sẻ lợi ích và trách nhiệm trong khai thác tài nguyên cho phát triển du lịch.

ĐBSCL cần tập trung phát triển những dòng sản phẩm du lịch chính là: Sản phẩm du lịch sinh thái; Sản phẩm du lịch văn hóa cội nguồn; Sản phẩm du lịch tham quan miệt vườn, sông nước. Trong đó, sản phẩm du lịch tham quan miệt vườn, sông nước chính là sản phẩm đặc thù nhất của ĐBSCL. Tuy nhiên, cần lưu ý thiết kế sản phẩm phù hợp từng nhóm đối tượng, từng phân đoạn thị trường riêng biệt.

Ngoài ra, Vùng cần có chính sách phát triển du lịch gắn với BVMT theo hướng bền vững; phục hồi những khu vực tài nguyên tự nhiên bị xâm hại và xác định rõ các loại hình du lịch gắn với môi trường để có hướng bảo vệ, bảo tồn nguyên vẹn các hệ sinh thái dễ bị phá hủy và các khu rừng phòng hộ, khu vực rừng ngập mặn.

Mặt khác, vùng ĐBSCL cần tăng cường đào tạo, nâng cao nhận thức cho người dân địa phương về phát triển du lịch; xây dựng chính sách liên kết phát triển nhằm khuyến khích sự tham gia của các cộng đồng địa phương vào hoạt động du lịch; giảm thiểu sự thiệt hại trong quá trình khai thác và sử dụng các nguồn lực; phát triển du lịch gắn với BVMT./.

NCS. Trần Linh Đăng

Khoa Tài chính – Ngân hàng, Trường Đại học Hoa Sen

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 26, tháng 9/2023)


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hiệp hội Du lịch vùng ĐBSCL (2018-2023), Báo cáo thống kê du lịch của các địa phương vùng ĐBSCL các năm, từ năm 2018 đến năm 2023.

2. Huỳnh Biển (2023), Đồng bằng sông Cửu Long: Du khách quốc tế tăng 636% so với cùng kỳ năm 2022, truy cập từ https://baoxaydung.com.vn/dong-bang-song-cuu-long-du-khach-quoc-te-tang-636-so-voi-cung-ky-nam-2022-357623.html.

3. Huỳnh Văn Tánh (2021), Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch ở Đồng bằng sông Cửu Long, Luận án tiến sĩ, Học viện Chính trị quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

4. Tổng cục Du lịch (2015-2020), Thống kê du lịch của vùng ĐBSCL các năm, từ năm 2015 đến năm 2020.

5. Tổng cục Du lịch (2018-2022), Báo cáo thường niên du lịch Việt Nam các năm từ năm 2018 đến năm 2022.