THỰC TRẠNG CHUYỂN ĐỔI LÊN DOANH NGHIỆP CỦA HỘ KINH DOANH TẠI TỈNH TRÀ VINH

Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 được triển khai góp phần tạo ra hệ sinh thái về khởi nghiệp và chuyển đổi lên doanh nghiệp từ cơ sở kinh tế cá thể. Để thực hiện mục tiêu cả nước đạt 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 và đưa Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đi vào cuộc sống, tỉnh Trà Vinh đã tiến hành thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển doanh nghiệp. Đặc biệt, UBND tỉnh Trà Vinh đã ban hành Quyết định số 244/QĐ-UBND, ngày 08/02/2018 về Kế hoạch hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Trà Vinh giai đoạn năm 2018-2020 với nhiều khuyến khích hỗ trợ, tạo môi trường doanh nghiệp phát triển thuận lợi.

Tuy nhiên, kết quả phát triển doanh nghiệp của Tỉnh thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế. Theo thống kê, đến hết năm 2020, toàn Tỉnh chỉ có 2.317 doanh nghiệp, trong đó hầu hết đều là các doanh nghiệp khởi sự kinh doanh bằng hình thức đăng ký thành lập doanh nghiệp, chứ không phải được chuyển lên từ hộ kinh doanh (Hình 1).

Thực trạng và giải pháp thúc đẩy chuyển đổi lên doanh nghiệp của hộ kinh doanh tại tỉnh Trà Vinh
Thực trạng và giải pháp thúc đẩy chuyển đổi lên doanh nghiệp của hộ kinh doanh tại tỉnh Trà Vinh

Theo Cục Thuế tỉnh Trà Vinh, đến tháng 6/2020, toàn Tỉnh chỉ có 100 hộ kinh doanh đã chuyển đổi thành công lên doanh nghiệp chiếm tỷ lệ vô cùng nhỏ (0,46%) trong tổng số 21.681 hộ kinh doanh có đăng ký giấy phép kinh doanh của Tỉnh và chiếm khoảng 21,5% số hộ kinh doanh đủ điều kiện chuyển đổi lên doanh nghiệp, chỉ đạt 20% chỉ tiêu đề ra của Tỉnh (Hình 2). Mặc dù đặt mục tiêu mỗi năm đạt số lượng chuyển đổi là 500 doanh nghiệp, nhưng thực tế giai đoạn 2018-2020, chưa có năm nào số doanh nghiệp thành lập từ chuyển đổi hộ kinh doanh đạt mục tiêu đề ra.

Thực trạng và giải pháp thúc đẩy chuyển đổi lên doanh nghiệp của hộ kinh doanh tại tỉnh Trà Vinh

Trong số các doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh, có đến 45,6% lựa chọn chuyển lên hình thức doanh nghiệp tư nhân; 34,6% lựa chọn loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và còn lại 19,8% lựa chọn chuyển lên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên (Hình 3). Về giới tính của chủ doanh nghiệp, thì có đến 75,6% doanh nghiệp có chủ là nam giới được chuyển đổi hộ kinh doanh và có 24,4% doanh nghiệp có chủ là nữ giới có nguồn gốc từ hộ kinh doanh.

NGUYÊN NHÂN KHIẾN HỘ KINH DOANH KHÔNG MUỐN CHUYỂN ĐỔI THÀNH DOANH NGHIỆP

Thực tế cho thấy, số lượng hộ kinh doanh chuyển sang đăng ký thành lập doanh nghiệp trên toàn Tỉnh là chưa nhiều. Nhiều hộ kinh doanh còn e ngại, không muốn chuyển đổi hình thức kinh doanh. Bên cạnh đó, công tác quản lý, thực thi chính sách hỗ trợ, tuyên truyền chưa thực sự đạt hiệu quả là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó khăn này.

Qua khảo sát từ nghiên cứu của Lê Thị Thu Diềm (2020), lý do khiến các hộ không muốn chuyển đổi phần lớn là do họ không muốn thay đổi, chưa có nhu cầu vì đang kinh doanh ổn định (Hình 4).

Thực trạng và giải pháp thúc đẩy chuyển đổi lên doanh nghiệp của hộ kinh doanh tại tỉnh Trà Vinh

Quyết định chính thức hóa của các hộ kinh doanh cá thể phụ thuộc vào lợi ích thu được từ việc chính thức hóa so với rủi ro tồn tại trong nền kinh tế phi chính thức. Nếu lợi ích lớn hơn rủi ro, chính thức hóa mới là một lựa chọn khả thi. Những rủi ro này được xác định là những yếu điểm, những vấn đề nội tại của hình thức hộ kinh doanh cá thể, cũng như từ chính quá trình chính thức hóa, cùng với đó là những thách thức phải đối mặt khi hộ kinh doanh cá thể tiếp tục mô hình kinh doanh này trong tương lai và những thách thức gặp phải khi quyết định sản xuất, kinh doanh ở hình thức doanh nghiệp. Để đánh giá những điểm yếu, kết hợp với rủi ro, thách thức để chỉ ra điểm mấu chốt cho các gợi ý chính sách, bằng phương pháp tiếp cận hệ thống, nhóm tác giả tiến hành khảo sát 200 hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh Trà Vinh (năm 2020) theo các nhóm vấn đề sau: (i) Chi phí liên quan đến việc chính thức hóa; (ii) Mối quan tâm về tăng trưởng và khả năng mở rộng; (iii) Các rào cản đối với hình thức doanh nghiệp; (iv) Nhận thức và thực tế; (v) vấn đề thực thi của cơ quan quản lý nhà nước. Kết quả như sau:

(i) Chi phí của chính thức hóa

Thứ nhất, chi phí đăng ký, thủ tục khi hộ kinh doanh chuyển lên hình thức doanh nghiệp là những chí ban đầu của quá trình này, thường khá thấp và không tốn kém nhiều. Thực vậy, có đến 15,7% số hộ kinh doanh được hỏi trả lời rằng, họ cảm thấy rất phiền phức và ngại khi phải thực hiện các thủ tục đăng ký kinh doanh.

Thứ hai, chi phí hoạt động khi đã chuyển lên hình thức doanh nghiệp. Đây là chi phí định kỳ được quy định chính thức theo pháp luật hiện hành, chi phí này bao gồm một số hạng mục chính, như: các khoản thuế, phí, đóng góp an sinh xã hội; các chi phí tuân thủ đối với lao động và các quy định liên quan và các chi phí liên quan đến tham nhũng của các quan chức quản lý nhà nước. Sau khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, có rất nhiều quy tắc và quy định mà các công ty nhỏ này buộc phải tuân thủ, những chi phí này có thể là nguyên nhân ngăn cản doanh nghiệp phát triển quy mô. Chính vì thế, một số lượng lớn các doanh nghiệp nhỏ nhận thấy, nghĩa vụ thanh toán thuế thu nhập và các loại thuế, phí khác là trở ngại và phần lớn các doanh nghiệp này cố gắng duy trì quy mô dưới ngưỡng để tránh tuân thủ hoặc lựa chọn hình thức sản xuất hộ kinh doanh cá thể. Các quy định lao động, đặc biệt là các quy tắc tuyển dụng và sa thải nghiêm ngặt cũng khiến các doanh nghiệp gặp nhiều trở ngại. Một tỷ lệ lớn tài chính của các doanh nghiệp trong giai đoạn đầu phát triển được chi cho các khoản bồi thường cho nhân viên và đóng góp an sinh xã hội. Cùng với đó, các doanh nghiệp mới, các công ty đã đăng ký không được trả lương cho nhân viên của họ dưới mức lương tối thiểu, nếu không sẽ bị phạt nặng bởi điều chỉnh pháp lý về luật liên quan đến người lao động.

Thứ ba, trái ngược với những lợi ích của việc ở không chính thức, cũng có một số chi phí liên quan đến việc không chính thức. Các hộ kinh doanh cá thể thường là các mô hình kinh doanh ở quy mô gia đình, nhỏ và siêu nhỏ cả về tài sản và lao động. Các hộ kinh doanh thường tận dụng lao động là người nhà, người thân để giảm chi phí nhân công. Hầu hết các lao động gia đình thường không được trả công theo quy định. Các lao động này thường không có trình độ, tay nghề và hiệu suất làm việc thấp. Những hiện tượng này ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của các cơ sở, buộc họ phải hoạt động với tỷ suất lợi nhuận thấp.

Thực trạng và giải pháp thúc đẩy chuyển đổi lên doanh nghiệp của hộ kinh doanh tại tỉnh Trà Vinh
Thời gian qua, phát triển doanh nghiệp của tỉnh Trà Vinh vẫn còn nhiều hạn chế. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, họ cũng gặp rất nhiều khó khăn khác trong vấn đề phát triển sản xuất, kinh doanh, như: Huy động nguồn vốn, tiếp cận tín dụng để mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh; Khó tìm kiếm được một đơn hàng lớn và các đối tác (bên mua hàng, nhà cung cấp) uy tín, chất lượng và làm ăn lâu dài; Khó tiếp cận thị trường hiện đại để bán hàng hóa và dịch vụ.

(ii) Mối quan tâm về tăng trưởng và khả năng mở rộng

Các hộ kinh doanh cá thể hoạt động trong môi trường phi chính thức phải đối mặt với những thách thức tồn tại nghiêm trọng, đặc biệt là do sự cạnh tranh từ các nhà sản xuất lớn. Gần 50% các hộ kinh doanh cá thể được khảo sát cho biết rằng, hoạt động kinh doanh của họ đang giảm sút và sẽ tiếp tục như vậy trong tương lai. Hầu hết các cơ sở này hoạt động với tỷ suất lợi nhuận thấp (48,0%) và đã bị ảnh hưởng bởi giá nhập khẩu rẻ hơn, cũng như sự chuyển dịch mua hàng của người tiêu dùng sang thị trường bán lẻ có tổ chức (51,5%). Vì hầu hết không chắc chắn về sự phát triển trong tương lai hoặc thậm chí sự tồn tại, nên họ có nhiều khả năng chống lại việc làm thủ tục đăng ký chính thức.

(iii) Các rào cản đối với hình thức doanh nghiệp

Bên cạnh các chi phí về tiền để đăng ký và hoạt động dưới hình thức một doanh nghiệp trong khu vực chính thức, hầu hết các hộ kinh doanh cá thể đều không có nhận định tích cực về việc chính thức hóa do: (i) Phức tạp về giấy tờ và tài liệu, đối phó với sự quan liêu, mất thời gian đáng kể trong các quy trình khác nhau của cơ quan nhà nước; (ii) Sợ không tuân thủ theo luật pháp và các quy tắc do thiếu hiểu biết; (iii) Sợ thanh, kiểm tra và sách nhiễu từ các quan chức và Nhiều yếu tố khác, như: sợ nhân viên trở thành một phần của công đoàn… Gần 75% hộ kinh doanh được hỏi cho biết rằng, họ không thích thay đổi thói quen kinh doanh, do mong muốn có một cuộc sống ổn định.

(iv) Nhận thức của các hộ kinh doanh/doanh nghiệp và thực tế

Hầu hết các hộ kinh doanh cá thể tin rằng, chi phí của việc chính thức hóa lớn hơn nhiều so với chi phí đối mặt với rủi ro khi tiếp tục ở lại khu vực phi chính thức. Nhận thức tiêu cực của các hộ kinh doanh cá thể về chi phí đăng ký và sự phức tạp về các thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, các thủ tục đăng ký kê khai thuế, phí môi trường, phòng cháy chữa cháy… đều xuất phát từ quan niệm sai lầm và thiếu nhận thức trầm trọng.

Kết quả điều tra cho thấy, các hộ kinh doanh được hỏi hầu như không hiểu rõ (30%-65%) các quy định pháp lý và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước (chủ yếu là các quy định về các loại thuế, phí phải nộp, quy định về hỗ trợ tín dụng và các quy định về thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường, an ninh, phòng cháy và chữa cháy...) (Hình 6).

Thực trạng và giải pháp thúc đẩy chuyển đổi lên doanh nghiệp của hộ kinh doanh tại tỉnh Trà Vinh

Đặc biệt, những người được hỏi còn phàn nàn về những rào cản đối với hình thức doanh nghiệp. Cụ thể, trên 70% người được hỏi xác định rằng, việc tuân thủ thường xuyên và thủ tục giấy tờ là yếu tố cản trở việc đăng ký và là rào cản để duy trì hình thức doanh nghiệp và gần 81% cho biết, họ sẽ phải trả những hình phạt rất lớn cho việc không tuân thủ các quy định, nhất là các quy định về tuân thủ chế độ sổ sách kế toán, chứng từ pháp lý. Trên 60% người được hỏi phàn nàn về các loại phí bảo hiểm, phúc lợi xã hội phải trả cho người lao động là quá nhiều.

(v) Vấn đề về thực thi của các cơ quan quản lý nhà nước

Sự tồn tại phổ biến của kinh tế phi chính thức cũng phản ánh việc thực thi pháp luật và thủ tục yếu kém. Theo khảo sát, hầu hết những hộ kinh doanh/doanh nghiệp đều cho rằng việc đăng ký là không cần thiết, vì nó không được thực thi hợp pháp và không có lợi ích lớn. Gần 80% hộ kinh doanh được hỏi tin rằng, không có lợi ích lớn nào mà các công ty đã đăng ký có thể gặt hái được và do đó họ (66,7%) không có ý định thay đổi hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.

Thêm vào đó, tỷ lệ các hộ kinh doanh không đồng ý về mức độ thực thi các chính sách hỗ trợ đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay tại Trà Vinh là hiệu quả và mang lại lợi ích đối với doanh nghiệp là rất lớn, dao động trong khoảng từ 60%-80% số người được hỏi (Hình 7).

Thực trạng và giải pháp thúc đẩy chuyển đổi lên doanh nghiệp của hộ kinh doanh tại tỉnh Trà Vinh

Chính vì vậy, tỷ lệ hộ/doanh nghiệp được hỏi về vấn đề dự định mở rộng quy mô, tăng sản lượng hay thậm chí ý định thay đổi hoạt động kinh doanh sang hình thức mới vào năm tới đều có câu trả lời là “Không thay đổi” chiếm trung bình khoảng 55%-90% (Hình 8).

Thực trạng và giải pháp thúc đẩy chuyển đổi lên doanh nghiệp của hộ kinh doanh tại tỉnh Trà Vinh

NHỮNG GIẢI PHÁP CẦN THỰC HIỆN TRONG THỜI GIAN TỚI

Trên cơ sở phân tích thực trạng, quá trình chuyển đổi lên doanh nghiệp của hộ kinh doanh thời gian qua, nhóm tác giả đề xuất các giải pháp sau nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi lên doanh nghiệp của hộ kinh doanh tại tỉnh Trà Vinh:

Về phía Chính phủ

- Cần giảm chi phí gia nhập và hoạt động cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa được chuyển lên từ hộ kinh doanh.

- Cần phổ biến nhận thức về lợi ích của việc đăng ký doanh nghiệp và đảm bảo dễ dàng tiếp cận tài chính và thị trường cho các doanh nghiệp nhỏ để họ có thể phát triển doanh nghiệp của mình và cũng có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn hơn. Cần có nhiều biện pháp hỗ trợ và xây dựng lòng tin khác nhau để cho phép các doanh nghiệp nhỏ đăng ký và sản xuất, kinh doanh tốt hơn.

- Chính sách thiết kế ưu tiên các ưu đãi có thể đẩy mạnh khuyến khích cho các hộ kinh doanh chuyển sang hình thức chính thức để họ có thể tồn tại trên thị trường cùng với các đối thủ lớn hơn. Hơn nữa, thiếu cơ hội việc làm trong khu vực chính thức cũng buộc mọi người phải lựa chọn khu vực phi chính thức. Chính phủ cần mở rộng và thúc đẩy các chương trình phát triển kỹ năng để người lao động có thể kiếm được một sinh kế ổn định.

Về phía tỉnh Trà Vinh

- Cần phổ biến nhận thức về lợi ích của việc chính thức hóa so với chi phí của nó. Ngoài ra, các biện pháp khác nhau đang được Chính phủ thực hiện để đơn giản hóa các quy định, khuyến khích và giảm thiểu chi phí, cũng như các bước thực hiện để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cần được thúc đẩy trên quy mô lớn.

- Cần tiếp tục nỗ lực đơn giản hóa quy trình đăng ký, có thể xem xét thiết kế các chương trình đổi mới cho phép các doanh nghiệp phi chính thức thử nghiệm đăng ký và đánh giá lợi ích thực sự, mà không cần bất kỳ khoản phạt và tiền phạt nào./.

Tài liệu tham khảo:

1. Chính phủ (2018). Nghị định số 37/2018/NĐ-CP, ngày 11/3/2018 quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

2. Cục Thuế tỉnh Trà Vinh (2020). Báo cáo tình hình hoạt động năm 2020

3. Cục Thống kê tỉnh Trà Vinh (2020). Niên giám Thống kê tỉnh Trà Vinh năm 2019, Nxb Tổng cục Thống kê

4. Lê Thị Thu Diềm (2020). Các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định “chính thức hóa” của các hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 30, tháng 10/2020


[1] Chỉ tính trên số hộ kinh doanh/doanh nghiệp đã biết hoặc đã tìm hiểu về các quy định về pháp luật đối với đăng ký kinh doanh và hỗ trợ DNNVV

TS. Lê Thị Thu Diềm – Trường Đại học Trà Vinh

TS. Tất Duyên Thư – Trường Đại học Tây Đô

(Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 29 năm 2021)