Thuế quan không phải là vũ khí duy nhất của Tổng thống Trump trong chiến tranh thương mại
Ông Trump đã tạo ra một nền kinh tế đầy bất ổn thông qua những đe dọa thương mại cũng như những nghi ngờ mà ông gây ra đối với tương lai của những mối quan hệ kinh tế dài hạn nhất của Mỹ. Đó chính là điều khiến các nhà kinh tế học hàng đầu cũng phải bối rối.
"Tôi không thể nghĩ ra chúng ta đã từng chứng kiến cách tiếp cận này trước đây hay chưa", Maurice Obstfeld, nhà kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cho biết trong một bài phỏng vấn.
Ông Obstfeld chỉ ra rằng, bất ổn từ lâu đã được coi là điều tồi tệ với tăng trưởng, kìm hãm đầu tư và làm rối loạn thị trường tài chính. "Không có vị tổng thống nào lại cố tình muốn tăng yếu tố bất ổn trong các quyết định chính sách của khu vực kinh tế tư nhân", ông cho biết thêm.
Ý định của ông Trump là dùng sự bất ổn để ngăn các công ty đầu tư ra ngoài nước Mỹ, đồng thời gây rạn nứt nền kinh tế của các quốc gia ông đang đàm phán. Thông điệp ở đây là nếu không muốn bất ổn, hãy xây nhà máy ở đây và giúp nước Mỹ vĩ đại trở lại.
Một thứ vũ khí lợi hại khác mà Tổng thống Trump sử dụng đó là gia tăng sự bất ổn
Những kết quả không đáng kể
Tuy nhiên, cho đến nay thì hầu như không có bằng chứng nào cho thấy cách tiếp cận này mang đến những kết quả đáng kể. Ngược lại, lại có những dấu hiệu cho thấy ông Trump đang phải giải quyết những bất cập của chiến lược này.
Bằng chứng rõ ràng nhất là hôm thứ Ba (04/12), khi thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc tới hơn 3%. Đây chính là phản ứng của các nhà đầu tư đối với thông tin về quyết định đình chiến giữa Mỹ và Trung Quốc sau cuộc gặp của lãnh đạo hai nước cuối tuần trước.
Cổ phiếu lại tiếp tục lao dốc hôm thứ Năm (06/12) theo sau thông tin về vụ bắt giữ vị nữ giám đốc của tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei tại Canada, người được yêu cầu dẫn độ về Mỹ. Vụ việc này có khả năng khiến xung đột Mỹ - Trung trở nên tồi tệ hơn.
Dữ liệu mới cũng cho thấy thâm hụt thương mại của Mỹ đã mở rộng lên mức cao nhất trong một thập niên qua vào tháng 10 và đạt kỷ lục với Trung Quốc.
Ảnh hưởng xấu không chỉ xảy ra với Phố Wall, mà sự thiếu ổn định một phần do chính sách của ông Trump còn kéo tụt đầu tư tại Mỹ, từ các bang tập trung vào nông nghiệp tại Mỹ (do thuế trả đũa của Trung Quốc) đến các khu trung tâm công nghiệp. Dĩ nhiên, công bằng mà nói thì không phải toàn bộ điều này đều do ông Trump hay thương mại.
Trong một báo cáo Beige Book do Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) công bố vào hôm thứ Tư (05/12), Fed đã nhấn mạnh tác động của việc tăng lãi suất và sự thắt chặt trong thị trường lao động trong việc sự lạc quan của các doanh nghiệp Mỹ ngày càng suy giảm. "Nhiều công ty đã hoãn kế hoạch đầu tư, do triển vọng bất ổn", nhất là về thương mại, Fed Minneapolis cho biết.
“Luôn tồn tại những mối nguy hiểm và tác hại từ việc ông Trump sử dụng sự bất ổn như một thứ vũ khí trong chiến tranh thương mại”, Steven Davis, Giáo sư tại Trường kinh doanh Booth thuộc Đại học Chicago, người đã xây dựng bộ chỉ số bất ổn về chính sách kinh tế cho biết. "Tôi không biết có tổng thống Mỹ nào khác dùng cách này không, nhưng rõ ràng là nó gây tổn hại đến lợi ích của cả Mỹ và các nước khác".
Một ảnh hưởng khác dễ thấy là sự sụt giảm trong đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Mỹ. Năm 2017, vốn đầu tư dài hạn từ nước ngoài đổ vào Mỹ giảm 40% so với năm trước đó. Trong quý II năm nay, FDI vào Mỹ giảm lần thứ 6 kể từ năm 1982, theo số liệu cung cấp bởi Nancy McLernon, người đứng đầu Tổ chức Đầu tư Quốc tế - đại diện cho các công ty nước ngoài đầu tư vào Mỹ.
Những tác động ngược lại
McLernon cho biết hầu hết các công ty thành viên đều chọn hoãn đầu tư hơn là hối hả đổ tiền vào xây dựng nhà máy mới. Điều này đặc biệt đúng với các doanh nghiệp có nhà máy sản xuất tại Mỹ để xuất khẩu sang Trung Quốc hoặc các nước khác đang mắc kẹt trong chiến tranh thương mại với Mỹ. "Căng thẳng thương mại có tác động hoàn toàn ngược lại với mục đích ban đầu của nó", bà nhận xét.
Xu hướng này là rất rõ ràng đối với các công ty như Harley Davidson, hãng đã quyết định chuyển nhà máy sản xuất của mình từ Mỹ sang châu Âu do thuế quan trả đũa mà EU áp đặt. Tương tự như vậy, BMW cũng ghi nhận việc xuất khẩu sang Trung Quốc từ một nhà máy ở Nam Carolina – nhà máy lớn nhất của hãng này trên thế giới – đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi thuế quan trả đũa có hiệu lực từ tháng Bảy của Trung Quốc.
Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu mới nhất, IMF tính toán chỉ riêng việc niềm tin toàn cầu suy giảm do chiến tranh thương mại đã khiến tăng trưởng thế giới mất 0,1%. Năm tới, GDP toàn cầu được dự báo tăng 3,7%. Tuy nhiên, tác động trên diện rộng mà sự bất ổn gây ra với các quyết định đầu tư và kinh tế toàn cầu rất khó định lượng, Obstfeld cho biết.
Đối với ông Trump, “mặt khác của vấn đề là dường như không có điều gì có thể khiến sự bất ổn ra đi mãi mãi để giúp cho các doanh nghiệp trở lại hoạt động như bình thường”, Obstfeld cho biết.
Bất ổn ngày càng gia tăng
Một ví dụ là việc Mỹ ký hiệp định NAFTA mới với Canada và Mexico tuần trước, và thông báo của ông Trump về việc rút khỏi hiệp định NAFTA cũ. Động thái này nhằm gây sức ép buộc đảng Dân chủ phê chuẩn hiệp định mới. Tuy nhiên, nó cũng ngay lập tức khôi phục tình thế bất ổn đã khiến doanh nghiệp Bắc Mỹ lo lắng trong hai năm qua.
Điều tương tự cũng xảy ra giữa mối quan hệ Mỹ - Trung và nỗ lực của ông Trump trong việc đạt được một thỏa thuận với Chủ tịch Tập Cận Bình. Bất cứ một thỏa thuận nào cũng đều cần hơn 90 ngày để đạt được. Thậm chí, nếu có, thỏa thuận đó cũng có thể chỉ là sự chắp vá của các điều khoản nhượng bộ hơn là giải quyết được tận gốc sự bất ổn.
"Tôi không nghĩ rằng chúng ta sẽ thấy một món hời lớn với một dải ruy băng gắn trên nó nói rằng những vấn đề này đã được giải quyết", Wendy Cutler, người từng là một nhà đàm phán thương mại cấp cao của cả hai chủ tịch đảng Cộng hòa và Dân chủ và hiện nay làm việc tại thị trường châu Á.
Một lý do có thể là sự thực mà ông Trump sắp phát hiện ra. Trong bất kỳ một phòng đàm phán nào, Cutler cho biết, chính sự bất ổn sẽ làm mất đi toàn bộ lợi thế của người đàm phán./.
Bình luận